Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Người cha dạy con trai bỏ tính trộm đồ




Cách xử sự thông minh của người cha đã giúp con trai nhận ra lỗi lầm và bỏ hẳn trộm đồ.
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta khi còn nhỏ đã từng cảm thấy ghen tị trước những món đồ chơi hấp dẫn của các bạn. Đứa trẻ dưới đây cũng vậy, thậm chí cậu còn tìm cách lấy trộm đi. Nhưng cách xử sự của người cha khi phát hiện hành động của con mình như câu chuyện dưới đây quá thông minh, rất đáng cho chúng ta học tập.
Câu chuyện bắt đầu khi người cha dẫn con trai đến thăm chú mình. Trong phòng của người em họ có rất nhiều mô hình máy bay nhỏ, cậu bé cảm thấy mê mẩn đám đồ chơi này. Do đó cậu đã bí mật lấy trộm một cái cất đi, nhưng trong tâm cậu vẫn rất băn khoăn. Vì vậy trên đường trở về nhà cậu đã không thể chịu đựng được sự dằn vặt và kể ra với cha mình. Cậu nghĩ rằng người cha sẽ rất tức giận, nhưng không ngờ rằng người cha chỉ im lặng một lúc rồi nói: “Chúng ta hãy đưa trả nó về nhà chú đi, nếu con muốn cha có thể mua cho con một chiếc khác”.
Thái độ điềm tĩnh của người cha không làm cho cậu bé cảm thấy thanh thản, mà thay vào đó cậu càng tự trách mình. Cậu cảm thấy hối hận và xấu hổ. Người cha đưa con trai quay lại nhà chú trả món đồ chơi và nói: “Xin lỗi cháu không cẩn thận cầm đồ chơi về, bây giờ cháu muốn gửi trả lại”. Từ đó về sau người cha không bao giờ nhắc lại chuyện này với con nữa, coi như nó chưa bao giờ xảy ra. Đứa trẻ kể từ đó cũng không bao giờ lấy trộm những thứ của người khác nữa.
Nhiều đứa trẻ đã từng giống người con trai trong câu chuyện này, nhưng bố mẹ chúng liền gắn mác “ăn cắp” lên chúng, chứ không biết cách cư xử được như người bố trong câu chuyện trên. Người bố mẫu mực thậm chí không bao giờ nhắc đến một từ “trộm cắp” nào, chỉ dùng hành động để nói với trẻ rằng: loại hành vi như thế không nên xảy ra, nhất định nên đem trả những gì lấy của người khác. Hơn nữa nếu cần thì hãy “để ba đi mua”.
Không bao giờ dán mác cho con bạn
Đối mặt với sai lầm của con, không cần thiết phải mắng mỏ hay đánh đập. Dạy bảo vẫn là phương pháp tốt nhất. Nhiều đứa trẻ cũng giống như cậu bé này, biết hành động của mình là không đúng, cũng rất xấu hổ. Các bậc cha mẹ chỉ cần giúp chúng tìm ra giải pháp đúng đắn nhất có thể.
Trẻ em cũng có lòng tự trọng và sự tự tin của mình. Nếu người cha này luôn nhắc lại những chuyện cũ, đặc biệt là trước mặt người khác thì đứa trẻ sẽ tổn thương nhiều hơn. Khoan dung là một phương pháp giáo dục tốt nhất. Chúng ta nên dùng hành động để nói với trẻ rằng lỗi lầm của chúng có thể sửa chữa được. Giống như người cha trong câu chuyện này đã cùng với con trai mình đem món đồ chơi trả lại, để cho cậu bé biết phải tự mình chịu trách nhiệm cho việc mình đã làm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét