Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Bài học từ hươu cao cổ


BÀI HỌC TỪ HƯƠU CAO CỔ

 

Khi sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng; và như vậy hươu con chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất và nằm ngay đơ. Rồi hươu mẹ làm một việc kỳ lạ: đá hươu con cho đến khi nào chú ta chịu đứng dậy mới thôi.

 

Khi hươu con mỏi chân và nằm, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên. Đến lúc hươu con đã thực sự đứng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã xuống để chú phải nỗ lực tự mình đứng dậy lần nữa.

 

Điều này nghe có vẻ lạ với chúng ta, nhưng lại thực sự cần thiết cho hươu con bởi vì hươu con cần phải tự đứng được để có thể tồn tại với bầy đàn, nếu không hươu con sẽ trơ trọi với cuộc đời và trở thành miếng mồi ngon cho thú dữ.

 

Chúng ta cũng thế, thật dễ nản chí khi mọi việc đều trở nên tồi tệ. Nhưng cho dù đang phải đối mặt với nhiều gian khổ thì ta vẫn phải giữ vững niềm tin. Hãy ghi nhớ rằng mỗi khi ta phải đối mặt với nghịch cảnh, trong ta luôn có một sức mạnh tiềm ẩn.

 

Đừng bao giờ để thất bại quật ngã mà hãy để nó trở thành thầy dạy của chúng ta. Đây chính là bí quyết để thành công. Người ta không thua khi bị đánh bại mà chỉ thua khi đầu hàng. Thomas Edison đã nói: "Tôi không bao giờ nản chí vì đối với tôi mỗi một nỗ lực không thành công là một bước tiến bộ".

 

Ở đời, không có gì là tuyệt đối

Ở ĐỜI, KHÔNG CÓ GÌ LÀ TUYỆT ĐỐI

Có một thí nghiệm thế này: đem 5 con ong và 5 con ruồi nhốt chung trong một chai thủy tinh, sau đó đặt ngang cái chai, hướng cho đáy chai quay về cửa sổ. Chuyện gì sẽ xảy ra?

Năm con ong không ngừng hướng về phía đáy chai để tìm lối thoát, cứ thế cho đến khi kiệt sức hoặc đói mà chết; còn những con ruồi thì chỉ một lúc sau đã có thể xuyên qua đoạn cổ chai mà thoát thân.

 Lý giải ở đây chính là, ong vì thích ánh sáng và kiên định nghĩ rằng lối thoát là nơi có ánh sáng, nên tự đẩy mình vào chỗ chết. Ruồi thì chả để ý gì đến ánh sáng, chúng chỉ nghĩ cách nào để thoát thân nên bay tứ tung, kết quả là sau bao nhiêu lần nhầm hướng cũng đến lúc tìm được lối ra. Thí nghiệm này chỉ để nói lên một thông điệp:

Thực ra điều này có thể gây lúng túng cho một số người. Kiên định cũng là tốt, mà uyển chuyển cũng là tốt? Làm người có nguyên tắc là tốt, nhưng biết thay đổi để thích nghi cũng là tốt? Rốt cuộc chúng ta phải làm sao mới đúng? Tin vào bản thân là tốt, mà không tin vào bản thân cũng là tốt, ủa vậy rốt cuộc là thế nào? Câu trả lời chính là:

Cân bằng mới là tốt! Liều lượng chính là thứ quan trọng! Ở đời, nói cho vui thì là: tuyệt đối không có gì là tuyệt đối!

Nếu bạn phải sợ một trong hai loại người: người hiểu biết mà quá kiên định, và người kém hiểu biết nhưng sẵn sàng thích nghi, thì bạn nên sợ hạng người thuộc vế đầu tiên.

Bởi vì người quá kiên định thường khó lòng đối thoại. Họ có định kiến quá mạnh về mọi thứ, dán nhãn lên mọi loại người. Bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì có thể họ quá kiêu hãnh để chấp nhận một ý kiến khác mình, hoặc có thể vì họ tùy tiện phán xét và xếp bạn vào một nhóm loại nào đó, quá nặng nề định kiến hoặc quá hời hợt về cảm quan. Họ có thể rời bỏ thứ gì đó rất nhanh vì đã dán nhãn "rác", và cũng bâu vào một suy nghĩ nào đó rất chặt, vì tin nó là "đúng".

Cả tin vào người khác đã đáng sợ, nhưng ít ai nghĩ rằng mình cũng có thể bị lừa bởi chính bản thân mình.

Chính vì thế một khi bạn đã là người quá cả quyết vào bản thân, người khác sẽ không còn muốn mở ra cho bạn thấy những cánh cửa khác nữa. Họ sẽ im lặng, hoặc rời đi một mình. Giống như nếu hình dung thí nghiệm ở trên là một bộ phim, chúng ta sẽ thấy một lũ ong ầm ầm cả quyết lao về đáy chai, không một con ong nào có thể nghe thấy tiếng gọi của những chú ruồi. Ngay cả khi tất cả ruồi đã thoát ra khỏi miệng chai, hẳn là đàn ong cũng không thèm bận tâm.

Thực ra, bao nhiêu niềm tin đặt vào đâu là một bài toán rất khó của mỗi người. Ngày hôm nay ta có thể rất tin vào điều này để rồi ngay ngày mai tại một khúc quanh của cuộc đời mọi thứ bỗng ngã đổ rất đau lòng.

Điều duy nhất ta có thể bám víu chính là sự tương đối và mưu cầu cân bằng giữa mọi thứ.

Quá nghi ngờ cũng không tốt nhưng hãy luôn để mở cho mình những khả năng khác. Đừng bao giờ để bản thân bị mắc kẹt trong những câu chuyện của người khác và cả trong những cả quyết của bản thân mình.

 

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

  Cha mẹ, con cái và tài sản


CHA MẸ, CON CÁI VÀ TÀI SẢN

 

“Con cái nếu giỏi hơn ta thì cần tiền để làm gì? Nếu như chúng không được như ta, vậy thì giữ tiền của ta để làm gì”. Đó là câu nói của Lâm Tắc Từ, một vị quan nổi tiếng đời nhà Thanh.

Tôi có một người bạn, một lần sau khi đã uống rượu say đã nói rằng: “Ông có tin hay không? Tôi đã gửi tiền vào ngân hàng, đến đời cháu của tôi cũng xài không hết.”

 

Tôi trả lời tin. “Nhưng người già vẫn hay nói rằng “con cháu tự có phúc của con cháu”, ông không cần phải lưu cấp của cải cho con cháu như vậy đâu.”

Ông ấy đã cười và nói: “Cái gì gọi là phúc chứ? Tôi quá nửa đời người mới thoát được nghèo đói, nếu không để lại của cải cho con cháu, thì e rằng con cháu của tôi sẽ nghèo. Tôi chính là để lại tiền cho con cháu để chúng không phải giống như tôi trong đời này.”

 

Lời ông ấy nói là thật lòng. Quanh chúng ta có rất nhiều người nghĩ như vậy, có 10 đồng thì để cho con cháu 5 đồng. Chúng ta vẫn luôn nghĩ là nên dành dụm tiền cho con cháu, như thế có thể làm cho cuộc sống của chúng sau này được tốt hơn.

 

Có một câu nói của Lâm Tắc Từ, một vị quan nổi tiếng thời nhà Thanh, đã làm tôi tỉnh ngộ:

“Con cái nếu giỏi hơn ta thì cần tiền để làm gì? Người hiền đức mà giàu có thì tự nhiên sẽ suy hao chí khí. Nếu con cháu không bằng được ta thì cũng chẳng lưu cấp tiền bạc để làm gì, người ngu muội mà giàu có thì càng trở nên ngu muội”.

 

Lời nói này quả thật là hết sức sâu sắc và đúng đắn. Con cháu nếu như hơn hẳn ta như vậy thì không cần phải lưu cấp gì cho nó, nếu chúng là người hiền tài thì để lại nhiều của cải chỉ làm cho chúng tiêu hao ý chí phấn đấu. Còn nếu con cháu là hạng bình thường, như vậy ta cũng không cần thiết phải dành dụm của cải cho nó. Chúng vốn đã ngu muội mà ta lại lưu cấp tiền bạc cho chúng thì chỉ khiến chúng càng thêm ngu muội mà thôi. Nhưng đến hôm nay, có thể chân chính lĩnh hội được bài học này từ Lâm Tắc Từ thì chẳng được mấy người.

 

Trong ngành tâm lý học có một định luật nổi tiếng: “Định luật: Không đáng”; việc không đáng để làm, thì cũng không đáng để làm cho tốt. Hãy nghĩ xem, nếu đã có một núi vàng, vậy cớ sao lại cam tâm mỗi ngày đầm đìa mồ hôi đi đãi cát tìm vàng làm chi? Tuy nhiên nếu như mang một tâm lý “không đáng” đó mà đi học tập và làm việc, thì chắc chắn những gì đạt được cũng là một cuộc sống tẻ nhạt.

 

Có quá nhiều người trong chúng ta không hiểu lý do vì sao các tỷ phú nước ngoài có thể dùng hầu hết gia tài cả đời của mình đi làm từ thiện. Ví dụ như nhà tỷ phú giàu thứ 2 thế giới Warrent Buffet đã dành 99% tài sản của mình cho từ thiện.

 

Một đồng nghiệp của tôi đã hỏi; “Chẳng lẽ con cháu của ông ấy không giận ông ấy sao?” Tôi nghĩ cô bạn đồng nghiệp chắc chắn là chưa nghe đến chuyện giữa Buffet và cậu con trai nhỏ của mình – Peter Buffett. Peter Buffett rất yêu âm nhạc.

 

Một ngày trước khi chuyển tới Milwaukee, cậu đã tới tìm cha để vay tiền (đó là lần đầu tiên và duy nhất cậu vay tiền của cha) và cậu đã bị từ chối. Peter đã rất giận dữ, sau đó đã tìm đến ngân hàng để vay tiền.

Cậu đã kể lại rằng “trong thời gian trả nợ ngân hàng cậu đã học được rất nhiều điều trong cuộc sống và công việc. Sau này nghĩ lại cậu thấy rằng quan điểm của cha cậu là rất đúng đắn.”

 

Nếu bạn thật sự thương yêu con của mình, thì trong phương diện tài chính nên chặt chẽ một chút. Tiền bạc là con dao hai lưỡi, nó có thể làm tổn thương con bạn. Bạn là người đưa những đứa con mình tới với thế giới này nên cần phải hết sức coi trọng sự trưởng thành và chín chắn của chúng, cần phải tạo cho chúng sự mạnh mẽ.

 

– Hãy để chúng biết cuộc sống là có cả mồ hôi và nước mắt, đôi khi còn bị chảy máu, phải dãi nắng dầm mưa mà không có bố mẹ, người thân cầm ô che chở.

– Hãy để chúng biết tự mình phấn đấu mới là tốt nhất, vinh quang nhất.

– Hãy để những đứa con của bạn biết rằng chính bản thân chúng mới tạo được những chiếc thìa vàng để thưởng thức bát canh cuộc sống với rất nhiều hương vị hấp dẫn.