Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Ở đời có mấy cái bã

Người ta kể chuyện rằng vua Càn Long khi du Giang Nam, một lần đứng trên một ngọn núi, nhìn ra biển thấy thuyền buồm qua lại rất nhiều, hỏi một vị đại thần: “Hàng trăm chiếc thuyền đó đi đâu vậy?”. Vị đại thần đáp chỉ trông thấy có hai chiếc, một chiếc tên Danh, một chiếc tên Lợi.
Một vị hoà thượng bảo đệ tử người có học tránh được cái bã Lợi, nhưng chỉ hạng vĩ nhân mới tránh được cái bả Danh. “Tránh cái lợi dễ hơn tránh cái danh.
Ngay những bậc ẩn sĩ, những bậc tu hành cũng mong được người ta biết đến mình. Họ muốn giảng kinh thuyết pháp trước đám đông, chứ không muốn ở ẩn trong một cái am nhỏ mà đàm đạo với một đệ tử như chúng mình lúc này đây”.
Có ba loại bả chứ không phải hai: Danh, Lợi và Quyền. Và một tiếng có thể gồm cả ba, tiếng Thành công. Nhiều người đã có đủ Danh và Lợi rồi còn muốn thống trị người khác nữa. Khi đã bị mê hoặc vì Danh và Quyền rồi thì người ta còn phải nô lệ nhiều cái bã khác nữa. Không khi nào ngừng được.
Nhưng còn một bã tuy phụ thuộc nhưng cũng rất mạnh, rất phổ biến, tức cái thời thượng, cái “mốt”. Rất ít người có đủ can đảm sống theo ý mình lắm. Démocrite nghĩ rằng giải thoát cho nhân loại được hai nỗi sợ: sợ Thượng Đế và sợ chết, là cống hiến cho nhân loại được nhiều rồi.
Nhưng như vậy chúng ta vẫn còn một nỗi sợ nữa, sợ ông hàng xóm. Dù hữu ý hay vô tình, chúng ta cũng đóng vai diễn trên sân khấu là cuộc đời, và muốn đóng trò sao cho vừa ý khán giả để được khán giả vỗ tay. Nhưng vỗ tay càng lớn thì ở hậu trường, tim ta đập càng mạnh.
Không có gì biểu thị cái trí óc hẹp hòi, nhỏ mọn bằng thái độ một anh chàng cạo giấy tự cho mình là tôn quí, hoặc một chú trọc phú mới phát mà khoe châu bảo, hoặc một văn sĩ còn ấu trĩ tưởng mình đã vào hàng bất tử mà đâm ra kiểu cách, không tự nhiên, giản dị nữa.
Bản năng đóng trò của ta thăm căn cố đế đến nỗi chúng ta thường quên rằng còn có một đời sống thực để sống ngoài cái đời trên sân khấu. Vì vậy chúng ta cặm cụi, hổn hển làm việc, không phải sống cho chúng ta, hợp với bản năng của ta mà để được xã hội tán thành; chúng ta y như những “cô gái già may áo cưới cho người” trong câu tục ngữ Trung Hoa (Vị tha nhân tác giá y thường).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét