Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Cảm nhận về việc học của trẻ ở Thụy Điển


 


Cảm nhận về việc học của trẻ ở Thụy Điển

 

Hai cháu nhà tôi mới đây sang nhập học tại Thụy Điển theo chồng tôi đi công tác dài hạn. Trước khi đi tôi lo lắng vô cùng vì việc học hành của các cháu, sợ con mình bị phân biệt, sợ học hành khác lạ, sợ cháu bé không đủ vốn tiếng Anh để giao tiếp và theo học, sợ cháu lớn không được bạn bè chấp nhận…


Khi hai cháu vào nhập học tôi mới thấy mình lo lắng thừa. Hai cháu theo học rất vui vẻ và thuận lợi. Những điểm còn chưa theo kịp các bạn đều được nhà trường thu xếp cho học bổ sung.

Tôi chỉ mạn phép đưa ra vài cảm nhận rút ra được từ việc học của từng bậc học so với khi các cháu đang học trong nước.

Cháu bé nhà tôi học bậc tiểu học. Ở nhà cháu học tại một trường THDL có tiếng tăm. Tôi cũng mong cháu có được môi trường tiến bộ với điều kiện học tập tốt nên không quản khó khăn cho cháu thi vào trường. Nói thật ra khi còn ở trong nước, tôi cũng tự thấy rằng cháu được học như thế là rất tốt rồi. Tuy còn có bất cập nhưng so với các trường khác cũng đã là rất ổn.

Cháu đến lớp học ngày ngày đều không có hứng thú, mỗi khi được nghỉ thì thấy rất vui vẻ. Đấy là do giờ học rất gò bó và cứng nhắc. Học từ sáng đến 4h chiều mà về nhà tối hôm nào cũng còn phải làm bài tập.

Có những giờ trống, cô giáo sợ các con làm ảnh hưởng đến lớp bên cạnh nên yêu cầu các con ngồi yên lặng trong lớp không làm gì cả. Do các cháu không được đem sách truyện đến lớp nên cũng không có gì để đọc luôn. Cháu về kể là cả lớp con hôm nay phải “ngồi yên như tượng suốt buổi”. Thực ra thì cũng không phải là chuyện gì to tát nhưng để 20 đứa trẻ 8 tuổi ngồi im lặng suốt một tiết học thì cũng khác gì là một hình phạt đâu.

Mỗi ngày mẹ đi đón, hỏi hôm nay có gì vui không con, cháu đều trả lời “chẳng có gì đâu, chán lắm mẹ ạ”. Nghĩ mà thấy tội tội.


Sang đến bên này, hôm nào cháu đi học về mẹ chưa kịp hỏi đã líu lo kể chuyện. Khi xin cho cháu nhập học, tôi theo tinh thần quen thuộc, kể ra một loạt các lo lắng của mình cùng các điểm yếu của con. Cô giáo phụ trách nhẹ nhàng giải thích, ở đây nhà trường chí chú trọng vào điểm mạnh của các cháu, không cháu nào là kém cả. Khi các cháu vào học mình mới hiểu hết ý của cô.

Đơn cử như giờ thể dục, các cháu được phép tự chọn lựa học theo bài dễ, bình thường hay khó. Cháu nào kém hoạt động, thực hiện bài dễ vẫn là hoàn thành bài học, vẫn được thầy khen ngợi động viên để lần sau chọn bài bình thường, tự hoàn thiện kỹ năng của mình.

Các môn học được phối hợp chặt chẽ với nhau nên các cháu thấy rất thú vị và dễ học. Như khi học về các nhà thám hiểm, các cháu được chia theo nhóm cùng tìm hiểu về nhân vật do nhóm mình lựa chọn. Sau đó các cháu tự chuẩn bị bài để trình bày trước cả lớp về nhân vật đó, cả nhóm có thể làm thành một vài con rối để minh họa, hoặc tìm tranh ảnh giới thiệu. Thầy sẽ bổ sung thông tin khi các cháu trình bày, như vậy gài luôn vào bài các kiến thức địa lý và lịch sử liên quan.

Các cháu được khuyến khích tối đa thể hiện tính độc lập. Những gì không sai, không có hại thì các cháu được thoải mái theo ý mình. Không phải cứ răm rắp một bước cũng phải theo chỉ dẫn của cô giáo từ việc ăn gì, ngồi chỗ nào đến việc viết bài bút gì, lùi vào đầu dòng mấy ô. Có phải vì thế mà trẻ con bên này rất tự tin và tự chủ.

Bậc tiểu học đã vậy nhưng đến bậc trung học cơ sở tôi mới thực sự thấy còn nhiều điều mình cần học hỏi.

Cháu lớn nhà tôi vốn tính rất chăm và hiền lành. Cháu đang học lớp 9. Ở nhà cháu học hành vất vả nhưng do không có hứng thú nên càng không có hiệu quả. Tôi không kể lể ở đây vì chắc hẳn những ai quan tâm đến giáo dục đều đã biết tình trạng các cháu phải học hành bận rộn như thế nào. Nào là học thêm, nào làm bài tập, liên tiếp quay cuồng. Mình thương con nhưng cũng đành phải động viên con cố gắng thức khuya dậy sớm để có thể vào được một trường THPT vào loại trung bình khá.

Khi sang đây, tình hình thay đổi hẳn.
Cháu đi học về đều có bài phải tìm hiểu đọc thêm nhưng bao giờ cũng rất hứng thú. Như môn lịch sử, khi học đến một giai đoạn lich sử nào đó, thầy giao cho từng nhóm về tìm hiểu về một chủ đề tự chọn của giai đoạn đó. Cả nhóm cùng làm bài giới thiệu những gì tìm hiểu được và trình bày cho cả lớp nghe.

Các môn học năng khiếu thì thật là tuyệt vời. Giờ nhạc thay vì phải học hát một bài hát (thường là các cháu không thích thú gì và không phải cháu nào cũng có khả năng hát), ở đây thầy giáo cho các cháu tự chọn một bản nhạc yêu thích, bật cho cả lớp nghe và trình bầy mình thích ở điểm gì, cả lớp cùng bình luận rất hào hứng. Bạn nào có khả năng, có thể đem ghép các bài vào nhau, hoặc tự sáng tác cho cả lớp cùng nghe. Thầy giáo chỉ có vai trò hướng dẫn.

Giờ họa, thay vì tự nguệch ngoạc vài nét như ở nhà (đây thực sự là làm khó trẻ con vì không phải cháu nào cũng có năng khiếu vẽ), các cháu được xem tranh và đưa ra bình luận của mình. Bạn nào có năng khiếu vẽ thì mang tranh của mình ra cho cả lớp xem.

Giờ thể dục, thay vì ai cũng như ai phải hoàn thành vài bài tập cơ bản, các cháu có thể tự nghĩ ra bài thể dục cho riêng mình, tập trên nền nhạc do mình tự chọn, lần lượt trình bày cho cả lớp xem và rút ra cái hay cái dở.

Dù cũng biết là chẳng thể thay đổi được gì nhưng cũng muốn chia sẻ vài cảm nhận ban đầu với các vị làm trong ngành giáo dục nước nhà.
Nguyễn Thủy Liên

Theo Vnexpress Thứ ba, 25/1/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét