Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023

Ba báu vật vô giá trong cuộc đời

 

BA BÁU VẬT VÔ GIÁ TRONG CUỘC ĐỜI

Trời có tam bảo là Mặt trời, Mặt trăng và các Vì sao.

Đất cũng có tam bảo là Nước, Lửa, Gió.

Con người có tam bảo là Tinh, Khí, Thần.

Lão Tử cũng có tam bảo là Nhân từ, Cần kiệm, Không dám đứng trước thiên hạ.

 

Tam bảo của trời đất khống chế vạn vật, tam bảo của con người hun đúc tâm hồn, tam bảo của Lão Tử biểu hiện ra trong đối nhân xử thế.


Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử nói: Ta có ba báu vật, luôn giữ ở bên mình. Một là “nhân từ”, hai là “cần kiệm”, ba là “không dám đứng trước thiên hạ”.

Nhân từ mới có thể dũng, cần kiệm cho nên có thể rộng rãi, không dám đứng trước thiên hạ mới có thể thành tài đức lưu danh muôn thuở.

 

Lão Tử xếp “Từ” là đứng đầu trong tam bảo. “Từ” chính là “từ tâm”, “từ tâm” chính là tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, sự quan tâm và yêu thương.

Trong “Đạo Đức Kinh” Lão Tử giảng: Nhân từ mới có thể dũng cảm, người nhân từ hễ đánh trận là có thể thắng, hễ phòng thủ là có thể kiên cố. Trời sẽ cứu họ, dùng sự nhân từ mà bảo vệ họ.

 

Đối đãi với người khác bằng lòng nhân từ, thực tâm thiện đãi người khác mới có thể khơi dậy dũng khí trong lòng họ. Ngô Khởi, tướng quốc ở Sở, dù ở phương diện khác thì tham lam và háo danh.

Nhưng khi dụng binh thì cùng ăn mặc như người lính bậc thấp nhất, lúc ngủ không trải chiếu, đi không ngồi xe, thân hành mang lương thực, cùng chia khó nhọc với quân sĩ. Điều này đã khiến các binh sỹ sẵn sàng xả thân vì ông.

 

“Từ” là mỹ đức cao đẹp được truyền từ đời này qua đời khác của người xưa. Bởi vì có từ tâm nên mới có thể thấu hiểu người khác, mới có thể thông tình đạt lý, mới biết cách dùng người.

Trên đời này nếu có một thứ có thể khiến người khác cam tâm tình nguyện đi theo mình thì đó chính là đối đãi với họ bằng từ tâm.

 

“Kiệm” nghĩa là dù “có” nhưng không dùng cạn kiệt, mà bồi dưỡng, tích lũy, không xa hoa lãng phí.

Tư tưởng “sùng kiệm” của Lão Tử là một trong những nền tảng quan trọng trong việc bảo thân dưỡng đức của người xưa.

 

Vào thời Tam Quốc, Tào Tháo yêu cầu bản thân: “Quần áo của ta đều dùng cả 10 năm”. Sau khi chết ông cũng dặn dò người nhà và thuộc hạ rằng: “Khâm liệm bằng thường phục” và “Không tàng trữ bạc vàng, ngọc ngà châu báu”.

 

Trong một bức thư Tăng Quốc Phiên gửi cho người em của mình, ông cũng chỉ ra rằng: “Anh em ta nếu muốn lưu lại chút phúc khí cho đời sau, thì ngoài hai chữ cần kiệm ra không còn cách nào khác”.

  

Về chữ “kiệm”, người xưa có rất nhiều những câu danh ngôn truyền đời, như “Cần cù bù thông minh, tiết kiệm có thể dưỡng đức”, “Mỗi ngày tiết kiệm một sợi dây, trăm ngày có thể bện thừng dắt mũi trâu”. Điều này thể hiện một cách đầy đủ đức hạnh tiết kiệm, giản dị từ xưa tới nay của cổ nhân. “Sùng kiệm dưỡng đức” không chỉ giúp nhân phẩm bản thân người đó thăng hoa, mà còn khiến đắc được lòng người.

 

Làm người không cần kiệm, ưa xa hoa lãng phí, thì vất vả, ngược xuôi cả một đời. Làm quan mà không cần kiệm, thích ăn chơi hưởng thụ, lại thường sinh lòng tham lam, vơ vét của dân, bán dân hại nước cuối cùng cũng chỉ là “danh lợi thoảng qua như mây khói”, gia bại thân liệt.

 

Trong cuộc sống hiện thực ngày nay, rất nhiều người đều có suy nghĩ “không  muốn đứng sau người khác”. Phàm là những việc có lợi thì ai nấy đều liều mình tiến về phía trước, chứ không cam tâm ở lại đằng sau.

Nhưng Lão Tử lại đề xuất một phương pháp xử thế ngược lại: “Không dám đứng trước thiên hạ”.

 

“Không dám đứng trước thiên hạ” là một trí huệ nhân sinh. Từ xưa đến nay, người có đức thường khiêm nhường lui về ở ẩn. “Không dám đứng trước thiên hạ” có vẻ như thoái lùi, nhưng về bản chất “thoái” lại chính là “tiến”. Cho nên mới có đạo lý “Bậc thánh nhân đặt mình phía sau mọi người nên được ở phía trước”.

 

Nguyên tắc xử thế “không dám đứng trước thiên hạ” xưa nay đều được những danh sỹ nổi tiếng nhiều đời trong lịch sử tôn sùng và truyền bá. Trong cuốn “Phóng Ông gia huấn”, Lục Du, nhà thơ thời Tống nói: “Dù làm quan cao cũng xin được đặt mình ở phía sau”.

Dương Kế Thịnh thời nhà Minh răn dạy con trai rằng: “Đạo sống hòa hợp với người khác, trước tiên là phải khiêm nhường, thành thực.

Cùng làm việc thì không được ngại khó ngại khổ, cùng ăn uống thì không được tham của ngon vật lạ, cùng đi thì không được chọn đường đẹp. Ngủ chung giường thì đừng chiếm chỗ, thà nhường người chứ không để người phải nhường mình”.

 

Tư tưởng “không dám đứng trước thiên hạ” của Lão Tử không phải là khiếp sợ không dám tiến lên, mà là tinh thần “khiêm nhường ôn hòa” lùi mà được tiến. Đây là đạo xử thế rất giàu trí huệ. Giống như biển rộng có thể dung nạp trăm sông bởi biển đặt mình nơi đất thấp.

 

Đời Ảo lấn lướt Đời Thực

ĐỜI ẢO LẤN LƯỚT ĐỜI THỰC

Ngày nay, cuộc sống dường như được chia ra ngoài đời thực và ở trên mạng. Với sự sống chia chẻ làm đôi đó, tâm hồn con người sẽ trở nên thế nào?

Đời ảo xen giữa đời thực: "Giờ người ta một nửa sống trong đời thực, một nửa sống trên mạng". nó trở nên hiển nhiên và bình thường.

Cuộc sống hai phần ấy không chỉ đơn thuần là việc ai đó cặm cụi chỉnh một bức ảnh trước khi đăng mạng để sống "ảo" với lời khen, tiếng chê.

Họ thực sự sống trong môi trường ảo đó, coi nó quan trọng không thua gì đời thực để phải đầu tư thời gian, công sức, tài sản. Vậy nên, đời sống ảo đó có quyền lực chi phối suy nghĩ, hành vi của không ít người.

 

Theo bài báo điện tử vnexpress.vn năm 2019, thì trung bình người Việt dành ra 06 tiếng 52 phút mỗi ngày để online.

Không ít người than vãn: họ không có đủ thời gian trong một ngày. Rất có thể, chìm trong không gian số chính là nguyên nhân thực sự cho việc không có thời gian tập thể dục, đọc sách, tự học hoặc trò chuyện trực tiếp với người thân.

Chất lượng sống trong đời thực từ từ hòa vào sự hài lòng trong đời ảo, cho đến khi thực ảo lẫn lộn khiến người ta nương náu vào đời ảo nhiều hơn chăm lo cho đời thực.

 

Muôn nẻo muôn màu

Thế giới ảo có những "phép thuật" của riêng nó để biến điều không thể thành có thể (thậm chí điều không nên thành rất nên). Ví dụ: từ tuyên truyền về những hiện tượng tâm linh mang màu sắc mê tín… Ai mải làm, mải học mà không kịp "hóng" thì dễ bị chê bai là "người tối cổ".

Thế giới nghe – nhìn ấy còn rất nhiều thứ đáng sợ và đáng thương. Và đừng quên đối với người lớn, thì khả năng sàng lọc sẽ ít nhiều tốt hơn các bạn nhỏ. Giờ đây ở giữa hai thế giới, tâm hồn của các bạn nhỏ đã, đang bị bóp méo cũng với hàng triệu ảo tưởng quay cuồng trong thế giới ảo.

 

Một vấn đề luôn có hai mặt và giai đoạn chuyển tiếp nào cũng xuất hiện những vấn đề cần được xã hội quan tâm- đặc biệt là quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế tri thức.

Có lẽ đã đến lúc mỗi chúng ta cần ý thức được đời thực và thế giới ảo. Bởi dù tiện ích, hấp dẫn, thú vị đến mấy thì thế giới đó cũng không thuộc về con người. Đó là thế giới của dữ liệu, của thông tin và các con số để phục vụ cho con người, thay vì dẫn dắt, kiểm soát con người.

 

Nếu trong nhịp sống vội vã, chúng ta tiếp tục dành nốt chút thời gian ít ỏi còn lại để hoàn toàn chìm đắm vào thế giới ảo thì sức khỏe tinh thần sẽ ngày càng suy giảm với các vấn đề như stress, trầm cảm, lo âu. Cùng lúc đó, những bạn nhỏ cũng say sưa trong thế giới ảo và biến nhận thức ở thế giới ảo vào cuộc sống đời thực.

 

Lịch sử cho ta thấy xã hội không ngừng phát triển là do quá trình đào thải các nhân tố độc hại cản trở. Các bạn cần sớm nhận thức điều đó mới đủ sức chống lại mặt tiêu cực của thế giới ảo, giành thời gian chăm lo cho đời sống thực cho bản thân mình môt cách tốt nhất.

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới

VIỆT NAM SẼ LÀ MỘT TRONG NHỮNG QUỐC GIA GIÀ HÓA NHANH NHẤT THẾ GIỚI

Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, nhưng cửa sổ vàng này sẽ đóng lại ngay khi chúng ta bước qua mốc “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” như dự định đặt ra trong thập niên tới.

Thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho quá trình tăng trưởng của Việt Nam.

Đây là những thông tin mới trong báo cáo “Việt Nam thích ứng với xã hội già hóa” của Worldbank gần đây. Cụ thể, chúng ta chỉ còn cơ cấu dân số trẻ với nguồn lực lao động dồi dào trong chưa đầy 15 năm nữa, vì đến năm 2035, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già, quá trình già hóa dân số sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và ở mức độ trầm trọng.

Thực ra, những dấu hiệu già hóa đã có từ trước đó: Từ năm 1980 đến năm 2015, dân số cao tuổi của Việt Nam tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các nhóm nhân khẩu học khác.

Tốc độ già hóa nhanh của Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng tốc trong thời gian tới, sẽ biến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới (Pháp cần 115 năm để chuyển đổi sang cơ cấu dân số già, Hoa Kỳ 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc 26 năm, còn Việt Nam sẽ chỉ cần 20 năm). Trước chiều hướng này, Báo cáo ước tính dự kiến đến năm 2049, cứ 5 người Việt Nam sẽ có 1 người thuộc nhóm người cao tuổi.

Nếu trong giai đoạn cơ cấu dân số trẻ, tính đến năm 2014, số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) đạt 6,31 triệu người (6,7% dân số) thì theo kịch bản mức sinh trung bình dự đoán đến năm 2049, số người cao tuổi sẽ tăng mạnh lên 19,6 triệu người, cao hơn gấp ba lần so với năm 2014 và sẽ chiếm khoảng 18,1% dân số.

Già hóa đồng nghĩa với việc lực lượng lao động của Việt Nam dự kiến sẽ giảm gần một phần trăm mỗi năm trong 3 thập kỷ tới, tạo ra những cơn gió ngược bất lợi đối với nỗ lực nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Cho đến nay Việt Nam vẫn đang tăng trưởng dựa vào thâm dụng lao động giá rẻ. Từ năm 1990 đến năm 2018, có gần 25 triệu người Việt Nam đến độ tuổi lao động, tương ứng với mức tăng trưởng lực lượng lao động trung bình hằng năm khoảng 2,5 % và khiến cho lực lượng lao động của Việt Nam tăng gần gấp đôi.

Vì thế, khi Việt Nam chuyển sang cơ cấu dân số già, nhóm tác giả báo cáo dự đoán, tốc độ tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn 2020–2050 có thể bị chậm lại 0,9 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, việc đáp ứng nhu cầu của một xã hội già hóa cũng được dự báo sẽ tiêu tốn thêm từ 1,4% đến 4,6% GDP.

Ví dụ, trong ba mươi năm tới, chi tiêu hằng năm cho chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi được dự kiến sẽ tăng gấp bốn đến năm lần tính theo tỉ lệ trên nền kinh tế.

Với tốc độ già hóa nhanh và mức thu nhập tương đối thấp như vậy, Việt Nam sẽ cần sự thay đổi lớn trong chính sách hưu trí nhằm mở rộng hệ thống hưu trí để có thể bao phủ phần lớn dân số, trong đó có những người ở khu vực phi chính thức hầu như không được hệ thống an sinh hiện nay bao phủ.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cũng cần phải được định hướng lại một cách căn bản, theo hướng chú trọng hơn vào chăm sóc ban đầu và giảm phụ thuộc vào chăm sóc tại bệnh viện, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ sở y tế và tăng cường các biện nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

 

Đồng thời, Việt Nam sẽ cần phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chăm sóc người cao tuổi, do già hóa nhanh chóng cùng với mô hình chăm sóc dựa vào gia đình truyền thống có tính chất không chính thức ngày càng trở nên căng thẳng do quá trình đô thị hóa.


Còn ngay bây giờ, Việt Nam sẽ tận dụng khoảng thời gian vàng ít ỏi còn lại trước khi chuyển sang giai đoạn già như thế nào? Không còn con đường nào khác là phải đầu tư vào nguồn vốn con người bằng giáo dục và đào tạo, đào tạo lại kỹ năng cho người lao động.

 

Ảnh: Adam Jones, Wikimedia Commons.