Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Xác chết tự tìm đường về nhà






Những xác chết tự tìm đường về nhà có thể khiến nhiều người phải rùng mình sợ hãi,
tuy nhiên, đối với người Toraja ở Indonesia thì việc này hết sức bình thường.




Xác chết biết đi hay trò phù thủy?

Nhiều năm về trước, khi vùng đất người Toraja sinh sống còn bị cô lập và dường như tách biệt với thế giới bên ngoài thì những tin đồn về ma thuật thần kỳ, làm cho xác chết đi đứng bình thường đã được nhiều người trên thế giới biết tới.

Theo chuyện kể, việc làm cho thây ma biết đi có từ thời xa xưa. Vào thời ấy, một cuộc nội chiến đã xảy ra giữa những người Tana Toraja ở phía tây và người Tana Toraja ở phía đông. Người Tana Toraja ở phía tây đã bị thua thảm hại và bị giết chết gần hết. Trong khi đó, người Tana Toraja ở phía đông bị thiệt mạng ít hơn và hầu hết các chiến binh đều mang được xác của những người tử nạn về làng để chôn cất. Ngược lại, do không thể mang xác của những người xấu số về làng, người Tana Toraja ở phía tây đã nghĩ ra một cách đặc biệt để chôn cất những người chết.



Sau đó, các thầy phù thủy được cho là đã sử dụng một loại chất độc dạng bột nhằm đưa người chết sống trở lại ở trạng thái vô thức, trong một khoảng thời gian nhất định. Theo đó, loại bột này được cho là chất cực độc đối với người sống, do được chiết xuất từ những loài động vật rất độc trong tự nhiên. Khi chất bột này được “thổi” vào những xác chết, nó sẽ kích thích hệ thần kinh đã chết hoạt động trở lại một cách vô thức như một cái máy. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra không thỏa mãn với câu trả lời trên và cho rằng, việc làm những thây ma biết đi chỉ là một trò ma thuật tà đạo của các phù thủy.

Từ năm 1905, các nhà khoa học đã tìm thấy những xác người còn nguyên vẹn, không bị phân hủy ở vùng đất này. Điều đặc biệt là dường như những xác người này không hề được tẩm ướp bất cứ một loại hóa chất nào, khác hẳn với phương pháp ướp xác được biết đến của người Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn nghi ngờ có một loại chất đặc biệt giúp bảo quản xác chết, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời. Còn với những người bản địa, cách thức chôn cất độc đáo của người Tana Toraja cùng với điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng lý giải cho việc tại sao việc thây ma biết “đi lại” chỉ có duy nhất ở vùng Mamasa, Indonesia.



Khi một người trong làng qua đời, thi thể của họ sẽ được bọc bằng quần áo trước khi đặt vào quan tài. Sau đó, những người đàn ông sẽ khiêng chiếc quan tài ra nơi chôn cất của bộ lạc. Điều đặc biệt là nghĩa địa của người Tana Toraja nằm cheo leo trên những vách núi đá vôi dựng đứng. Tại đây, người ta đục thành những ô vuông ăn sâu bên trong đá, đủ dài và rộng để đặt vừa một chiếc quan tài. Nhìn từ phía xa, những ngôi mộ nằm trong lòng núi trông giống những chiếc tổ chim bồ câu hay những ô cửa sổ của một khu nhà cao tầng. Cũng dễ hiểu khi đến gần những ngôi mộ, người dân không hề thấy mùi hôi thối bởi những xác chết không bị phân hủy mà khô quắt lại, trông như một xác ướp. Nhiều xác chết “bước ra” khỏi quan tài sau nhiều năm vẫn còn lông mi, lông mày, tóc và khuôn mặt hầu như không bị biến dạng hay thay đổi nhiều.

Xác chết “đi” chào xóm làng

Người Tana Toraja còn có tục lệ dân gian kỳ lạ được tổ chức 3 năm một lần, gọi là Ma’nene. Theo đó, xác người chết được đào lên khỏi mộ rồi thay quần áo mới như một cách tưởng nhớ người chết. Tục Ma’nene được diễn giải nôm na là “tắm rửa cho người chết”, được tổ chức trước mùa vụ hoặc trước khi hết tháng 8. Đây cũng là dịp mọi người trong dòng họ tụ về để làm giỗ.

Mỗi dịp làm lễ kéo dài 3 ngày. Ngày thứ nhất: quan tài của người chết được đưa ra khỏi mộ (Pa’tane, nằm giữa một tảng đá lớn) ra bàn làm lễ, xung quanh là người thân của người chết.



Họ lau rửa xác (còn nguyên hoặc chỉ là bộ xương) rồi mặc quần áo sạch mà người chết từng mặc lúc còn sống. Tiếp đó, gia đình “dẫn” người chết đi khắp làng để hàng xóm cúng viếng. Dân làng Baruppu tin người chết dù đã chết hàng trăm năm rồi vẫn còn sống với họ, và linh hồn người chết sẽ phù hộ cho họ tránh được những điềm dữ, sâu bọ phá hoại mùa màng và bị bất hạnh trong cuộc sống gia đình. Ngày thứ hai, xác được đưa trở lại vào mộ và đóng mộ. Ngày thứ ba, gia đình tụ tập đọc kinh và làm bữa cỗ tưởng nhớ người chết.

Theo truyền thuyết, Ma’nene bắt đầu được hình thành từ rất xưa: một thợ săn tên là Pong Rumasek đang đi săn thú hoang ở khu rừng Balla thì phát hiện xác người nào đó đã chết từ lâu, nằm dưới những gốc cây, chỉ còn lại bộ xương. Cảm thấy thương hại, Pong Rumasek cởi áo mình để mặc cho xác rồi chôn. Sau đó, Pong Rumasek tiếp tục cuộc săn. Từ đó, mỗi lần Pong Rumasek đi săn đều có kết quả tốt, bắn được nhiều con vật. Khi về đến nhà, ông còn ngạc nhiên khi thấy ruộng lúa chín vàng và ông chỉ còn mỗi việc là gặt. Pong Rumasek cho rằng đó là nhờ ông đã làm việc phúc đức khi chăm sóc cái xác vô danh.

Từ đó, dân làng luôn tưởng nhớ các xác chết của tổ tiên và người thân, tạo nên tục thay quần áo cho người chết. Tục Ma’nene cũng có những quy định cấm bất thành văn. Ví dụ nếu người này (chồng hoặc vợ) chết thì người kia chỉ được tái hôn sau khi làm lễ thay quần áo cho người này, tức phải để tang ba năm.

Theo Thế Giới Đàn Ông





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét