Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời câu hỏi về hạnh phúc


Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời câu hỏi về hạnh phúc của một phóng viên phương Tây
- Thưa Ngài : Rất nhiều người phương Tây được dạy, phải chọn lựa giữa hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc của người khác. Và họ được bảo lựa chọn đúng đắn nhất là hy sinh hạnh phúc chính mình.
Xung đột giữa hạnh phúc của bản thân và người khác không hề xuất hiện trong Đạo Phật với tôn chỉ thực hành tôn giáo đem đến lợi ích cho chính mình và người khác.
Vậy làm thế nào Ngài khuyên mọi người hạnh phúc là không ích kỷ và có thể quan tâm đến lợi ích của bản thân lẫn người xung quanh?
- Đức Đạt Lai Lạt Ma : Chẳng có xung đột nào cả vì quan tâm đến hạnh phúc của người khác là con đường tốt nhất để đạt được hạnh phúc của riêng bạn. Trông như bạn lo lắng cho người khác hơn bản thân, nhưng thực ra bạn đang có những lợi ích lớn nhất.
Cội nguồn của tâm trí hạnh phúc và cơ thể khỏe mạnh là thái độ, tinh thần của bạn. Chỉ nghĩ cho riêng mình một cách ích kỷ tạo ra rất nhiều lo âu, cô đơn, sợ hãi và giận dữ. Điều này không hề tốt cho tâm trí và sức khỏe. Các nhà khoa học đã nói, sợ hãi và giận dữ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ thống miễn dịch.
Chúng ta là những sinh vật bầy đàn. Hạnh phúc của một cá thể phụ thuộc vào cộng đồng. Thái độ ái kỷ đối lập với điều đó. Bạn sẽ tạo khoảng cách với người khác vì ích kỷ và cảm thấy mình vô cùng quan trọng.
Giờ hãy thử nhìn theo cách khác, khi bạn quan tâm đến hạnh phúc người khác. Thái độ này tất nhiên trái ngược với sự ích kỷ. Một cách logic, tất cả những suy nghĩ tiêu cực do ái kỷ sinh ra giảm xuống khi bạn coi trọng người khác. Hãy nhìn vào cách họ cười. Nếu thấy ai đó cười thật tươi, chúng ta sẽ cảm thấy an bình hơn. Nhưng nếu họ cười giả tạo, tôi nghĩ, đó là biểu hiện cho thấy họ đang tự tách biệt.
Trẻ em được nhận tối đa tình cảm từ cha mẹ và bạn bè thường rất hạnh phúc. Nhưng nếu phụ huynh thể hiện bộ mặt tiêu cực hoặc trừng phạt, chúng sẽ trở nên bất hạnh. Đó là bản chất con người. Không cần đến triết học hay nghiên cứu khoa học. Chúng sinh đã trải qua điều này ngay từ thưở lọt lòng.
Tôi thường kể, người đầu tiên dạy tôi về lòng từ bi chính là mẹ tôi. Nếu bà không phải một người tình cảm, tôi có lẽ đã trở thành một con người khác, đầy nghi ngờ và thiếu an toàn. May mắn thay, mẹ rất từ bi và tôi đã nhận được đầy đủ tình cảm từ bà ấy. Ai cũng vậy thôi.
Do đó, kết luận ở đây là tình cảm cùng sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác chính là con đường tốt nhất để được hạnh phúc, khỏe mạnh và sống lâu. Bạn không cần thuốc an thần nếu giữ cho trái tim mình đong đầy tình cảm. Tôi đã thực hành và tìm thấy lợi ích to lớn cho bản thân.
"Cội nguồn của tâm trí hạnh phúc và cơ thể khỏe mạnh là thái độ, tinh thần của bạn" - Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

Điều kỳ diệu từ “NGÀY NHÀ GIÁO”


Cô Thompson là chủ nhiệm lớp 5, mỗi khi đứng lớp thường nói với học sinh của mình những điều to tát, bóng bẩy…vốn không là niềm tin của cô khi trở về cuộc sống hàng ngày. Cô nhìn các em và tuyên bố: cô coi tất cả các học sinh như nhau và yêu quí tất cả như nhau… Thực ra cô luôn ưu ái hơn về chỗ ngồi và điểm số với những em con của các Phụ huynh “có ảnh hưởng” đến Trường và có thể giúp đỡ được cô lúc nào đó khi cần đến.

Nhưng có một học sinh tên là Tenny, chuyển từ trường khác đến, khiến cô để ý : không hòa đồng, quần áo xộc xệch, tóc tai không tươm tất… Thực ra điều đặc biệt khiến cho cô Thompson rất không có thiện cảm với Tenny chính là vào ngày Nhà Giáo cậu bé đó thay vì mang đến tặng cô món quà đẹp, thậm chí có giá trị như các học sinh khác… thì cậu bé lại đợi đến cuối cùng, rụt rè tiến đến bên bàn cô với một hộp giấy nhỏ đã cũ được bao gói bằng giấy tạp hóa và buộc dây rất vụng về.

Cô lịch sự nhận và khá khó khăn mới mở ra được, bên trong là một vòng tay giả Kim cương thiếu mất vài hột và một lọ nước hoa để trần chỉ còn non nửa. Các học sinh ngồi dưới chăm chú thấy vậy cười ồ lên. Điều đó tự nhiên khiến cô thoáng giận cậu, dù cố gắng cười nhạt kèm theo một câu cảm ơn nhưng vô hồn.

Từ đó…mỗi khi chấm bài cô thường lướt nhanh qua bài của Tenny không khó khăn gì cũng thấy có nhiều lỗi, và cố gắng cho cậu điểm ít tệ nhất, nhưng như vô thức cô còn đánh dấu trên bài của cậu một chữ “F” hoặc ‘B’. Còn hồ sơ học sinh của cậu luôn bị cô xếp dưới cùng, không có nhu cầu muốn xem nó.

Tuy thế nhà trường có qui định buộc Giáo viên Chủ nhiệm phải đọc hồ sơ của học sinh… rồi cũng đến trường hợp của Tenny, càng đọc cô giáo càng chăm chú :

Giáo viên lớp Một nhận xét : Tenny là một học sinh thông minh vui vẻ, em làm bài đầy đủ, đạo đức tốt.

Giáo viên lớp Hai nhận xét : Tenny có học lực xuất sắc, được bạn bè yêu mến, nhưng em gặp khó khăn vì mẹ đang bị ung thư giai đoạn cuối.

Giáo viên lớp Ba nhận xét : Cái chết của mẹ Tenny là khó khăn to lớn đối với em, phải rất cố gắng em mới vượt qua được để đi học bình thường, vì thiếu sự quan tâm của người bố.

Cô giáo lớp Bốn nhận xét : Tenny rất lãnh đạm, khép kín, thiếu chú ý và đôi khi còn ngủ trong lớp, Trường học quá xa nhà. Có lẽ em sẽ tích cực hơn khi được quan tâm tốt .

Đến bây giờ cô Thompson mới nhận thấy và từ sâu thẳm tự thấy xấu hổ vô cùng với bản thân.

Hôm sau bước vào lớp Cô Thompson ngồi xuống giành 1 phút đeo vào cổ tay chiếc vòng, mở lọ nước hoa mà Tenny đã tặng ngửi nhẹ rồi thấm một chút lên chiếc vòng đó, trước khi bắt đầu giảng. Sau khi tan lớp cô giữ cậu lại trao đổi việc học tập. Cậu bé nhận ra và rất cảm động khẽ nói : cô ngửi nước hoa rất giống mẹ em. Cô Thompson đã khóc nhiều sau đó.

Kể từ hôm ấy Cô giành nhiều thời gian quan tâm và khuyến khích Tenny. Trí nhớ , sự hoạt bát, niềm phấn khởi học tập của cậu dần được hồi phục và mỗi tuần qua đi khá lên rất nhiều, đến mức trở thành một trong vài học sinh xuất sắc nhất của toàn Khối 5. Bây giờ cô Thompson vẫn nói yêu tất cả các em học sinh, nhưng trong thâm tâm cô yêu quí nhất Tenny.

Ngày cuối của lớp 5 đã kết thúc. Đưa tiễn Tenny ra cổng trường, cô cúi xuống ôm chặt Tenny vào lòng thầm thì : Tạm biệt em, chúc em những ngày sau luôn vui khỏe và giỏi giang như em đã từng cho cô thấy như thế !

Tenny nói bên tại cô : Cô tốt nhất với em. Em yêu Cô’. Cầm tay cô lên, Tenny áp má mình vào cổ tay cô trong những buổi lên lớp luôn đeo vòng kim cương giả thiếu vài hột với mùi nước hoa cậu đã tặng… như có nước mắt. Đứng lên tạm biệt nhưng cô Thompson vẫn đứng mãi đó vẫy tay chào như gửi theo cậu lời khích lệ khi dáng hình gầy nhỏ của Tenny đã xa khuất hẳn…

Một lần nữa Tenny lại phải chuyển đi học ở trường khác xa nơi đó. Nhiều năm sau cô thường thư từ thăm hỏi động viên cậu và Tenny kể với cô mọi chuyện vượt qua khó khăn trong học tập và cuộc sống hàng ngày…

Rồi đến Mùa Xuân năm ấy, cô nhận được thông báo từ Tenny, chàng trai đó đã tìm được cô gái của đời mình và quyết định kết hôn. Anh phân vân hỏi cô: liệu cô có đồng ý ngồi ở vị trí thường dành cho mẹ của chú rể trong buổi lễ thành hôn hay không. Cô rất cảm động nói : Tenny yêu quí, Cô rất vinh dự được như vậy em ạ. 

Vào ngày cưới, cô đến dự đeo trên tay vòng Kim cương giả với mùi nước hoa mà mẹ Tenny vẫn dùng trong dịp Giáng sinh cuối cùng của bà khi bên anh. Họ ôm chầm lấy nhau, như có nước mắt Tenny thầm thì : ‘Cô như Mẹ em ! Cô đã giúp em thay đổi, em yêu và biết ơn Cô’. Khẽ thì thầm, cô Thompson đáp lại lòng đầy xúc động : ‘Không, chính em mới là người dạy cô thay đổi chính mình. Cô đã không biết cách dạy học, chưa thực biết sống đúng với một người giáo viên cho đến ngày khi được hiểu về em hơn’….



Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

Vị trạng nguyên Đại Việt quá giỏi vua Minh phải tìm cách diệt đi để trừ hậu họa

Vào những năm 1380, Nhà Minh tạo nhiều sức ép nhằm có cớ để xâm chiếm Đại Việt, hàng năm yêu cầu Đại Việt phải cung cấp lương thực, tăng nhân (nhà sư), các loại cây ăn quả quý, cấp 50 thớt voi để đánh quân phản loạn ở Quảng Tây…

Các yêu cầu của nhà Minh ngày càng vô độ nên triều đình cần người tài giỏi đi sứ nhằm xoay chuyển tình thế. Bấy giờ nhà Trần ở vào thời mạt, quyền lực trong triều dần bị Hồ Quý Ly nắm lấy. Hồ Quý Ly khi tìm người thì thấy chỉ có mình Đào Sư Tích từng đỗ trạng nguyên là có thể đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên lúc này Đào Sư Tích chán cảnh Hồ Quý chuyên quyền nên đã cáo quan về quê bốc thuốc và dạy học.

Khi Hồ Quý Ly triệu Đào Sư Tích vào triều có ra lệnh nếu Đào Sư Tích không hồi triều đi sứ sẽ bị tru di tam tộc. Đề phòng dòng họ bị sát hại, Đào Sư Tích đã đổi con cháu sang họ Phạm rồi mới về triều. (Sau này lại có người đổi từ họ Phạm sang họ Dương. Ngày nay từ đường họ Đào ở Cổ Lễ quê của Đào Sư Tích, thuộc huyện Nam Chân, sau đổi là huyện Nam Trực, phủ Thiên Trường, nay thuộc huyện Nam Ninh, Hà Nam Ninh có bức đại tự ghi là Đào – Phạm – Dương. Bên cạnh đó, có một nhánh con cháu họ Đào đổi sang họ Nguyễn).

Chuyến đi sứ này Đào Sư Tích đã thuyết phục nhà Minh bỏ và giảm nhẹ nhiều lệ cống nạp hàng năm, trong đó bỏ hẳn được việc cống nạp tăng nhân, góp phần quan trọng kéo dài thời gian hòa hoãn cho Đại Việt.

Tài năng của Đào Sư Tích khiến triều đình nhà Minh cũng phải e ngại, Khi thời hạn đi sứ sắp hết, vua Minh có hỏi Đào Sư Tích rằng: “Nếu Bắc đánh Nam thì ai thắng”.

Đào Sư Tích bèn ngâm hai câu thơ trả lời:
Bắc thắng, Nam thua, thua thua thắng
Nam thua, Bắc thắng, thắng thắng thua.

Câu trả lời của Đào Sư Tích khiến các quan võ cười khoái trá nhưng vua Minh và các quan văn thì không thể cười được, bởi hai câu thơ này có đến 5 chữ “thắng”, 5 chữ “thua”. Ngụ ý nhà Minh tiến đánh Đại Việt thì 5 thắng 5 thua tức không thể thắng được.

Vua Minh lại hỏi tiếp: “Nhà Trần suy vong, Hồ Quý Ly chuyên quyền, lòng dân ly tán, tại sao ta không thắng?
Đào Sư Tích cũng lại đáp bằng hai câu thơ:

Trần thực, Hồ hư, hư hư thực
Cổ lai chinh chiến thực thực hư hư
Nghĩa là:
Nhà Trần là thực, Hồ chỉ là hư, hư là hư thực
Xưa nay chinh chiến thực thực hư hư
.

Biết không dễ gì khuất phục được một người giỏi như Đào Sư Tích, vua Minh liền nghĩ cách giết đi. Vua trao cho vị quan chuyên tiếp đón Đào Sư Tích bốn phong thư và dặn rằng phải mở theo thứ tự.

Viên quan này mở phong thư thứ nhất thấy có câu “thượng văn vấn, hạ tri vương” nhưng không hiểu ý là gì bèn hỏi Đào Sư Tích.
Đào Sư Tích giải thích rằng:  Vua Minh có ý bảo ta là thánh nhân đó mà. Vua Minh quá khen, cho ta là bậc thánh hiền. Ta đâu dám nhận lời khen đó.”

Sau đó vị quan mở phong thư thứ 2, đây chính là đáp án giải nghĩa cho phong thư thứ nhất, đúng như những gì Đào Sư Tích đã giải nghĩa.
Phong thư thứ ba là sắc phong Đào Sư Tích làm lưỡng quốc trạng nguyên, tức trạng nguyên của cả Trung Hoa lẫn Đại Việt.

Phong thư thứ tư có hai dòng chữ:
Hậu hoạ
Nhất dược nhị đao

Vị quan này hiểu rằng đây là mệnh lệnh phải giết Đào Sư Tích bằng đao hoặc độc dược nên ông rất buồn bã. Nhìn vẻ mặt của vị quan này Đào Sư Tích đoán được sự việc liền an ủi rằng: “Thánh thì thoát tục. Ông chẳng nên quá buồn rầu. Chỉ xin cho được chết bằng thuốc độc để ông khỏi phải khổ tâm khi phải trực tiếp giết ta”.

Thi hài Đào Sư Tích được đưa về nước mai táng tại Phủ Thiên Trường. Sau khi mất, ông đã được người dân lập đền thờ tại nhiều nơi.

Tại di tích lịch sử văn hoá nhà thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích của Bảo tàng Nam Hà chép rằng: “Theo truyền thuyết và tư liệu lịch sử thì khi ông mất tại đất Trung Quốc có 23 người, ngựa của nhà Minh đã hộ tống thi hài Trạng nguyên Đào Sư Tích về an táng tại quê hương xứ Hạ Đồng theo lời di chúc của ông…”

Cuộc đời của Đào Sư Tích đã đi vào tâm thức dân gian, ca dao cũng như lời hát ru con của người dân nơi quê ông:

Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ.
Kim ngôn có tự bao giờ
Trạng nguyên Sư Tích bấy giờ Duệ Tông
Bảy tuổi đắc phong thần đồng,
Hữu tài thành chủ hàm công rõ rành.
Thi Hương, thi Hội, thi Đình,
Đứng đầu Đại Việt, anh minh sáng ngời.



Tranh vẽ trạng nguyên Đào Sư Tích. (Tranh qua thuvienlichsu.com)

Theo trithucvn.

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Vua sám hối – Bức tượng độc nhất vô nhị Việt Nam được ghi vào sách kỷ lục Guinness

Năm niên hiệu Vĩnh Trị (1678), vua Lê Hy Tông đã ra sắc lệnh đuổi hết tăng ni cả già cả trẻ lên rừng, ai ngoan cố không đi sẽ bị khép vào trọng tội và đem ra xử trảm, khiến Phật giáo thời kỳ này rơi vào thảm cảnh. Chùa chiền bỏ hoang, các nhà sư phải bỏ lên rừng, nhiều người không chịu được đói rét đã phải hoàn tục.


Thiền sư Tông Diễn đến trước triều dâng tờ biểu lên vua, trong đó đại ý các vị vua thời Lý, Trần đều hết sức coi trọng Phật giáo, nhờ đó mà quốc gia thịnh trị. Đạo Phật khiến người ta biết sống lương thiện, không sân si, không giết người cướp của, do đó đạo Phật được ví như viên ngọc quý của quốc gia, vậy tại sao đến giờ đạo Phật lại bị phỉ báng, cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã hội…

Vua Lê Hy Tông đọc tờ biểu liền mời thiền sư ở lại chùa Báo Thiên để bàn luận đạo lý, đồng thời ra lệnh thu hồi lệnh bắt tăng ni lên rừng.

Thấm nhuần đạo lý, thành tâm sám hối lỗi trước đó của mình, nên vua Lê Hy Tông cho tạc pho tượng vua quỳ mọp với tượng Phật trên lưng để tỏ lòng thành sám hối.

Nhiều người khi nhìn bức tượng này cho rằng đây là một sự trừng phạt khi thấy Đức Phật ngồi trên lưng một vị vua đang khom mình. Nhưng nhà sư Thích Tâm Hoan, trụ trì chùa Hòe Nhai – nơi đặt pho tượng độc nhất vô nhị này đã giảng giải ý nghĩa rất sâu sắc của pho tượng :

“Dáng quỳ gối phủ phục sát mặt đất của tượng vua thể hiện một sự quy phục tuyệt đối. Đó là sự hối lỗi chân thành, một sự thay đổi xuất phát từ sâu sắc trong tim chứ không gượng ép và do đó đây là một sự nhận lỗi, sửa sai chứ không phải là một sự trừng phạt”,


Bức tượng do vua Hy Tông sai tạc, ngoài việc để sám hối với Đức Phật vì hành vi đắc tội khinh nhờn của mình, ông còn gửi gắm lời nhắn nhủ rằng, tất cả mọi người hãy tu thân sửa lỗi để sống tốt hơn. Nhất là những quan lại nắm chức và cầm quyền trong tay thì lại càng phải xem lại chính mình. Pho tượng không chỉ là một sự hoài cổ, mà còn là bài học lưu truyền cho muôn đời sau.

Cũng kể từ đó, vua Lê Hy Tông được mệnh danh là vị vua anh minh đức độ nhất thời Lê Trung Hưng với hơn 30 năm trị vì đất nước trong thanh bình.

Thế nên người trị vì muốn lưu danh muôn thuở, thu phục lòng dân thì chỉ có thể thực hành đạo đức. Đạo đức đó muôn đời đều là từ chính tín, chính đạo giáo dưỡng mà nên.


Ảnh : Tượng vua Lê Hy Tông quỳ mọp với tượng Phật trên lưng tại chùa Hòe Nhai (Chùa Hoè Nhai tên chữ là Hồng Phúc tự ở số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội).

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

Bức tranh tuyệt đẹp giáo dục Phần Lan.


Từ một quốc gia không có tên trên bản đồ giáo dục thế giới, Phần Lan gây bất ngờ khi đứng đầu bảng xếp hạng của chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) trong lần đầu khảo sát vào năm 2000 và liên tục nằm trong vị trí top đầu những kỳ khảo sát sau đó.
Những lý do làm nên thành công lớn lao của Phần Lan trong giáo dục toàn cầu :
* Ít thời gian ở trường = Nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
Học sinh ở Phần Lan sẽ bắt đầu đi học khi năm lên 7 tuổi. Những đứa trẻ của họ vẫn được là những đứa trẻ, học qua việc chơi và khám phá hơn là việc ngồi gò bó ở trong lớp học. Những đứa trẻ bắt đầu đến trường khi chúng thực sự sẵn sàng và tập trung để học.
* Ít thời gian giảng dạy = Nhiều thời gian lên kế hoạch hơn
Theo OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) , trung bình một giáo viên Phần Lan dạy 600 giờ mỗi năm tức là khoảng 4 hoặc ít hơn 4 tiết dạy mỗi ngày. Trung bình một giáo viên ở Hoa Kỳ có thời gian dạy gần gấp đôi với hơn 1.080 giờ giảng dạy trên lớp mỗi năm. Điều này tương đương với 6 hoặc hơn 6 tiết dạy mỗi ngày. Hệ thống này cho phép giáo viên Phần Lan có nhiều thời gian hơn để lên kế hoạch và ý tưởng cho giờ dạy của mình. Điều đó cho phép họ tạo ra sự tuyệt vời, và những giờ học đầy hấp dẫn.
Giáo viên được đào tạo để giải những bài kiểm tra của chính mình thay vì những bài kiểm tra được chuẩn hóa.
* Ít giáo viên = Nhiều sự chắc chắn và quan tâm
Học sinh tiểu học ở Phần Lan thường có chung giáo viên trong 6 năm học. Cùng một giáo viên sẽ quan tâm, giáo dục và định hướng sự giáo dục cho nhóm học sinh trong 6 năm. Và bạn nên tin tưởng hơn rằng trong 6 năm này với 15-20 học sinh, những giáo viên này sẽ tính toán nhu cầu giảng dạy riêng và kiểu học riêng cho mỗi học sinh. Những giáo viên này biết mỗi học sinh của họ đang ở mức độ nào và có thể đi đến đâu. Họ theo dõi sự tiến bộ của những đứa trẻ và sự quan tâm cá nhân có đầu tư khi nhìn những đứa trẻ thành công và đạt được mục tiêu của chúng. Nếu có bất kỳ sự kỷ luật hay những vấn đề về hành vi, giáo viên sẽ ngăn chặn và xử lý nó trong suốt 6 năm học.
* Ít nhận ứng viên = Nhiều hơn sự tự tin trong đội ngũ nhà giáo
Những đứa trẻ sẽ có cùng một giáo viên trong 3 đến 6 năm học. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu đứa trẻ của bạn có một giáo viên dở tệ? Ở Phần Lan chắc chắc rằng sẽ không có giáo viên dở. Giáo dục tiểu học là tấm bằng có tính cạnh tranh nhất tại Phần Lan.
Các sở giáo dục tiểu học ở Phần Lan chỉ nhận 10% số ứng viên và từ chối hàng nghìn ứng viên mỗi năm. Để trở thành một giáo viên không chỉ là người có bằng cấp sáng giá nhất, mà họ phải trải qua một loạt các buổi phỏng vấn và xem xét về tính cách cá nhân. Vì vậy giáo viên là người giỏi nhất trong lớp chưa đủ, bạn cần phải có những khả năng ứng biến tự nhiên để giảng dạy.
* Ít giờ dạy = Thêm sự nghỉ ngơi
Học sinh có 3 đến 4 tiết học một ngày, đồng thời có giờ giải lao, giờ ăn nhẹ... 15 đến 20 phút này sẽ giúp họ tiêu hóa những gì mình đang học, sử dụng sức lực, duỗi thẳng đôi chân, hít thở không khí trong lành và lắc lư để thư giãn hệ thần kinh trong những lần nghỉ ngơi. Học sau khi có hỗ trợ hoạt động thể chất cần thiết cho trẻ để học được nhiều hơn.
Giáo viên cũng có những giờ nghỉ ngơi này. Giáo viên cấp 2 thường có 10 đến 20 phút nghỉ ngơi giữa các tiết. Phòng nghỉ ngơi của giáo viên khác nhau tùy vào trường học nhưng thường có một vài chiếc bàn, ghế, một bình cà phê, một phòng bếp, một chút thức ăn nhẹ và hoa quả, và ở đây các giáo viên có thể nói chuyện và trao đổi. Thậm chí một vài người còn sử dụng cả ghế mát xa.
* Ít kiểm tra = Học nhiều hơn
Hãy tưởng tượng tất cả những điều thú vị mà bạn có thể làm với sinh viên của mình nếu không có một bài kiểm tra khổng lồ hiện ra lờ mờ trên đầu của bạn mỗi năm. Hãy tưởng tượng sự tự do bạn có thể có là nếu lương của bạn không phải liên quan đến điểm thi của học sinh. Hãy tưởng tượng bài học sẽ trở nên thú vị và kích thích như thế nào! Mặc dù nó vẫn còn những tồn tại, nhưng sẽ có ít áp lực hơn đối với giáo viên ở Phần Lan trên từng trang giáo án.
Giáo viên chỉ đơn giản tin tưởng họ làm tốt và có thể kiểm soát lớp học của họ và nội dung học của lớp. Giáo viên có thể dám liều lĩnh thử những điều mới và tạo ra sự thú vị và những giáo án đầy hấp dẫn và điều đó cho phép học sinh của họ trở nên sẵn sàng thực sự khi bước vào thực tế. Họ có thời gian để dạy những kỹ năng phát triển, dạy học sinh biết làm thế nào để bắt đầu một dự án và làm việc có hệ thống để thực hiện mục tiêu.
* Ít topic = Thêm bề sâu
Ở Phần Lan, giáo viên có thời gian của họ. Học sinh chỉ có một vài tiết học toán trong tuần. Thực tế, sau học sinh lớp 7 chỉ có một tiết toán một tuần! Điều này thật không thể tin nổi, liệu thế có đủ cho kỳ thi! Nhưng không, họ không có kỳ thi. Những học sinh phải hiểu thực sự trước khi họ bị buộc phải học một topic mới. Vì thế không cần quá vội vàng khi ép bọn trẻ học quá nhiều. Đối với HS, họ không hề bị quá căng thẳng hay có ý nghĩ từ bỏ!
* Ít bài tập về nhà = Nhiều sự tham gia
Theo OECD, học sinh Phần Lan có bài tập về nhà ít nhất trên thế giới. Trung bình họ có nửa giờ hoặc 1 tiếng làm bài tập về nhà mỗi tối. Học sinh Phần Lan không có giáo viên hoăc bài học thêm ở ngoài. Điều này thật khiến cho chúng ta càng ngạc nhiên hơn khi họ luôn có số điểm cao hơn những học sinh Châu Á – người phải học thêm hàng giờ bên ngoài. Học sinh Phần Lan sẽ hoàn thành những gì cần phải làm trên lớp và giáo viên thấy rằng học sinh đã làm đủ những gì có thể ở trên trường.
Không có một áp lực nào khiến họ phải làm hơn những điều cần thiết để học một kỹ năng. Thường thì các bài tập được mở và kết thúc và không thực sự được phân loại. Học sinh học tập một cách siêng năng ở trên lớp. Thậm chí chỉ là bài tập gợi ý làm nếu có thể, HS cũng sẽ tập trung chú ý cho đến hết tiết học. Điều đó giống như thể là sự đồng ý không nói ra từ phía học sinh rằng: “Cô sẽ không giao bài tập về nhà nếu em có thể làm luôn ngay trên lớp”. Cơ chế giảng dạy này thực sự khiến tôi nghĩ về cả tá bài tập mà giáo viên giao hàng ngày.
* Ít cấu trúc = Nhiều tin tưởng
Niềm tin là chìa khóa cho toàn hệ thống không có cấu trúc này. Thay vì trở nên lo ngại về một hệ thống giáo dục khác và tạo ra hàng tấn những cấu trúc, luật lệ vòng vèo và những kỳ thi để xem hệ thống có hoạt động hay không, họ chỉ đơn giản tin vào hệ thống.
Xã hội tin tưởng những trường học với đội ngũ giáo viên giỏi. Nhà trường tin tưởng vào đội ngũ giáo viên đã được đào tạo chất lượng cao và trao cho họ quyền tự do tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho học sinh của họ.
Cha mẹ của học sinh tin tưởng giáo viên tự đưa ra quyết định để giúp những đứa trẻ của họ học và trưởng thành. Giáo viên tin tưởng rằng học sinh của họ có thể học và đạt được lợi ích của việc học. Học sinh tin tưởng giáo viên của họ sẽ cho họ công cụ mà HS cần để thành công.
Ở Phần Lan, chính phủ đưa ra các quyết định chính sách giáo dục dựa trên sự hiệu quả, không chịu khống chế của các thế lực bên ngoài như tiền bạc hay quyền lực chính trị. So với Mỹ, thì giáo dục Phần Lan ít mang tính chính trị hơn và mang tính chuyên môn hơn.
Xã hội tin tưởng vào hệ thống với nền giáo dục được sự tôn trọng xứng đáng. Nó hoạt động và không hề phức tạp. Phần Lan đã làm cho hệ thống giáo dục của nó đi đúng hướng.

Dạy con theo kiểu nào ?


Cách sống và đời sống của cha mẹ là bài học lớn nhất dành cho con. Phương pháp này có thể nói vui là “dạy con bằng cách... không dạy gì hết”. Thay vì chỉ nỗ lực dạy con, cha mẹ còn phải nỗ lực “dạy mình”. Khi cha mẹ tìm ra chính mình, sống với chính mình và giữ được chính mình thì cũng sẽ giúp con biết cách tự làm được điều đó.
“Thế nào là con người?”, “Mình muốn con mình trở thành người như thế nào?”, và “Làm sao giúp con mình trở thành người như thế?”. Hai câu hỏi đầu người ta thường không quan tâm, chỉ quan tâm đến câu thứ 3. Như vậy rất nguy hiểm.
Gia đình lâu nay phó thác cho nhà trường, nhà trường phó thác cho nhà nước, trong khi nhiều bậc cha mẹ chưa ý thức đủ nhiều cho vai trò của mình trong giáo dục con cái.
Nhà trường có vai trò của nhà trường, nhà giáo có vai trò của nhà giáo, nhà nước có vai trò của nhà nước, nhưng cha mẹ cũng có vai trò của mình. Ai làm việc nấy. Chỉ khi tất cả các chủ thể của giáo dục làm đúng và làm tốt công việc của mình thì mới mong có “sản phẩm” giáo dục tốt được.
Để giáo dục tốt, trước hết là cần có triết lý giáo dục. Lâu nay người ta thường trông chờ triết lý giáo dục từ nhà nước. Có lẽ không cần phải như vậy, vì nhà nước sẽ có triết lý giáo dục của nhà nước để phát triển công dân, nhà trường và nhà giáo cũng cần có triết lý giáo dục của mình để dạy học trò, cha mẹ cũng cần có triết lý giáo dục để dạy dỗ con cái, và chính bản thân mỗi chúng ta cũng cần có triết lý giáo dục để “giáo dục bản thân”.
Triết lý giáo dục không phải là độc quyền của nhà nước.
Đối với các bậc cha mẹ, khi trả lời được cả 3 câu hỏi căn cốt nói trên thì cũng là lúc chúng ta xác định được triết lý giáo dục của riêng mình cho việc giáo dục con cái.
Hiện nay có mấy kiểu dạy con :
Một là nói cho con nghe những điều mình nghĩ rằng con nên biết. Cách thứ hai là trả lời câu hỏi của con. Cách này hiệu quả hơn vì con hỏi là con quan tâm. Cách thứ ba là hỏi để con trả lời, hay nói cách khác là để con “dạy” mình và mình làm “học trò” của con. Có nhiều cha mẹ tuy không biết chữ, nhưng lại có những đứa con thành người và thành tài là vì vậy.
Nhưng cách thứ 4 mới là hay nhất. Đó là không dạy gì hết! Nếu cứ cố dạy con thì nhiều khi không dạy được gì mấy. Dạy con bằng cuộc sống, bằng cách sống của mình. Cách sống và đời sống của cha mẹ là bài học lớn nhất dành cho con. Tôi gọi vui đó là “dạy con kiểu nguyên con”, còn nói cho văn vẻ thì đó là dạy con theo phương pháp “thân giáo”.
Đây không phải là dạy con theo kiểu “làm gương” cho con như cách chúng ta vẫn thường hiểu. Cách làm gương rất phản giáo dục và rủi ro. Ví dụ đi trên đường, không có ai thì vượt luôn đèn đỏ. Đến khi chở con thì dừng đèn đỏ để làm gương cho con. Nhưng có lúc quên, cha mẹ sẽ vượt đèn đỏ luôn, thành ra “tổ trác” trước mặt con. Làm gương là cố tình diễn cho con thấy, nhưng bản chất lại không phải vậy. Còn “nguyên con” hay “thân giáo” là “hiện nguyên hình” trước mặt con.
Nếu cha mẹ hư hỏng nhiều thì cũng khó mà dạy con theo kiểu này. Nhưng nếu muốn, ai cũng làm được, chứ không cần phải người giỏi giang hay cao quý mới làm được. Bởi lẽ, chúng ta không cần phải trở thành người hoàn mỹ trước mặt con, vì trên đời này có ai hoàn mỹ đâu. Có thể mình còn có mặt này mặt khác chưa tốt, nhưng về cơ bản, nếu mình là người chăm chỉ và lương thiện thì có thể thoải mái “hiện nguyên hình” trước mặt con rồi.
Con cái và cha mẹ có mối liên hệ và gắn bó với nhau cho đến chết, do vậy mình không thể “diễn” suốt đời được, mệt lắm! Nếu sống với con cái mà mình cũng không được là mình thì có lẽ là cả đời này mình cũng không có mấy cơ hội để “được là mình” nữa. Đó là một bi kịch.
Đấng sinh thành nào cũng thương con, nhiều người đã vì con mà tu tâm sửa tính để con khỏi hư. Như vậy, khi sửa mình và nâng mình lên thì không chỉ để dạy con, mà còn để được là chính mình, để được sống “nguyên con”, sống cuộc đời của con người tự do.
Chia sẻ của nhà giáo Giản Tư Trung


Kẻ tiểu nhân sao mà lắm thế ?


  • Nền pháp trị chỉ trừng trị được kẻ tiểu nhân, còn nền đức trị lại thành tựu người quân tử

    Người hiền là người đức hạnh cao thượng, có tài tế thế. Tiêu chuẩn lựa chọn nhân tài của người xưa là Tài, Đức, nhưng không coi tài và đức ngang nhau, mà vô cùng coi trọng tác dụng thống soái và chủ đạo của đức đối với tài, đặt đức ở vị trí đứng đầu: “Tài là trợ giúp đức, đức là thống soái của tài”.

    Tư Mã Quang đời Bắc Tống dùng quan hệ giữa đức và tài phân chia thành 4 loại người:

    ·        Tài đức vẹn toàn là Thánh nhân
    ·        Bất tài vô đức là người ngu
    ·        Đức hơn tài là quân tử
    ·        Tài hơn đức là tiểu nhân

    Khi dùng người, tốt nhất là chọn Thánh nhân, thứ nhì là chọn quân tử, nếu không có thì chọn người ngu, chớ không bao giờ chọn tiểu nhân. Vì người có tài mà vô đức (tiểu nhân) là nguy hiểm nhất, so với người bất tài vô đức (người ngu) thì xấu xa hơn nhiều.

    Tiêu chuẩn nhất quán sử dụng nhân tài của hoàng đế Khang Hy đời Thanh là: “Quốc gia sử dụng nhân tài, lấy đức hạnh làm gốc, tài nghệ là ngọn”, “Tài đức đều tốt là tốt nhất, còn có tài mà vô đức thì không bằng có đức vô tài”.

    Có dùng đức quản lý chính sự hay không có quan hệ đến người nắm quyền lực trong tay có mưu cầu hạnh phúc, lợi ích cho dân chúng hay không, có liên quan đến phong khí của quan lại, dân chúng và sự an nguy của chính quyền.

    Từ xưa đến nay, quan lại có phẩm đức cao thượng, giữ gìn tiết tháo chính là nền móng của nền chính trị liêm khiết trong sạch. Những quan lại như thế này thì trong bất kỳ lúc nào cũng coi lợi ích của dân chúng ở vị trí đứng đầu. Đây cũng chính là giá trị của việc dùng người chỉ bổ nhiệm người hiền.

    Trái lại, dùng người chỉ bổ nhiệm người thân chỉ có thể khiến quốc gia và dân tộc suy yếu, nguy hiểm và tiêu vong. Vì những người này lấy lợi ích cá nhân làm nền tảng, khiến ham muốn cá nhân càng ngày càng lớn, kẻ vô đức hoành hành, họa hại vô cùng. Trong lịch sử xưa nay, kẻ loạn thần hại nước, kẻ nghịch tử hại nhà, đều không phải do kẻ bất tài mà do những kẻ vô đức gây ra đại họa.

    Ngày nay đạo đức xã hội đang trượt dốc mỗi ngày ngàn dặm, vậy nên việc khôi phục văn hóa truyền thống có ý nghĩa trọng đại. Pháp luật chỉ có thể ước thúc được hành vi con người, còn đạo đức mới có thể ước thúc được nhân tâm.

    Nền pháp trị chỉ trừng trị được kẻ tiểu nhân, còn nền đức trị lại thành tựu người quân tử. Con người chỉ có nghiêm khắc tuân thủ tâm pháp đạo đức thì mới có thể bước trên con đường chính đạo của cuộc đời, thì mới có thể có được tiền đồ quang minh, thì mới có thể khiến dân chúng có phong khí thuần chính, vạn sự hưng thịnh, thiên hạ thái bình.

       Nền pháp trị chỉ dành cho kẻ tiểu nhân là người có nhân cách thấp kém, họ làm việc hay làm người đều không trọn đạo, trước mặt (người khác) là người nhưng sau lưng (người khác) là quỷ.

MỤC LỤC BÀI ĐĂNG 2018 - 2013

( Cách tìm bài : Bạn nhấn Ctrl+F để mở cửa sổ và gõ từ cần tìm vào, bài cần tìm sẽ được đánh dấu và bạn chỉ cần nhấp chuột vào đó là có ngay bài cần đọc)




▼  tháng tám (9)

▼  tháng sáu (11)






▼  tháng mười một 












      tháng hai 
           tháng sáu 
                      tháng ba (1)