Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Để giúp con bạn sớm trưởng thành hơn

Để giúp con bạn sớm trưởng thành hơn
(Từ trẻ nhỏ cho đến thiếu niên)

Nuôi dạy con không phải là tìm cách để điều khiển con cái mình. Phận làm cha mẹ phải giúp trang bị cho con mình những kiến thức và kỹ năng sống để chúng sẵn sàng ra đời, chứ không phải dạy làm sao để chúng ta nói gì chúng cũng phải nghe theo. Nếu bạn biết cách chỉ con bạn về đúng hướng và cùng lúc tạo cho nó cảm giác những quyết định của nó được tôn trọng thì chắc chắn nó sẽ sớm trưởng thành hơn.
Nếu bạn thực sự muốn đứa con của mình sớm trưởng thành thì hãy ngừng đối xử với chúng như với một đứa trẻ.
Vậy thì làm cách nào để bạn có thể dạy con mà không phải đối xử với con như với một đứa trẻ? Dưới đây là một vài cách thức mà chúng tôi đã áp dụng thành công:
1- Hãy giải thích :  Trẻ con luôn miệng hỏi “Tại sao?” bởi vì chúng thật sự muốn tìm hiểu. Nếu có một lúc nào đó chúng ngừng hỏi thì thường chỉ là vì chúng cảm thấy người lớn đã không còn cho chúng những câu trả lời thỏa đáng nữa.
Khi một đứa trẻ tỏ ra nghi ngờ lời chỉ bảo của bạn thì đó chính là cơ hội tốt để bạn dạy dỗ nó. Lúc bạn giải thích lý do và hoàn cảnh nảy sinh một qui tắc nào đó, bạn đang giúp đứa trẻ hình thành nên khung qui chuẩn đạo đức riêng, và lấp đầy thêm những lỗ hổng giữa những qui tắc đứa trẻ đã biết và chưa biết. Đây là quá trình rất cơ bản cho việc học hỏi tiếp thu của trẻ.
Đưa ra lời giải thích cũng là cơ hội để bạn tự nhìn nhận lại bản thân.
2- Đưa ra một mệnh lệnh hợp lý.  Nếu bạn không có lý do thích đáng cho một mệnh lệnh nào đó của mình, thì đó hẳn là một mệnh lệnh không hợp lý và có lẽ bạn đang quá nghiêm trọng hóa vấn đề.
3- Hãy hỏi con những câu hỏi : Xem xem một cuộc đối thoại của bạn với con sẽ kéo dài được bao lâu nếu như bạn cứ liên tục đặt ra các câu hỏi cho con.
Mới đầu bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy con trẻ có thể nói nhiều đến như vậy. Sau đó bạn sẽ tiếp tục ngạc nhiên khi thấy được tâm lý trẻ thơ lại có thể phức tạp một cách dễ thương đến thế. Và rồi bạn sẽ lại ngạc nhiên lần nữa khi thấy được giá trị của việc cố gắng tìm hiểu con cái mình.
Đối với trẻ, chúng sẽ thích thú khi bạn quan tâm và hỏi han chúng về một ngày chúng đã trải qua, về cảm giác, về sở thích, về những điều nhỏ nhặt vụn vặt chiếm phần lớn mối quan tâm của trẻ.
Đặt câu hỏi là tín hiệu mạnh mẽ nhất từ phía bạn, chỉ ra rằng bạn đang lắng nghe, rằng bạn yêu con mình, và bạn quan tâm đến suy nghĩ của con.
4- Hãy để cho con được lựa chọn. Nhiều trẻ em cảm thấy thất vọng chán chường mà nguyên cơ ban đầu là do chúng cảm thấy mình không có quyền lựa chọn bất kì điều gì trong cuộc sống. Rất nhiều nỗi thất vọng chán chường của bạn cũng có thể nảy sinh từ việc bạn phải đưa ra quá nhiều quyết định nhỏ nhặt mỗi ngày và điều này khiến bạn cảm thấy hao tâm tổn trí.
5- Hãy nhờ con mình quyết định một vài chuyện thay cho bạn (tất nhiên là những chuyện nào chúng đủ khả năng để tham gia, ví dụ như tối nay đi chơi đâu, ăn món gì, v.v.). Nhờ vậy, bạn có thể giải quyết nhiều vần đề cùng một lúc. Con của bạn sẽ cảm thấy mình trở thành một thành viên quan trọng, có tiếng nói trong gia đình khi chúng được quyết định tối nay nhà sẽ ăn món canh gì. Bạn phải san sẻ bớt quyền quyết định của mình cho con. Như vậy chúng sẽ dần học được cách suy nghĩ và đưa ra những quyết định trong cuộc sống.
Cách này có tác dụng hơn bất kì phương cách nào khác, nó có thể ngăn chặn mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái ngay từ trong trứng. Quyết định là của đứa trẻ. Chúng không còn có thể phản đối và kêu rằng điếu đó là bất công được nữa. Đứa con của chúng tôi ngày nao cũng ăn hết phần rau xanh của mình, vì chính nó là người đã lựa chọn món rau đó.
6- Hãy cho con khoảng không gian riêng. Chúng ta thường hay có xu hướng điều khiển con cái mình, khiến con không thể tự mình bắt đầu mọi việc và cũng không thể tự nếm trải thất bại hay sai lầm.
Một đứa trẻ chắc chắn phải vấp ngã rất nhiều lần trước khi nó học được cách bước đi và phải bị sảy chân rất nhiều lần trước khi biết chạy. Bằng cách cho con trẻ khoảng không gian riêng để tự lập, để chúng có thể trải nghiệm những cú vấp ngã hay sảy chân đầu đời, để chúng thử nếm trải thất bại – bạn sẽ giúp con mình học và tiến bộ nhanh hơn.
7- Một nguyên tắc đơn giản bạn có thể dự liệu là hãy tự hỏi bản thân câu hỏi này: “Nếu con tôi làm hỏng việc này, liệu tôi có tốn hơn 100,000đ để sửa lại không, có bị đau gì ngoài một vài vết xước không, hoặc có mất nhiều hơn 1 tiếng đồng hồ để dọn dẹp không?” (Mức ước lượng này thay đổi phụ thuộc tình hình tài chính/ cảm xúc/ thời gian của mỗi người.) Nhưng nói chung, nếu thực sự hậu quả không quá nghiêm trọng, có nhiều lúc bạn nên để con mình tự vấp ngã và học hỏi từ sai lầm của chính nó. Như vậy mới thấm được.
8- Áp dụng cách dạy con mang tính phòng thủ. Hãy loại bỏ những thứ có thể gây ra mâu thuẫn trước khi mâu thuẫn nảy sinh. Như vậy thì cả cha mẹ lẫn con cái đều sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều.
Đối với chúng tôi, điều này nghĩa là để những đồ đạc có giá trị lên cao hơn, cất bớt đi nhiều đồ vật sắc nhọn, và dán đầy giấy vẽ lên phần dưới của các bức tường trong phòng con. Con trai của chúng tôi có thể vẽ lên tường mà không…làm hỏng bức tường trong nhà. Nó có thể nghịch ngợm trong khi chúng tôi có thể yên tâm nó sẽ không làm hỏng thứ gì quý giá.
9-Cần có những bản sao cho những thứ nếu cần để cho con có những cuốn sách riêng, bút riêng và vật dụng riêng của mình. Nhờ vậy mà nó không phải đi loanh quanh để “mượn” đồ của cha mẹ hết lần này đến lần khác nữa.
10-Nhờ con giúp đỡ. Trẻ em luôn mong muốn được giúp đỡ người khác. Nếu cứ làm tất cả mọi thứ cho con thì cha mẹ chỉ đang đối xử với con như thể con là trẻ sơ sinh và đang khiến trẻ dần có thói quen dựa dẫm. Làm cha mẹ mà thấy con cái luôn cần đến mình là một điều tuyệt vời, nhưng mặt khác cũng rất mệt mỏi.
Hãy đề nghị con giúp rửa bát đĩa. Đề nghị con tách vỏ trứng giúp bạn. Đề nghị con di chuyển đồ vật, quét dọn vệ sinh nhà cửa.
Khi con cái lớn hơn, hãy đề nghị con chia sẻ với bạn những công việc phù hợp hoặc cao hơn một chút so với lứa tuổi của con. Việc ấy sẽ tạo thử thách cho con cái và khiến chúng cảm thấy mình gần gũi với cha mẹ hơn. Và lời đề nghị này như một sự nhờ vả chứ không phải một mệnh lệnh, vì như vậy chúng sẽ cảm thấy bị ép buộc.
Bạn có nhớ lần đầu tiên cha mẹ nhờ bạn giải quyết một vấn đề của gia đinh không? Bạn có nhớ cái cảm giác phấn khích vô cùng lúc bấy giờ không? Tại sao không tạo một cảm giác như vậy cho một đứa trẻ lên 3?
Hãy trao tặng cho con những “món quà” này thật thường xuyên. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi biết con cái bạn mong muốn được giúp đỡ đến thế nào.

Tóm lại, đối xử với con như với một người trưởng thành sẽ khiến bạn không cần đến bất kỳ loại “kỷ luật” nào.
Trừng phạt, tước đoạt, khen ngợi, phê bình, xoa dịu, và rất nhiều những điều khác nữa mà nhiều người đã thực hiện không thực sự hiệu quả đối với việc dạy con cái có cách ứng xử tốt. Thường thì những cách đó chỉ khiến con trẻ có những phản ứng ngược, luôn trông chờ được khen ngợi, hoặc khiến con trẻ mất tập trung.
Thực hành được những điều trên có thể sẽ thay đổi thói quen của bạn, và sau một vài tháng bạn sẽ ngạc nhiên trước tính cách tự lập của đứa trẻ. 

Chúc bạn thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét