Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Tin tốt lành

 

TIN TỐT LÀNH

 

Một anh sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đang tìm việc làm đã tham dự một cuộc thi sáng tạo chuyên ngành do liên hiệp các trường đại học trong cả nước tổ chức.

Sau nhiều vòng sơ khảo kéo dài cả tháng trời, anh được lọt vào nhóm những người xuất sắc nhất để dự vòng thi chung kết.

 

Rồi anh cũng vất vả vượt qua các đối thủ trong cuộc đấu trí cuối cùng, kéo dài ba ngày liền căng thẳng và giành được giải nhất.

Phần thưởng cho anh là một món tiền khá lớn mà cuộc đời sinh viên trước nay của anh chưa từng mơ ước tới.

 

Sau khi rời hội trường và trốn nhanh khỏi ánh đèn camera của báo giới, anh vào bãi xe ra về. Bất ngờ một phụ nữ tiến đến gần anh. Bà nghẹn ngào:

- Chú ơi, Chúc mừng chú, thật vinh dự cho chú đã đạt được giải nhất trong cuộc thi khó khăn này. Tôi có một chuyện muốn nói với chú nhưng không biết có tiện không. Nếu chú có con nhỏ chú mới hiểu được điều tôi sắp nói.

 

Con của tôi đang bị ung thư nặng nằm trong bệnh viện, nếu không có một khoản tiền lớn đến như vậy…
- Thế bác cần bao nhiêu? - Anh sinh viên nhìn bà hỏi, lòng cảm thông thật sự.

Sau khi nghe người phụ nữ kể hết sự việc, anh liền rút phong bì đựng số tiền vừa được thưởng và trao hết cho bà.


- Cầu mong cho con bác qua được hiểm nguy. Bác về lo cho em ấy ngay đi. - Anh nói.
- Cảm ơn chú, không biết tôi phải lấy gì mà đền ơn chú đây.

Nói rồi người phụ nữ với vẻ xúc động quày quả bước ra cổng.

 

Vài ngày sau anh có dịp quay lại trường. Một người trông thấy liền tiến tới hỏi:
- Có người kể với tôi rằng tối hôm trước anh có gặp một người phụ nữ sau cuộc thi và anh đã cho bà ấy tiền để chữa bệnh cho đứa con sắp chết của bà ấy, phải không?

 

Người thanh niên gật đầu xác nhận
- Vậy thì tôi phải báo với anh tin này để anh biết. Bà ta là một tay lừa đảo thật sự đấy. Bà ta chẳng có đứa con nào bị bệnh sắp chết cả. Anh cả tin quá! Anh bị lừa rồi, anh bạn ạ!

Một thoáng im lặng, anh thanh niên hỏi lại:


- Có thật là không có đứa bé nào bị bệnh gần chết cả, đúng không?
- Đúng vậy. Tôi bảo đảm là như thế, - người đàn ông quả quyết.
- Ồ, đó là tin tốt lành nhất trong ngày mà tôi được biết đấy, - người thanh niên nói.

Đoạn anh nói thêm:
- Chúng ta nên ăn mừng vì không có đứa trẻ nào phải chết cả.

 

“Ý nghĩa cuộc sống không phải là ở chỗ nó đem đến cho ta điều gì, mà ở chỗ ta có thái độ đối với nó ra sao; không phải ở chỗ điều gì xảy ra với ta, mà ở chỗ ta phản ứng với những điều đó như thế nào” - Lewis L.Dunnington

 

Theo The Best of Bits & Pieces

 

Bình thơ Thế Lữ - Giây phút chạnh lòng

 

BÌNH THƠ THẾ LỮ – GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG

Thầy Làng Mai bình thơ đêm giao thừa – ngày 23.01.2001 – Làng Mai

Bài thơ Giây Phút Chạnh Lòng của Thế Lữ được viết năm 1936 để tặng cho Nhất Linh, tác giả tiểu thuyết Đoạn Tuyệt. Tôi nhớ bài thơ này được in vào đầu trang tiểu thuyết Đoạn Tuyệt.

Trong cuộc sống hàng ngày lâu lâu tâm mình hơi chùng xuống một chút, yếu đi một chút, mất đi một ít năng lượng, giây phút ấy gọi là giây phút chạnh lòng.

Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong sum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?

Đó là lời của một người con gái nói với một người con trai trong giờ phút người con trai từ giã để lên đường phụng sự lý tưởng của mình. Chuyện xảy ra đã nhiều năm trước và hôm nay người con trai đang ngồi hồi tưởng lại. Khi Thế Lữ viết bài này thì Việt Nam đã bị Pháp đô hộ gần một trăm năm.

Thế Lữ cũng như một số các bạn đã từng có cơ hội đi sang Pháp du học, đậu bằng cử nhân khoa học. Vì vậy những người đó biết thế nào là một quốc gia có chủ quyền, nên khi về nước họ rất thao thức, muốn kết hợp bạn bè, tìm mọi cách để có cơ hội giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Nhất Linh là một người đã từng bí mật tổ chức những đảng chính trị để hoạt động, đã từng bị người Pháp bắt bỏ vào tù và đã từng trốn qua Trung Quốc để lánh nạn nên những điều mà Nhất Linh nói, những điều Thế Lữ nói là những điều phát xuất từ kinh nghiệm của chính mình.

Anh đi đường anh, tôi đường tôi.
Tình nghĩa tôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong sum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?

Người con gái nói với người con trai: Anh đi cứu nước đi, em sẽ ở nhà. Người con gái này tên là Loan và người con trai tên là Dũng. Loan là người đã từng được đi học trường Tây và đã học hết bằng trung học Pháp. Loan đã bị ảnh hưởng tư tưởng Tây phương về tình yêu tự do và không muốn bị ràng buộc vào đại gia đình.

Nhưng vì hoàn cảnh, Loan bắt buộc phải lấy Thân mà không được lấy người mình yêu là Dũng. Tại vì Dũng có những tư tưởng cách mạng nguy hiểm nên cha mẹ Loan cấm không cho phép Loan yêu Dũng, lấy Dũng mà bắt Loan phải lấy Thân, một người con trai rất tầm thường.

Trong một cuộc xung đột, khi Thân xông tới để đánh Loan thì tai nạn xảy ra. Thân vấp té vào lưỡi dao Loan đang cầm để rọc giấy, lưỡi dao đó đâm vào bụng Thân và Thân chết. Lúc ấy báo chí Hà Nội loan tin:

Cô Loan giết chồng! Cô Loan giết chồng! Rốt cuộc nhờ một cặp vợ chồng người bạn vận động các luật sư giỏi để cãi cho Loan nên cuối cùng thì Loan được tha bổng vì đây là trường hợp tai nạn chứ không phải là tội cố ý giết chồng.

Lúc đó Dũng đang hoạt động cho cách mạng, bí mật đi công tác về thành phố và đã nghe tin có buổi xử án như vậy.

Đêm đó là một đêm giao thừa, và người con trai không có gia đình đã bôn ba nhiều năm, sống rất vất vả, khó khăn, trong khi về công tác ở thành phố và được nghỉ ngơi một vài ngày trước khi tiếp tục lên đường thì nghe tin tòa xử trắng án cho Loan.

Dũng nhớ tới ngày xưa khi hai người yêu nhau, và có ý muốn rằng bây giờ Loan được tự do rồi, thì mình sẽ tìm cách liên lạc với Loan để nối lại tình yêu ngày xưa. Dũng nhờ hai vợ chồng cô giáo Thảo liên lạc để dò xem ý của Loan như thế nào? Đây là những ý tưởng tới với Dũng khi Dũng nằm trên căn gác một mình lạnh lẽo chiều cuối năm và nhớ lại những điều ngày xưa Loan đã nói với Dũng lúc hai người chia tay nhau:

Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.

Lúc ấy giọng điệu Loan rất cứng cõi, mạnh mẽ để giúp Dũng phấn chấn lên đường, có thêm  nghị lực mà hoàn thành công việc.

Nàng còn nói: Duyên của chúng ta không thuận lợi thì em đi lấy chồng, anh đi làm cách mạng. Tại sao phải vương vấn với nhau cho nó khổ? Anh cứ đi đi và em sẽ âm thầm yểm trợ.

Đã quyết không mong sum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?

Tại sao phải bịn rịn, anh cứ đi, em không sao đâu!

Non nước đang chờ gót lãng du
Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu
Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ

Em có thương, có tiếc thật nhưng vì lý tưởng mà em đành để cho anh đi và em thúc đẩy cho anh đi, anh là con trai, anh không nên bịn rịn.

Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ.

Hải hồ tức là sông biển, nơi người con trai có không gian thênh thang để tung hoành. Ý nói rằng tình là cái vướng víu, nếu anh có chí hướng cao cả, anh phải giật đứt sợi giây tình để anh có không gian thênh thang mà thực hiện chí hướng của người con trai.

Anh đi vui cảnh lạ, đường xa,
Đem chí bình sinh dãi nắng mưa,
Thân đã hiến cho đời gió bụi
Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ?

Anh đang đi trên con đường rất đẹp, con đường của cách mạng, con đường đem lại độc lập tự do cho đất nước. Anh đã có chí bình sinh, có tình yêu đối với tổ quốc, anh sẽ không sợ nắng mưa, khó khăn. Cuộc sống của anh đã hiến tặng cho lý tưởng phụng sự đất nước, tại sao anh còn bịn rịn?

Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ?

Người con gái đem chút duyên tơ, sự thông minh và thiện chí của mình để giúp người con trai ra đi, rất vững vàng. Nhưng sức người có hạn, cô chỉ nói được như thế trong mười hai câu thôi, đến câu thứ mười ba thì người con gái chùng xuống.

Rồi có khi nào ngắm bóng mây,
Chiều thu đưa lạnh gió heo may.
Dừng chân trên bến sông xa vắng,
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây.

Trong bốn câu này, tâm tình của Loan bắt đầu chùng xuống và tất cả những thiện chí được diễn tả trong mười hai câu trên do đó đã tan thành mây khói. Trên con đường anh đi, có khi nào anh dừng lại ngắm một bóng mây ở chân trời? Và một buổi chiều nào lành lạnh có gió heo may, đứng trên bờ sông xa vắng thì xin anh nhớ lại một chút là ngày xưa chúng ta đã từng yêu nhau.

Dừng chân trên bến sông xa vắng
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây,

Như vậy là chết rồi !

Xin anh cứ tưởng, bạn anh tuy
Giam hãm thân trong cảnh nặng nề.
Vẫn để hồn theo người lận đận,
Vẫn hằng trông đếm bước anh đi.

Anh nên nhớ bạn của anh tuy đang bị kẹt trong một hoàn cảnh nặng nề, khó thở, nhưng mà trái tim của người đó vẫn luôn luôn theo dõi bước chân anh và cầu nguyện anh đạt thành chí nguyện. Đó là những lời mà cô nàng đã nói nhiều năm về trước và bây giờ anh chàng nhớ lại. Anh cảm thấy cô độc, cảm thấy cuộc đời của người chinh phu lạnh lẽo, có những giây phút nhớ nhà, có những giây phút cần có sự ấm cúng, có những giây phút cần sự có mặt của một người thương. Giây phút đó là giây phút chạnh lòng.

Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,
Em muốn cho ta chẳng thảm sầu.
Nhưng chính lòng em còn thổn thức,
Buồn kia em giấu được ta đâu?

Chàng trai ngay từ lúc đó đã biết rằng tuy cô gái đang dùng những lời khẳng khái để động viên mình nhưng kỳ thực trái tim của nàng đang còn thổn thức lắm.

Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,
Em muốn cho ta chẳng thảm sầu,

Là sự vuốt ve, là lòng tốt của người con gái.

Nhưng chính lòng em còn thổn thức

Anh biết rằng trái tim của em đang thổn thức, nỗi buồn ấy của em, làm sao giấu được anh?

Em đứng nương mình dưới gốc mai,
Vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi,
Cười nâng tà áo đưa lên gió,
Em bảo: hoa kia khóc hộ người.

Khi hai người chia tay, họ đứng ở dưới một gốc mai. Loan vịn vào cành mai và có những hoa mai rơi rụng xuống. Hoa khóc chứ em đâu có khóc, Loan đã nói như vậy.

Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng,
Nhìn nhau bình thản lúc ra đi.
Nhưng trong khoảnh khắc thờ ơ ấy,
Thấy cả muôn đời hận biệt ly.

Hai người nói nói, cười cuời nhưng tới giây phút biệt ly, người con trai phải đi thôi. Hai người không còn nói nữa, họ im lặng, họ im lặng trong chốc lát rồi người con trai bước đi. Giây phút đó là giây phút khó khăn nhất của cả hai người vì không có hy vọng gì để trong tương lai hai người có thể đoàn tụ với nhau được.

Anh đi đường anh, tôi đường tôi. 

 ----------------

Thế Lữ (1907 –1989) quê ở làng Phù đổng, huyện Tiên Du (Bắc ninh). Xuất thân trong một gia đình viên chức nhỏ. Tên khai sinh là Nguyễn Thứ Lễ (có tài liệu khác ghi tên ông là Nguyễn Đình Lễ) là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu.

Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934).

Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóa và Ngày nay.

Thế Lữ tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957 – 1977).