Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Học sinh Băng rừng đến trường


Băng rừng đến trường, những Học sinh ở thôn H'Mông thật đáng yêu.

Học sinh ở thôn H'Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M'Gar (Đắk Lắk) phải băng rừng đến trường, gần nhất là 4km điểm trường nằm trong rừng và xa nhất là 17km ở ngay trung tâm xã Ea Kiết.

Ông Hoàng Văn Páo, trưởng thôn H’Mông, cho biết thôn được thành lập từ cách đây gần 20 năm khi những hộ đồng bào Mông, Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào đây. Đến nay vẫn không đường, không điện và gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Hiện có khoảng 150 học sinh tiểu học và THCS hằng ngày băng rừng đến các điểm trường. 4 giờ  sáng, học sinh lớp 4 ở thôn H’Mông cùng hẹn nhau tại bìa rừng, để cùng đi đến trường, đường rừng đến trường lầy lội và dốc, học sinh phải dắt bộ trong đêm tối.

Từ 9-10g sáng, các học sinh từ khối lớp 4 đến lớp 9 phải băng rừng, vác xe qua suối để đến trường ở trung tâm xã Ea Kiết để học buổi chiều. Em Trương Thị Vương, học sinh lớp 8 Trường THCS Hoàng Văn Thụ, cho biết vì nhà ở cuối thôn nên từ 9g phải đạp xe đi cho kịp buổi học chiều. 

Vương không ăn trưa mà tranh thủ đi học sớm, hôm nào bố mẹ cho 5.000 đồng thì ăn cái bánh, không có thì nhịn đến tối. “Trời mưa bố mẹ mình cũng bắt đi học. Bố mẹ bảo không đến trường, phải ở lại lớp thì khổ lắm” – em Vương tâm sự.


Từ 9g sáng, học sinh từ khối lớp 4 đến lớp 9 đã xuất phát từ thôn H'Mông 
để kịp giờ học buổi chiều



Học sinh lớp 1 ở điểm trường thôn H’Mông “nhảy cóc” qua đường rừng lầy lội



Điểm trường thôn H’Mông được dựng giữa rừng nhằm tạo điều kiện cho trẻ mầm non, 
học sinh lớp 1 và lớp 2 của thôn học chữ


Cô giáo Lâm Thị Thu Thắm (lớp mầm non tại điểm trường thôn H’Mông) 
chơi đùa với các học sinh trên sân trường



Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Câu chuyện tình người cảm động

Vào một buổi chiều mưa lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha bị mù. Cậu con trai quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, dường như cậu vẫn đang là học sinh..

alt


Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: “Cho hai phần cơm!”, cậu nói to, xong cậu ta nhìn tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, bảo tôi rằng chỉ làm 1 phần có đồ ăn, phần kia chỉ cần cho ít cơm trắng là được.
Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai phần cơm như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền của cậu không có nhiều, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.

Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai phần cơm nóng hổi. Cậu con trai chuyển phần cơm ngon đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: “Cha, có cơm rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng phần cơm không về phía mình.

Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng đồ ăn, vội vàng bỏ vào bát của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no lấy sức mà học, ngày nào con cũng học khuya quá. Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp.

Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp đồ cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng ấy từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng đó trả về. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như đồ ăn trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết.

“Cái quán này thật tử tế quá, một phần cơm mà biết bao nhiêu là đồ ăn ngon.” Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này. ” “Ừ, ừ, con ăn nhanh lên.”

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa đồ ăn ngon, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ.

Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thêm đồ ăn.” Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa này là quà biếu khách hàng. ” Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm.
Cậu lại gắp thêm vài miếng vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. 

Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏi quán mà lòng thương cảm cho hoàn cảnh tật nguyền nghèo khó của 2 cha con, nhưng cũng vui vì mình đã tạo cho 2 cha con đó bớt được một chút nhọc nhằn và có thêm được một niềm vui.

ST


Bàu Sen - Lệ Thủy


Bàu Sen

Bàu Sen là một hồ nước ngọt tự nhiên mênh mông sát đường quốc lộ 1, phía Đông có động cát lớn chạy dài án ngữ. Diện tích mặt hồ rộng khoảng 8,5 km, dung tích nước khoảng 5 triệu m3. Bàu Sen xuất phát từ rào Sen rộng hàng trăm mẫu, thuộc địa phận, xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy. Xưa kia, cứ đến mùa hè, sen nở đầy đầm, hương thơm ngào ngạt cả vùng.

Truyền thuyết nói rằng Bàu Sen không đáy, mà thông với một hồ nước ngọt khác cũng sát biển theo kiểu "bình thông nhau" có tên là Bàu Tró ở thành phố Đồng Hới, cách khoảng 40km về phía bắc.


Bàu Sen mang vẻ đẹp nguyên sơ luôn nhuốm màu huyền thoại. Nhiều người kể rằng, xưa có con sông đào từ Lệ Thủy đổ ra biển để quan quân vi hành. Nhưng rồi một trận bão cát đã lấp mất cửa biển, còn lại một cái hồ mà người dân quen gọi là Bàu Sen. Mặc dù thực hư câu chuyện ra sao chưa rõ nhưng hiện giờ phía biển gần hồ có một khu làng mang tên làng Lấp.
Truyền thuyết còn đưa ra một dẫn chứng rằng, người ta đánh dấu quả bưởi đem thả xuống Bàu Tró, ít ngày sau thấy nó nổi lên ở Bàu Sen! 


Bàu Sen hình chữ V, dài chừng 3 km. Ảnh: ThangLongQB
Người xưa thấy bàu sát biển, lại không có các nguồn nước đổ vào, vậy mà giữa những muôn trùng nắng gió chang chang, bàu vẫn đầy ắp nước, xanh rì, ngọt lịm, nên giải thích vậy thôi, chứ thực chất, nguồn nước ở đây là từ các đồi cát bao bọc quanh bàu. Vào mùa mưa, cát ngấm no nước rồi lặng lẽ làm đầy mặt hồ suốt mùa hè. Cứ thế mặt hồ luôn xanh rì màu nước mát, xoa dịu cái nóng khắc nghiệt cho mảnh đất miền Trung. Mặc dù tên gọi là Bàu Sen nhưng giờ đây hiếm thấy sen xuất hiện ở hồ.

Ngày nay, những đồi cát báu vật, riêng có ở đây đang ngày đêm bị khai thác cạn vơi dần, dẫn đến nguy cơ làm cạn kiệt nguồn nước Bàu Tró, Bàu Sen... 

ST


Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Số phận một cháu bé bị bỏ rơi trong vườn hoang

Thiện Nhân chạy một chân dự lễ khai giảng và số phận một cháu bé bị bỏ rơi trong vườn hoang

Trong căn nhà nhỏ ở 118 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Thiện Nhân đang vui đùa với những người thân trong tổ ấm mới của mình. Bé vừa được gia đình anh chị Quang Nghi - Mai Anh đưa về nuôi sau những ngày tháng sống lay lắt, đầy đau đớn của một cơ thể khuyết tật, tại ngôi nhà của ông bà ngoại nuôi trên ngọn núi, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam...

Bé Thiện Nhân được nhiều người quan tâm ngày nào giờ đã vào lớp 4. Em có thể bỏ nạng chạy nhanh, khiến cô giáo cũng không theo kịp.

Sáng 5/9/2015 Thiện Nhân cùng anh trai và mẹ Mai Anh đi taxi đến trường trên phố Pháo Đài Láng (Hà Nội), tham dự lễ khai giảng năm học mới. Nam sinh lớp 4 vẫn phải dùng đến nạng khi di chuyển đường dài. Em được thầy cô đánh giá là học sinh chăm ngoan, học lực khá.

Đến trường, Bé Thiện Nhân bỏ nạng, nô đùa cùng bạn bè. Thiện Nhân từng bị mẹ đẻ bỏ rơi ở Quảng Nam, bị động vật gặm mất chân phải và bộ phận sinh dục.
Thiện Nhân được chị Trần Mai Anh đưa sang Mỹ phẫu thuật rồi chăm sóc như chính con đẻ của mình.

Sinh linh bé bỏng, kém may mắn Thiện Nhân tưởng chừng như không thể sống sót thì được chị Trần Mai Anh, hiện là biên tập viên Tạp chí Heritage và Heritage Fashion cứu sống. Nghĩa cử cao đẹp đó của chị được đích thân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư khen ngợi. Chủ tịch nước tin tưởng rằng những việc làm của chị Mai Anh sẽ không phải là chuyện cổ tích, mà cùng với chị và sự hưởng ứng của toàn xã hội, những việc làm ấy sẽ ngày càng nhiều hơn trong cuộc sống.

 x
 x     x

Cháu bé bị bỏ rơi trong vườn hoang
Một buổi sáng tháng 7/ 2/2006, người dân phát hiện trong vườn hoang một bé sơ sinh đang thoi thóp với cơ thể tím đen, trên mình hằn đầy những vết cắn, nhấm. 

Cháu bé được đưa đến bệnh viện Đa khoa Quảng Nam trong tình trạng một chân phải và bộ phận sinh dục của cháu bị mất. Nhân ra đời với mong muốn ghi nhận lòng thiện, điều nhân nghĩa của những người đã giúp đỡ và cưu mang cháu.

Bà ngoại nuôi của Thiện Nhân kể: “Khi mới được đón về, cả đêm cháu không ngủ. Ngày khóc, đêm về cháu cứ ngồi, mỗi khi gục xuống giường thì giật mình rồi lồm cồm ngồi dậy. Dỗ thế nào cũng không chịu ngủ, chẳng chịu theo ai. "Suốt 3 ngày bị mẹ bỏ rơi trong vườn, bị kiến bâu, rồi đủ các con vật cắn, mà nó vẫn sống, quả là kỳ lạ," bà nói.

Chị Mai Anh, mẹ nuôi của cháu nhớ lại: “Khi đọc thông tin trên báo về trường hợp của cháu bé, tôi đã rất xúc động. Cuối năm 2007, tôi cùng một vài người bạn vào Quảng Nam thăm cháu. Đúng là không thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh cháu lết chân tay bò khắp nhà để tìm thức ăn, mặt mũi lem luốc… Lúc đó, không hiểu sao tôi lại có niềm khao khát được làm người mẹ chăm lo cho cháu”.

Rồi chị bàn với chồng, với cha, mẹ nội ngoại hai bên xin được đón cháu về nuôi. Lúc đầu, anh cũng đắn đo. Anh phân tích cho chị những khó khăn vất vả khi nuôi một cháu bé mà cơ thể không còn lành lặn, những tổn thương về tinh thần trong cuộc sống mai sau… Nhưng rồi, tình thương, lòng trắc ẩn đã chiến thắng. Anh đồng ý đón cháu về. Mẹ chị chỉ nhắn một câu: "Con đã bước một bước thì hãy bước tiếp. Mẹ luôn ở bên cạnh con”.


Đôi mắt Thiện Nhân tinh nhanh, trong veo nhưng dường như trong đó vẫn luẩn quất một nỗi đau thực thể.


Ngôi nhà của bà ngoại Thiện Nhân trên núi (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) Ảnh: M.L

Cuối tháng 3/2008, Thiện Nhân được đưa ra Hà Nội. Gia đình Mai Anh đưa Thiện Nhân đến bệnh viện Việt – Pháp. Các bác sĩ cho biết, trước mắt cần phải làm chân giả và hàng năm phải điều chỉnh chân giả cho phù hợp với độ lớn của cơ thể.Việc tái tạo cơ quan sinh dục và tinh hoàn chỉ có thể thực hiện được khi bé đến tuổi dậy thì. "Trước mắt, việc lắp chân giả, gia đình tôi và những người bạn có thể quyên góp được. Nhưng con còn cả một chặng đường rất dài để chữa trị.

Điều mà tôi lo sợ nhất là sự thiếu thông cảm của cộng đồng, nay mai con còn phải đi học, phải đương đầu với xã hội, con sẽ mặc cảm về thân phận, về sự khiếm khuyết của mình. Đó là điều tôi không thể cho con được”, giọng người phụ nữ ngoài 30 như nghẹn lại.