Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Kỳ lạ cậu bé 10 tuổi ở Hà Nội không đến trường


Kỳ lạ cậu bé 10 tuổi ở Hà Nội không đến trường
Thứ hai 10/09/2012 06:03
(GDVN) - Bùi Huy Khang, sinh năm 2002, là một trong số ít cậu bé không đến trường tiểu học như các bạn khác.

Anh Kiên và bé Khang đang theo dõi video bài giảng do nhà trường gửi từ Mỹ về Việt Nam. 
Ảnh: Hương Giang.
Lựa chọn cách học không vì bằng cấp

Mặc dù đã lên 10 tuổi nhưng Khang mới đang học chương trình tương đương lớp 2 của chương trình tiểu học này. Anh Bùi Huy Kiên, bố của Khang cho biết: “Cháu đã đi học nửa năm lớp 1 ở một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội. Tuy nhiên, cháu tỏ ra không thoải mái và tự tin khi đến lớp vì cô giáo bắt viết chữ đẹp, cháu thấy chán nản khi đến trường. Điều này với đứa trẻ khác thì bình thường, tuy nhiên, tôi thấy Khang là cậu bé cá tính, nếu cứ ép buộc cháu theo khuôn mẫu thì không hay. 

Trước đó, cháu học ở một trường mẫu giáo có tính chất quốc tế, quen với phong cách đó nên khi vào trường công thì cảm thấy áp lực. Thấy cháu không phát triển được trong môi trường công lập, gia đình tôi đã cho cháu nghỉ học”.
  
Sự kiện nghỉ học của Khang lúc đầu không được sự ủng hộ của ông bà, nội ngoại. Ngay cả vợ anh Kiên cũng băn khoăn rất nhiều. Tuy nhiên, anh Kiên sau một hồi kiên trì thuyết phục thì cả nhà cũng đồng ý.
Trả lời phóng viên báo Giáo dục Việt Nam lý do vì sao anh không quan tâm đến việc bé Khang cần phải có một tấm bằng tốt nghiệp tiểu học chẳng hạn, anh Kiên cho biết: “Định hướng của gia đình là bé Khang sau này trở thành doanh nhân, mà các trường học từ trước đến nay thì không đào tạo ra doanh nhân. Trường học khắp mọi nơi đều tạo ra con người làm việc trong nhà máy, công ty, xí nghiệp”. 

Anh Kiên cho rằng mình chịu ảnh hưởng sâu sắc tư duy này từ cuốn “Cha giàu, cha nghèo”.

Anh Kiên cũng cho biết, kiến thức và kinh nghiệm là điều cần phải có, tuy nhiên bằng cấp thì không nhất thiết, nếu Khang thích, anh tin rằng cậu bé sẽ có một bằng cấp nào đó không khó khăn lắm, nếu bé không thích thì không cần thiết phải có tấm bằng.

Việc bé Khang học một chương trình tiểu học từ xa không phải vì cần một tấm bằng, mà đơn giản chỉ vì cậu bé thích học chương trình đó.

Học kinh doanh từ sớm

Để tránh cho con khỏi đơn độc, không có bạn bè, anh Khang cho con đi học Anh văn ở hai nơi, một là Hội đồng Anh, một là trung tâm của một  giáo viên tiếng Anh người Mỹ. Ngoài ra Khang cũng đi học học võ, học vẽ, bơi lội…

Anh Kiên dạy bé tập làm quen với kinh doanh từ sớm. Mới 3 tuổi, Khang đã biết phát tờ rơi quảng cáo cho bố. Anh nói vui: “Người lớn mà đi phát tờ rơi, có khi người ta không xem, nhưng một cậu bé 3 tuổi phát tờ rơi thì người ta xem”.

Bố Khang dạy Khang học toán bằng cách cho đi bán kẹo cao su. Một chiếc kẹo 500 đồng, Khang sẽ bán thành 1000 đồng. Nếu ai mua 3 chiếc kẹo thì Khang chỉ bán giá 2000 đồng. Hàng năm có vài hội chợ do bố tổ chức, Khang cũng được dành một gian hàng nhỏ để thực tập bán hàng. Số tiền thu được, Khang ghi chép vào một cuốn sổ, sau đó gửi “ngân hàng” mẹ. Mọi mặt hàng Khang bán tại hội chợ bao giờ cũng hết, vì đa phần người mua đã đặt hàng với Khang từ trước qua mạng.

Cha mẹ chấm điểm cho con, không phải giáo viên

Chương trình học từ xa mà Khang đang học ở ở nhà do một thầy giáo người Mỹ lấy vợ Việt Nam, từng dạy Anh văn cho Khang giới thiệu. Thầy giáo này cũng có hai con nhỏ đang học chương trình này từ xa, không đến trường lớp nào ở Hà Nội.

Khang tỏ ra rất thích thú khi học chương trình lớp 1. Sáng nào cậu bé cũng mở video để nghe cô giáo giảng. Các môn học gồm có số học, ngữ âm, tập đọc, tập viết…

Khang chia sẻ với phóng viên: Em thích nhất là cuốn sách toán và tập viết. Sách được thiết kế để học xong bài nào thì xé luôn bài đó, bố mẹ chấm điểm và đóng vào bì thư gửi sang Mỹ cho nhà trường. Bao giờ học xong thì cả cuốn sách lúc ấy chỉ còn cái gáy sách thôi!

Bố mẹ Khang đều làm việc tại nhà (điều hành công ty riêng của gia đình) nên cũng có điều kiện thuận lợi khi kèm con học chương trình này. Sau khi học xong với đĩa DVD do trường gửi sang, bố hoặc mẹ sẽ kèm Khang học, vì đây là chương trình học từ xa dưới sự hướng dẫn của cha mẹ chứ không phải chương trình tự học.

Một bài học hấp dẫn với Khang ở sách Địa lý/Lịch sử lớp 1 của chương trình học từ xa. 
Ảnh: Hương Giang.
Một điểm theo anh Kiên rất thú vị, việc cha mẹ chấm điểm cho con rồi gửi cho nhà trường có một ý nghĩa rất khác, đó là hình thức tự đánh giá quá trình học, không làm cho người ta phải chạy theo điểm số. Cách giáo viên giảng bài ở video kích thích ham mê của học sinh. Anh Kiên cho hay, nhiều khi kèm con học mà con không chịu lắng nghe cũng làm anh nổi cáu.

“Tuy nhiên, từ khi biết tới chương trình này, tính khí của tôi cũng thay đổi rất nhiều khi dạy con. Giáo viên của chương trình này rất kiên nhẫn, họ cứ dạy đi dạy lại nhiều lần, đến khi nào học sinh hiểu bài thì thôi”, anh Kiên nói.
Với nhiều chương trình học từ xa qua mạng khác, học sinh tương tác với giáo viên nhiều hơn, trái lại với chương trình học của Khang, con cái tương tác với bố mẹ nhiều hơn. Đó là điều anh Kiên thích vì con anh đang học cấp tiểu học.
Năm nay, Khang đã học đến chương trình lớp 2. Anh Kiên dự định cho Khang học một năm hai lớp vì thấy cậu bé học hiệu quả. Mỗi một lớp, tiền giáo trình và đĩa DVD của trường hết khoảng 1000 đô la/năm, không mất tiền học phí.
Quan sát bé Khang ngồi học theo đĩa DVD, có thể thấy bé rất háo hức và chăm chú nghe cô giảng, cứ như bé đang ngồi cùng với học sinh trong lớp học. Với sách luyện đọc là những câu chuyện dạy về đạo đức phù hợp với trẻ con thì Khang có thể đọc từ đầu đến cuối một câu chuyện dài vài trang bằng tiếng Anh.
Theo anh Kiên, tại Mỹ, hiện tượng trẻ em không đến trường mà học tại nhà rất phổ biến. Có hàng chục mô hình dạy từ xa kiểu này ở Mỹ và nhiều mô hình tương tự ở nhiều nước trên thế giới.
Dự định của anh Kiên là sau này Khang sẽ đi du học, tuy nhiên cũng tùy thuộc vào sở thích của con. Với anh Kiên, khi dạy con học, cha mẹ có thể trưởng thành rất nhiều. Muốn dạy con tốt thì trước hết phải trở thành cha mẹ tốt trước đã.
Theo GDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét