Việc học còn nặng thi cử là rào cản cho việc thực hiện đổi mới
giáo dục.
“Không đổi mới giáo dục đồng nghĩa với
chết”
Tại tọa đàm “Vai trò của người hiệu trưởng trong công tác đổi mới
quản lý giáo dục” diễn ra tại TPHCM ngày 28/3, nội dung được nhiều người đề cập
việc học sa vào thi cử nên việc đổi mới trong giáo dục gặp nhiều khó khăn.
- TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám
đốc Sở GD-ĐT TPHCM thẳng thắn cho rằng “không đổi mới giáo dục đồng nghĩa với
chết” vì đó là yêu cầu cấp thiết để nền giáo dục Việt Nam phát triển và hội nhập
với nền giáo dục tiên tiến thế giới.
Theo TS Huỳnh Công Minh, việc đổi mới phải là đổi mới ở nhận
thức, chứ không đơn thuần chỉ là thay đổi ở việc cải tiến công việc, tổ chức những
cuộc họp chất lượng. Mục tiêu giáo dục của chúng ta đang sai lầm ở chỗ sa đà
vào việc thi cử, không chỉ ở bậc THPT mà ngay từ các bậc học thấp hơn.
“Chúng ta phải xác định lại mục tiêu dạy người, dạy năng
lực chứ không phải dạy giấy tờ, bằng cấp. Điều này phải thể hiện được trong
từng hành động của mỗi thầy cô giáo, mỗi học trò. Phải làm sao để người học vừa
vui, thấy nhẹ nhàng mà phát triển được năng lực, trí thông minh; các phương
pháp học phải thể hiện bằng các trò chơi và phải giảm được sĩ số lớp xuống, đó
mới là đổi mới”, TS Huỳnh Công Minh nhấn mạnh.
Đồng tình rằng vai trò của hiệu trưởng trong việc đổi mới
rất quan trọng, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng không ít người đứng đầu các cơ
sở vẫn còn dè dặt thực hiện việc đổi mới.
Thầy Trần Ái Việt - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ,
Q.7 cho hay mục tiêu, hình ảnh trong đổi mới giữa những giá trị truyền thống và
hiện đại là gì để những người đứng đầu cơ sở giáo dục có những giải pháp tiến
hành đổi mới. Còn bây giờ các trường, cả những trường tổ chức học 2 buổi nhưng
giáo dục còn nặng thi cử nên vẫn chạy theo việc học chưa thật sự đẩy mạnh việc
rèn luyện các em kỹ năng sống, tính thích nghi, khả năng hợp tác, biết hành
động…
“Phải biết hướng mình đi và mình đi về đâu chứ cứ loay hoay
hô cùng nhau đổi mới thì đổi mới cái gì? Tôi tâm đắc với việc đổi mới toàn diện
từ sau năm 2015 nhưng chúng ta đã chuẩn bị đến đâu, đã có cơ sở để thực hiện
chưa?”, ông Việt đặt câu hỏi.
Bà Bùi Thị Liên Chi - hiệu trưởng Trường THCS - THPT Sao
Việt, Q.7 cho biết, cách đây khoảng hơn 10 năm, khi bà đang công tác tại trường
THPT Bùi Thị Xuân thì nhiệm vụ chính của nhà trường là dạy và học. Trường cảm
thấy rất thành công khi liên tục đỗ tốt nghiệp 100%, nằm trong top 10 các
trường có thí sinh đỗ đại học của thành phố.
Đến thời điểm này, hiệu trưởng phải thay đổi tư duy, chúng
tôi đặt ra mục tiêu phải đào tạo học sinh thành con người toàn diện ngay từ
nhỏ. Trong đó tăng cường các giờ hoạt động, giờ học ngoại khoá, khám phá ngoài
trời để các em sáng tạo, tư duy, tự khám phá tri thức…
Bà Chi đánh giá: “Chúng ta đang có từng bước đổi mới toàn
diện so với trước đây. Tuy nhiên, muốn xây dựng trường học thân thiện, học sinh
tích cực thì phải có sự thay đổi tích cực hơn từ chương trình học với việc đẩy
mạnh giáo trị sống, kỹ năng sống sâu sắc hơn nữa”.
Hoài Nam
Dân trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét