Ngày lễ kỷ niệm nói chung là ngày chúng ta dành cho sự hồi tưởng,
nhất là để tưởng niệm những nhân vật đã đạt được nhiều thành tựu đặc biệt trong
việc phát triển đời sống văn hóa.
Buổi lễ thân mật này được dành cho những
người tiền nhiệm của chúng ta, ắt là không được quá sơ sài, đặc biệt là khi một
kỷ niệm như vậy về quá khứ lại rất thích hợp để khơi gợi những điều tốt đẹp.
Nhưng lễ kỷ niệm này đáng lẽ phải do một người mà cả thời thanh xuân của người
ấy đã gắn bó với đất nước này và thân thuộc với cả quá khứ của nó đứng ra thực
hiện, chứ không phải một người lang thang qua nhiều quốc gia và thu thập kinh
nghiệm của mình trong đủ mọi thứ xứ sở khác nhau như tôi. Bởi vậy, tôi cũng
không có gì nhiều để phát biểu, ngoài việc nói về những vấn đề trong quá khứ đã
từng và trong tương lai sẽ tiếp tục gắn với những vấn đề của giáo dục, không
phụ thuộc vào không gian và thời gian.
Trong khi cố gắng nói về điều này, tôi không thể đòi hỏi rằng mình
phải có vị trí của một người có thẩm quyền để phát biểu, đặc biệt là thẩm quyền
về trí thông minh và điều thiện- điều này nghĩa là, con người của mọi thời đại
đều phải giải quyết những vấn đề của giáo dục và chắc chắn là đã lặp đi lặp lại
rất rõ ràng quan điểm của họ về những vấn đề này. Làm sao tôi, một
kẻ ngoại đạo trong lĩnh vực giáo dục, có thể can đảm giải nghĩa những vấn đề mà
mình chẳng có cơ sở gì ngoại trừ kinh nghiệm cá nhân và sự tin chắc của bản
thân mình về những điều ấy? Nếu đó thực sự là một vấn đề khoa học, họa may
người ta còn có thể im lặng trước những mối quan tâm như thế. Nhưng những vấn
đề về con người thì khác.
Giáo dục tương tự như bức tượng cẩm thạch đứng trong
sa mạc và liên tục bị đe dọa chôn vùi bởi cát chảy. Luôn luôn cần có những bàn
tay chăm sóc để bức tượng cẩm thạch ấy tiếp tục tỏa sáng trong ánh mặt trời.
Tôi thấy mình cũng cần góp một bàn tay vào chăm sóc bức tượng ấy.
Xưa nay nhà
trường bao giờ cũng là phương tiện quan trọng nhất để chuyển giao sự phong phú
của truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, điều này thậm chí
còn rõ ràng hơn so với các thời đại trước đây, bởi vì trong sự phát triển của
đời sống kinh tế hiện đại, chức năng chuyển giao truyền thống và giáo dục của
gia đình đã suy yếu đi nhiều. Do vậy sự tiếp diễn lành mạnh của xã hội
loài người vẫn phải tùy thuộc vào học đường với tầm quan trọng còn to lớn hơn
cả trước đây.
Nhiều khi người
ta nhìn nhận mục tiêu của nhà trường đơn giản chỉ là chuyển giao một khối lượng
tối đa tri thức nào đó cho thế hệ trẻ. Điều này không đúng. Tri thức thì xơ
cứng và bất động, trong lúc nhà trường phục vụ cho những con người sinh động.
Nhà trường phải giúp từng cá nhân phát triển những phẩm chất và năng lực có giá
trị đối với lợi ích chung của cộng đồng. Nhưng điều này không có nghĩa là cá
tính sẽ bị triệt tiêu và cá nhân trở thành công cụ đơn thuần của cộng đồng như
là con ong hay cái kiến. Bởi lẽ một cộng đồng gồm những thành viên bị tiêu
chuẩn hóa và thiếu vắng sự độc đáo và mục đích cá nhân sẽ là một cộng đồng
nghèo nàn, không có khả năng phát triển. Trái lại, mục tiêu của giáo dục phải
là huấn luyện cho mọi cá nhân đạt đến hành động và suy nghĩ độc lập, đồng thời
đạt đến chỗ nhận thức rõ ràng ý nghĩa quan trọng nhất trong đời sống của mình
là phục vụ cộng đồng. Theo nhận xét của tôi, hệ thống trường học của người Anh
đã đạt đến gần sự nhận thức về lý tưởng này hơn cả.
Nhưng làm cách
nào chúng ta có thể đạt được lý tưởng ấy? Liệu có thể thực hiện được mục tiêu
này bằng cách răn dạy những bài giảng đạo đức? Không thể được. Ngôn từ là – và
chỉ là – những âm thanh rỗng tuếch; con đường dẫn đến diệt vong đã từng được
đồng hành bởi những lời lẽ đầu môi chót lưỡi về lý tưởng. Nhưng nhân cách không
hình thành từ những gì được nghe và nói, mà từ hành động và sự lao động không
ngừng.
Do đó, biện pháp
quan trọng nhất của giáo dục bao giờ cũng phải nhất quán với những giá trị có
thể thôi thúc con người đạt được một thành tựu thực sự. Điều này đúng với việc
tập làm văn của một một em học sinh tiểu học, cũng như luận văn tốt nghiệp của
một vị tiến sĩ, đúng với việc học thuộc lòng một bài thơ, viết một bài tiểu
luận, dịch một đoạn văn, cũng như giải một bài toán, hay tập luyện một môn thể
dục thể thao.
Đằng sau mọi
thành tựu luôn có một động cơ làm nền tảng, và ngược lại, động cơ ấy được nuôi
dưỡng và củng cố nhờ sự hoàn tất mỹ mãn các nhiệm vụ. Ở đây, có những khác biệt
to lớn, và đồng thời, những khác biệt ấy đóng một vai trò quan trọng bậc nhất
đối với giá trị giáo dục của nhà trường. Động cơ đưa đến thành tựu có thể bắt
nguồn từ sự sợ hãi và cưỡng bách, từ khát vọng quyền uy và danh tiếng, hay từ
lòng say mê tìm hiểu, từ khao khát chân lý và tri thức, tính hiếu kỳ mà mọi đứa
trẻ lành mạnh đều có, nhưng thường sớm lụi tàn.
Ảnh hưởng của
giáo dục đối với học sinh thông qua việc thực hiện một nhiệm vụ có thể rất đa
dạng; tùy thuộc vào sự sợ hãi hình phạt, nỗi đam mê vị kỷ, hay những khao khát
khoái lạc và thỏa mãn có tồn tại đằng sau công việc mà đứa trẻ thực hiện hay
không. Không ai có thể khẳng định rằng việc quản lý của nhà trường và thái độ
của người thầy không tạo ra một ảnh hưởng nào đó đến việc hun đúc nền tảng tâm
lý của học sinh.
Đối với tôi, điều tệ hại nhất của nhà trường chủ yếu là việc dùng
sự khiếp sợ, sự cưỡng bách, và quyền hành giả tạo làm phương pháp giáo dục.
Cách thức đối xử như thế sẽ hủy hoại những cảm xúc lành mạnh, lòng trung thực
và tính tự tin nơi học sinh. Nó sản sinh ra loại người chỉ biết phục tòng.
Không có gì ngạc nhiên khi loại trường học đó đã tạo ra nền cai trị của nước
Đức và nước Nga. Tôi cho rằng trường học ở Hoa Kỳ đã tránh được điều này; cũng
như ở Thụy Sĩ và nhiều quốc gia khác. Biện pháp để có thể giữ trường học không
rơi vào tình trạng tệ hại bậc nhất trên xem ra cũng khá đơn giản. Hãy làm giảm
đến mức thấp nhất các biện pháp cưỡng bách trong uy quyền của thầy cô giáo, để
cho nguồn gốc duy nhất của lòng tôn sư nơi học trò là phẩm chất trí thức và nhân
cách của người thầy.
Hai là, cái
được gọi là động cơ, khát vọng, hay nói một cách nhẹ nhàng hơn, mong muốn được
thừa nhận và quan tâm, vốn sẵn có trong bản chất con người. Không có tác nhân
kích thích tinh thần này, sự hợp tác của con người sẽ hoàn toàn không thể thực
hiện được; nỗi ước vọng được nhìn nhận chắc chắn là một trong các mãnh
lực ràng buộc quan trọng nhất của xã hội. Trong mối cảm xúc phức hợp này,
hai lực lượng xây dựng và phá hủy luôn nằm kề cận bên nhau. Ước mong được tán
thành và nhìn nhận là một động cơ lành mạnh, nhưng khao khát được người khác
thừa nhận rằng ta là một cá thể giỏi hơn, mạnh hơn và khôn ngoan hơn những cá
thể khác rất dễ dẫn đến một tâm lý vị kỷ thái quá, có thể làm tổn thương cá
nhân và cộng đồng. Do đó, nhà trường và người thầy phải cảnh giác trước việc áp
dụng những biện pháp dễ dãi để tạo ra tham vọng cá nhân nhằm khuyến khích tính
chuyên cần của học sinh.
Lý thuyết
Darwin về đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên đã được nhiều người mang ra
biện giải như là một khái niệm có thẩm quyền trong việc khuyến khích tinh thần
cạnh tranh. Một số người cũng bằng phương thức này đã cố gắng chứng minh một
cách ngụy biện về mặt khoa học sự thiết yếu của hành động cạnh tranh kinh tế có
tính chất loại bỏ lẫn nhau giữa các cá nhân. Nhưng điều này hoàn toàn sai lầm,
bởi vì con người có được sức mạnh trong cuộc đấu tranh sinh tồn của mình là nhờ
vào một sự thật hiển nhiên rằng chúng ta là một sinh vật có đời sống hợp quần.
Chỉ có rất ít cuộc giết nhau của những con kiến trong tổ là cần thiết cho sự
tồn vong; và đối với từng cá nhân trong cộng đồng nhân loại thì cũng như vậy.
Vì vậy,
chúng ta nên cảnh giác việc in vào tâm trí những người trẻ tuổi cái ý
niệm thông thường rằng thành công là mục đích của cuộc đời; bởi vì người
thành công thường là kẻ nhận được nhiều từ đồng loại của mình, và những gì anh
ta nhận lại thường không tương ứng với những gì anh ta xứng đáng nhận nhờ phục
vụ cộng đồng. Giá trị của một người là ở những gì người ấy đã cho đi,
chứ không phải những gì người ấy có khả năng nhận được.
Động cơ
quan trọng nhất trong học tập và trong đời sống chính là niềm vui có
được qua công việc, sự hạnh phúc khi gặt hái thành quả và khi nhận thức giá trị
của thành quả đối với cộng đồng. Trong việc khơi dậy và củng cố sức mạnh
tâm lý ấy trong thanh niên, tôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất
là của học đường.Chỉ một nền tảng tâm lý như thế mới dẫn đến khát vọng
cao thượng trong việc giành lấy những thành tựu cao cả nhất của con người, đó
là tri thức và kỹ năng thẩm mỹ.
Đánh thức
sức mạnh tâm lý hữu ích này chắc chắn không dễ hơn là cưỡng bách hay khơi dậy
tham vọng cá nhân, nhưng lại có giá trị hơn nhiều. Vấn đề là phát triển khuynh
hướng giống như trẻ con đối với các hoạt động vui chơi và khát vọng thơ ngây
trong việc nhận thức, đồng thời hướng dẫn học sinh tiếp cận các lãnh vực kiến
thức quan trọng của xã hội. Giáo dục chủ yếu được thiết lập dựa trên
khát vọng thành công và ước muốn được thừa nhận. Nếu nhà trường đạt được
hiệu quả theo quan điểm như thế, thì nó sẽ được mọi thế hệ người học tôn trọng
và các bổn phận mà nhà trường giao phó cho họ sẽ được tiếp nhận như một món
quà. Tôi đã biết những đứa trẻ thích được đi học hơn là nghỉ hè.
Loại nhà
trường như vậy đòi hỏi người thầy phải là một nghệ sĩ trong địa hạt chuyên môn
của mình. Điều gì có thể góp phần xây dựng tinh thần này trong nhà trường? Có
một biện pháp chung và đơn giản cho vấn đề này, cũng như cho việc duy trì và
phát triển các đức tính tốt đẹp nơi cá nhân. Tuy nhiên, có một số điều kiện cần
thiết nhất định mà ta có thể đáp ứng được.
Trước hết,
người thầy phải được trưởng thành trong những ngôi trường như thế. Hai là, họ
phải được tự do lựa chọn kiến thức phương pháp giảng dạy. Bởi vì có một thực tế
là lòng yêu nghề của người thầy sẽ bị giết chết bởi những sức mạnh áp chế từ
bên ngoài.
Nếu quý vị
đã chăm chú theo dõi xuyên suốt những ý tưởng của tôi đến đây, thì chắc cũng sẽ
thắc mắc ở một điểm. Tôi đã phát biểu trọn vẹn, theo ý kiến riêng của mình về
việc thanh niên nên được giáo dục trong một bối cảnh tinh thần như thế nào.
Nhưng tôi không nói gì cả về sự lựa chọn môn học và phương pháp giảng dạy. Giáo
dục nhân văn nên chiếm ưu thế, hay giáo dục khoa học và kỹ thuật?
Đối với câu
hỏi này, tôi xin trả lời như sau: theo ý kiến của tôi, tất cả những gì thuộc về
vấn đề này đều nằm ở tầm quan trọng thứ cấp. Nếu một chàng trai đã tập thể dục
và đi bộ để rèn luyện sức chịu đựng của cơ bắp và thể chất của mình, thì tức là
anh ta sẽ có đủ sức khỏe cho mọi công việc lao động chân tay. Điều này cũng
tương tự với việc rèn luyện tinh thần và kỹ năng. Vì vậy, không có gì sai khi
định nghĩa giáo dục như sau: “Giáo dục là những gì còn lại khi người ta đã quên
hết mọi điều được học ở nhà trường”. Vì lẽ đó, tôi không lo về chuyện phải đứng
về bên nào trong cuộc xung đột giữa những kẻ theo trường phái giáo dục nhân văn
cổ điển và những người đề cao nền giáo dục ưu tiên cho khoa học tự nhiên.
Mặt khác,
tôi muốn phản đối ý tưởng cho rằng nhà trường phải trực tiếp giảng dạy những
kiến thức và đem lại những thành quả cụ thể mà người học sau đó phải lập tức sử
dụng được ngay trong cuộc sống. Cuộc sống có những yêu cầu đa dạng đến nỗi việc
đào tạo như thế khó lòng có thể đem lại thành công cho nhà trường. Ngoài ra,
đối với tôi, hơn thế nữa, thật đáng chê trách khi xem cá nhân như là một công
cụ vô tri.
Mục tiêu của nhà trường luôn luôn phải là mang lại cho thanh niên
một nhân cách hài hòa, chứ không phải chỉ giúp họ trở thành một chuyên viên.
Điều này, theo tôi, trong một ý nghĩa nào đó, cũng hoàn toàn đúng đối với các
trường kỹ thuật, những trường mà người học sẽ dành trọn cuộc đời mình cho một
nghề nghiệp chuyên môn cụ thể. Việc phát triển khả năng tổng quát về suy nghĩ
và xét đoán độc lập, luôn luôn phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải việc
thu nhận những kiến thức cụ thể. Nếu một người nắm vững các yếu tố cơ bản của
các môn học và biết cách tự suy nghĩ và làm việc độc lập, chắc chắn anh ta sẽ
tìm được lối đi cho chính mình, và ngoài ra, sẽ có khả năng thích nghi với sự
tiến bộ và những đổi thay của hoàn cảnh tốt hơn những kẻ được đào tạo chủ yếu
để gom góp những kiến thức vụn vặt.
Cuối cùng,
tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng những gì được phát biểu nơi đây, dưới một
hình thức không có ý nghĩa nào khác hơn là một ý kiến cá nhân, được hình thành
chỉ từ những kinh nghiệm cá nhân mà tôi đã thu thập được trong vai trò của một
sinh viên và thầy giáo.
Người dịch: Phạm Thị Ly
( Một số đoạn có tham khảo bản dịch của Cao Hùng Lynh)
Nguồn: Albert Einstein, Out of My Later Years, Philosophical Library Inc., New York, 1950
( Một số đoạn có tham khảo bản dịch của Cao Hùng Lynh)
Nguồn: Albert Einstein, Out of My Later Years, Philosophical Library Inc., New York, 1950
nguồn www.cheer.edu.vn
“Mục tiêu của giáo dục phải là huấn luyện cho mọi cá nhân đạt đến hành động và suy nghĩ độc lập, đồng thời đạt đến chỗ nhận thức rõ ràng ý nghĩa quan trọng nhất trong đời sống của mình là phục vụ cộng đồng. Theo nhận xét của tôi, hệ thống trường học của người Anh đã đạt đến gần sự nhận thức về lý tưởng này hơn cả”- Albert Einstein
Trả lờiXóa