Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

Để cho tình cảm giữa người bền lâu



Khi còn bé, chơi với bạn bè quá thân mật, nên cũng dễ chỉ vì một việc nhỏ mà cảm thấy đối phương phiền phức.
Khi lớn lên, vì quá gần gũi với người thân, mà cảm thấy đánh mất không gian của riêng mình.
Sau khi kết hôn, việc sống chung với nửa còn lại đã tiêu hao phần lớn thời gian riêng tư. Lúc đầu, muốn biết tất cả về đối phương, họ cũng muốn biết hết thảy về mình, hai bên đều vui vẻ chia sẻ, nhưng qua thời gian dài, lại cảm thấy khó chịu…
Tất cả những mối quan hệ thân thiết, tỉnh cảm đều cần “khoảng cách”
Hai người nông dân, có mối quan hệ rất tốt, nên muốn trồng rau chung ở một chỗ. Nhưng vì rau mọc quá dày, chen chúc vào nhau, để rồi đều bị héo úa. Hai người đều oán trách, là do rau của người kia chiếm diện tích. Sau này mối quan hệ giữa họ dần trở nên bất hòa.
Mọi mối quan hệ đều cần có khoảng cách, giữa người với người, không nên quá gần gũi.
Quá xa tổn tình, quá gần tổn hữu. Cảm tình dù có tốt, cũng nên có khoảng cách, quan hệ có thân thiết, cũng phải có cho mình sự riêng tư.
Trong hôn nhân, cần có khoảng cách, hôn nhân không phải là trói buộc, mà là bổ sung cho nhau
Trong tình yêu, cần có khoảng cách, không cần thiết phải biết mọi thứ về nhau. Trong tình thân cũng cần có khoảng cách.
Cuộc sống luôn là va chạm, vì thế không nên quá so đo. Nhưng trong các mối quan hệ phải đắn đo, không nên xa quá cũng không nên gần quá.
Không xa không gần là một loại cảnh giới, là một kiểu nắm giữ chắc chắn nhất. Con người đều có trường của mình, quá gần sẽ bị hút vào, quá xa thì khó có thể hấp dẫn. Các mối quan hệ cần được điều chỉnh để cho cảm tình tốt hơn.
Sống chung cũng là một loại học vấn, cần phải điều chỉnh để đạt đến trạng thái thích hợp nhất
Tình là một cốc nước, nóng lạnh vừa phải, uống vào sẽ cảm thấy thoải mái nhất, vì thế cần phải thay đổi, để cho tình cảm được lâu dài, bền vững hơn.
Không có thành công một ngày, cũng không thể một bước đặt cảm tình đúng vị trí, vì luôn phải từng bước điều chỉnh cho thích hợp.
Muốn duy trì các mối quan hệ bền vững, thì không nhất định phải quá gần gũi, mà cần có một khoảng cách, như thế mới có thể lâu dài.



Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Bến xinh xinh, người xinh xinh

Đi ngược dòng văn học cổ điển Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta có thể dẫn ra bao thiên diễm tình mà khởi đầu là những bước đi e ấp rụt rè, nhưng hình như càng e ấp bao nhiêu thì về sau càng đắm đuối thiết tha. Gót ngập ngừng của nàng Thôi Oanh sau bức rèm the đã khiến Trương Quân Thuỵ đê mê chẳng nỡ rời chân. Và cuối cùng thì họ cũng bước qua được ngưỡng cửa tôn nghiêm của một gia đình thế tộc để cùng nhau hẹn ước.


Khi hai tâm hồn đồng điệu đã chấp nhận thông điệp của nhau thì điều gì đến ắt là phải đến. Thuý Kiều đoan trang trong trướng màn che, mà dám băng qua chốn rừng khuya mượn cớ bỏ quên cành kim thoa để sang gặp Kim Trọng. Thi hào Nguyễn Du chẳng những đã lưu lại cho đời một áng thơ bất hủ, mà cuộc đời ông lúc thiếu thời cũng từng là sự thể nghiệm một cuộc tình đẹp như những trang Kiều tuyệt tác của ông.
Xin muợn câu chuyện gần đây của nhà văn Đắc Trung về mối tình của Nguyễn Du với cô lái đò (báo PNVN số 21/93) để minh hoạ:
Hồi còn đi học ở quê với bạn thân là Nguyễn Thiệp, chàng khoa sinh họ Nguyễn đã đem lòng mến cái duyên đằm thắm của cô lái đò ngày ngày chở hai chàng sang sông. Rồi một buổi chàng nhờ bạn chuyển cho nàng 4 câu thơ:
Ai ơi chèo chống tôi sang
Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra
Còn nhiều qua lại lại qua
Giúp nhau cho mấy để mà…
Chàng dụng ý bỏ lửng câu cuối để thử lòng cô gái. Mấy ngày sau tín hiệu đã được hồi âm. Nguyễn Thiệp cho bạn biết rằng cô định lấy hai chữ "quen nhau" điền vào chổ trống. Từ hôm ấy, mỗi chuyến đò tuy hai người vẫn còn ý tứ chưa bắt chuyện nhưng qua ngôn ngữ của ánh mắt, họ đã hiểu lòng nhau. Ít ngày sau, người đẹp lại nhờ "sư gia" Nguyễn Thiệp báo cho tác giả bài thơ biết rằng cô muốn thay hai chữ quen nhau bằng "thương nhau".
Còn Nguyễn Du thì dựa vào tình ý đó, gửi một thông điệp thứ hai:
Quen nhau nay đã nên thương.
Cùng nhau chấp nối tơ vương chữ tình
Bến xinh xinh, người xinh xinh
Trên trời dưới nước, giữa mình với ta.
Vì những lý do ngoài ý muốn của hai người, mối tình bị dang dỡ, song dù sao kỷ niệm đẹp về mối tình đó chắc chắn không bao giờ phai mờ trong ký ức của họ.
Vì thứ nhất, những mối tình đằm thắm bao giờ cũng là sự trao đổi thông điệp hai chiều. Đó là những tín hiệu từ xa đến gần, từ thấp đến cao, từ gặp gỡ thân quen đến yêu thương gắn bó. Tần số yếu mạnh, cung bậc thấp cao là tuy theo đối tượng, nhưng bao giờ cũng đi từ tiệm tiến đến đột biến.
Tình yêu là sự hoà hợp giữa hai tâm hồn đồng điệu. Nhưng cuộc phiêu lưu tình ái bằng những bước mạo hiểm thường dẫn đến sự đổ vỡ đáng tiếc, mà nguyên nhân chính là xuất phát từ một quan niệm thô thiển về tình yêu. Còn khi cả hai người cùng ‘chọn mặt gửi vàng’ thì sớm muộn gì thông điệp gửi đi cũng có hồi âm thuận lợi.
Nét đẹp thứ hai của những mối tình được truyền tụng đến nay là cả hai trái tim cùng hoà điệu, nhưng họ có thể đắm đuối mà không mù quáng, nhất là người con gái. Cho nên ngay cả khi tơ duyên bị dang dở, họ vẫn giữ được ‘tiết sạch trong’ và những kỷ niệm ngọt ngào suốt đời không phai lạt. Biết giử một khoảng cách cần thiết, đó là tôn trọng lẫn nhau và cũng là bí quyết củng cố cho tình yêu bền vững.
Tình yêu chân chính không có con đường tắt dẫn đến hạnh phúc lứa đôi. Cho nên xin đừng vội trách yêu nhau mà sao phải ‘bài bản’ đến thế. Có hạnh phúc nào hơn khi tuổi trẻ hôm nay được tự do tìm hiểu lẫn nhau, chẳng sợ người đời xét nét, nhưng mọi sự sa dà đều dẫn đến những hậu quả không lường hết được.
Suy ngẫm về cái cốt cách đạo lý nhân bản của những thiên diễm tình thuở trước chính là tiếp sức cho sự nảy nở những mối tình đẹp hôm nay.




Ở đời có mấy cái bã

Người ta kể chuyện rằng vua Càn Long khi du Giang Nam, một lần đứng trên một ngọn núi, nhìn ra biển thấy thuyền buồm qua lại rất nhiều, hỏi một vị đại thần: “Hàng trăm chiếc thuyền đó đi đâu vậy?”. Vị đại thần đáp chỉ trông thấy có hai chiếc, một chiếc tên Danh, một chiếc tên Lợi.
Một vị hoà thượng bảo đệ tử người có học tránh được cái bã Lợi, nhưng chỉ hạng vĩ nhân mới tránh được cái bả Danh. “Tránh cái lợi dễ hơn tránh cái danh.
Ngay những bậc ẩn sĩ, những bậc tu hành cũng mong được người ta biết đến mình. Họ muốn giảng kinh thuyết pháp trước đám đông, chứ không muốn ở ẩn trong một cái am nhỏ mà đàm đạo với một đệ tử như chúng mình lúc này đây”.
Có ba loại bả chứ không phải hai: Danh, Lợi và Quyền. Và một tiếng có thể gồm cả ba, tiếng Thành công. Nhiều người đã có đủ Danh và Lợi rồi còn muốn thống trị người khác nữa. Khi đã bị mê hoặc vì Danh và Quyền rồi thì người ta còn phải nô lệ nhiều cái bã khác nữa. Không khi nào ngừng được.
Nhưng còn một bã tuy phụ thuộc nhưng cũng rất mạnh, rất phổ biến, tức cái thời thượng, cái “mốt”. Rất ít người có đủ can đảm sống theo ý mình lắm. Démocrite nghĩ rằng giải thoát cho nhân loại được hai nỗi sợ: sợ Thượng Đế và sợ chết, là cống hiến cho nhân loại được nhiều rồi.
Nhưng như vậy chúng ta vẫn còn một nỗi sợ nữa, sợ ông hàng xóm. Dù hữu ý hay vô tình, chúng ta cũng đóng vai diễn trên sân khấu là cuộc đời, và muốn đóng trò sao cho vừa ý khán giả để được khán giả vỗ tay. Nhưng vỗ tay càng lớn thì ở hậu trường, tim ta đập càng mạnh.
Không có gì biểu thị cái trí óc hẹp hòi, nhỏ mọn bằng thái độ một anh chàng cạo giấy tự cho mình là tôn quí, hoặc một chú trọc phú mới phát mà khoe châu bảo, hoặc một văn sĩ còn ấu trĩ tưởng mình đã vào hàng bất tử mà đâm ra kiểu cách, không tự nhiên, giản dị nữa.
Bản năng đóng trò của ta thăm căn cố đế đến nỗi chúng ta thường quên rằng còn có một đời sống thực để sống ngoài cái đời trên sân khấu. Vì vậy chúng ta cặm cụi, hổn hển làm việc, không phải sống cho chúng ta, hợp với bản năng của ta mà để được xã hội tán thành; chúng ta y như những “cô gái già may áo cưới cho người” trong câu tục ngữ Trung Hoa (Vị tha nhân tác giá y thường).



Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

Chó Phú Quốc được coi là "vương khuyển"


Nhân dịp đến đảo Phú Quốc tôi tìm đến trại giống chó Phú Quốc được biết họ có bán chó giống thuần chủng và xem các tiết mục chó leo rào, chạy đua mấy vòng bơi vượt qua hồ nước để về đích…
Chó Phú Quốc thuần chủng có vòng xoáy trên lưng với bốn màu cơ bản: đốm, đen, vàng và vện (sọc). Chó Phú Quốc trưởng thành nặng khoảng 17-22 kg, biết đào hang để đẻ và có biệt tài săn thú, bơi dưới nước giỏi như rái cá nhờ chân có màng như chân vịt.
Chó Phú Quốc khi xác định được lãnh địa thì làm chủ hoàn toàn lãnh địa của mình. Không có bất cứ một người lạ, vật lạ nào rơi vào phạm vi lãnh địa của chúng mà chúng không phát hiện. Chó Phú Quốc ăn đứt chó Berger Đức thuần chủng, chúng không hề sợ độ cao. có thể leo cây, leo qua tường, trèo hàng rào, thản nhiên đi dạo trên mái nhà y như những con mèo. Chúng có nhiều biệt tài so với các loài chó khác.
Chó Phú Quốc là giống chó săn rất giỏi, chúng khi đã truy tìm thì tra đến cùng dấu vết con mồi cũng như rất ít khi bỏ cuộc. Đây là giống chó rất trung thành và thông minh. Một điểm khá đặ̣c biệt là chó Phú Quốc không ăn những thức ăn "lạ nhân tạo" (do một người khác làm hoặc không phải của chủ nó cho ăn) nên chúng rất thường khó bị mắc bẫy hoặc bị dùng thuốc độc tiêu diệt.
Trong lịch sử đã từng có bốn con chó Phú Quốc. (2 đực, hai cái) được vua Gia Long nuôi và đã theo ông suốt những năm bôn tẩu. 4 con chó Phú Quốc này đã cứu nguy cho vua Gia Long 2 lần thoát chết trước khi lên ngôi. Chúng giải vây cho ông thoát khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn và bảo vệ cho ông thoát nạn.
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã sắc phong cho bốn con chó Phú Quốc danh hiệu: "Cứu khổn phò nguy Tá quốc huân thần Thần khuyển đại tướng quân".
Trong dân gian Việt Nam, chó Phú Quốc được coi là "vương khuyển"
Năm 2011 lần đầu tiên chó Phú Quốc đã được đưa sang Paris để tham dự giải FCI World dog show 2011. Chó Phú Quốc đã đoạt giải CACS (chứng chỉ chó đẹp cấp thế giới), đánh dấu mốc xuất hiện một giống chó của Việt Nam trên thế giới.




  



2 chú chó Phú Quốc một tên Đốm, một tên Vện vừa hoàn thành cuộc thi tại 
FCI World dog show 2011 ở Paris.



Trở lại đảo ngọc Phú Quốc

Mới có 2 năm tôi trở lại Phú Quốc đã thay đổi quá nhiều, khách sạn 4,5 sao mọc lên san sát dọc theo bờ biển, xe taxi chạy như mắc cửi, lần này đã có cáp treo Hòn Thơm nghe giới thiệu là vượt biển kỷ lục thế giới gần 8 km.

Diện tích huyện đảo Phú Quốc khá lớn, khoảng 8/10 huyện đảo Singapore, cảnh quan tuyệt đẹp.

Đảo Ngọc sẽ trở thành đặc khu kinh tế, lúc đó chắc đám cán bộ lãnh lương hưu như bọn mình khó bước chân đến lắm, cho nên tôi tranh thủ đi nghỉ dưỡng kỳ này.