Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2025

Giáo sư Lưu Lệ Hằng – tự hào trí tuệ người Việt

 

GIÁO SƯ LƯU LỆ HẰNG – TỰ HÀO TRÍ TUỆ NGƯỜI VIỆT

Giáo sư Lưu Lệ Hằng tên thường gọi Jane X. Luu, sinh năm 1963, học tiểu học ở Sài Gòn,

Năm 12 tuổi bà sang Mỹ và hoàn thành học vấn ở các trường nổi tiếng: 1984 nhận bằng Cử nhân Vật lý thủ khoa tại Đại học Stanford, rồi bằng Thạc sĩ Cao học tại Viện Berkeley thuộc Đại học California và năm 1990 bằng Tiến sĩ Vật lý Thiên thể ở Viện Công nghệ Massachussetts MIT.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ vào năm 27 tuổi, GS. Lưu Lệ Hằng đến giảng dạy tại Đại học Havard rồi Đại học Leiden, Hà Lan. Khi trở lại Mỹ, bà làm thành viên kỹ thuật thiết bị ở Phòng thí nghiệm Lincoln tại MIT. Bà hiện đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Trong số những nữ giáo sư của Việt Nam được vang danh thế giới, Lưu Lệ Hằng là cái tên không thể bỏ qua. Đây là người phụ nữ đoạt Giải thưởng Kavli trong lĩnh vực Vật lý thiên văn (còn được gọi là Giải Nobel Thiên văn học) khi góp phần phát hiện hơn 30 tiểu hành tinh.

Song thành tựu khiến bà được nhiều người chú ý hơn cả là phát hiện vành đai Kuiper, góp phần mở ra hướng đi mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành của hệ Mặt Trời. Để ghi nhận công lao của người phụ nữ này, Hiệp hội thiên văn Mỹ đã lấy tên bà để đặt cho tiểu hành tinh 5430 Luu.

 

Cơ duyên đến thiên văn học

Đam mê khám phá vũ trụ đến với Giáo sư Lệ Hằng hoàn toàn tình cờ. “Một lần tham quan Phòng thí nghiệm phản lực JPL ở Pasadena, tôi bị hút hồn bởi những hình ảnh mà các phi thuyền gửi về. Không chút lưỡng lự, tôi chọn thiên văn học”, bà chia sẻ trên truyền thông. 

 

Trong suốt thời gian từ năm 1987 đến 1992, Giáo sư Lưu Lệ Hằng cùng với người thầy của mình, Giáo sư David C. Jewitt đề ra mục tiêu khám phá xem có thực sự tồn tại vành đai tên là Kuiper hay không.

Bởi trước đó, ý tưởng về vành đai Kuiper được nhà thiên văn người Hà Lan Gerard Kuiper đưa ra bị nhiều người cho là hão huyền. Họ khẳng định rằng ngoài rìa hệ Mặt Trời là sạch, không có gì.     

 

Để có được câu trả lời chính xác, đi ngược lại với quan điểm của số đông, Lệ Hằng khăn gói balo bay ra tận đảo Hawaii giữa Thái Bình Dương, nơi có kính thiên văn tối tân đặt trên đỉnh núi lửa đã tắt cao gần 4000m ở Mauna Kea để quan sát và ghi chép. Trong khi hàng tỉ người trên Trái Đất đã đi ngủ, người phụ nữ này lại bắt đầu ngày làm việc mới của mình.

Chưa dừng lại ở đó, làm việc ở độ cao 4.000m, Lưu Lệ Hằng phải đối diện với đủ thứ khó khăn như không khí loãng, áp suất thấp khiến bất kỳ ai cũng có thể bị nôn nao khó chịu, mất ngủ triền miên. 

 

Mở ra những khám phá mới 

Song với niềm đam mê và sự kiên nhẫn, người phụ nữ này đã vượt qua tất cả. Để vào một ngày đẹp trời 30/8/1992, sau một thời gian phân tích khối lượng dữ liệu đồ sộ, Lưu Lệ Hằng đã vỡ òa trong hạnh phúc khi phát hiện ra manh mối đầu tiên của vành đai Kuiper. 

Không dừng lại ở đó, bà và cộng sự của mình đã phát hiện thêm hàng chục thiên thể từ vành đai Kuiper trong những năm tiếp theo. Điều này càng củng cố niềm tin về sự hiện hữu của vành đai Kuiper là có thật. 

Sau sự kiện của Giáo sư Lệ Hằng, giới khoa học đã đổ xô vào tìm kiếm những thiên thể mới. Kết quả là rất nhiều thiên thể như vậy được phát hiện. 

 

Để ghi nhận những đóng góp trên, tháng 5/2012, bà đã được xướng tên tại Giải Shaw Thiên văn học (Giải Nobel Thiên văn Phương Đông). Trước đó, vào năm 1991, Hiệp hội Thiên văn Mỹ đã trao Giải thưởng Annie J. Cannon Award Thiên văn học cho nhà khoa học nữ này.

Trong chuyến về quê hương gần đây nhất vào cuối tháng 7, bà đã có dịp gặp gỡ với các nhà khoa học, sinh viên, học sinh yêu thiên văn học tại các trường đại học ở Hà Nội, Quy Nhơn, Huế.

Trong các buổi tiếp xúc cùng các thế hệ sinh viên, học sinh, GS Lưu Lệ Hằng luôn khuyến khích các bạn trẻ hãy theo đuổi đam mê của mình, bà sẵn sàng là người hướng dẫn và giới thiệu các bạn.

Bà chia sẻ chân thành: “Tôi có thể làm được thì các bạn cũng có thể làm được. Quan trọng là bạn có thể tìm ra thứ bạn yêu thích và kiên nhẫn, cố gắng thực hiện điều đó; và hãy luôn tự hỏi: cách này đã đúng, đã tốt nhất chưa? Đừng bị giới hạn bởi những cách truyền thống mà hãy sáng tạo tìm ra phương pháp mới”.

Tại cuộc nói chuyện ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, bà trăn trở: “Đất nước của chúng ta xinh đẹp lắm, mong rằng mọi người cùng chung sức bảo vệ vẻ đẹp ấy. Phát triển nhưng xin đừng phá bỏ tài nguyên thiên nhiên”.

Xa quê hương nhiều năm nhưng GS Lưu Lệ Hằng luôn tự hào về đất nước, con người cũng như trí tuệ Việt Nam và cho rằng người Việt Nam sẽ tiếp tục thành danh và tỏa sáng về khoa học trên thế giới. “Không bao giờ muộn cho một tình yêu. Bạn có thể bắt đầu từ bây giờ!”- GS Lưu Lệ Hằng khích lệ tuổi trẻ vươn tới những đỉnh cao.

ST

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét