Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

Trí thức ngày nay và kẻ sĩ ngày xưa

Thời nay, có nhiều người bằng nào cũng lấy, hội nào cũng vào, ghế nào cũng ngồi, chức danh nào cũng đạt, song không hề có một phát minh, phát kiến nào mới mẽ cho nhân quần xã hội nhích thêm một bước nào.

Kẻ sĩ ngày xưa là người quân tử có vai trò định quốc an dân. Họ luôn quan tâm đến nhân tâm thế đạo, sự hưng vong của đất nước. Dù xuất hay xử, ra làm quan hay lui về ẩn dật vẫn một niềm ưu ái đối với dân, với nước.

Cái học ngày xưa khác cái học ngày nay, không những về nội dung mà còn về phương pháp học. Sách Trung Dung dành riêng một phần quan trọng bàn về phương pháp học tập của Nho sĩ ngày xưa. Phương pháp này đại loại tóm gọn trong mấy từ sau :

Bác học (người đi học phải học cho giỏi)
Thẩm vấn (hỏi thì hỏi cho kỹ);
Thận tư (suy nghĩ thì suy nghĩ cho cẩn thận);
Minh biện (biện luận cho rõ ràng);
Đốc hành (cố tâm thực hành điều mình biết).

Học thì phải học cho thật giỏi, nghĩ thì phải nghĩ cho ra lẽ, hỏi thì phải hỏi cho biết mới thôi, làm thì phải làm cho hết sức mình. Ngoài ra phải khiêm tốn, thật thà, không giấu dốt, không nói những điều mình không biết rõ (biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy - Khổng Tử).

Kẻ sĩ xưa và trí thức nay đều là sản phẩm của một nền giáo dục. Trí thức ngày nay vẫn còn giữ được địa vị tinh thần của kẻ sĩ ngày xưa. Muôn đời, trí thức vẫn là người cầm bó đuốc tinh thần của nhân loại, giữ vai trò lãnh đạo tinh thần của một dân tộc. Trong một xã hội nặng mùi vật chất, đồng tiền là vạn năng, giá trị tinh thần thuộc về thứ yếu, đời sống tâm linh nghèo nàn, tình người đắt đỏ hiếm hoi...thì địa vị tinh thần của người trí thức cần được đề cao, coi trọng hơn bao giờ hết. Quốc gia, dân tộc hưng thịnh hay suy vong thì người thất học cũng phải có trách nhiệm huống chi là người có học (quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách).

Chân trí thức bao giờ cũng vừa tỉnh thức vừa đánh thức xã hội, định hướng xã hội, dẫn dắt quần chúng hướng về Chân-Thiện-Mỹ. 


Ảnh : GS Lê Văn Lan là một học giả uyên bác, nhiệt tình, cởi mở, có nhiều ý kiến sắc sảo là một trong những người sáng lập Viện sử học Việt Nam. Ông có câu nói hay : Lịch sử là khoa học, không phải là công cụ giáo dục tư tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét