Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

GS. Nguyễn Xuân Thuận nói về Khoa học và đạo Phật


GS. Nguyễn Xuân Thuận* nói về Khoa học và đạo Phật


Nếu khoa học nhìn ra thế giới, thì đạo Phật là nhìn vào trong. Khoa học thì phải tính toán chính xác, đạo Phật dùng trực giác để tìm hiểu sự thật. Khoa học có nhiều phương trình, nhiều vấn đề cần nghiên cứu riêng biệt, nhưng đạo Phật chỉ có một cách nhìn, cách đánh giá tổng thể. 

Cách tìm hiểu sự thật của khoa học và Phật giáo rất khác nhau. Mục đích của khoa học là nghiên cứu các hiện tượng, tìm ra những định luật phát triển. Đạo Phật tìm kiếm cách để cho đời sống đi đến sự giác ngộ về sự hữu hạn của con người. Khi nói chuyện với ông Mathieu Ricard* tôi thấy có rất nhiều sự giống nhau trong việc tìm hiểu sự thật của khoa học và đạo Phật. Giống nhau đầu tiên đó là sự phụ thuộc lẫn nhau.

Đạo Phật nói là một sự việc này dứt khoát phải là hệ quả của một sự việc khác hoặc có liên hệ với sự việc khác. Tất cả những vấn đề về khoa học vũ trụ được khám phá trong thế kỷ XX cũng cho thấy mọi sự việc đều có liên hệ với nhau. Còn trong vũ trụ cũng vậy, chúng ta đều là "con, cháu" của những ngôi sao. Chỉ khi những ngôi sao có mặt nó mới nảy sinh ra những nguyên tố để các loài khác sinh trưởng cùng với trí tuệ của nó. Khoa học làm cho mình hiểu rõ hơn sự liên hệ đó. Điều giống nhau nữa là không có gì bất biến trong đời sống bao la của vũ trụ cũng như của con người.

Có điều là đến giờ cả đạo Phật lẫn khoa học đều chưa trả lời được câu hỏi: Trí tuệ ở đâu ra? Nó chỉ là vật chất đơn thuần hay là dạng gì khác của vật chất? Trong cách khảo cứu thần kinh học nhiều người nói rằng chỉ cần hệ thần kinh phát triển đến một ngưỡng nào đó thì nó sẽ có trí tuệ. Nếu theo hướng đó thì trí tuệ chỉ là vật chất đơn thuần, trong khi đức Phật nói rằng trí tuệ không phải là hệ quả của sự phát triển tự nhiên. Tôi cũng không nghĩ rằng trí tuệ chỉ là một dạng vật chất.

Mục đích của tôi không phải là dùng đạo Phật để chứng minh khoa học hoặc ngược lại dùng khoa học để chứng minh đạo Phật. Tôi nghĩ nếu mình dùng được các kiến thức của các lĩnh vực khác nhau thì mình sẽ nhìn sự thật một cách toàn diện và phong phú hơn. Nhiều nhà khoa học nghĩ chỉ có khoa học mới có cái nhìn chính xác về sự thật, là con đường duy nhất tìm ra sự thật. Nhưng theo tôi, suy nghĩ đó là hơi kiêu ngạo. Triết học, tôn giáo, văn chương... một người viết văn hay người ta cũng luôn có xu hướng tìm đến sự thật; các họa sĩ như Monet, Picasso... cũng có cái nhìn khác về sự thật, mà sự thật ấy, đôi khi những người làm khoa học không nhìn thấy được hoặc không tìm ra được. Điều này làm cho cuộc sống nhân loại phong phú hơn. Vì vậy tôi cho rằng các nhà khoa học phải nhìn rộng ra các kiến thức của nhân loại.

Tôi rất tin tưởng luật nhân quả, có nghĩa bất cứ việc gì mình làm không những có liên quan đến những người xung quanh mình mà còn có liên quan đến những sự việc về sau nữa. Do vậy, mình luôn phải ráng làm việc thiện hơn. Đạo Phật luôn chỉ cho tôi một hướng đi rõ ràng trong việc làm khoa học của mình.
-----------------------
* Mathieu Ricard - một nhà khoa học về sinh học đi theo đạo Phật và trở thành một nhà sư, ông viết nhiều sách Phật. GS Trịnh Xuân Thuận và Mathieu Ricard viết cuốn Vô hạn trong lòng bàn tay.


* GS Trịnh Xuân Thuận là một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt nổi tiếng trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Ông đã cho ra mắt nhiều đầu sách có giá trị về vũ trụ học và mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo như Giai điệu bí ẩn (1988), Big Bang và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hòa (1998), Cái vô hạn trong lòng bàn tay (2004)… Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét