Hồ Xuân Hương, Nàng Là Ai ?
Hồ Xuân Hương tên thật là Mai, đó là lý do khiến
chàng Tốn Phong trong 31 bài thơ tặng nàng đã có 29 bài nhắc đến Mai, có bài
nhắc đến hai ba lần. Tên Hồ Phi Mai hiệu là Xuân Hương, Phi Mai, hoa mai bay
trên hồ nơi ngắm cảnh xuân, Mai là hương hoa mùa xuân, thật là đồng điệu. Chàng
Tốn Phong tên Huân ... nghĩa là Nam Phong, Gió Nam cũng gọi là Tốn Phong, hiệu
Nham Giác Phu, là chàng ẩn trong núi mà hiểu sự đời. Người Hoan Nam, Thạch Ẩn Nhi, chàng họ Phan, huyện Thạch Hà,
họ Phan Huy Ích.
Hồ Phi Mai hiệu Xuân Hương, Phan Huy Huân hiệu
Tốn Phong, GS Hoàng Xuân Hãn và Học giả Trần Thanh Mại đã đồng ý với nhau việc
giải mã tên của nàng.
Hồ Xuân Hương tên húy là Hồ Phi Mai sinh năm 1770,
tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, Thăng Long Hà Nội. Nhà trông xuống Hồ
Tây nơi có đền Khán Xuân Vua Lê Chúa Trịnh thường cùng cung nữ ra đó ngắm xuân,
họp hội chợ, thả hoa đăng dưới hồ.
Thân phụ nàng là Hồ Phi Diễn sinh năm 1703 và
mất năm 1786. Năm 20 tuổi ông đậu Tam Trường đời Bảo Thái thứ 4 năm Quý Mão
1723. Ông đồ Nghệ phiêu bạt đi dạy học tại Hải Dương và kết hôn với mẹ nàng họ
Hà quê Hải Dương làm thứ thiếp, ông sinh nàng lúc gần 70 tuổi, bà có lẽ chỉ hai mươi
và còn sống đến sau 1814, năm Tốn Phong trở lại đề tựa Lưu Hương Ký.
Hồ Phi Diễn chánh quán tại làng Quỳnh Lôi huyện
Quỳnh Lưu tỉnh Nghê. An. Họ Hồ tại Quỳnh Lưu rất có tiếng tại Nghệ An và có từ
đời đất còn bị nhà Hậu Hán (917 - 971), Trung Quốc cai trị. Viên Thái Thú Diên
Châu là Trạng Nguyên Hồ Hưng Dật làm nhà ở đây, con cháu phồn thịnh sau khi
nước nhà độc lập. Đời Trần có chi ra Thanh Hóa lập nghiệp, sau sinh ra Hồ Quý
Ly. Gia phả họ Hồ ở Nghệ An chép đến đời Trần Xương Phù (1377 - 1389) một cách
liên tục. Đời Trần có một chi vào đất Đông Thành cùng phủ sinh ra Hồ Tông Thốc
có ba đời Trạng Nguyên. Chi ở xã Hoàn Hậu đời Lê có nhiều người đậu Tiến sĩ và
nổi danh như Hồ Sĩ Dương một nhà chính trị học, sử học. Riêng chi ở Quỳnh Lưu
thì đời thứ tám có Hồ Sĩ Anh (1618 - ?), Đời Lê có hai người đậu Hoàng Giáp Hồ
Phi Tích (1665 - 1744) đậu năm 1700 và Hồ Sĩ Đống (1744 - 1745) đậu năm 1772.
Có chi vào Tây Sơn đổi họ Nguyễn, tức Hồ Phi Phúc sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn
Huệ, Nguyễn Lữ.
Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, Hoàng Giáp Hồ Sĩ
Đống và nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Tú Tài Hồ Phi Hội đều cùng một đời thứ 12, cùng có
một ông tổ đời thứ tám là Hồ Sĩ Anh.
(Theo Hồ Quỳnh gia phổ của chi Hồ Phi Tích, Thư
viện Hoàng Xuân Hãn, Paris.)
Thuở nhỏ Hồ Xuân Hương học với cha, cha dạy học
tại gia, mẹ có lẽ dệt lụa trồng dâu, nuôi tằm và buôn bán chợ phiên như bao phụ
nữ khác ở làng Nghi Tàm. Hồ Trọng Chuyên soạn Hương Biên làng Quỳnh Đôi năm
1941 và biên nối Hồ Tộc hiền lục thuật lại rằng:
"Nàng từng ở quê nhà thuở nhỏ, nhưng đã sớm
rời quê hương, theo cha ra Bắc Hà. Cô ta rất thông minh, đĩnh ngộ, chỉ nghe lóm
mà hay chữ. Năm 13 tuổi đã biết làm thơ, có biệt tài về thơ Quốc âm; đã từng
xướng họa với Dương Tri Tạn, một danh sĩ trong làng. Một đôi lúc Hồ Xuân Hương
có giúp tiền cho một vài bà con nghèo trong họ, Hồ Xuân Hương rất dạn trai,
không bẻn lẽn khi con trai chọc ghẹo, tính hồn nhiên. Dương Tri Tạn đã mượn cớ
Vịnh cái điếu bát để đùa với nàng:
Eo lưng thắt đáy thật xinh xinh
Điếu ai hơn nữa điếu cô mình
Thoát châm, thoát bén duyên hương lửa
Càng núc càng say nỗi tính tình
Năm 1786, Hồ Xuân Hương 14 tuổi, cha mất thọ 84
tuổi. Nàng tự học tự đọc sách cổ văn và nối nghề dạy trẻ của cha và giúp mẹ dệt
lụa, buôn bán sinh nhai.
Thuở 18, Hồ Xuân Hương xinh đẹp. Nguyễn Du trong
bài "Mộng thấy hái sen," đã kín đáo ví nàng như hoa sen
Hoa sen đẹp xinh xinh
và
Hoa sen ai cũng yêu
Nàng đã là đóa hoa, cách sau khóm hoa chỉ nghe
tiếng hồn nhiên nói cười.
Nàng đến tự bao giờ
Cách hoa nghe cười nói
Năm 1807 nàng 35 tuổi. Chàng thi sĩ đa tình Tốn
Phong đã làm thơ tặng nàng, ca tụng vẻ đẹp của nàng trong thi tập của mình:
Nét thanh xuân ấy nghìn vàng khó mua
(bài số 23)
Mười phần xuân sắc tới trời Nam
(bài số 8)
Người Tiên rạng rỡ từ mây đến
(bài số 13)
Như dáng cây mai, xinh cốt cách
Mười phần xuân sắc rạng trời xanh
(bài số 22)
Và bài thơ số 12 Tốn Phong đã ca tụng nàng, họ
nhà quan đẹp như tiên nữ đầu thai xuống trần, vẻ đẹp của Hoan Châu đẹp thuần, nàng
như sao Khuê ngôi sao Văn Học, đẹp mười phân vẹn mười. Nàng là tinh anh 99 ngọn
núi Hồng Lĩnh. Nàng là hoa Mai riêng chiếm cả một trời Xuân chốn kinh thành
Tao đàn nay đã có Thần
Gặp nàng đồng quận bội phần hân hoan
Hỏi ra thật họ nhà quan
Ngắm dường tiên nữ thác thân xuống trần
Hoan Châu vốn tiếng đẹp thuần
Sao Khuê rạng rỡ mười phân vẹn toàn
Tinh anh "chín chín Hồng Sơn"
Hoa Mai riêng chiếm trời Xuân Đế Thành
Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chàng thi sĩ Tốn
Phong, đã chấm nàng chiếm giải Hoa Khôi thành Thăng Long. Thơ Tốn Phong đã đánh
đổ giả thuyết nàng xấu xí, mặt rỗ lại ẩn ức về tình dục.
Xuân Hương danh giá, em họ quan Hoàng Giáp, dạy
học trò, một thầy đồ hiếm hoi phái nữ, khác với các thiếu nữ dòng dõi đương
thời chỉ chăm sóc Công Dung Ngôn Hạnh, phần trí tuệ thơ phú dành cho phái nam.
Người đến đủ trình độ xướng họa đối đáp với nàng cũng không phải là thư sinh
tầm thường cỡ như Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông, nó bảo nhau là ấy ái
uông. Mà là những danh sĩ, những nho sĩ dạy học, những quan tri huyện, tri phủ,
tham hiệp, hoặc con, em của bậc công hầu bậc nhất triều đình như Nguyễn Du, hay
Tiến Sĩ Phạm Quý Thích ...
Tài thơ văn của nàng, Tốn Phong đã tả trong bài
tựa Lưu Hương Ký
"Tứ thơ dồi dào, nhưng vẫn tỏ ra vui mà
không buông tuồng, buồn mà không đau thương, khốn khổ mà không lo phiền, cùng
mà không bức bách. Thật là do tính tình nghiêm chỉnh mà ra, cho nên khi hát
lên, ngâm lên những thơ ấy, thì tay cứ muốn múa, chân cứ muốn dậm mà không tự
biết.
Lưu Hương Ký tuy đầy vẻ gió mây trăng móc, nhưng
đều tự đáy lòng mà phát ra, biểu hiện thành lời nói, lại cũng đều đúng với cái
ý đã nói trên kia là: xuất phát từ mối tình mà biết dừng lại trên lễ
nghĩa".
Trong bài tựa trên Tốn Phong cũng đã dẫn lời
khen của bạn là Cư Đình:
"Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương học rộng mà
thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn
hoa, thực là một bậc tài nữ."
Tốn Phong ca ngợi:
"Tôi thường nghe: người đất Nghệ An thuần
tú mà ham học. Đúng như thật! Đàn ông tuấn kiệt thì có các bậc khoa bảng đời
trước, đàn bà tinh anh thì có những người như Phan My Anh và Hồ Xuân Hương.
Người ta nói núi cao sông sâu sinh ra nhân tài tuấn kiệt, quả không sai
vậỵ"
GS Hoàng Xuân Hãn nhận xét:
"Một người thẩm phán về mặt hình thức văn
thái (Cư Đình), một người xét về mặt ý tứ văn (Tốn Phong). Cả hai lời phẩm bình
đều đúng. Riêng về mặt thơ nôm, ta nhận thấy có kỹ thuật chắc, lời nghiêm nghị
mà bóng bảy, từ thiết tha. Nhưng thơ trữ tình mà không có gì lả lơi hay bỡn
cợt, trái với hầu hết những thơ nôm mà ta thường đọc trong các sách báo dưới
mục "Thơ Hồ Xuân Hương."
Những lời bình phẩm thơ văn của Hồ Xuân Hương
của người đương thời đã đánh đổ truyền thuyết, xem Hồ Xuân Hương là một kỳ nữ
lẳng lơ, dâm ô. Trái lại nàng là một nữ sĩ tính tình nghiêm chỉnh, thành thật,
học rộng, thơ xuất phát tự đáy lòng, chữ mới lạ, văn hoa. Có lẽ vì thơ Lưu
Hương Ký chưa bao giờ được khắc bản in ra, chỉ được các bậc danh sĩ xướng họa
với nàng chép lại. Nàng là một nhà thơ trữ tình, lãng mạn đầu tiên của Văn Học
Việt Nam. Khi nàng mất đi, những huyền thoại về nàng tiếp tục phát triển thêu
dệt dần dần do thị hiếu dâm tục, làm xa đi con người thật của nàng.
Cổ Nguyệt Đường là nơi Hồ Xuân Hương dạy học,
bên cạnh có trà quán của bà mẹ đã là Phòng Khách Văn Học của Việt Nam cuối thế
kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Cổ ... Nguyệt ... là chiết tự chữ Hồ ... là nơi tao nhân
mặc khách, các nhà thơ, nhà văn lớn của Việt Nam đương thời xướng họa. Thi hào
Nguyễn Du tác giả Truyện Kiều, Phạm Đình Hổ tác giả Vũ Trung tùy bút, Tiến Sĩ
Phạm Quý Thích người khắc bản và in thơ Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự tác giả Hoa
Tiên Ký, Quan Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán, Mai Sơn Phủ, Tốn Phong
Phan Huy Huân, Cư Đình, Trần Quang Tỉnh, Trần Phúc Hiển ... Cổ Nguyệt Đường
từng tổ chức thi thơ văn mà người đoạt giải nhất là Trần Ngọc Quán.
Năm 1814, Tốn Phong trở lại Thăng Long gặp Xuân
Hương có tặng nàng bài thơ trong đó có hai câu:
Mai, quả đã từng ba độ kết
Khách, tình vẫn vậy sáu năm nay
Có nghĩa là trước năm 1814 nàng đã ba lần lấy
chồng. Dựa vào thơ Lưu Hương Ký ta thấy có ba khoảng thời gian, ba khoảng trống
nàng vắng làm thơ: 1794 - 1798, 1802 - 1806 và 1810 - 1812 có lẽ là ba thời kỳ
Xuân Hương lấy chồng rồi bị góa. Tương truyền rằng nàng lấy lần thứ nhất một
thầy thuốc, nên có bài thơ "Bà lang khóc chồng." Lần thứ nhì bà lấy
một Chánh Tổng tên Cóc, bài "Vịnh Tổng Cóc," theo Xuân Diệu, trong Hồ
Xuân Hương, bà chúa thơ nôm, hiện nay tại Vĩnh Yên vẫn còn nhà thờ Chánh Tổng
Cóc. Lần thứ ba nàng lấy một quan Tri Phủ, có bài "Khóc Ông Phủ Vĩnh
Tường." GS Hoàng Xuân Hãn bác bỏ việc lấy ông Phủ Vĩnh Tường vì lẽ tên Phủ
Vĩnh Tường năm 1822 mới có, phủ ấy giữ tên Tam Đái suốt đời Gia Long. Đại Nam
Nhất Thống Chí quyển Sơn Tây chép năm Minh Mạng thứ hai 1821 đổi ra Tam Đa, có
lẽ kiêng tiếng Đái cho là tục, năm thứ ba 1822 lại đổi ra phủ Vĩnh Tường. Theo
đó nếu Hồ Xuân Hương mất vào năm đó thì không thể là vợ ông phủ Vĩnh Tường. Do
đó bài thơ nôm khóc ông phủ Vĩnh Tường quyết không phải là thơ Hồ Xuân Hương.
Ba mối tình trên không có dấu vết trong Lưu Hương Ký, mà chỉ có trong thơ văn
truyền tụng, có lẽ nàng không muốn nhắc đến. Tôi sẽ lần theo dấu vết thơ truyền
khẩu để tìm cuộc đời nàng.
Dựa vào năm ghi trên các bài thơ Lưu Hương Ký và
tựa viết tên các danh sĩ, ta biết được Hồ Xuân Hương đã kết bạn thơ và bạn tình
với các danh sĩ sau:
Nguyễn Du vào khoảng 1790 - 1793
Lấy chồng lần thứ nhất 1794 - 1798
Mai Sơn Phủ 1799 - 1801
Lấy chồng lần thứ hai 1802 - 1806
Tốn Phong 1807 - 1808
Trần Quang Tỉnh 1808 - 1809
Lấy chồng lần thứ ba 1810 - 1812
Trần Phúc Hiển 1813 ...
Tốn Phong trở lại 1814
Trần Ngọc Quán 1815 - 1816
Lấy chồng lần thứ tư
Tham Hiệp Trần Phúc Hiển 1816
Hồ Xuân Hương mất 52 tuổi 1822
Người yêu đầu tiên Hồ Xuân Hương thố lộ trong
thơ văn là Nguyễn Du. Qua bài thơ chữ đề: Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh Học Sĩ
Nguyễn Hầu, Hầu Nghi Xuân, Tiên điền nhân. (Cảm tình cũ và trình quan Cần Chánh
Học Sĩ họ Nguyễn người huyện Nghi Xuân làng Tiên Điền). Cho biết mối tình kéo
dài được ba năm, sau đó tan vỡ, vì chàng ra đi về quê Hồng Lĩnh. Có lẽ khoảng
năm 1790 - 1793. Thời gian này Nguyễn Du đã đỗ Tam Trường ở Sơn Nam năm 19
tuổi, 1784 sau đó nhà Trịnh sụp đổ, loạn lạc, nên không thi tiếp được, dinh thự
của anh bị loạn kiêu binh phá tan hoang, Tây Sơn đem quân ra Bắc, anh cả là
Tiến Sĩ Nguyễn Khản đã mất, một người anh tên là Nguyễn Quýnh nổi lên chống Tây
Sơn, nên làng Tiên Điền bị đốt sạch, người anh cùng mẹ là Nguyễn Nễ ra làm quan
với Tây Sơn, xuất tiền ra trùng tu lại từ đường và chùa làng. Nguyễn Du về ở
với anh Nguyễn Nễ cạnh Giám Hồ nơi đây Nguyễn Du nghe tiếng đàn người nhạc nữ
cung vua Lê cũ, tôi sẽ phân tích kỹ hơn trong chương mối tình Hồ Xuân Hương và
Nguyễn Du. Lúc ấy nàng khoảng 18 tuổi và chàng 25 tuổi, chàng và nàng có nhiều
kỷ niệm cùng hái sen trên Tây Hồ. Mối tình đó còn lưu dấu vết trong nhiều bài
thơ khác của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương. Hai người cảm phục thơ nhau, Hồ Xuân
Hương yêu chàng "Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung," nhưng Nguyễn Du
lúc này đã có vợ là em Đoàn Nguyễn Tuấn người đi sứ Tây Sơn cầu phong nhà Thanh
năm 1790. Nguyễn Du thân phận còn ăn nhờ ở đậu nơi các ông anh, khi quê vợ, khi
góc bể chân trờị "Chữ tình chốc đã ba năm vẹn" ba năm yêu nhau mà
không đi đến đâu, chàng không danh phận cũng không muốn nàng làm thứ thiếp, rồi
Nguyễn Du dứt áo về quê Hồng Lĩnh và năm 1795 toan tính về Gia Định giúp Nguyễn
Ánh, bị Quận Công Thận bắt, nhưng nể tình bạn là Nguyễn Nễ nên chỉ giam ba
tháng, ra tù chàng lại lang thang ăn nhờ ở đậu, có lúc đi xin ăn: "Sách vở
ích gì cho cuộc sống, nào ngờ đói rách người thương tâm" (Thơ Nguyễn Du
bài Khất thực).
Khi Gia Long thắng trận, Nguyễn Du đón xe, dâng
sớ được Gia Long cho cùng ra Bắc. Tháng 8-1802 được bổ làm Tri huyện Phù Dung,
Trấn Sơn Nam, năm sau được thăng Tri Phủ Thường Tín, gần Hà Nội, nhưng thời
gian này Hồ Xuân Hương trong cơn tao loạn, mẹ già nhà túng thân gái một mình
nàng đã nhận lời lấy Tổng Cóc ở Vĩnh Yên. Chàng có trở lại Cổ Nguyệt Đường thì
cũng ngậm ngùi tình xưa dang dở. Mùa thu 1804 Nguyễn Du cáo bệnh về quê nghỉ
một tháng, rồi được triệu về kinh giữ chức Đông Các Học Sĩ. Năm 1809 giữ chức
Cai ba. Quảng Bình. Tháng 2-1813 được thăng Cần Chánh Học Sĩ, được cử làm Chánh
Sứ sang cầu phong nhà Thanh, tin này đến Thăng Long, Hồ Xuân Hương gửi bài thơ
mừng, lúc này Nguyễn Du đã có một vợ hai thiếp, con đã cả chục. Xe ngựa trộm
mừng duyên tấp nập còn nàng đã góa chồng lần thứ ba trở về Cổ Nguyệt Đường phấn
son càng tủi phận long đong, chàng có nhớ tình cũ chăng ? Lầu Nguyệt năm canh
chiếc bóng chong nàng thao thức năm canh bên đèn một mình, ngắm trăng cũng một
mình.
Không biết hai lần đi sứ, làm Chánh sứ, công
việc quan trọng như Bô. Trưởng Ngoại Giao ngày nay, Nguyễn Du có dám xé rào đi
thăm Hồ Xuân Hương khi đi ngang qua Thăng Long chăng ? Một người đa tình như
Nguyễn Du trong bữa tiệc tiễn sứ ở nha Tuyên Vũ, chàng xót xa khi nghe tiếng
đàn nguyệt của người nhạc nữ đã về chiều nhan sắc tàn tạ, lẽ nào không nhớ đến
Xuân Hương? ?
Mối tình để lại thơ văn nhiều nhất trong Lưu
Hương Ký, là mối tình với Mai Sơn Phủ, những bài thơ hẹn thề nồng nàn thắm
thiết. Hồ Xuân Hương viết bài Cảm nghĩ khi thề:
Mười mấy năm trời một chữ tình
Duyên tơ này đã sẵn đâu dành
Mái mây cắt nửa nguyền phu phát
Giọt máu đầy hai chữ tử sinh
Một kiếp đã thề cùng dạ thắm
Trăm năm đành phụ với đầu xanh
Mai sau lòng chẳng như lời nữa
Dao búa nguyền xin lụy đến mình
Mai Sơn Phủ chỉ là một thư sinh ra học tại Thăng
Long trong thời Tây Sơn, chưa có danh phận gì. Vì đâu Hồ Xuân Hương không kết
hôn cùng Mai Sơn Phủ? Khi chàng từ biệt nàng về quê Hoan Châu năm 1801, sau đó
không còn tìm thấy dấu vết của chàng, chàng mất vì một cơn bạo bệnh hay vì trái
lời thề nguyền mà bị dao búa trong cơn hoạn lạc triều Tây Sơn sụp đổ?
Sau khi Triều Nguyễn được thiết lập năm 1802,
nhiều văn nhân, danh sĩ được bổ vào các chức vụ tri huyện, tri phủ, tham hiệp,
hiệp trấn ở các địa phương và các chức ở ba tào Bắc Thành. Sự kiện này đã mang
lại cho Xuân Hương nhiều bạn mới: Tốn Phong, Trần Quang Tỉnh, Trần Ngọc Quán,
Trần Phúc Hiển.
Tốn Phong cùng họ với Phan My Anh, người huyện
Thạch Hà, Hoan Châu, ra Thăng Long thi Hương năm 1807, thi hỏng, chàng ở lại
Thăng Long dạy học cạnh Hồ Kim Ân, khu Sinh Từ ngày nay, qua lời giới thiệu của
Cư Đình, chàng quen biết Xuân Hương. Hai người kết bạn thơ tri kỷ tri âm, nhưng
chàng chưa thi đỗ, thì chưa ... cưới nàng được. Năm 1808 chàng lại về quê và
năm 1814 chàng lại trở ra thi Hương, lại thi hỏng nữa, nàng thổ lộ mọi tâm
tình, kể chàng nghe mọi mối tình, đưa chàng tập thơ Lưu Hương Ký nhờ chàng đề
tựa, nhưng trở lại yêu chàng thì nàng không thể, vì đã có tình yêu mới với quan
Tham Hiệp Trần Phúc Hiển, người hò hẹn sẽ cưới nàng đưa nàng về Vịnh Hạ Long.
Mối tình Hồ Xuân Hương với Quan Hiệp Trấn Sơn
Nam Hạ Trần Quang Tỉnh cũng không kém phần thắm thiết trong bài Họa vần thơ
Quan Sơn Nam Hạ Hiệp Trấn năm 1809. Thơ chữ Hán, Hoàng Xuân Hãn dịch ra lục
bát:
Chia tay, giữa tiệc, tình còn
Nghẹn ngào ngây ngất tan hồn Sảnh Nương
Hồ Xuân Hương muốn thoát trần như chuyện Sảnh
Nương yêu Vương Trụ trong Liêu Trai Chí Dị. Mối tình bị cha mẹ ngăn cản nàng
bất tỉnh suốt năm năm, nàng thoát hồn theo Vương Trụ, Vương đang đi thì thấy
Sảnh Nương chạy theo, hai người lấy nhau đi xa làm ăn, năm năm sau hai người
trở về thú tội, cha mẹ sửng sốt, xác Sảnh Nương từ trong buồng chạy ra ôm lấy
hồn và nhập lại thành một. Ai ngăn cản nổi mối tình Hồ Xuân Hương và Trần Quang
Tỉnh ? Cha mẹ chàng chăng?
Còn mối tình Hồ Xuân Hương và quan Hiệp Trấn Sơn
Nam Thượng Trần Ngọc Quán, có lẽ là mối tình đến muộn sau khi nàng đã yêu Trần
Phúc Hiển, nên chỉ là bạn thơ. Trần Ngọc Quán nguyên Cai bạ Quảng Đức, Thừa
Thiên ngày nay. Tháng ba năm Ất Hợi 1815 được bổ nhậm chức Hiệp Trấn Sơn Nam
Thượng, Trấn này gồm đất hai tỉnh Hà Nội và Hưng Yên và trị sở ở Châu Cầu, Phủ
Lý. Ông tại chức được hơn ba năm, đến tháng năm năm Mậu Dần, 1818 thì bị bệnh
mất.
Khi mới tìm đến Cổ Nguyệt Đường năm 1815, gặp
Xuân Hương chàng đã tán:
Tài cao nhả phượng, thế gian kinh
May đến Long Thành, được thấy danh
Chạm hộc tự cười, tài vốn kém
Mổ rồng thêm thẹn, thuật chưa tinh
Chàng khen nàng có tài làm thơ hay như phượng
múa, thế gian kinh phục, nay tới Thăng Long được hân hạnh gặp nàng. Chàng tự
khiêm nhường học còn vụng, chạm chim hạc hóa ra con cò. Muốn làm thơ cao như
chuyện chàng đi học nghề mổ rồng tinh diệu, nhưng học xong chẳng có rồng mà mổ,
thẹn mình học thuật chưa tinh, chưa làm được gì cả.
Xuân Hương họa lại:
Tài tôi thẹn kém khiến ai kinh?
Lận đận mười năm tự dối mình!
Vào cuộc mới hay tay đối giỏi
Cần chi gọt giũa chữ cho tinh ...
Từ đó Xuân Hương lập Tao đàn tại Cổ Nguyệt
Đường, nàng mời các bạn thơ "chung đỉnh" chung chí hướng, cùng chung
đốt đỉnh hương trầm, uống rượu, trà, thi nhau làm thơ. Bài Gửi Quan Trấn Hiệp
Sơn Nam Thượng họ Trần cho ta biết những điều ấy. Trong cuộc thi Trần Ngọc Quán
đã chiếm giải nhất, làm vẻ vang danh sĩ đất Hoan Châu, Nghệ An, kể cả chủ nhân,
riêng nàng mang tiếng thèo đảnh vì đàn bà mà làm thơ văn, hội họp văn nhân tài
tử. Bài thơ như sau:
Vào cắm tao đàn một ngọn cờ
Ấy người thân đấy, phải hay chưa ?
Lắc đầy phong nguyệt, lưng bầu rượu,
Giắt lỏng giang hồ, nửa túi thơ.
Đình Nguyệt, góp người chung đỉnh lại,
Trời Hoan, mở mặt nước non xưa.
Bấy nay tài tử bao nhiêu tá,
Thèo đảnh khen ai khéo đặt cho.
Năm 1816 Hồ Xuân Hương được quan Hiệp Trấn Yên
Quảng Trần Phúc Hiển cưới làm thiếp.
Trần Phúc Hiển con Trần Phúc Nhàn, giữ chức tham
mưu trong quân đội Nguyễn Ánh trước khi khôi phục Phú Xuân, có lẽ tử trận, để
đền công, khi lên ngôi Gia Long phong cho con là Phúc Hiển được bổ chức Hàn Lâm
Viện Thị Thư năm 1803, sau đó được thăng dần đến chức tri phủ Tam Đái thuộc
Trấn Sơn Tây. Đến tháng 12 năm 1813 được thăng nhậm chức Tham Hiệp Trấn Yên
Quảng. Phép trị gia ngày xưa vợ cả không theo chồng tại chức mà ở lại quê cai
quản gia trang, sai khiển gia nhân, chăm sóc cha mẹ chồng, con cái, Phúc Hiển
rời phủ Tam Đái, Việt Trì ngày nay, dong thuyền qua Thăng Long rũ bạn tình Hồ
Xuân Hương cùng đi, khi đến gần trấn lÃœ trên sông Bạch Đằng,
"nghĩ mình phương diện quốc gia, quan trên trông xuống người ta trông
vào" Phúc Hiển để bạn tình trở lại Thăng Long và hẹn sẽ rước nàng về làm
vợ. Xuân Hương trong bài thơ "Tiễn bạn trên sông Bạch Đằng" tỏ rõ
lòng thắc mắc, sợ bạn tình bội bạc, rồi mình lại thêm một phen đau khổ ?
Vui hoa khéo kẻo lay cành gấm
Vục nước coi mà đọng bóng trăng
Lòng nọ chớ rằng mây lạt lạt
Lời kia hay đã núi giăng giăng
Với nhau tình nghĩa sao cho trọn
Chớ thói lưng vơi cỡ nước Đằng
Nàng sợ chàng chỉ theo nhục dục, chơi hoa lay
cành, vục nước rung trăng, sợ chàng hẹn hò dông dài vu vơ; mây lạt lạt, núi
giăng giăng. Nàng xin tình lang ở sao cho trọn tình sâu nghĩa thẳm, chớ có như
nước sông Bạch Đằng khi lên cao, khi thật cạn.
Với lòng bâng khuâng ấy Xuân Hương trở lại Thăng
Long. Chừng tháng sau bạn cũ Tốn Phong trở lại an ủi cảm thông khuyến khích cầu
duyên. Nàng nghĩ đến Tham Hiệp Yên Quảng nên trả lời bài thơ họa vận của Tốn
Phong:
Kiếp này chẳng gặp nữa thì liều
Nhưng chắc trăm năm há bấy nhiêu
Nghĩ lại luống đau cho phận bạc
Nói ra thêm nhẹ với thân bèo
Chén thề thuở nọ tay còn dính
Món tóc thời xưa vẫn cánh đeo
Được lứa tài tình cho xứng đáng
Nghìn non muôn nước cũng tìm theo
Nghìn non muôn nước chỉ vùng Hoa Phong Vịnh Ha.
Long, nàng vô tình hay hữu ý dùng thành ngữ ấy; người xứng đáng mà nàng đã tìm
được là quan Tham Hiệp Trấn Yên Quảng.
Năm 1816 Trần Phúc Hiển trở lại cưới Hồ Xuân
Hương làm thiếp, nàng tham dự việc quan cùng chồng. Trong thời gian này nàng
viết sáu bài thơ Vịnh Đồ Sơn Bát Cảnh bằng chữ Hán.
Năm 1818, nhân vụ việc ruộng tại Châu Vạn Ninh
bị bỏ hoang nhiều, Quan Hiệp Trấn ép dân phá ruộng cày, dân không chịu. Viên án
thủ Dung, phụ trách an ninh vốn có tị hiềm với Phúc Hiển và Xuân Hương, xui dân
kiện Phúc Hiển đòi ăn hối lộ 700 quan. Phúc Hiển bị bắt. Vua Gia Long phê án
"Tham nhũng như thế mà không giết thì lấy gì khuyên liêm," bảo quan
Bắc Thành trị tội. Phúc Hiển bị giam một năm, đến tháng 5 ta năm 1819 thì bị tử
hình. Cùng một thời kỳ đó nhiều công thần của Gia Long cũng bị tội, bị giết như
Hữu Quân Nguyễn Văn Thành và con là Nguyễn Văn Huyên, như Tả Quân Lê Văn Duyệt,
Đại công thần Lê Chất mả cũng bị san bằng. Phải chăng khi về già, lo sợ uy
quyền triều đại bị các công thần lấn lướt, Gia Long đã hành xử theo lối
"được chim bẻ ná, hết thỏ thịt chó săn."
Sau khi chồng mất, Hồ Xuân Hương vào tu chùa Hoa
Yên núi Yên Tử, nhưng sau đó nàng lại trở về Cổ Nguyệt Đường. Trong số bạn thơ
cũ có Trần Quang Tỉnh bấy giờ đã trở nên một vị quan to Tham Tri Bộ Binh coi
Tào Binh Bắc Thành không biết có giúp đỡ gì được nàng không?
Các mối tình Hồ Xuân Hương, tôi sẽ lần lượt dẫn
chứng qua thơ nàng, qua thơ xướng họa, và qua những dữ kiện lịch sử xảy ra từng
năm tháng. Hồ Xuân Hương mất chồng lần cuối năm 1819 vài năm sau thì mất vào
năm 1822, hưởng dương được 52 tuổi, mộ chôn tại làng Nghi Tàm Hồ Tây.
Năm 1842, hai mươi năm sau Vua Thiệu Trị ra Hà
Nội tiếp sứ nhà Thanh, sang phong Vương tại Bắc Thành. Tùng Thiện Vương Miên
Thẩm theo anh đi du lịch. Vương thăm Hồ Tây có viết 14 bài thơ tứ tuyệt thể
liên hoàn trong đó có đoạn viết về mộ Hồ Xuân Hương. GS Hoàng Xuân Hãn dịch ra
lục bát như sau:
"Đầy hồ rực rỡ hoa sen
Sai người xuống hái để lên cúng dường
Chớ trèo qua mộ Xuân Hương
Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng
Son tàn phấn rữa mồ hoang
Xuân Hương đã khuất bên đàng cỏ xanh
U hồn say tít làm thinh
Gió Xuân mấy độ vô tình không hay
Mộ Xuân Hương bên Hồ Tây. Một nước mấy nghìn năm
văn hiến mà để mộ nàng như mộ Đạm Tiên chăng? Dựng lại tấm bia kỷ niệm nàng,
dựng lại Cổ Nguyệt Đường cho người sau đến đó thăm viếng là việc làm ý nghĩa
cho văn hóa dân tộc ngày nay.
HDTC sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét