Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Flappy Bird “tự sát” hay bị bức tử ? *


Flappy Bird “tự sát” hay bị bức tử ? *

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH - đã bày tỏ sự yêu mến đối với Nguyễn Hà Đông - tác giả game Flappy Bird gây “bão” truyền thông mấy ngày qua.

 Website danh tiếng thế giới xin lỗi cha đẻ Flappy Bird

Vị đại biểu này đánh giá rất cao tài năng của Nguyễn Hà Đông và cho rằng, Nguyễn Hà Đông cần được khuyến khích hơn là "ném đá".

Nhưng sự chia sẻ của Đại biểu QH Lê Thanh Vân đã chậm một bước, bởi vì Nguyễn Hà Đông đã khai tử chính "đứa con đẻ" của mình. Anh đưa ra lời giải thích cho quyết định này rằng, do nó là một “sản phẩm gây nghiện”. Nhưng tuồng như, anh đã không chịu nổi sức ép của dư luận mà trong đó, "đá" được ném ra nhiều hơn những "viên kẹo" ngọt ngào.

Nhiều ý kiến moi móc nhược điểm của sản phẩm Flappy Bird với ngôn ngữ đầy đố kỵ, còn cả những lời lẽ de dọa như chực chụp xuống đầu tác giả cái mũ trốn thuế. Tất cả tạo nên áp lực với chàng trai trẻ, để rồi anh phải lựa chọn cách khai tử sản phẩm để dẹp bỏ những thị phi phiền toái và đau đầu - như Đông từng đưa ra triết lý: “Thành công không phải là lý do tồn tại duy nhất”.

Về sự kết liễu Flappy Bird, tờ báo danh tiếng Forbes gọi tên là một “câu chuyện buồn”.
Với Forbes, đó là câu chuyện buồn cho riêng tác giả và sản phẩm của anh, nhưng với nhiều người Việt Nam, có lẽ mang một nỗi buồn khác. Đó là, xã hội mà chúng ta đang sống còn quá nhiều đố kỵ, ít lòng hào hiệp và tinh thần quảng đại. Cộng đồng này đang thiếu sự đỡ nâng cho nhau mà thừa sự cản trở chỉ vì thói ích kỷ.

Một Flappy Bird đã “tự sát” hay chính nó bị bức tử? Câu trả lời dành cho sự chiêm nghiệm của mỗi người. Nhiều thành công nổi trội trên các lĩnh vực khác nhau thuộc các tác giả ngoài nước, cộng đồng thường lên tiếng ca ngợi, ngưỡng mộ, thậm chí là thần tượng. Nhưng khi thành công đó đến với một bạn trẻ trong nước, thái độ có khi ngược lại! Còn nhớ, “câu chuyện buồn” của Đỗ Nhật Nam, chỉ vì có tư chất thông minh nhưng lại bộc lộ với một cộng đồng không chấp nhận sự khác biệt - nên cậu bé 11 tuổi bị một trận "mưa đá" tơi bời, đến nỗi cả năm nay em vẫn chưa dám “thò đầu” ra với dư luận.

Để có nhân tài không chỉ là sinh ra người có tài, mà cần phải xây dựng một môi trường xã hội biết nuôi dưỡng, khuyến khích và tôn trọng tài năng.

Sáng 11.2 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc gặp với Nguyễn Hà Đông. Phó Thủ tướng đã rất quan tâm đến tài năng trẻ và cuộc gặp này là sự động viên, niềm khích lệ rất lớn đối với Nguyễn Hà Đông.

Hy vọng, Nguyễn Hà Đông vượt qua được sóng gió và tiếp tục cho ra đời những sản phẩm khác, tạo ra những cơn “bão” dữ dội hơn trên thị trường game toàn cầu. Bạn là một chàng trai nước Việt tài năng, không thể đầu hàng trước những điều như bạn đã trải qua và chịu dựng.


Theo Lê Thanh Phong
Lao động

Ngày 17/1 vừa qua game Flappy Bird đã đứng đầu ở Mỹ. Khoảng 1 tuần sau thì 2 game khác cùng tác giả là Nguyễn Hà Đông một chàng trai 29 tuổi sinh sống ở Hà Nội bắt đầu lọt dần vào top 1.000 tại Mỹ và sau đó đến cuối tháng 1 thì lọt vào top10.

Trong suốt thời gian từ 17 tới 31/1, truyền thông, các trang mạng xã hội nổi tiếng như Twitter, YouTube, Reddit và cả các ngôi sao truyền hình nổi tiếng cũng tung hô các trò chơi của Hà Đông.

Flappy Bird - game của chàng trai Việt đang làm mưa làm gió trên kho ứng dụng iOS, nắm giữ vị trí số 1, vượt qua các tên tuổi lớn như Snapchat, Facebook Messenger, Clash of Clans, Youtube,... Nhưng thật bất ngờ khi Nguyễn Hà Đông tác giả trò chơi Flappy Bird đã đóng cửa trò chơi đình đám này ngay trong ngày hôm qua đã dẫn đến cái kết buồn cho “chú chim sải cánh của Việt Nam”.








1 nhận xét:

  1. Có lẽ tác giả đã chịu nhiều áp lực làm cản trở sự sáng tạo trong môi trường ở Việt Nam, trong khi báo chí nước ngoài tung hô, vui mừng thì chính người Việt Nam lại tỏ ra nghi ngờ, “dìm hàng” Flappy Bird. Từ nghi ngờ gian lận, chê bai, người Việt hình như đang đố kỵ với sự nổi tiếng và con số 1 tỷ đồng/ngày mà tác giả thu được.

    Trả lờiXóa