Sunday, 25 March 2012 17:01
TS NGUYỄN VIẾT THỊNH
Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho rằng khi con người phát triển hài hòa cả về trí tuệ, nhân cách và nghị lực trong một thế giới văn minh, có xu thế sống gần với thiên nhiên hơn, thì đó được gọi là Triết lý giáo dục "Xanh".
Giáo dục bắt rễ từ những vấn đề cơ bản có tính ổn định và những vấn đế mới theo xu thế thời đại mà tập hợp hữu cơ của chúng thường được gọi là triết lý giáo dục (GD).
Sứ mệnh của giáo dục thời nay phải làm sao để giúp con người phát triển hài hòa cả trí tuệ, nhân cách lẫn nghị lực để con người có thể sống trong một thế giới văn minh với công nghệ hiện đại, vật chất phong phú nhưng không làm mất đi chính mình, ngược lại phải không ngừng phát triển những giá trị cốt lõi như trên để đạt được hạnh phúc thật sự. Lúc đó con người sẽ có xu thế sống gần với thiên nhiên hơn, “hành xử” với Mẹ Trái đất đúng mực hơn. Triết lý giáo dục như vậy được gọi là Triết lý giáo dục "Xanh".
Giáo dục để làm gì
Phát triển cá nhân: Giúp mọi công dân nói chung và người học nói riêng hướng đến làm người tốt toàn diện, có tình người, có trí tuệ sáng suốt, có sức khỏe thể chất - tinh thần và nghị lực mạnh mẽ; làm nghề giỏi phù hợp với bản thân để tạo kế sinh nhai, thể hiện trách nhiệm với gia đình và góp phần phục vụ xã hội.
Phát triển xã hội: Nâng cao đạo đức, sức khỏe, nghị lực, trí tuệ cho công dân, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, cung cấp thị trường nhân lực, thị trường khoa học công nghệ cho đất nước cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới, hội nhập quốc tế phù hợp với xu thế thời đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa, độc lập tự chủ của các dân tộc nhằm không ngừng xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, tiến bộ.
Giáo dục những vấn đề gì
Về nhân cách: Lối sống lành mạnh; tự giác, trung thực; nếp sống văn minh, cần kiệm; yêu thiên nhiên, ý thức cải thiện và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; sống và làm việc theo Hiến pháp & pháp luật, qui ước của cộng đồng; lòng nhân ái; quan hệ, ứng xử đúng mực với mọi người; ý thức tập thể, nổ lực vì lợi ích chung …
Về nghị lực: Xây dựng lý tưởng, hoài bão cho bản thân; bản lĩnh, tự tin vào sức mạnh tiềm tàng bên trong của chính mình; thường xuyên xem lại mình và góp ý cho những xung quanh với tinh thần xây dựng; khả năng vượt khó, quyết tâm hoàn thành công việc; biết chấp nhận và rút ra kinh nghiệm từ những thất bại để từng bước mạnh lên; khả năng tập luyện để nâng cao sức khỏe, ý chí, phòng chống bệnh tật, tai nạn, tệ nạn …
Về trí tuệ
Nhận thức: Tư duy sáng tạo, hoài nghi, phê phán; khả năng dự báo, nhạy bén, năng động để phân tích tình huống và giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống…
Kiến thức: Tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; kiến thức phổ thông; kiến thức khoa học đại cương; kiến thức chuyên ngành; kiến thức cuộc sống; kiến thức công cụ như ngoại ngữ, tin học …
Kỹ năng: Kỹ năng tự học & nghiên cứu khoa học, tìm kiếm thông tin, xử lý thông tin; kỹ năng về nghề nghiệp; kỹ năng giao tiếp (nói, viết, mạng internet …); kỹ năng làm việc độc lập và hợp tác làm việc theo nhóm; kỹ năng tự tạo việc làm và phát triển nghề nghiệp; kỹ năng cảm thụ hoặc thể hiện các loại hình nghệ thuật …
Mục tiêu cơ bản của các bậc học
Bậc Tiểu học (bao hàm cả mầm non): Chủ yếu là dạy người
Chú trọng giáo dục về nhân cách như sự hiếu thuận, lòng nhân ái, tình yêu thiên nhiên, tình đoàn kết, tương trợ, liêm khiết, uy tín, vượt khó, tự giác, tinh thần trách nhiệm.
Chương trình học nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi, tạo điều kiện cho những năng khiếu, ưu điểm cũng như những hạn chế của học sinh được bộc lộ để ghi nhận và có giải pháp thích hợp.
Bậc Trung học (THCS, THPT): Nâng cao dạy người, chuẩn bị dạy nghề
Tiếp tục chú trọng giáo dục nhân cách, khả năng tự học, năng động, sáng tạo nhưng đòi hỏi ở mức độ cao hơn, thử thách lớn hơn, tự rèn luyện nhiều hơn.
Về mặt kiến thức, cần trang bị kiến thức phổ thông trên tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để học sinh ở bậc học này có được bức tranh tri thức toàn cảnh một cách chung nhất của loài người từ xưa đến nay.
Bậc sau Trung học (trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học. Ở nhiều nước bậc học này được gọi chung là đại học) : chủ yếu dạy nghề.
Mục tiêu chủ yếu của bậc học này là trang bị những gì cần thiết nhất cho sinh viên để sau khi tốt nghiệp, họ làm được nghề đã học, có khả năng tự học hoặc học tiếp để nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, mưu sinh, tự lập, tự tin vào đời. Tư duy sáng tạo, phê phán, dự báo … được đào tạo mạnh ở bậc học này.
Phương thức giáo dục (giáo dục như thế nào)
Tự học & nghiên cứu: Người học không ngừng chủ động, tích cực, ham thích tìm hiểu, nghiên cứu, đồng thời vận dụng những điều đã học & nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn để tiếp cận dần các tiêu chí trong mục tiêu giáo dục.
Người dạy (hướng dẫn): được kiểm định có đạo đức tốt và đủ khả năng để giảng dạy hoặc hướng dẫn khoa học một nội dung cụ thể nào đó trong chương trình đào tạo.
Không gian giáo dục: Dạy học & nghiên cứu trực tiếp hoặc từ xa tại bất kỳ địa điểm nào qua kết nối với các phương tiện thông tin đại chúng.
Thời gian giáo dục: Không nên hạn chế thời gian giáo dục cho một bằng cấp, đề tài cụ thể. Xu thế thời đại là học tập suốt đời.
Hạ tầng giáo dục (điều kiện nào cho giáo dục)
Các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến giáo dục: Tạo khung pháp lý nhất quán, khoa học, thông thoáng để định hướng tốt cho giáo dục có thể phát triển mạnh mẽ, hiệu qủa, phù hợp với tình hình thực tiễn cuộc sống ở địa phương, trong vùng, trong nước, trong khu vực và xu thế thời đại.
Cơ sở vật chất & tài chính: Giáo dục giúp nâng cao dân trí và cung cấp nguồn nhân lực cho mọi ngành nghề trong xã hội nên cơ sở vật chất & tài chính của giáo dục cần phải được chia sẻ từ ngân sách nhà nước, bản thân người học, gia đình và hầu hết các ngành nghề trong xã hội.
Hệ thống quản lý điều hành: Cần phân quyền quản lý đến tận mỗi người học, người dạy. Mỗi người dạy, người học trước hết phải tự quản lý được vấn đề dạy-học của mình. Tiếp đó cấp cơ sở (trường, viện…), cấp phòng, khoa cũng được phân quyền mạnh. Từ đó bộ máy quản lý điều hành từ cơ sở đến trung ương sẽ tinh gọn.
Kiểm định giáo dục (xác định chất lượng giáo dục): Dựa vào mục tiêu giáo dục, các tiêu chí cụ thể và qua thực tiễn xã hội để đánh giá chất lượng sản phẩm giáo dục (người học, đề tài khoa học)
Kiểm định trong trường: Đa dạng hình thức kiểm tra, thi cử, nghiệm thu theo phương châm “nhẹ nhàng, hiệu qủa” nhằm từng bước giúp người học biết tự giác định hướng mục tiêu, tự điều chỉnh hợp lý trong quá trình học tập & nghiên cứu …
Kiểm định ngoài trường (xã hội): Không gian xã hội nơi sinh sống, nơi làm việc; gia đình, dòng tộc; láng giềng, xóm phường; hội đoàn; nơi công cộng … sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đánh giá chính xác hơn chất lượng sản phẩm giáo dục cụ thể của một cơ sở giáo dục.
TS N.V.T
( Nguồn : vietnamnet.vn )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét