Nguyễn Thị Duệ sinh năm 1574, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống hiếu học tại làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương.
Người dân Hải Dương đến nay vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện về tài năng của bà Duệ. Năm 10 tuổi bà đã biết làm văn bài, được bà con trong làng vô cùng kính phục. Là một người hiếu học song luật lệ bấy giờ không cho phép con gái được học hành thi cử, Nguyễn Thị Duệ phải giả trai để đèn sách đi thi. Năm Giáp Ngọ (1594) nhà Mạc mở khoa thi Hội, sĩ tử tham dự rất đông, bà đỗ thủ khoa, trong khi chính thầy dạy chỉ đỗ á khoa. Vậy là, tròn 20 tuổi bà trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của khoa cử phong kiến Việt Nam.
Công trạng để đời
Nguyễn Thị Duệ không chỉ là nữ tiến sĩ duy nhất của khoa bảng phong kiến Việt Nam mà bà còn có nhiều đóng góp cho nền giáo dục đương thời. Bà rất quan tâm đến việc thi cử, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia. Phần lớn các kỳ thi Đình, thi Hội, tất cả bài vở đều qua tay bà chấm chọn. Bà thường viện dẫn nghĩa lý kinh sử, sự tích cổ kim rành mạch. Các biểu sớ, văn bài thi Đại khoa chúa đều nhờ bà khảo duyệt lại.
Nguyễn Thị Duệ được coi là người khởi đầu hình thức đào tạo từ xa của đất nước. Bà soạn ra các bộ đề thi rồi gửi về địa phương để tổ chức thi. Sau khi kết thúc, bài thi sẽ được gửi lên cho bà chấm, kết quả được gửi trở lại các địa phương. Bà cũng khuyến khích phong trào học tập, giúp đỡ học trò nghèo hiếu học, đề cao các nhân tài giúp nước. Đó là hình thức khuyến học đầu tiên của nước ta.
Sinh thời, Nguyễn Thị Duệ viết nhiều văn thơ, nhưng trải qua những biến động của lịch sử nên bị thất lạc hết. Về già, bà xuất gia đi tu ở chùa Vụ Nông, hạt Gia Lâm, lấy hiệu Diệu Huyền. Nguyễn Thị Duệ sống hơn 80 tuổi mới qua đời. Sau khi mất, bà được triều đình ban sắc phong, cho đúc tượng, dựng bảo tháp, khắc bia, người dân địa phương lập đền thờ, tôn bà làm Phúc thần.
Tháp mộ Nguyễn Thị Duệ được đặt trên đỉnh một quả đồi cạnh núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương). Trong Hậu cung Văn miếu Mao Điền ở Hải Dương, bà được thờ cùng Khổng Tử và bảy vị Đại khoa danh tiếng của Việt Nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, thần toán Vũ Hữu, nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh và danh y Tuệ Tĩnh.
Ảnh: Văn miếu Mao Điền Hải Dương- Nơi Nguyễn Thị Duệ được thờ cùng Khổng Tử và bảy vị Đại khoa danh tiếng của Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét