Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Đi tìm lời giải bí ẩn thành công học sinh Việt

Sự kiện học sinh Việt luôn đứng đầu nước Đức trở thành “hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt” làm giới nghiên cứu Đức nhiều năm nay phải “đau đầu” và loay hoay đi tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao có sự khác biệt thành tích học tập giữa con cái các sắc dân? Dựa trên nguyên lý nào? 
Công trình lớn gần đây nhất được trường Đại học Chemnitz thực hiện năm vừa qua, khảo cứu 720 mẫu gia đình Đức, Việt và Thổ Nhĩ Kỳ chọn lựa theo nguyên tắc ngẫu nhiên. Từ kết quả thống kê, họ đi tìm luận chứng nhưng tất cả đều mâu thuẫn với kết quả thu được.

Trước hết, đối chiếu với nguyên lý cổ điển cho rằng nguồn gốc thành công giáo dục bắt nguồn từ mô hình “nền tảng gia đình”.

Theo mô hình này, gia đình thu nhập càng lớn, quan hệ xã hội càng rộng, cha mẹ học thức càng cao, thì con cái học ở trường càng thành công. Nếu luận điểm này đúng, thì lẽ ra học sinh Việt nói chung phải như học sinh Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thực tế học sinh Việt giỏi hơn gấp 4 lần nếu căn cứ theo tỷ lệ học sinh vào trường chuyên, gấp 10 lần nếu căn cứ vào giải học bổng Hertie-Stiftung.

Sau khi nguyên lý “nền tảng gia đình” không được thực chứng, bị loại trừ, các nhà nghiên cứu lại đi tìm lời giải khác thay thế. Họ đưa ra luận đề có thể do “cách thức giáo dục”. Theo đó, gia đình nghiêm khắc, độc đoán trong giáo dục con cái, đồng nghĩa với thành công.

Nhiều kết quả khảo cứu khác cũng cho thấy giáo dục trong gia đình người Việt nghiêm khắc hơn so với Đức nên con cái họ thành công hơn là tất nhiên.

Nhưng kết quả công trình khảo cứu từng mẫu gia đình đã không xác chứng luận đề trên, không phải cứ gia đình nào càng nghiêm khắc thì con cái họ càng thành công. Mối quan hệ trên không hề mang tính nhân quả mà chỉ hoàn toàn ngẫu nhiên.

Ở bình diện xét chung toàn sắc tộc, luận đề trên còn mâu thuẫn, không ít sắc tộc rất nghiêm khắc, thậm chí cực đoan như các sắc tộc theo đạo Hồi, kiểu “đặt đâu ngồi đấy”, nhưng kết quả con cái họ còn thua xa học sinh Việt.

Các nhà nghiên cứu lại đi tìm một cách giải thích khác, dựa trên luận đề Nho giáo, đặc thù người Việt. Theo Nho giáo, giá trị con người nằm ở học thức; học giỏi thì cha mẹ được vinh hiển.

Nhưng luận đề đó cũng bị thực tế bác bỏ. Cả hai nhóm nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đều đánh giá cao học đường, cho đó là nền tảng để tiến thân, danh phận trong xã hội.

Nhưng học sinh Thổ Nhĩ Kỳ thành công kém xa học sinh Việt. Ngay cả so với học sinh Trung Quốc vốn được sinh ra từ cội nguồn của Nho giáo, cũng cho kết quả tương tự, học sinh Việt vượt xa.

Thay đổi góc nhìn

Đáng tiếc mọi luận đề các nhà nghiên cứu đưa ra đều không giải đáp thỏa đáng bí ẩn thành công học sinh Việt. Rút cuộc họ đưa ra kết luận bỏ ngỏ giả định, có lẽ các công trình mới tập trung nghiên cứu vai trò cha mẹ, ít đề cập tới chính con cái, và mối quan hệ tương hỗ 2 bên.

Thay đổi góc nhìn có thể hy vọng giúp tìm được lời giải thoả đáng, như phản ứng nhanh chóng của cha mẹ người Việt trước kết quả học tập của con cái khác với các sắc tộc khác.

Trong khi cha mẹ người Đức không suy nghĩ gì khi con bị điểm kém 4 (kém nhất là 5), thì một số gia đình Việt đã bắt con học thêm khi mới chỉ được điểm khá 2, chưa đạt được điểm giỏi 1.

Mặt khác, đối với học sinh Việt, học thức còn do đòi hỏi bắt buộc của hoà nhập. Càng có học thức càng dễ giải quyết khi gặp các tình huống bất thuận khác nhau trong cuộc sống luôn có thể xảy bất cứ lúc nào đối với dân nhập cư.

Ngoài ra, bằng cấp là vé vào cửa thị trường lao động mà ở Đức điều này rất quan trọng nên người nhập cư hiểu rõ điều này hơn ai hết.

Về động cơ, họ là những người luôn muốn thăng tiến, kỳ vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong nước, nếu không họ đã không rời nước ra đi. Học thức là lá bài duy nhất họ có thể xòe ra.

Tuy nhiên lý do hòa nhập vẫn bị bác bỏ, bởi nó đúng với mọi sắc dân nhập cư nên không thể dùng để lý giải riêng hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt được.

Đòi hỏi “con phải hơn hẳn bố mẹ”

Trong khi các nhà khoa học loay hoay tìm kiếm nguyên lý cực kỳ khó khăn, thì hầu hết các bậc cha mẹ Việt xem lý do thành công con cái họ rất đơn giản. Bố mẹ tạo hết mọi điều kiện cuộc sống và thời gian cho con cái không phải lo nghĩ gì tới công việc gia đình đã được cha mẹ bảo đảm chỉ với một đòi hỏi: “con phải hơn hẳn bố mẹ“.

Rõ ràng, khái niệm “giáo dục” được định nghĩa là sự tác động qua lại giữa thầy và trò trong một môi trường xã hội, kinh tế, gia đình, nhất định.
Hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt mới xuất hiện ở Đức và Mỹ, chưa xảy ra trong nước hay bình diện thế giới, thực ra không nằm ngoài nguyên lý trên.

Ngoài tố chất học sinh và thực tế gia đình họ quyết định, phải có hệ thống giáo dục thích ứng vốn đóng vai trò nền tảng trực tiếp, tức điều kiện cần, nếu không những tài năng trẻ học sinh Việt đó sẽ cũng chỉ nằm trong tiềm năng; không thể xuất hiện “hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt”!
Theo Giao dục net

Ảnh : Thanh Mai, lúc 8 tuổi, nhận chứng chỉ vô địch vòng thi chung kết toán lớp 4 toàn tỉnh Unterfranken, Đức, năm 2011 (Ảnh nhân vật cung cấp)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét