SINH VIÊN CHỈ NÊN TIN THẦY
MỘT NỬA
GS Hồ Ngọc Đại - nhà cải cách giáo dục tiên phong phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: QĐND)
Để việc dạy và học ở bậc ĐH
không phải là “phổ thông cấp 4” như lâu nay xã hội vẫn thường phê phán thì
trước hết cần phải có một tư duy “cách mạng”, dám vượt lên lối mòn của truyền
thống giáo điều. Vẫn lối nói thẳng thắn đến cực đoan nhưng tâm huyết và dân
chủ, GS.TS Hồ Ngọc Đại đã có cuộc trò chuyện khá thú vị với chúng tôi xung
quanh vấn đề này.
* Thưa GS, ông quan
niệm thế nào về thầy giáo và SVĐH?
- Một vạn ông thầy phổ thông
(PT) cũng chỉ là một thôi. Đó là nền tảng vững chắc, ổn định, chênh lệch không
đáng kể. Còn ở ĐH, 2 ông thầy là 2 ông thầy, không thể giống nhau được (cái
khác nhau cơ bản). Cho nên, 2 SV cũng phải là 2 SV. Phải cho SV quyền
"không chấp nhận" thầy.
Ông thầy
ĐH, trên một nghĩa nào đó, thực sự là người bạn của SV, một người đồng nghiệp,
cùng đi một đường, cùng suy nghĩ về một vấn đề. Vấn đề tôi nghĩ thế này, bạn
lại có thể nghĩ khác. Người thầy trình bày suy nghĩ của mình và cho phép SV
không tán thành như thế. Trên thực tế, SV làm bài khác thày thường lại bị đánh
trượt?! Cán bộ giảng dạy của mình như ông giáo trường cấp ba, rất ít cán bộ có
tư cách để giảng dạy ĐH đúng nghĩa. Cái khốn nạn nhất của đất nước mình hiện
nay là người ta không chịu theo lấy một cái nghề đích thực là nghề, chí cốt làm
nghề. Và nghề thầy giáo cũng vậy. ĐH là một nghề, SV ĐH là người đi học một
nghề. SV mình đáng thương (chứ không đáng giận) ở chỗ, học chỉ cốt lấy mảnh
bằng để đi làm nghề khác, biến ĐH thành một loại phổ thông về nghiệp vụ. Phải
khuyến khích SV chí thú với nghề mà mình đang theo đuổi. Khi ấy, họ sẽ tự giác
học tập và ông thầy sẽ chẳng là gì cả.
* Nói vậy, phải chăng
cách dạy và học ở bậc ĐH hiện nay là quán tính từ phổ thông đi lên?
- Do không có ông thầy dám
làm điều tôi vừa nói, còn SV thì không tự mình bứt lên được. Tôi thấy ĐH ở mình
buồn cười thay, SV bị gọi là các em! Thật vớ vẩn! Đáng nhẽ, cán bộ giảng dạy,
không lịch sự gọi SV là các anh các chị thì có thể gọi là các bạn. Đằng này,
lúc nào cũng coi SV là bé nhỏ. Xưa, chúng tôi đi học, ngay tư thế ngồi trong
lớp cũng thật đàng hoàng. Ngồi nghe xem thầy nói chỗ nào đúng, sai, luôn có sự
phán đoán, suy xét. Thầy tôn trọng SV, SV cũng tôn trọng thầy như là người gợi
ý, gợi mở. Tôi lên giảng đường ĐH thường không mang theo giáo án, nhưng không
phải là không nghiêm túc. Quan trọng là khi nghe tôi giảng xong, SV thấy còn
đọng lại trong họ cái gì. Thuyết phục người nghe bằng cái đó là chính. Đối với
SV, cần khuyến khích sự chủ động của họ. Họ phải tự đánh giá mình cao hơn và đi
vào nghề một cách chí thú. Học ĐH là lao động trí óc mà lao động trí óc thì
phải tự tin, cởi mở...
* Chúng ta có cả một
hệ thống trường sư phạm, rồi các viện nghiên cứu về khoa học GD, chẳng lẽ...?
- Có nhưng không làm tí tị ti
gì thay đổi cả. Học trò tôi họ bảo, bao nhiêu năm qua, từ khi em còn là SV, học
thầy ấy như thế, bây giờ quay lại dự giờ, thấy cũng vẫn như thế. Tôi thì bảo,
rồi đến đời con các cậu cũng vẫn thế thôi. Các viện nghiên cứu ư? Không ai có
sáng kiến gì. Viện nghiên cứu thì phải là một trường phái, một phong cách
chứ! Sao lại chỉ đi cóp nhặt lung tung nơi này nơi khác? Làm khoa học thì phải
có được cái bản lĩnh đứng ra mà tuyên bố: tôi thách ai làm tốt hơn tôi;
công trình của tôi, tôi cũng thách các anh góp ý sửa chữa mà hay hơn tôi được.
Anh có tự ái cũng chịu. Vì sản phẩm của tôi cũng giống như một món hàng công
nghiệp hiện đại được bày bán. Anh có thể chấp nhận nó hoặc không chấp nhận nó,
chấp nhận thì mua, không thì thôi. Đấy là phong cách làm việc chuyên nghiệp, là
trách nhiệm chứ không phải kiêu ngạo. Khoa học và nghệ thuật khác nhau. Không
có Nguyễn Du thì không có Truyện Kiều, nhưng không có Niu-tơn này
thì sẽ có Niu- tơn khác. Khoa học là cái tất yếu, phải đến, phải đi qua, không
có cách nào tránh được. Ai không thấy được điều đó thì không hiểu giá trị đích
thực của khoa học. Như ở trường ĐH, thầy giáo không giảng bài thì chất lượng SV
mới cao được, còn cứ chăm chăm giảng bài thì chất lượng SV không thể cao.
* Nghe lạ quá! Trên
ông vừa bảo, thầy "chẳng là gì cả" rồi nay lại nói thầy không cần
giảng bài. Thầy mà không giảng bài thì làm gì, thưa GS?
- Làm người hướng dẫn SV làm
việc. Tức là tôi chuẩn bị đồ ăn, còn anh phải tự chế biến lấy thay vì thày dọn
sẵn tất cả để anh chỉ còn phải làm mỗi việc là đưa thức ăn vào mồm. ĐH là khai
phá, phải khác so với phổ thông - là cái nền văn minh nhân loại đã có sẵn. Học
ĐH không thể theo kiểu thầy đọc trò chép nhưng SV vẫn cam chịu vì họ có lợi ích
lớn hơn là mảnh bằng. Với ông thầy ĐH, SV chỉ nên tin một nửa thôi. Mà thế
là nói lạc quan nhất rồi đấy. Đối với SVĐH, giá trị cơ bản là ngờ vực
thầy. Khác với lớp 1, giá trị cơ bản là tin thầy. Tức thầy nói ra là chân lý,
nó ổn định tâm lý trẻ con, để chúng có lòng tin vững chắc trong đời. Chúng ta
nên khuyến khích SV nghe những điều thầy giảng để mà suy ra những điều có thể
nghi ngờ. Còn SV mà chỉ nhớ được những lời thầy giảng thì tầm thường quá. Tôi
thường nói với SV của tôi rằng: “Điều tôi nói không phải là chân lý, chỉ là
những điều cá nhân tôi hấp thu được. Các bạn thấy thông cảm thì chấp nhận,
không thông cảm thì các bạn nghĩ cách khác”. Thực tế bây giờ có nhiều ông thầy,
chỉ hơn SV ở chỗ họ được mở sách ra, còn SV thì phải gập sách lại trình bày.
(Cười lớn). Và thầy mà được SV không tin phải mừng mới là ông thầy có tư cách,
cho dù ông ta có là một GS vĩ đại. Hồi tôi học ở Liên Xô, có một “ông trùm” lý
thuyết sau khi trình bày trước SV đã bị một cậu SV năm thứ ba đứng lên bắt bẻ
rất gay gắt mà ông chỉ ngồi lắng nghe, chẳng tỏ ra tự ái. Hỏi sao không phản
ứng thì nhận được câu trả lời: - “Có gì đâu, anh ta hiểu đến đó thì anh ta nói
đến đó”. Còn ở ta, trường hợp như vậy mà thầy không tự ái mới là lạ.
Xin cảm ơn GS!
Kiều Hải (Thực hiện)
Nguồn: Diễn đàn sinh viên Sư phạm Đà Nẵng
Xin cảm ơn GS!