Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

3 loại bạn xung quanh mình


"Một số người đến với cuộc đời bạn, họ là lá, cành cây hay rễ cây"? Clip khiến ai nấy thảng thốt, nhìn sâu lại mối quan hệ của chính mình

"Người lá" là những người chỉ ở với bạn theo mùa và bạn không thể phụ thuộc hoặc tin cậy họ được bởi vì họ yếu ớt, chỉ có thể làm cho bạn mát mẻ một cách tạm thời. Họ ở với bạn và lấy những gì họ cần - giống như chiếc lá hút chất dinh dưỡng của cây để sống sót trên cành.
Mới đây, bài nói chuyện của diễn giả Francis Hùng (tên đầy đủ là Vương Hữu Hùng) với chủ đề "Họ là gì trong cuộc đời bạn?" và "Bạn là gì trong cuộc đời họ?" đã gây sốt cộng đồng mạng. 
 Clip gây sốt của diễn giả Francis Hùng

Để trả lời cho câu hỏi của chính mình, ông Francis Hùng đã khéo léo liên đới tới hình ảnh chiếc lá, cành cây và rễ  khiến cho nhiều người phải ngẫm nghĩ về những người xung quanh mình và cũng là ngẫm về chính cách đối nhân xử thế của mình với người khác. Những người đến, và đi trong cuộc đời mỗi người, đều có vị trí và giá trị riêng biệt. Có người là khích lệ, thúc đẩy, cổ vũ, có người là bài học, là thất bại, cay đắng... Chỉ có cách soi thấu mối quan hệ của chính mình, bạn mới có khả năng giữ những gì trân quý hoặc buông bỏ những thứ vô bổ, vô ích. 
Dưới đây là những so sánh thú vị, hấp dẫn của diễn giả Francis Hùng: 

Loại người đầu tiên: "Người lá"
Sở dĩ gọi là "người lá" bởi tính chất dễ rụng, rơi theo năm tháng hoặc bởi các yếu tố vật lý tác động. Những người này chỉ ở với bạn theo mùa và bạn không thể phụ thuộc hoặc tin cậy họ được bởi vì họ yếu ớt, chỉ có thể làm cho bạn mát mẻ một cách tạm thời. Họ ở với bạn và lấy những gì họ cần - giống như chiếc lá hút chất dinh dưỡng của cây để sống sót trên cành.
Và ngay khi bạn gặp hoàn cảnh không thuận lợi như là trời trở lạnh hơn, gió thổi mạnh hơn vào thời điểm nào đó trong đời bạn thì họ sẽ giống như những chiếc lá - rời khỏi bạn.
Nhưng mà bạn không thể giận họ vì họ là như thế, họ là những chiếc lá.

Loại người thứ hai: "Người nhánh"
Francis Hùng giải thích: Trong cuộc đời cũng có một số người đến với bạn như là những nhánh cây. Tất nhiên họ mạnh mẽ hơn "người lá" nhưng bạn vẫn phải cẩn thận với họ. Họ có thể ở cạnh bạn trong nhiều mùa, nhiều cảnh, nhiều phen nhưng khi bạn phải đối mặt với một số cơn bão của cuộc đời cần phải vượt qua thì bạn có thể mất họ. 
Nhất là khi hoàn cảnh khắc nghiệt hơn thì họ hoàn toàn có thể bị bẻ gãy. Mặc dù họ mạnh mẽ hơn lá, bạn vẫn phải thử nghiệm họ trước khi bạn có thể tin cậy và trao cho họ một số gánh nặng về trách nhiệm.
Và trong hầu hết trường hợp thì họ không thể mang nhiều gánh nặng vì sự giới hạn của nhánh cây. Nó có thể bị giòn, bị gãy trước sức nặng của gánh nặng. Nhưng một lần nữa bạn lại không thể nổi điên lên với họ bởi vì họ là như thế, họ là những nhánh cây.
Loại người thứ ba: "Người rễ"
Nếu như bạn thực sự có thể tìm ra ai đó giống như là rễ của cây thì bạn đã tìm ra một người đặc biệt, như là rễ của cây, rất khó để tìm thấy bởi vì họ không cố gắng tỏ ra cho mọi người thấy. Sứ mệnh của họ là giữ cho bạn đứng vững, giúp bạn sống một đời sống mạnh mẽ và lành mạnh.
Nếu bạn vui mừng, họ hạnh phúc. Nếu bạn đau khổ, họ chia sẻ. Họ đứng đằng sau và không để thế giới biết họ đứng đằng sau bạn. Và nếu bạn phải trải qua những cơn bão trong cuộc đời, họ sẽ ở đó để giữ cho bạn thẳng đứng. Sứ mệnh của họ là giữ cho bạn vững vàng, mạnh mẽ, nuôi dưỡng bạn, cho bạn nước khi bạn khát…
Và cái rễ đôi lúc bỏ mặc bạn với những sóng gió khi lá đã rơi và nhánh đã gãy, bạn trông héo úa, cô độc, đơn côi trước phong ba bão táp. Nhưng cái rễ vẫn âm thầm bơm nhựa để giữ cho bạn sống. Trong đời sống của chúng ta như một cái cây cho nhiều nhánh, nhiều lá nhưng chỉ có 1 rễ.
Cuối cùng, Francis Hùng đề xuất: "Và bạn hãy nhìn vào đời sống, các mối quan hệ của chúng ta. Nếu muốn kiểm tra, các bạn hãy lấy danh bạ điện thoại ra và xem mình có bao nhiêu lá, bao nhiêu nhánh, bao nhiêu rễ. 
Và đặc biệt, bạn là gì trong cuộc đời của người khác, là lá, nhánh hay rễ? Chúng ta phân loại người khác thì chúng ta cũng phải tự biết chúng ta là loại gì. Điều gì mình muốn người khác làm cho mình thì mình phải chủ động làm cho người ta trước. 
Hãy phấn đấu để luôn là rễ. Người mạnh là người nâng đỡ người khác trên đôi vai của mình. Bởi vậy tôi ước ao, bạn luôn là rễ đối với người khác".
Được biết, diễn giả Francis Hùng được chính phủ Mỹ tôn vinh là "nhân tài" trong 3 lĩnh vực: Diễn thuyết, Chuyên gia đào tạo doanh nghiệp cấp cao và Tư vấn chiến lược kinh doanh. Ông là người Việt Nam đầu tiên nhận được danh hiệu này.
Hoa Chanh
Theo Trí Thức Trẻ


Tình bạn một trò chơi khó nhằn nhất trên đời.

Tại sao đôi khi ta cảm thấy sốc, thất vọng, hay bực tức trước những hành động của bạn bè? Không như Ralph Waldo Emerson đã nói, “Bạn bè là giấc mơ, là cổ tích.” Trong đời thường thì Không hề có. Vậy nguyên do là vì đâu mà tình bạn là một trong những trò chơi khó nhằn nhất trên đời.


Bí mật nằm ở thứ mà được gọi là Tình bạn Định hướng. Bạn biết đấy những chuyên gia tổ chức, họ đến một công ty hoặc một nhà máy và xem xét tất cả đơn xin việc để xác định mỗi người phù hợp với điều gì nhất. Rồi họ xếp những người đó vào những bộ phận thích hợp nhất. Đôi khi một thủ thư tệ lại là một tay tốc ký cừ khôi, và người không biết cách dùng máy móc lại là một thợ lau cửa sổ giỏi.
Vậy nên điều bạn phải làm với bạn bè của mình để khiến họ trở nên có giá trị và bền vững nhất là hiểu và phân loại bạn bè, không nhét hộp vuông vào một lỗ tròn.
Lấy ví dụ Arthur, một người nói chuyện dí dỏm và hài hước. Nhưng anh ta lại không bao giờ đúng hẹn. Vậy nên chỉ vui vẻ nói chuyện với anh ta khi hai người gặp nhau, chứ đừng đưa ra bất kỳ cuộc hẹn nào, thế thì anh ta sẽ luôn khiến bạn hài lòng.
Tại sao lại chê trách Gertrude - người chơi bài giỏi cự phách - vì cô ấy ăn mặc lôi thôi? Chọn cô ấy làm đồng đội khi chơi bài, nhưng đừng dẫn cô ấy đến những nơi hội hè. Như vậy cả hai sẽ luôn là bạn. Nếu chú trọng ngoại hình thì bạn có thể mời Elsie xinh đẹp - mỗi tội cô ta hơi ngây ngô.
Bạn thấy đó, không thể nào thay đổi người khác và khiến họ trở thành điều mà bạn thích. Nhưng nếu bạn tận hưởng mỗi người theo mặt nổi trội của họ thì bạn sẽ không bao giờ thất vọng hay khó chịu. Vấn đề là đa số chúng ta lại cho rằng mỗi người bạn của mình đều giống như mấy con dao đa năng mà mấy bạn trai khoái ấy, mấy con dao có thể cắt, đục lỗ, vặn vít, mở hộp thiếc, và làm được hầu như mọi thứ. Trong thực tế thì khó có thể có được một người bạn như vậy.
Bạn bè giống như một công cụ đơn giản hơn. Mỗi người có thể làm tốt một việc gì đó, và ta chỉ nên sử dụng họ trong việc đó mà thôi. Ta không thể phàn nàn rằng, “Cây tua vít vô dụng! Sao mày không vặn được đinh hả?” vậy nên tại sao lại nghĩ rằng một người phụ nữ làm thơ hay có thể kể chuyện cười hay khiêu vũ? Một người đàn ông có thể chơi golf hay tuyệt mà không quan tâm đến những món nợ của mình? Tình bạn Định hướng sẽ dạy bạn cách sử dụng người đàn ông đó chỉ để chơi golf và không nên cho anh ta mượn tiền !
Như bạn đã thấy, nghệ thuật Tình bạn Định hướng là việc giữ quan hệ với bạn bè chỉ đến mức mà cả hai vẫn còn đồng điệu với nhau. Bạn có khi cảm thấy rất vui vẻ hào hứng khi chơi với người này, nhưng lại ít hứng thú với người kia. Tuy nhiên đa số mọi người bạn gặp đều có ít nhất một phẩm chất nào đó mà bạn thích. Đó là cách ta nên nhìn nhận bạn bè. Tập trung vào phẩm chất mà bạn thích nhất.
Tình bạn cần phải được hiểu thấu đáo và luyện tập một cách khoa học, cũng như hóa học, hay hội họa vậy.
Bạn có thể làm bạn gần như với mọi người. Ở mỗi người bạn chỉ mong đợi chừng một đặc điểm, thì đúng là “Bạn bè là giấc mơ, là cổ tích”. 
Gelett Burgess

-------------
Frank Gelett Burgess (1866 - 1951) người Mỹ, một họa sĩ, nhà phê bình, nhà văn, nổi tiếng và có khiếu hài hước. Một nhân vật quan trọng trong thời kỳ phục hưng văn học của vùng Vịnh San Francisco.
z

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Lịch sử cái váy xưa

Cái váy của người đàn bà đất Bắc không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng đến khi nhà Minh xâm lăng Việt Nam vào năm 1414, thì ngay sau đó “bọn Hoàng Phúc muốn bắt dân ta đồng hóa với người Tàu, cấm con trai con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái phải mặc áo ngắn quần dài theo kiểu người Tàu, nghĩa là không được mặc váy như trước.

Váy là đồ mặc che nửa thân người phía dưới của người đàn bà xứ Bắc ngày xưa. đúng như người bình dân của ta đã mô tả trong một câu đố như sau:

Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,
Bên ta thì có, bên Tàu thì không.

Đến năm 1665 đời vua Lê Huyền Tông, nhà vua lại ra sắc dụ cấm đàn bà con gái mặc quần theo kiểu Tàu mà trở lại mặc váy theo y phục truyền thống của dân tộc. Vậy là, sau 250 năm, người đàn bà xứ Bắc lại mặc váy như trước thời kỳ bị quân Minh xâm lược bắt phải đồng hóa theo kiểu ăn mặc của đàn bà Tàu. Đó là tình trạng ở đất Bắc tức từ Thanh Hóa trở ra. Tình trạng ở phía nam đèo Ngang tức từ Quảng Bình trở vào lại khác.

“Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục. Theo giáo sĩ Koffler thì chúa bắt bỏ lối quần áo thô bỉ của người Đàng Ngoài, mà châm chước theo lối quần áo của người Tàu. Có lẽ từ bấy giờ, người đàn bà Đàng Trong bắt đầu mặc áo gài khuy và mặc quần, mà không mặc áo thắt vạt và mặc váy như người đường ngoài nữa.”

Vậy có thể nói, từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trở về sau, phụ nữ Đàng Trong dưới quyền chúa Nguyễn mặc quần dài 2 ống thì người phụ nữ Đàng Ngoài dưới quyền vua Lê chúa Trịnh lại mặc váy.

Đến khi nhà Nguyễn dựng đế nghiệp (1802), để thống nhất việc ăn mặc cho cả nước, vua Minh Mạng (1820-1840) đã hai lần ra sắc dụ bắt dân chúng Đàng Ngoài phải thay đổi cách ăn mặc theo người Đàng Trong. Việc cải đổi y phục của vua Minh Mạng đã gặp phải sức kháng cự của người dân Đàng Ngoài bằng hành động bất tuân phục và đặt ra những bài hò vè để chế diễu phản đối.

“Người xứ Bắc vốn không qui phục nhà Nguyễn . . . lại gặp phải chính sự hà khắc cấm đoán cả về y phục, trái với lẽ thường, dân mất váy lần này có câu ca rằng:

Tháng chín có chiếu vua ra:
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi ra bóc lột quần chồng sao đang.
Có quần ra quán bán hàng,
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan ”

Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, ghi lại chiếu dụ của vua Minh Mệnh ban hành vào năm Đinh Dậu (1837) như sau:

“Từ sông Gianh ra Bắc, trước đây vẫn còn ăn mặc theo hủ tục. Trẫm đã ra lệnh đổi y phục như từ Quảng Bình trở vào để phong tục thuần nhất. Lại ban hạn rộng rãi để ai nấy có thì giờ khâu may. Nhưng đến nay, kể đã ngoài 10 năm, mà ở Đàng Ngoài bọn ngu phu, ngu phụ vẫn cứ chần chừ chưa chịu đổi thay.

Từ Quảng Bình trở vào Nam, hết thảy đã ăn mặc theo lối nhà Hán, nhà Minh, mũ mãng, áo quần đều chỉnh tề, tươm tất. Dân Bắc Kỳ cứ ăn mặc theo lối cũ. Đàn ông, con trai đóng khố, đàn bà, con gái mặc áo vạt khép vào nhau, dưới thì mặc váy. Như vậy đẹp xấu ra sao, mọi sự đã rõ.

Một số nơi đã theo thói hay. Nhưng nhiều nơi vẫn duy trì hủ tục, phải chăng cố ý trái lệnh của Trẫm. Nay truyền cho các viên tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát các tỉnh phải giải thích, khuyên nhủ cho dân biết rõ ý của Trẫm. Lại ban hạn trong năm nay tất cả phải thay đổi quần áo. Nếu năm tới còn có kẻ nào ngoan cố áo quần, phải trị tội thật nặng”.





Bữa cơm của Khổng Tử

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là 2 học trò yêu của Khổng Tử.


Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng. May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi đảm nhận việc thổi cơm.
Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất. Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh rồi từ từ đưa cơm lên miệng. Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài… ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về. Nhan Hồi lại luộc rau. Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ. Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên: tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.
Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước.
Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy, cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?” Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!” Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?” Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra định vất đi nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình chung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em.
Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi. Bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”
Nghe Nhan Hồi nói xong. Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!  Muốn hiểu biết tường tận một vấn đề gì, cần phải là người trong cuộc.



MỤC LỤC BÀI ĐĂNG 2018 - 2013

( Cách tìm bài : Bạn nhấn Ctrl+F để mở cửa sổ và gõ từ cần tìm vào, bài cần tìm sẽ được đánh dấu và bạn chỉ cần nhấp chuột vào đó là có ngay bài cần đọc)




▼  tháng sáu (11)






▼  tháng mười một 












      tháng hai 
           tháng sáu 
                      tháng ba (1)