Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Mạc Đĩnh Chi trổ tài ứng đối siêu việt

Mạc Đĩnh Chi Lưỡng Quốc Trạng Nguyên trổ tài ứng đối siêu việt
Trong một lần sang sứ nhà Nguyên (Trung Quốc), ông đã trổ tài đối đáp nhanh nhạy, sắc bén khiến cả triều đình phương Bắc kính phục.
Đến kinh đô nhà Nguyên, một hôm viên Tể Tướng mời Mạc Đĩnh Chi về phủ trò chuyện. Trong phòng khách của Tể Tướng có một bức rèm mỏng thêu một con chim sẻ đang đậu trên cành trúc. Mạc Đĩnh Chi tưởng chim sẻ thật, chạy lại định bắt. Mọi người cười ồ lên. Ông liền xé tan bức rèm ấy. Mọi người hỏi ông sao làm thế thì ông đáp:
- Tôi thấy cổ nhân vẽ “mai tước” (chim sẻ đậu cành mai) chứ chưa thấy vẽ “trúc tước” (chim sẻ đậu cành trúc) bao giờ. Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, quan tể tướng thêu như thế tức là để tiểu nhân ở trên quân tử. Tôi sợ đạo tiểu nhân ngày càng lớn mà đạo quân tử ngày càng tiêu đi, nên tôi phải vì thánh triều mà trừ khử hộ.
Mọi người đều phục Mạc Đĩnh Chi giỏi hùng biện.
Một lần khác, hậu cung nhà Nguyên có bà hoàng phi qua đời. Vua Nguyên làm lễ tế, sai Mạc Đĩnh Chi đọc văn tế. Ông mở văn tế ra thì chỉ thấy có 4 chữ NHẤT. Ông biết nhà Nguyên muốn thử tài ông và ngầm yêu cầu rằng bài văn tế phải có 4 câu, mỗi câu có một chữ nhất. Không cần suy nghĩ nhiều, ông đọc luôn rằng:
Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng Uyển nhất chi hoa
Dao Trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết
Nghĩa là:
Trời xanh một đóa mây
Lò đỏ một điểm tuyết
Vườn Thượng Uyển một cành hoa
Cung Dao Trì một mảnh trăng
Ôi! Mây tan, tuyết tiêu, hoa tàn, trăng khuyết.
Sau nhiều lần thử tài Mạc Đĩnh Chi, vua quan nhà Nguyên thấy ông ứng đối mau lẹ, thơ văn xuất chúng nên rất khâm phục. Vua Nguyên vì vậy phong cho ông là Lưỡng Quốc Trạng Nguyên.
Mạc Đĩnh Chi (1280-1346), người làng Lũng Động, huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương làm quan đời Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, và Trần Hiến Tông.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét