Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Câu chuyện giữa nhà thơ Huy Cận và Trần Đức Thảo

Câu chuyện giữa nhà thơ 

Huy Cận và Trần Đức Thảo


Việt Nam không có truyền thống triết học? Nếu có một nhà triết học (chuyên nghiệp) thì đó là Trần Đức Thảo - đánh giá của GS Trần Văn Giàu. 

Tìm hiểu thêm qua một mẫu chuyện trò giữa nhà thơ Huy Cận và Trần Đức Thảo tại nhà Trần Đức Thào vào 1/1991

Trần Đức Thảo nói sang vấn đề lịch sử. Anh nói: “Lịch sử có quy luật của nó, nhưng điều bất lợi trong lịch sử của sự người, khi được ghi chép lại thì phần lớn do những người chiến thắng ghi lại, cho nên bị méo mó, bị sai lệch đi nhiều”. Huy Cận hỏi Trần Đức Thảo: “Nếu nói thế thì không có lịch sử à?”. Trần Đức Thảo nói: “Có lịch sử, nhưng muốn hiểu đúng phải phân tích, phải suy ngẫm. Nhưng để làm được việc đó thì con người phải có trí tuệ. Trí tuệ là kết quả của biện chứng hiện tượng tinh thần. Có thống nhất cái biện chứng hiện tượng tinh thần ấy với biện chứng của tự nhiên đưa đến lịch sử xã hội-con người thì mới có cơ hội để nhận chân lịch sử”.

Huy Cận trả lời: “Anh Thảo ơi, thế thì khó quá”. Trần Đức Thảo nói: “Chẳng có con đường nào khác. Chính vì vậy nhiều nhà khoa học đã phải hi sinh trên bước đường nghiên cứu, từ Ga-loa cho đến Anh-xtanh đều vậy. Có người thì hi sinh về tính mạng, có người thì hi sinh sự sáng tạo của mình cho những kẻ có quyền lực. Sáng tạo về bom nguyên tử của Anh-xtanh đã bị chủ nghĩa đế quốc Mỹ đưa đến thảm họa tiêu diệt biết bao dân vô tội ở Nga, ở Herosima và Nagasaki. Tôi chưa nói đến sự hi sinh thầm lặng của họ trong cuộc đời nghiên cứu khoa học”.

Huy Cận hỏi Trần Đức Thảo: “Anh Thảo ơi, nên định nghĩa về anh như thế nào nhỉ? Là nhà hiện tượng học, hay nhà Mác-xít”. Trần Đức Thảo trả lời: “Phải có cái gạch nối: hiện tượng học – Mác-xít, đúng hơn nên gọi tôi là nhà duy vật biện chứng nhân bản”. Huy Cận nói tiếp: “Anh giải thích rõ hơn”.

Trần Đức Thảo thành thật tâm sự: “Lúc đầu, tôi có hiểu chủ nghĩa Mác đâu. Tôi được đào tạo về chủ nghĩa duy lý của Pháp nói riêng và của châu Âu nói chung. Có điều, tôi may mắn được các giáo sư hồi đó giảng kỹ cho tôi về cảm giác học của triết lý Spinoza. Chính vì vậy, trong lúc nghiên cứu hiện tượng học tinh thần của Hegel, tôi nhận chân được giá trị của hạt nhân duy lý của Hegel, trước hết cũng bằng cảm giác trí tuệ. Từ đó, tôi hiểu vì sao Mác đã cải tạo phép biện chứng duy tâm của Hegel để áp dụng vào chủ nghĩa duy vật và hình thành chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Vì say mê với giá trị của chủ nghĩa duy vật mà tôi đã phát hiện ra được thiên tài của Husserl trong hiện tượng luận, khi ông đặt vấn đề ngôn ngữ và tư duy của con người luôn luôn hướng tới đối tượng, khái niệm. Vậy thì phải có động lực chứ. Ông mơ hồ đoán định, nếu có động lực thì đó phải là động lực vật chất.

Tôi đi tìm kiếm cái động lực ấy suốt từ năm 1946 cho đến nay. Tôi đã phát hiện ra được cái động lực ấy chính là năng lực bản chất người: cái biện chứng của năng lượng thần kinh với năng lượng tâm thần. Nhưng nếu dừng lại ở đấy thì tôi cũng chẳng khác gì Hegel và Husserl, tôi đã phân tích, tìm kiếm, chứng minh sự thống nhất biện chứng giữa biện chứng của tinh thần với biện chứng của tự nhiên đưa đến biện chứng của lịch sử xã hội-con người, đặc biệt là sự vận động của nền sản xuất xã hội. Chính cái biện chứng kỳ diệu ấy đã tạo ra giống loài người và tạo ra sự thống nhất con người nói chung với con người cá nhân-nhân cách trong mỗi chúng ta.

Cái nhân loại, cái dân tộc, cái giai cấp là kết quả của biện chứng lịch sử tự nhiên-xã hội luôn luôn thống nhất với cái cá nhân-nhân cách. Con người nói chung nằm trong và xuyên qua con người cá nhân-nhân cách. Con người cá nhân, nhân cách tồn tại trong cái chung của con người nói chung ấy một cách cụ thể-cá thể”.

Huy Cận mỉm cười nói: “Hiểu được anh khó quá”. Trần Đức Thảo nói: “Nhưng muốn vươn tới tự do thì phải hiểu như thế. Tôi nói tự do ở đây là theo nghĩa tương đối trong mối quan hệ giữa tinh thần và vật chất, còn tự do tuyệt đối theo đúng nguyên nghĩa chỉ có trong lĩnh vực tinh thần mà thôi. ….

Nguồn VHNA



2 nhận xét: