Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Vua sám hối – Bức tượng độc nhất vô nhị Việt Nam được ghi vào sách kỷ lục Guinness

Năm niên hiệu Vĩnh Trị (1678), vua Lê Hy Tông đã ra sắc lệnh đuổi hết tăng ni cả già cả trẻ lên rừng, ai ngoan cố không đi sẽ bị khép vào trọng tội và đem ra xử trảm, khiến Phật giáo thời kỳ này rơi vào thảm cảnh. Chùa chiền bỏ hoang, các nhà sư phải bỏ lên rừng, nhiều người không chịu được đói rét đã phải hoàn tục.


Thiền sư Tông Diễn đến trước triều dâng tờ biểu lên vua, trong đó đại ý các vị vua thời Lý, Trần đều hết sức coi trọng Phật giáo, nhờ đó mà quốc gia thịnh trị. Đạo Phật khiến người ta biết sống lương thiện, không sân si, không giết người cướp của, do đó đạo Phật được ví như viên ngọc quý của quốc gia, vậy tại sao đến giờ đạo Phật lại bị phỉ báng, cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã hội…

Vua Lê Hy Tông đọc tờ biểu liền mời thiền sư ở lại chùa Báo Thiên để bàn luận đạo lý, đồng thời ra lệnh thu hồi lệnh bắt tăng ni lên rừng.

Thấm nhuần đạo lý, thành tâm sám hối lỗi trước đó của mình, nên vua Lê Hy Tông cho tạc pho tượng vua quỳ mọp với tượng Phật trên lưng để tỏ lòng thành sám hối.

Nhiều người khi nhìn bức tượng này cho rằng đây là một sự trừng phạt khi thấy Đức Phật ngồi trên lưng một vị vua đang khom mình. Nhưng nhà sư Thích Tâm Hoan, trụ trì chùa Hòe Nhai – nơi đặt pho tượng độc nhất vô nhị này đã giảng giải ý nghĩa rất sâu sắc của pho tượng :

“Dáng quỳ gối phủ phục sát mặt đất của tượng vua thể hiện một sự quy phục tuyệt đối. Đó là sự hối lỗi chân thành, một sự thay đổi xuất phát từ sâu sắc trong tim chứ không gượng ép và do đó đây là một sự nhận lỗi, sửa sai chứ không phải là một sự trừng phạt”,


Bức tượng do vua Hy Tông sai tạc, ngoài việc để sám hối với Đức Phật vì hành vi đắc tội khinh nhờn của mình, ông còn gửi gắm lời nhắn nhủ rằng, tất cả mọi người hãy tu thân sửa lỗi để sống tốt hơn. Nhất là những quan lại nắm chức và cầm quyền trong tay thì lại càng phải xem lại chính mình. Pho tượng không chỉ là một sự hoài cổ, mà còn là bài học lưu truyền cho muôn đời sau.

Cũng kể từ đó, vua Lê Hy Tông được mệnh danh là vị vua anh minh đức độ nhất thời Lê Trung Hưng với hơn 30 năm trị vì đất nước trong thanh bình.

Thế nên người trị vì muốn lưu danh muôn thuở, thu phục lòng dân thì chỉ có thể thực hành đạo đức. Đạo đức đó muôn đời đều là từ chính tín, chính đạo giáo dưỡng mà nên.


Ảnh : Tượng vua Lê Hy Tông quỳ mọp với tượng Phật trên lưng tại chùa Hòe Nhai (Chùa Hoè Nhai tên chữ là Hồng Phúc tự ở số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét