Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Giáo dục sớm trẻ em tuổi mầm non góp phần nâng cao chất lượng nòi giống và đào tạo nhân tài cho đất nước



Giáo dục sớm trẻ em tuổi mầm non góp phần nâng cao chất lượng nòi giống và đào tạo nhân tài cho đất nước




Giáo dục sớm là một bước đột phá của khoa học giáo dục. Các công trình nghiên cứu về giáo dục sớm trên thế giới đều cho rằng: Một thời thơ ấu an toàn và hạnh phúc không chỉ là quyền của trẻ em, mà nó còn cung cấp các cơ hội cho trẻ để khai mở và phát triển hết các khả năng và tài năng của trẻ khi chúng lớn lên.
  
 Đặc biệt là giai đoạn từ 0-6 tuổi, giai đoạn não bộ phát triển nhanh nhất, đó là “Giai đoạn vàng”, “Cửa sổ của cơ hội”. Sự phát triển quan trọng nhất của một con người, là nền tảng cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, cũng như văn hoá và nhận thức trong tương lai của cả cuộc đời.

Ngày nay các nhà khoa học đã khẳng định 3 năm đầu đời là giai đoạn rất quan trọng của sự phát triển não. Trong đó:

Từ 0-2 tuổi là thời kỳ phát triển của não phải. Đây là giai đoạn thần đồng.

3-4 tuổi là giai đoạn chuyển tiếp sang thời kỳ của não trái.

Từ 6-8 tuổi là thời kỳ của não trái.

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ B.Bloom sau hàng loạt nghiên cứu đã nói: Nếu một người trưởng thành đến 17 tuổi trí lực đạt 100%, thì lúc 4 tuổi đã đạt 50%, 8 tuổi đạt 80%, trong 9 năm từ 8 tuổi đến 17 tuổi phát triển 20% khả năng còn lại.

Makarenko, nhà sư phạm nổi tiếng của Liên Xô trước đây cho rằng: “Nền móng của giáo dục được xây dựng vững chắc từ trước 5 tuổi, nó chiếm 90% cả quá trình giáo dục”

Tóm lại, giáo dục sớm chính là giáo dục nhằm thúc đẩy chức năng não bộ (hai bên bán cầu não phải và trái) của con người phát triển một cách tối ưu ngay từ những tháng năm đầu của cuộc đời.

 “Các cơ hội giáo dục được định hình từ lâu trước khi trẻ đến lớp, các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức và xã hội mà trẻ phát triển thời thơ ấu là trụ cột thực thụ cho việc học tập cả đời” (UNESCO, Báo cáo giám sát GDCMN 2011)

















Một số mô hình giáo dục sớm trên thế giới

Từ những kết quả nghiên cứu về não bộ kỳ diệu của trẻ sơ sinh và lứa tuổi mầm non, trên thế giới đã xuất hiện cuộc chạy đua áp dụng các phát hiện mới về bộ não để phát minh ra những công nghệ giáo dục nhằm kích hoạt tiềm năng của não bộ từ những năm đầu tiên của cuộc đời, chuẩn bị cho chiến lược giáo dục thế kỷ XXI. Đã có những công trình nghiên cứu nổi tiếng về giáo dục đào tạo trẻ thông minh sớm, về giáo dục não phải, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; trong đó phải kể đến những người đi tiên phong trong cuộc cách mạng giáo dục sớm với những tên tuổi nổi tiếng xuất thân từ các nước Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Đó là:

- Giáo sư Shichida Makoto (Nhật Bản) đã chủ trương tiến hành một “cuộc cách mạng về giáo dục bán cầu não phải” nhằm phát triển hết tiềm năng của bản cầu não phải. Ngày nay, đã có hàng trăm cơ sở giáo dục của Shichida trên toàn nước Nhật Bản và các nước khác như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Úc, Mỹ, Canada,… Những thành quả của ông đang giúp cho hàng ngàn các cha mẹ và trẻ em phát triển nền tảng cho những thành công trong tương lai. Phương pháp giáo dục của Shichida Makoto cũng đã được ứng dụng cho cả những người trưởng thành.

- Giáo sư Glenn Doman (Mỹ), với phương pháp giáo dục nhằm khơi dậy và phát triển trí thông minh của trẻ nhỏ được hình thành dựa trên 3 yếu tố cơ bản: (1) kỹ năng đọc, (2) khả năng toán học và (3) năng lực nhận thức sâu và rộng. Ông tin rằng “học Đọc” là cơ sở của mọi sự học tập, lĩnh hội tri thức và sự thành công. Theo ông, dạy học cho một em bé 6-24 tháng tuổi ở nhà dễ dàng hơn dạy em bé 6 tuổi ở trường.

- Trung Quốc đi sau Mỹ, Nhật, nhưng với khát vọng vươn lên của một quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, trường phái giáo dục sớm của giáo sư Feng De Quan, với “Phương án 0 tuổi” (gọi tắt là PA0T), là phương án khai mở trí thông minh và những tố chất tiềm ẩn của trẻ ngay từ 0 tuổi (thai nhi) đến 6 tuổi. Ông theo đuổi một lý tưởng cao cả, đó là “Biến gánh nặng dân số thành nguồn tài nguyên nhân tài vô biên, biến sự khó nhọc trong nuôi dạy con cái thành niềm hạnh phúc vô bờ bến”, và với mục tiêu nâng cao tố chất cho trẻ nhỏ. Cho đến nay, đã đào tạo được hàng triệu trẻ em thông minh, tài năng, trở thành làn sóng giáo dục sớm tại quốc gia này.

- Ở Hàn Quốc, dịch vụ giáo dục cho trẻ mầm non tại gia đình đang được các bậc cha mẹ đầu tư mạnh mẽ; và hiện nay đang xuất hiện các mô đun đi sâu vào từng lĩnh vực giáo dục sớm như toán, ngôn ngữ, hội họa, âm nhạc… và cho ra hàng loạt các sản phẩm thành công nghệ giáo dục có bản quyền và đã gia nhập vào thị trường giáo dục ở Việt Nam.

- Tại Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã nhanh chóng áp dụng các nghiên cứu về não, áp dụng chương trình Giáo dục  não phải vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các nhu cầu của tất cả các lứa tuổi, và để bổ sung và tăng cường hiệu quả của các chương trình giáo dục mà hầu hết trẻ em đã có thể được tham gia. Họ mở rộng dần dịch vụ đến các thị trường nước ngoài với tên gọi “Cuộc Cách mạng não bộ - Brain Revolution”.


Mục tiêu của phương pháp giáo dục sớm không phải để nhồi nhét tri thức mà giáo dục phải góp phần kích hoạt được các năng lực thiên bẩm của trẻ. Để có năng lực thiên bẩm chúng ta phải cung cấp cho trẻ môi trường phát triển tốt với các yếu tố kích thích cần thiết cho sự phát triển. Ngày xưa, giáo dục tập trung vào việc nuôi dưỡng những con người tốt để có thể đóng góp cho gia đình, cho xã hội. Ngày nay, giáo dục mới chỉ là để vượt qua các kỳ thi và chỉ chú trọng khả năng học tập ở trường. Nói cách khác chúng ta nên xây dựng một nền giáo dục có thể đề cao ý chí của từng cá nhân.

Với thành tựu nghiên cứu và thực thi hơn 50 năm qua của giáo dục sớm thế giới, có thể khẳng định quốc gia nào nhận thức được cơ hội và thắng lợi trong “Cuộc Cách mạng mềm” giáo dục sớm thì chỉ trong vòng 30 năm thôi quốc gia đó không chỉ thay đổi vận mệnh cho dân tộc mình mà sẽ góp phần to lớn thay đổi thế giới trong thế kỷ XXI.

Giáo dục sớm ở Việt Nam

Có thể nói mô hình giáo dục sớm ở Việt Nam chưa được định hình. Trẻ nhỏ chưa được tiếp cận với giáo dục sớm. Đây là một thiệt thòi lớn không chỉ cho các cháu nhỏ mà còn là sự lãng phí tiềm năng vô cùng to lớn của các gia đình và cả đất nước.

Tóm lược bài viết của PGS.TS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh từ Hnews.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét