Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Tình yêu, sự nghiệp, gia đình.



Tình yêu, sự nghiệp, gia đình.


Trong cuộc sống bất kể nam nữ, già trẻ, nghề nghiệp, trình độ học vấn ai cũng phải đối đầu với những vấn đề Tình yêu, sự nghiệp, gia đình. Người ta đã bàn rất nhiều về nó nhưng cũng chưa đi tới ngã ngũ.

Đàn ông nhiều người vẫn coi sự nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu, họ cho rằng đàn ông mà để mất sự nghiệp là thất bại, nhưng nay có người lại nghĩ khác mất sự nghiệp chỉ là kém may mắn. và khi để mất tình yêu mất gia đình mới là sự thất bại trong cuộc đời.

Đối với phái nữ trong một xã hội đang cổ vũ cho sự bình đẵng giới thì phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội hầu hết trong mọi lĩnh vực cả đến như các đội thám hiểm trái đất, vũ trụ …họ cũng có mặt ngày càng nhiều, họ cũng có niềm đam mê và khát vọng lớn, và họ cũng đã nói nhiều về tình yêu, sự nghiệp, gia đình và nó cũng là bài toán khó như của đàn ông vậy.

Các ý kiến đã đưa ra rất nhiều, nhưng chung quy lại có 3 loại :

-  Sự nghiệp là quan trọng phải đặt trước hết, có sự nghiệp là có tất cả.
-  Tình yêu và gia đình phải là trên hết vì không có tình yêu, gia đình thì cuộc sống trống rỗng cuộc đời trở nên bất hạnh, sự nghiệp cũng khó thành mà có chăng nữa thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.
-  Tình yêu, sự nghiệp, gia đình đối với cuộc đời cái nào cũng quan trọng cả không thể thiếu được. Vậy thì phải dung hòa thôi, không thể đặt cái nào trước cái nào được.

Quan niệm về tình yêu, sự nghiệp, gia đình đối với mỗi xã hội, mỗi thời mỗi khác, ngay cách hiểu sự nghiệp cũng khác, đâu cần gì tài năng xuất chúng, quyền cao chức trọng, góp mặt với thương trường mà chỉ cần một nguồn lực đủ duy trì và phát triển cho tình yêu và gia đình là đủ.

Ở phương Tây người đàn ông đang có xu hướng từ bỏ vai trò trụ cột gia đình, họ không hy sinh cá nhân và gia đình để chạy theo công việc như trước nữa, họ chăm sóc gia đình và con cái nhiều hơn. Những gia đình có thu nhập kép (vợ chồng đều đi làm) ngày càng tăng đó là những gia đình đầy tình thương yêu, cuộc sống ổn định hơn, ít bị rủi ro trong tình hình kinh tế suy thoái.

Như vậy tình yêu và gia đình là đích tới của cuộc đời của mỗi người, còn sự nghiệp chỉ là cái phương tiện để cho người ta đi tới cái mục đích đó mà thôi, mà đã là phương tiện thì trên nguyên tắc ta có thể sắp xếp điều chỉnh với những mức độ khác nhau sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển của tình yêu và gia đình, tuy nhiên cũng có những trường hợp do yêu cầu bức bách của xây dựng sự nghiệp mà phải điều chỉnh tình yêu và gia đình thì đó là giải pháp tình thế và tất nhiên chỉ là rất tạm thời và không bao giờ để lệch hướng của đích tới.

Suy nghĩ như vậy có quá nông cạn không? Sự nghiệp đâu chỉ là lo cho cá nhân, mà nó còn góp mặt với đời chứ ? Đúng vậy, nhưng trước hết anh phải lo cho cái gia đình anh đã, gia đình anh tốt, thuận vợ thuận chồng đầy tình yêu thương, nuôi dạy con cái giỏi giang khỏe mạnh tiếp bước ông cha là đã đóng góp rất lớn cho xã hội rồi. Ngược lại sự nghiệp anh đồ sộ nhưng gia đình bất ổn, con cái hư hỏng thì liệu có ích gì cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên xã hội rất khuyến khích động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân có năng lực tiềm tàng phát huy được hết khả năng của mình để đóng góp vào lợi ích chung.

Vậy vấn đề đặt ra là cá nhân tự lo hay sao? và bắt đầu vào lúc nào? Căn cứ vào lý giải trên thì cha mẹ phải trực tiếp lo từ khi mang thai đứa con cho tới lúc trưởng thành, và xã hội cũng sẽ chăm sóc với các biện pháp xã hội, ytế, giáo dục.

Xây dựng hạnh phúc cho con người thật khó, nó đòi hỏi phải có tình thương yêu và các biện pháp mang tính nhân bản và đồng bộ.

HDTC

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Cách người Nhật dạy con thông minh


Cha mẹ Nhật rất siêng đọc truyện cổ tích cho con nghe. (Ảnh minh họa)


Cách người Nhật dạy con thông minh

Trẻ con Nhật chăm chỉ học tập, khả năng quyết đoán cao và rất gắn bó với gia đình với sự lễ phép, quy củ trong khuôn phép. Sự thành công về kinh tế, kỹ thuật cũng như xã hội phát triển của Nhật đã cho nhân loại nhiều bài học quý giá. Trong đó, sự thành công trong giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ góp phần quan trọng. Mời các gia đình cùng tham khảo và khám phá những nét đặc trưng trong cách dạy con của cha mẹ Nhật.

1. Chú trọng chuyện cổ tích

Cũng như các bậc cha mẹ khác thường kể cho bé nghe những câu chuyện cổ tích và thần tiên. Tuy nhiên, người Nhật tiến thêm một bước nữa khi họ tin rằng chính thế giới thần thoại cùng những điều lạ kỳ và không tưởng ấy chính là chất liệu và niềm cảm hứng cho sự sáng tạo vô biên của đứa trẻ sau này. Hãy thử nhìn vào cuộc sống thường ngày và ta sẽ thấy: trong truyện có thảm thần và ngoài đời chúng ta có máy bay, trong truyện chỉ cần phẩy tay là cửa mở và ngoài đời chúng ta có hệ thống cửa cảm biến,...

2. Không quy chụp, áp đặt

Đặc biệt, cha mẹ Nhật ít khi quy kết con trẻ như “Con thật lười biếng” hoặc “Sao con lì lợm thế”, bởi họ hiểu tâm lý của trẻ con “Khi bạn mắng con bạn là đồ con lợn 10 lần, chúng sẽ kêu ụt ịt vào lần thứ 11”. Khi dùng những lời lẽ tiêu cực và quy chụp để mắng dạy con, trẻ con sẽ bị giáo dục đúng theo lối bị phủ nhận đó.

Khen con, khen hành vi cụ thể: Nếu chỉ khen “Con tôi giỏi quá” thì sẽ biến trẻ thành tự phụ. Không chỉ là khen trẻ mà cha mẹ Nhật thường khen hành vi mà trẻ đã làm như “Con mẹ tự xúc cơm thật cừ” hay “Ai mà tự thay quần áo giỏi thế nhỉ!”. Khi trẻ được khen về một hành động cụ thể nào đó, chúng sẽ cố gắng làm tốt việc đó ở những lần kế tiếp để lại được cha mẹ hài lòng và khen ngợi.

Cha mẹ Nhật không ngại khen con nhưng họ khen rất cụ thể như “Con đọc chữ này đúng và giỏi quá!”



3. Hầu như không cho con xem TV

Ngoài việc xem TV tốn thời gian và có thể khiến trẻ bị nghiện, cha mẹ Nhật còn ý thức rất rõ việc nếu cho con xem tivi quá sớm và quá nhiều thì cấu trúc của đại não sẽ bị phá vỡ; từ tivi phát ra dòng âm cực sản sinh ra từ điện áp 20,000 volts, gây ảnh hưởng không tốt đến thuỳ não trước (phần tạo ra năng lực suy nghĩ) của con người. Các nhà khoa học Nhật Bản cũng cảnh báo rằng sự tích tụ này trong vài chục năm sau sẽ có thể gây ra bệnh máu trắng cũng như làm tăng chiều hướng của hiện tượng tự kỷ.

“Tắt TV, Bật ý tưởng” là châm ngôn truyền miệng của phụ huynh Nhật

4. Dạy chữ từ sớm


Theo các công trình nghiên cứu của Nhật, việc dạy chữ có thể làm thay đổi chức năng, và dẫn đến cấu tạo não thay đổi theo. Hiện tượng này, trẻ càng nhỏ càng dễ. Khi trẻ nhỏ nhớ chữ, sẽ có được tốt chất cao phi thường. Các bậc cha mẹ ở Nhật quán triệt dạy chữ cho con ngay từ rất sớm do bởi khi mới sinh ra, trẻ chỉ là một động vật nhỏ, nhưng khi hệ tín hiệu ngôn ngữ và học chữ bắt đầu hoạt động, trẻ trở thành con của loài người. Và họ hiểu rằng để hệ tín hiệu ngôn ngữ này hoạt động tốt, trẻ càng học gần với thời điểm mới sinh ra càng có hiệu quả cao.
5. Kiên nhẫn lặp đi lặp lại

Khác với nhiều người có thể bực mình khi trẻ thơ thường hỏi đi hỏi lại một điều ngô nghê, cha mẹ Nhật không ngại giải thích nhiều lần cho con họ ở một vấn đề. Theo họ, để đứa trẻ có thể thành thạo 1 việc thì phải cần ít nhất là 3 tháng. Chẳng hạn, khi trẻ đã nhớ được chữ “a i u e o” thì phải mất ít nhất 3 tháng trẻ mới có thể đọc được chúng thành thạo.

6. Luyện trí nhớ

Không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản có rất nhiều trò chơi trí tuệ phục vụ cho việc luyện trí nhớ cho cả trẻ nhỏ và người lớn. Người Nhật quan niệm, “Người thông minh là người nhớ nhiều hơn người khác và biết cách áp dụng những điều ghi nhớ đó hợp lý”. Do đó theo họ, trí thông minh là thứ có thể luyện tập và có được chứ không phải thuộc về khả năng bẩm sinh.

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật đã được tiếp xúc với các trò chơi trí tuệ luyện trí nhớ

7. Vận động đầy đủ

Không chỉ tập trung phát triển trí tuệ, các cha mẹ Nhật cũng rất chú trọng việc rèn luyện thể chất. Ngay từ khi bé chào đời, cha mẹ đã lưu ý giáo dục về tất cả các mặt sức khoẻ, vận động, đạo lý, kỷ luật, tình cảm. Đối với trẻ lên 2, cha mẹ đã cho trẻ đi bộ đều đặn hàng ngày và họ chia nhỏ khỏang cách tập luyện thành những đọan ngắn 10m, 20m mỗi ngày.

“Một trí tuệ minh mẫn trong cơ thể cường tráng”, cha mẹ Nhật hiểu rõ điều này.

8. Thói quen tra cứu, tìm tòi

Cha mẹ đã biết hướng dẫn con mình sử dụng loại từ điển dễ tra cứu dành cho trẻ em. Trẻ dùng từ điển đó để tra nghĩa của từ, hay cách viết đúng chữ Hán. Chẳng hạn, khi biết địa chỉ rồi nhưng được người khác đưa lên xe dẫn đi thì chúng ta cảm thấy rất khó nhớ đường. Nhưng nếu tự dùng bản đồ, rồi vừa đi vừa hỏi đường thì chúng ta sẽ nhớ rất lâu. Cũng tương tự như thế, trẻ con sẽ dễ tiếp nhận kiến thức nếu chúng tự tìm, mất công để tra cứu hơn là được cha mẹ dạy cho một cách thụ động. Ngay cả đối với những trẻ Nhật khó dạy theo cách đơn điệu, thì bằng cách này chúng cũng có thể học được một cách chính xác mà không hề cảm thấy nhàm chán.

Với những phương pháp dạy con tinh tế như thế, ắt hẳn người Nhật cũng sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều điều bổ ích để áp dụng cho chính gia đình của mình.


Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Cảm nhận về việc học của trẻ ở Thụy Điển


 


Cảm nhận về việc học của trẻ ở Thụy Điển

 

Hai cháu nhà tôi mới đây sang nhập học tại Thụy Điển theo chồng tôi đi công tác dài hạn. Trước khi đi tôi lo lắng vô cùng vì việc học hành của các cháu, sợ con mình bị phân biệt, sợ học hành khác lạ, sợ cháu bé không đủ vốn tiếng Anh để giao tiếp và theo học, sợ cháu lớn không được bạn bè chấp nhận…


Khi hai cháu vào nhập học tôi mới thấy mình lo lắng thừa. Hai cháu theo học rất vui vẻ và thuận lợi. Những điểm còn chưa theo kịp các bạn đều được nhà trường thu xếp cho học bổ sung.

Tôi chỉ mạn phép đưa ra vài cảm nhận rút ra được từ việc học của từng bậc học so với khi các cháu đang học trong nước.

Cháu bé nhà tôi học bậc tiểu học. Ở nhà cháu học tại một trường THDL có tiếng tăm. Tôi cũng mong cháu có được môi trường tiến bộ với điều kiện học tập tốt nên không quản khó khăn cho cháu thi vào trường. Nói thật ra khi còn ở trong nước, tôi cũng tự thấy rằng cháu được học như thế là rất tốt rồi. Tuy còn có bất cập nhưng so với các trường khác cũng đã là rất ổn.

Cháu đến lớp học ngày ngày đều không có hứng thú, mỗi khi được nghỉ thì thấy rất vui vẻ. Đấy là do giờ học rất gò bó và cứng nhắc. Học từ sáng đến 4h chiều mà về nhà tối hôm nào cũng còn phải làm bài tập.

Có những giờ trống, cô giáo sợ các con làm ảnh hưởng đến lớp bên cạnh nên yêu cầu các con ngồi yên lặng trong lớp không làm gì cả. Do các cháu không được đem sách truyện đến lớp nên cũng không có gì để đọc luôn. Cháu về kể là cả lớp con hôm nay phải “ngồi yên như tượng suốt buổi”. Thực ra thì cũng không phải là chuyện gì to tát nhưng để 20 đứa trẻ 8 tuổi ngồi im lặng suốt một tiết học thì cũng khác gì là một hình phạt đâu.

Mỗi ngày mẹ đi đón, hỏi hôm nay có gì vui không con, cháu đều trả lời “chẳng có gì đâu, chán lắm mẹ ạ”. Nghĩ mà thấy tội tội.


Sang đến bên này, hôm nào cháu đi học về mẹ chưa kịp hỏi đã líu lo kể chuyện. Khi xin cho cháu nhập học, tôi theo tinh thần quen thuộc, kể ra một loạt các lo lắng của mình cùng các điểm yếu của con. Cô giáo phụ trách nhẹ nhàng giải thích, ở đây nhà trường chí chú trọng vào điểm mạnh của các cháu, không cháu nào là kém cả. Khi các cháu vào học mình mới hiểu hết ý của cô.

Đơn cử như giờ thể dục, các cháu được phép tự chọn lựa học theo bài dễ, bình thường hay khó. Cháu nào kém hoạt động, thực hiện bài dễ vẫn là hoàn thành bài học, vẫn được thầy khen ngợi động viên để lần sau chọn bài bình thường, tự hoàn thiện kỹ năng của mình.

Các môn học được phối hợp chặt chẽ với nhau nên các cháu thấy rất thú vị và dễ học. Như khi học về các nhà thám hiểm, các cháu được chia theo nhóm cùng tìm hiểu về nhân vật do nhóm mình lựa chọn. Sau đó các cháu tự chuẩn bị bài để trình bày trước cả lớp về nhân vật đó, cả nhóm có thể làm thành một vài con rối để minh họa, hoặc tìm tranh ảnh giới thiệu. Thầy sẽ bổ sung thông tin khi các cháu trình bày, như vậy gài luôn vào bài các kiến thức địa lý và lịch sử liên quan.

Các cháu được khuyến khích tối đa thể hiện tính độc lập. Những gì không sai, không có hại thì các cháu được thoải mái theo ý mình. Không phải cứ răm rắp một bước cũng phải theo chỉ dẫn của cô giáo từ việc ăn gì, ngồi chỗ nào đến việc viết bài bút gì, lùi vào đầu dòng mấy ô. Có phải vì thế mà trẻ con bên này rất tự tin và tự chủ.

Bậc tiểu học đã vậy nhưng đến bậc trung học cơ sở tôi mới thực sự thấy còn nhiều điều mình cần học hỏi.

Cháu lớn nhà tôi vốn tính rất chăm và hiền lành. Cháu đang học lớp 9. Ở nhà cháu học hành vất vả nhưng do không có hứng thú nên càng không có hiệu quả. Tôi không kể lể ở đây vì chắc hẳn những ai quan tâm đến giáo dục đều đã biết tình trạng các cháu phải học hành bận rộn như thế nào. Nào là học thêm, nào làm bài tập, liên tiếp quay cuồng. Mình thương con nhưng cũng đành phải động viên con cố gắng thức khuya dậy sớm để có thể vào được một trường THPT vào loại trung bình khá.

Khi sang đây, tình hình thay đổi hẳn.
Cháu đi học về đều có bài phải tìm hiểu đọc thêm nhưng bao giờ cũng rất hứng thú. Như môn lịch sử, khi học đến một giai đoạn lich sử nào đó, thầy giao cho từng nhóm về tìm hiểu về một chủ đề tự chọn của giai đoạn đó. Cả nhóm cùng làm bài giới thiệu những gì tìm hiểu được và trình bày cho cả lớp nghe.

Các môn học năng khiếu thì thật là tuyệt vời. Giờ nhạc thay vì phải học hát một bài hát (thường là các cháu không thích thú gì và không phải cháu nào cũng có khả năng hát), ở đây thầy giáo cho các cháu tự chọn một bản nhạc yêu thích, bật cho cả lớp nghe và trình bầy mình thích ở điểm gì, cả lớp cùng bình luận rất hào hứng. Bạn nào có khả năng, có thể đem ghép các bài vào nhau, hoặc tự sáng tác cho cả lớp cùng nghe. Thầy giáo chỉ có vai trò hướng dẫn.

Giờ họa, thay vì tự nguệch ngoạc vài nét như ở nhà (đây thực sự là làm khó trẻ con vì không phải cháu nào cũng có năng khiếu vẽ), các cháu được xem tranh và đưa ra bình luận của mình. Bạn nào có năng khiếu vẽ thì mang tranh của mình ra cho cả lớp xem.

Giờ thể dục, thay vì ai cũng như ai phải hoàn thành vài bài tập cơ bản, các cháu có thể tự nghĩ ra bài thể dục cho riêng mình, tập trên nền nhạc do mình tự chọn, lần lượt trình bày cho cả lớp xem và rút ra cái hay cái dở.

Dù cũng biết là chẳng thể thay đổi được gì nhưng cũng muốn chia sẻ vài cảm nhận ban đầu với các vị làm trong ngành giáo dục nước nhà.
Nguyễn Thủy Liên

Theo Vnexpress Thứ ba, 25/1/2011

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Chuyện “lớp trưởng” của con trẻ ở nước Đức



Chuyện “lớp trưởng” của con trẻ ở nước Đức

Tôi có cháu gái là Hòa thời học mẫu giáo, cháu vốn khỏe mạnh, cứng cáp và thông minh. Khi cả bọn cùng lứa với Hòa kéo nhau lên lớp 1 trường Phan Phù Tiên, quận Thanh Xuân (Hà Nội), Hòa đương nhiên vẫn là đầu đàn, là lớp trưởng.

Gặp nhau năm Hòa lên lớp 2, vẫn với thành tích học tập tốt, vẫn lớp trưởng. Vui chuyện, hỏi cháu về nhiệm vụ lớp trưởng, Hòa bẽn lẽn: nào hô các bạn đứng dậy chào thầy cô, nào lo trực nhật, lau bảng, nhắc các bạn giữ trật tự trong lớp... nhiều lắm!

- Thế khi gặp các bạn ẩu đả, nghịch ngợm, chế giễu nhau ngoái lớp thì làm sao? - bố Hòa hỏi chen vào.

- Thì báo cho cô chủ nhiệm biết, ạ.

- Thế lớp trưởng mắc khuyết điểm, có bạn nào mách cho cô giáo không?

- Có mà dám!

Nghe cháu trả lời, cả nhà nhìn nhau, lặng người, cười. 

*

Phương Hiền, con gái tôi, học lớp 2 trường Friedrich-Reimann-Grundschule. Cô chủ nhiệm là bà giáo R.Lipka.

Đã vài lần gặp gỡ nên tại buổi họp phụ huynh đầu năm, từ ngoài cửa, bà đã tươi cười chào: “Lần này, ông có ý kiến gì góp cho lớp đây? Chúng ta có một giờ để trò chuyện cơ đấy!”.

Khi đến lượt trao đổi trực tiếp, tôi hỏi: “Thưa bà, lớp 2A, cháu nào được chọn là lớp trưởng?” (cũng phải nói thêm do khả năng tiếng Đức mà tôi đã dùng từ “lớp trưởng” theo nghĩa hiểu của tiếng Nga, hoặc tiếng Hán Ban trưởng mà người Việt ta lâu nay vẫn hay dùng).

Thoáng một chút trầm ngâm, bà R.Lipka vui vẻ nói: “Tôi nghĩ là tôi đã hiểu câu hỏi của ông. Vì qua Phương Hiền được biết, ông từng là một đồng nghiệp. Lớp chúng tôi không có học sinh nào được chọn làm Obmann hay Chef cả. Ở tuổi cấp một, chúng còn quá bé để phải chịụ thêm trách nhiệm về hành vi của một bạn khác, dù chỉ là nhắc nhở hoặc để ý rồi trình báo với thầy cô. Nếu phải chịu trách nhiệm thêm về một bạn khác, đứa trẻ dễ ngộ nhận nó có thêm quyền lực và ngược lại đứa bị giám sát sẽ có cảm giác yếm thế, lệ thuộc. Tất nhiên chữ “nếu” chỉ là hãn hữu, nhưng dù 1% chúng tôi cũng không cho phép xảy ra. Tôi nhận thêm lương giáo viên chủ nhiệm để chịu toàn bộ trách nhiệm về hoạt động của học sinh trong thời gian học tại trường. Trong lớp, mọi em đều được cô giáo phân công trách nhiệm với lớp như nhau”.

Rồi bà giáo hơi mỉm cười, hỏi: “Theo ông, khi các vị phu huynh đều đóng phần thuế học cho con bằng nhau, ông có chấp nhận khi con ông bạn hàng xóm tự nhiên lại là “trưởng" của con mình không? Tất cả các vị phụ huynh của chúng tôi đều không chấp nhận, họ đòi hỏi sự công bằng. Mới vào lớp 1, lớp 2 mà đã có đứa được là “sỹ quan”, đứa là “lính” ư? Xin ông nhớ rằng, dù có tạo ra được một thủ lĩnh thì chúng ta đã đồng thời tạo ra một loạt những đứa nhút nhát và a dua, phụ thuộc thủ lĩnh. Đấy là chưa kể đứa trẻ - được tin cậy kia có nguy cơ bị nhiễm thêm thói xấu: nhòm ngó, mách lẻo, chỉ điểm... Giai đoạn đầu giáo dục cấp một, giúp hình thành chứ không nên định hình tính cách của trẻ. 

R.Lipka liếc nhìn đồng hồ: “Giải đáp câu hỏi như vậy có đúng ý ông?”.

Tôi thành thật trả lời rằng rất muốn được nghe bà nói tiếp. Bà cười hiền hậu: “Tất nhiên, đề tài này phải có kết luận! Ông nên biết, khi làm đơn xin tiếp tục nghề dạy tiểu học, tôi đã bảo vệ chính đề tài này tại Hội đồng Phổ thông trung học. Tôi hiểu ngay câu hỏi của ông, vì chính chúng tôi cũng đã qua thời kỳ chuyển hóa Đông - Tây về giáo dục!”.

*
Từ năm lớp 5, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm với lớp vẫn nặng nề như thế. Nhưng do học sinh đã lớn lên, cứng cáp hơn, nề nếp sinh hoạt, tư duy đa dạng nên trong tổ chức của lớp có thêm một chức danh là Klassensprecher. (Xin dịch là “Phát ngôn viên của lớp”).

Vì là chức danh nên nhất định Klassensprecher phải do lớp bầu với đa số tín nhiệm (không cần sự có mặt của các thầy cô).

Mọi học sinh trong lớp đều có quyền tự ứng cử họặc vận động bè bạn bỏ phiếu cho mình. Klassensprecher là cầu nối chỉ truyền đạt những thông tin được các bạn nhờ chuyển đến thầy cô hoặc ngược lại, không được truyền những thông tin cá nhân không được nhờ. (Nếu vi phạm bị coi là mách lẻo hoặc xâm phạm đời tư!).

Đề tài “lớp trưởng” tưởng chỉ là một bài học có tính giáo dục, làm thay đổi tư duy bảo thủ của một nhà giáo cổ hủ, giáo điều như tôi.

Không ngờ, 5 năm sau, khi Phương Hiền vào học lớp 7, tôi lại được chứng kiến sự dân chủ, công bằng và rất giáo dục trong môi trường đào tạo của con mình qua đề tài đó.

Đây là cảm xúc chính để tôi kể lại câu chuyện cho bạn đọc hôm nay.

Học kỳ hai của lớp 7B trường trung học chuyên Charles-Darwin-Oberschule (Gymnasium), quận Trung tâm - Berlin.

Chiều nay, Phương Hiền tỏ ra đăm chiêu, ngồi cắm cúi viết. Thấy con bức xúc, tôi hỏi thì được biết: Jonoar phát ngôn viên lớp 7B phải theo mẹ hồi hương về Cu-ba nên lớp cần bầu một người thay thế. Đã có ứng viên là Magir - một bạn gái da màu gốc Phi. Magir thành thạo tiếng Pháp - môn ngoại ngữ thứ hai mà nhiều bạn học còn yếu. Magir có năng khiếu bẩm sinh về hoạt động thể dục thể thao. Lời cam kết trước các bạn khi đề nghị bỏ phiếu cho mình của Magir là "Tôi sẽ liên hệ để có sự giúp đỡ của cô giáo dạy tiếng Pháp. Mỗi tuần lớp sẽ có một buổi hội thoại chủ đề Pháp ngữ tại Thư viện quận Trung tâm. Năm nay, trong tuần ngoại khóa, nếu các bạn ở lớp đồng tình, được cô chủ nhiệm chấp nhận, lớp sẽ chọn Paris là địa điểm đi tham quan dã ngoại giáo dục. Tôi xin chuẩn bị đề cương tham quan bằng tiếng Pháp và in gửi trước cho các bạn. Bản thân tôi cam kết sẽ hợp tác với các bạn trong lớp, nâng điểm tóan lên 2,5 để điểm trung bình các môn của tôi trong năm là 2,5. Ngoài ra, về thể dục thể thao, tất nhiên học kỳ này, lớp ta phải có một tờ thông báo nóng hổi WM 2006 tại Đức".

Đọc tờ rơi cam kết của ứng viên, tôi hỏi con gái:

- Magir như vậy, Phương Hiền sẽ thế nào?

- Con thích được thử sức. Trường con chưa có bạn người Việt nào nhận chức danh này. Nhiều bạn trong lớp đề cử con. Chúng nó bảo con cần viết Rede Wahl versprechen (lời cam kết của ứng viên chức danh phát ngôn viên).

- Tự con đánh giá về mình thế nào? 

- Con tự tin. Con có học lực tốt nên có thể giúp đỡ được nhiều bạn về môn Toán, Đức văn, Điạ lý, Anh văn.

Còn môn lịch sử, con có thể có thêm sự giúp đỡ của bố để giúp lại các bạn.

- Hoạt động ngoại khóa?

- Tất nhiên chọn Paris làm tuần tham quan giáo dục là tuyệt vời. Chính Magir có thể cộng tác với con và các bạn trong nhóm Tây Âu học. Có hai ngày cắm trại dã ngoại, cô giáo rất ủng hộ việc đi chơi mỏ muối Eisenach và thăm nơi Hitler đã cất giấu hàng vạn bức tranh quý của các bảo tàng chúng cướp được trong chiến tranh.

Ngập ngừng một chút, Phương Hiền thổ lộ thêm một “chi tiết tranh cử” làm tôi bật cười: “Bố ạ, cả lớp con bỏ phiếu kín về món ăn khoái khẩu nhất - 83% phiếu kín khi mở ra ghi là “PHO”. Các bạn sẽ góp tiền, nhờ bố giúp con, nói chú Hoàng chuẩn bị trước, một hai lần vào thứ 7 nào đấy, cả lớp đến ăn. Sẽ rất vui phải không bố? 

Chuyện “lớp trưởng” đã đến đoạn kết. Hình ảnh các ứng viên tổng thống Mỹ dốc hết trí tuệ (kéo theo cả vợ con) để thu phục nhân tâm cử tri Mỹ trong các chiến dịch tranh cử cam go, công bằng cứ hiện lên trong óc tôi.

Phải chăng chính nền giáo dục của họ ngay từ lớp 1, lớp 2 đã làm lớn dần lên những Merkel, Obama, Bush, Clinton, Schröder... cho đất nước? Lớp 7B của con gái tôi, liệu mai này có ra đời những thủ lĩnh chân chính từ Klassenspecher?

*

Cháu gái Thanh Hòa kể cả mẫu giáo - đến nay đã 11 năm làm lớp trưởng. Tôi thầm hỏi tương lai của “lớp trưởng chuyên nghiệp” sẽ ra sao? Có “nghề lớp trưởng” rồi, sẽ giúp cho cháu gái tôi có được lợi thế gì khi các kỳ thi sắp tới?!

Trần Đình Ngân