Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Trường học là tấm gương phản ánh xã hội tương lai



Trường học là tấm gương phản ánh
xã hội tương lai
By NTZung, on April 11th, 2011
(Bài được sửa chữa bổ sung một vài chỗ vào 14/04/2011)

Trong bài viết này, tôi muốn trình bày một luận điểm về giáodục,đó là: trường học là tấm gương phản ánh xã hội tương lai. Ngôi trường là nơi hình thành tư cách con người. Những tính cách, thói quen, và cách suy nghĩ mà học sinh tiếp nhận được ở trường sẽ theo học sinh suốt đời. Bởi vậy, ngôi trường ra sao, thì xã hội về sau sẽ như vậy.

Luận điểm trên có lẽ không có gì mới, và tính đúng đắn của nó cũng đã được kiểm nghiệm qua thực tế. Ví dụ, tuy rằng chế độ thuộc địa của Pháp ở Việt Nam trước kia là một chế độ hà khắc, nhưng bản thân các trường học theo hệ thống Pháp ở Việt Nam thời đó lại được hưởng theo nền giáo dục của Pháp, là một nền giáo dục tự do, nhân bản, bác ái, bởi vậy đã đào tạo được cho Việt Nam một lực lượng trí thức tinh túy, và chính những trí thức đó đã tham gia làm cách mạng lật đổ chế độ thực dân.
Chúng ta muốn có một xã hội tương lai có các tính chất tốt đẹp như thế nào, thì hãy cố gắng làm sao cho con cái chúng ta được học trong các ngôi trường có được các tính chất tốt đó. Điều này vô cùng quan trọng trong chiến lược giáo dục. Chúng ta muốn có một xã hội tương lai lành mạnh, nhân bản, công bằng, ở đó mọi người biết thương yêu nhau, tôn trọng sự khác biệt, trung thực thẳng thắn, người ngay không sợ kẻ gian, v.v. Muốn được vậy thì bản thân trong trường học phải có được như vậy.
Tuy trong xã hội hiện tại có rất nhiều tiêu cực, nhưng nếu trường học ngăn chặn được các tiêu cực đó không để nó lọt vào trường, tạo được một môi trường lành mạnh trong khuôn khổ trường học, thì học sinh sẽ cảm nhận được sự ưu việt của môi trường lành mạnh đó, và sẽ cố gắng phấn đấu khi ra đời để đạt được một xã hội lành mạnh như là trong ký ức của họ thời đi học. Kiến thức khoa học mà các học sinh học được ở nhà trường về sau có thể bị quên đi nếu lâu không dùng đến. Nhưng sự ứng xử của nhà trường và thầy cô sẽ ngấm vào học sinh, không bao giờ quên, và nó sẽ thể hiện ra trong cách ứng xử của học sinh sau này. Nếu học sinh cảm thấy được các thầy cô là những con người thực sự có tư cách cao, đức độ, thương yêu học sinh, thì về sau họ cũng sẽ có lòng tốt do được thầy cô truyền cho, cũng cảm thấy được là cần phải sống sao cho có tư cách đàng hoàng. Ngược lại, nếu học sinh bị ngược đãi ở trường, hoặc thấy rằng có thể dùng tiền mua điểm, không còn kính trọng thầy cô, thì khi ra đời họ cũng sẽ trở thành những người vô trách nhiệm và không biết tôn trọng người khác.
Nếu chúng ta không muốn có một xã hội tương lai toàn bịp bợm giả dối, thì hãy ngăn chặn sự giả dối ở trường học,ngăn bệnh thành tích rởm. Đừng bắt học sinh phải giơ tay giả vờ xin phát biểu khi có người dự lớp, khai man tuổi khi đi thi vẽ, đừng để lộ đề bài cho học sinh, v.v. Những việc như thế có thể “có lợi” trước mắt cho việc “lập thành tích” nào đó, nhưng về cơ bản là làm hại học sinh và hại cho xã hội tương lai. Để tránh việc chạy theo thành tích rởm, thì bản thân ngành quản lý giáo dục phải có các biện pháp nhằm khuyến khích sự thật, và hạn chế sự phát triển của bệnh thành tích, chứ không thể đổ tội hết cho giáo viên. Ví dụ, có thể học một kinh nghiệm từ Pháp trong bậc tiểu học: họ không chấm điểm như kiểu theo thang điểm từ 1 điến 10. “Thang điểm” của họ đơn giản hơn nhiều, cho mỗi phần kiến thức chỉ gồm có 3 mức như: đã nắm vững, còn đang trong quá trình nắm bắt, và chưa nắm được. Thang điểm đó không nhằm thi thố với ai hết, mà để giúp học sinh và gia đình học sinh biết được thực chất khả năng của học sinh. Việc cho lên lớp, hay đúp lớp, hay nhảy cóc, là do gia đình và thầy cô giáo bàn với nhau dựa trên kết quả học và tâm lý của học sinh, để chọn giải pháp tốt nhất cho học sinh, chứ cũng không phải để “lập thành tích” với ai cả. Hệ thống như vậy giúp học sinh tiến bộ thực sự được tốt hơn, và có tinh thần thoải mái hơn, không phải lừa dối ai.
Từng chi tiết nhỏ trong trường học cũng có thể có ảnh hưởng lớn đến thế giới quan của học sinh. Ví dụ như vấn đề vệ sinh trong trường học. Nếu trường học được giữ sạch sẽ, và có khu nhà vệ sinh sạch sẽ, thì nó sẽ tạo được thói quen hay ít ra là ước muốn sống sạch sẽ cho học sinh, và như vậy xã hội tương lai cũng sẽ được sạch sẽ ngăn nắp. Ngược lại, nếu trường học để nhà vệ sinh bẩn thỉu, hay thậm chí không có nhà vệ sinh (như một số nơi mà báo chí đã phản ánh) thì sẽ khó tạo được nếp sống sạch sẽ trong xã hội tương lai.
Chúng ta muốn có một xã hội tương lai với nhiều sáng tạo, với những con người biết suy nghĩ độc lập. Muốn vậy thì phải bỏ lối học vẹt trong trường học đi. Tôi thấy cháu gái của tôi có những lần đọc ra rả như con vẹt để học thuộc lòng một đoạn bình luận về lịch sử. Không chỉ lịch sử mà nhiều môn khác cũng được học kiểu như vậy. Đến bình luận về lịch sử cũng phải học thuộc lòng để rồi khi làm kiểm tra viết hệt lại như bài mẫu (nếu không thì bị trừ điểm), chứ không được tự mình suy nghĩ phân tích dựa trên các sự kiện lịch sử được học, thì có nguy cơ trở thành những con người thụ động, lười suy nghĩ và chẳng có tư tưởng gì hết.
Chúng ta muốn con cái chúng ta về sau sống được bằng thu nhập chính thức do công việc chính đem lại, chứ không phải chủ yếu sống bằng nghề tay trái, hay chạy chọt, bổng lộc. Vậy thì chúng ta hãy tập trung việc học của học sinh ở lớp vào các giờ học chính thức, và chỉ học thêm / dạy thêm trong những trường hợp thật sự cần thiết, chứ đừng bắt tụi trẻ đi học thêm lu bù đến tận đêm khuya. Kiểu học thêm lu bù vừa kém hiệu quả, hại sức khỏe, vừa làm cho các giờ học chính thức bị sao nhãng giảm chất lượng, vừa tạo một tư duy xấu cho học sinh là “phần phụ lại quan trọng hơn phần chính”. Tôi hiểu là nhiều thầy cô giáo muốn dạy thêm để tăng thu nhập. Việc mưu cầu hạnh phúc không có gì xấu, và cũng có nhiều việc dạy thêm / học thêm là chính đáng và có ích. Nhưng nếu chỉ vì tiền, mà cả thầy lẫn trò đều phải miễn cưỡng dạy thêm và học thêm, thì là bi kịch. Bi kịch này có thể giải quyết được qua các sự thỏa thuận giữa gia đình học sinh và thầy cô giáo và nhà trường. Ví dụ, gia đình vẫn nộp tiền học phí, nhưng để bồi dưỡng thầy cô và tăng chất lượng giờ học chính thức thay vì cho việc học thêm quá mức.
Trên đây chỉ là một số ví dụ về những điều mà chúng ta có thể (và cần) làm để cho trường học tốt lên, nhằm có được một xã hội tương lai tươi đẹp lên. Còn nhiều điểm khác mà chúng ta có thể phân tích, dựa trên lý tưởng về một xã hội tương lai chúng ta muốn có được như thế nào, qua đó sẽ thấy cần xây dựng các ngôi trường hiện tại ra sao. Ví dụ, ở các nước tiên tiến, người ta bắt đầu chú ý lắp các tấm điện mặt trời trên mái nhà của các trường học. Việc này không những đem lại nguồn điện cho trường, mà còn làm cho học sinh quan tâm đến các nguồn năng lượng tái tạo được, sẽ là những nguồn năng lượng chủ yếu trong tương lai, và quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Các học sinh phổ thông ở các nước tiên tiến cũng được học tranh luận một cách thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề xã hội hiện đại chứ không bị ép phải chấp nhận bất cứ giáo điều nào làm chân lý. Khi trưởng thành, họ sẽ trở thành những công dân thực sự làm chủ xã hội.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét