Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Tình người

TÌNH NGƯỜI

Một câu chuyện có thật: Tại một thành phố ở Ấn Độ, vị thương gia mất cả ngày trời thương thảo với đối tác. Mệt mỏi, ông vào một nhà hàng sang trọng, tự thưởng cho mình bữa tối thịnh soạn.

Khi những món ăn đã sẵn sàng trên bàn, bất chợt ông nhìn thấy một cậu bé đang nhìn trộm qua cửa kính, ánh mắt vô cùng thèm thuồng.

Có gì đó đâm nhói trong tim, ông vẫy cậu bé vào. Cậu bé dắt theo một đứa em gái nhỏ. Hai đứa trẻ chăm chăm nhìn vào những đĩa thức ăn nóng hổi, chẳng cần biết người gọi chúng vào là ai.

 

Vị thương gia bảo chúng cứ ăn thỏa thích. Và, không nói, không cười, hai đứa trẻ ngấu nghiến ăn hết các món ăn ngon lành trên bàn. Vị thương gia im lặng nhìn hai đứa trẻ ăn và rời đi, ông thấy cơn đói được xua tan một cách lạ kỳ, một cảm giác khó tả lâng lâng trong lòng…

 

Vị thương gia gọi lại món ăn, nhẩn nha thưởng thức, sau đó gọi thanh toán. Ông xem tờ hóa đơn, một giọt nước mắt khẽ rơi. Ông nhìn người đàn ông tại quầy thu ngân và mỉm cười, anh ta đáp lại bằng nụ cười rạng rỡ. Tờ hóa đơn không hề ghi số tiền mà chỉ có một lời nhắn: “Thật đáng tiếc, chúng tôi không in được hóa đơn thanh toán cho tình người! Chúc ngài luôn hạnh phúc!”.

 

Vị thương gia dùng “đức”, lấy tình thương đối xử với người nghèo. Chủ nhà hàng dùng “nghĩa” đáp lại “đức”. Không biết ai hơn ai?

 

Người xưa có câu: “Ngồi trên đống cát, ai cũng là hiền nhân, quân tử. Ngồi trên đống vàng mới biết ai thật sự là quân tử, hiền nhân”.

 

Tình yêu thương luôn đem đến những điều kì diệu cho cả người cho đi và người nhận lại.

Hạnh phúc mà tình yêu thương đem lại cho cả hai là cảm giác bình yên và thật sâu lắng, xóa tan mọi đau khổ và bất hạnh...Vạn vật tồn tại trên thế giới này đều không thể sống mãi với thời gian, ngay cả con người cũng không thể đi ngược lại hay cưỡng cầu với quy luật của thời gian. 

 

Theo thời gian, mọi thứ đều biến hóa và đổi thay khôn lường, có thể sinh ra hoặc mất đi, có thể phát triển hay lụi tàn, cái gì có đến chắc chắn sẽ có đi, không bao giờ là tồn tại mãi mãi. Nhưng đó chỉ đúng với vật chất ngoài thân, có một thứ mà con người có thể gìn giữ nó tồn tại mãi với thời gian đó chính là tình người.

 

Lòng biết ơn – khởi nguồn của hạnh phúc


LÒNG BIẾT ƠN – KHỞI NGUỒN CỦA HẠNH PHÚC

 

Triết gia La mã Marcus Tullius Cicero đã từng nói: “Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác.”

 

Nếu bạn cảm thấy mỏi mệt trên con đường tìm kiếm những danh vọng cho tương lai hay bất lực trước mong ước thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất, tinh thần, thì đừng quên rằng hạnh phúc vẫn luôn ở đó – trong thái độ của lòng biết ơn.

 

Chu Tử Trị (1617–1688) là một nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Quốc giảng giải: “Đối với mỗi bát cháo ta húp và mỗi hạt gạo ta ăn, ta phải nhớ về sự khó nhọc của người nông dân trồng nên chúng. Đối với từng mảnh lụa ta mặc và từng sợi chỉ ta dùng, ta phải nghĩ về công lao của những người dệt nên chúng.

 

Thường xuyên tâm niệm lòng biết ơn chính là thể hiện của tâm tính lương thiện, và là một quy phạm căn bản để làm người. Những người biết hài lòng với cuộc sống sẽ hiểu được ý nghĩa của lòng biết ơn. Khi một người cảm thấy biết ơn từng bông hoa, từng cọng cỏ, từng ngọn núi, và từng ngụm nước, thì cuộc sống của người đó chắc chắn sẽ rất phong phú và đầy ý vị.

 

Nhà văn nổi tiếng William Arthur Ward đã từng nói: “Lòng biết ơn có thể biến những ngày bình thường thành những ngày Lễ tạ ơn, biến những công việc thường ngày thành niềm vui và thay đổi những cơ hội thông thường thành phước lành.”

 

Trong cuộc sống, chúng ta đều nhận được vô số ân huệ từ gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cả những người lạ ta gặp hằng ngày. Nhưng một người không có lòng biết ơn sẽ không nhận ra những ơn huệ đó mà coi nó như chuyện đương nhiên.

 

Vậy nên cổ nhân có câu: “Chịu ơn một giọt, báo ơn một dòng.” Lòng biết ơn khiến nhân cách con người trở nên tốt đẹp, biết sống có tình nghĩa, đạo lý, trở thành bậc nhân đức.

 

Có câu chuyện kể rằng: Một triết gia cùng vài người bạn đến nhà hàng ăn tối. Ông chủ nhà hàng nghe danh vị triết gia đã lâu, bèn tìm đến gặp gỡ. Trong lúc mọi người đang cười nói vui vẻ thì nhân viên phục vụ đem các món ăn nóng hổi đặt lên bàn.

Khi mọi người đã yên vị quanh bàn ăn, người triết gia nọ liền chuyển chủ đề sang các món ăn trên bàn. Ông nói: “Nhìn thấy các món ăn trước mặt, trong lòng các bạn có nảy sinh lòng cảm ơn không? Cảm ơn các thực phẩm, rau quả đã thành tựu bữa ăn này, cảm ơn người đầu bếp, cảm ơn người phục vụ chúng ta, …”

 

Ông chủ hỏi: “Tại sao phải cảm ơn? Chúng ta ăn đều phải trả tiền cơ mà!”

Trong khi mọi người nhìn nhau không biết nói sao thì triết gia lại mỉm cười: “Thế tại sao chúng ta không trực tiếp ăn những đồng tiền đó?”

 

Lòng biết ơn là nền tảng của mọi sự sống 

Trung bình 70% cơ thể con người là nước. Sau nhiều năm nghiên cứu về nước, tiến sĩ Masaru Emoto, đã công bố những kết quả thí nghiệm của mình với nước. Ông quan sát sự tạo thành tinh thể nước với các loại nước khác nhau và phản ứng của nước dưới những tác động khác nhau của âm thanh, hình ảnh và ngôn từ.

Và tinh thể tuyệt vời nhất của nước chính là khi được bao bọc bởi dòng chữ “Tình yêu và lòng biết ơn” – Điều này khiến Masaru nhận định tình yêu và lòng biết ơn là nền tảng của mọi sự sống trong thiên nhiên.

 

Trong khi được hỏi về con người phải làm gì để đối mặt với những thảm họa có thể xảy ra trong tương lai, Tiến Sĩ Masaru Emoto nói: “Sự yêu thương và lòng biết ơn, với mọi người và với mọi vật. Nếu 10% những người trong chúng ta có thể làm được điều đó thì thảm họa sẽ không thể xảy ra.”

 

Trong lễ tốt nghiệp năm 2014 tại trường Đại học Yale, hiệu trưởng Peter Salovey đã chia sẻ: “Những người trong tâm luôn ôm giữ niềm cảm ơn thường rất ít đố kỵ với người khác. Những người tràn đầy lòng biết ơn có năng lực thích ứng tốt hơn rất nhiều trong cuộc sống và có sức đề kháng mạnh mẽ. Dẫu trong hoàn cảnh khó khăn, họ cũng có thể phát hiện ra những điều tốt đẹp. Mọi người lại càng yêu mến họ hơn.”

Nghiên cứu cho thấy rằng trong tất cả các cảm xúc, lòng biết ơn là thứ có ảnh hưởng tích cực nhất đến hạnh phúc của một đứa trẻ. Ngoài ra, thái độ biết ơn cũng được chứng minh là có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng hòa nhập xã hội, thành tích học tập và tinh thần của trẻ em.

 

Tiến sĩ David Rosmarin của Trường Y khoa Harvard đã tiến hành một nghiên cứu sâu sắc về tính tích cực của lòng biết ơn hướng về Đức Chúa Trời. Dựa trên những bằng chứng được cung cấp bởi các bác sĩ lâm sàng, nhóm nghiên cứu của ông đã đưa ra một hướng dẫn thực tế về việc kết hợp tâm linh, tôn giáo và liệu pháp hành vi, nhận thức.

Từ đó nhận thấy rằng lòng tôn kính Chúa Trời là nhân tố quan trọng trong việc duy trì đạo đức con người, giúp giảm bớt lo âu, trầm cảm và gia tăng cảm giác hạnh phúc.

 

Lòng biết ơn là một cảm xúc từ tận đáy lòng, là khởi điểm của hạnh phúc, và cũng là ngọn nguồn của sự tiến bộ.

 

Theo epochtimes

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Bản năng và lý trí theo quan niệm Phật giáo


BẢN NĂNG VÀ LÝ TRÍ THEO QUAN NIỆM PHẬT GIÁO

 

Mỗi con người đều có hai phần quan trọng: Bản năng và lý trí. Hầu hết ai cũng hiểu chung chung về hai từ này. Tuy nhiên nếu hiểu rõ hơn về ý nghĩa của bản năng hay là lý trí sẽ giúp chúng ta có thể điều phục được nó sao cho phù hợp với đạo đức theo triết lý của Phật dạy.

Bản năng và lý trí

- Bản năng là sự trỗi dậy từ đáy lòng của chúng ta một cách tự nhiên để tác động vào tất cả những hành vi mà nó không thông qua nhận thức kiểm soát trước đó. Bản năng thiên về cảm tính của con người. Giống như yêu thích cái đẹp, cảm giác sợ hãi, giật mình, thích về tình dục, muốn ăn, buồn ngủ, …những cảm giác đó nằm trong trạng thái gọi là bản năng.

Theo từ ngữ Phật học đó là căn bản phiền não, tức là là một loại phiền não gốc, một loại phiền não căn bản, một loại phiền não tiềm tàng, sâu thẳm trong tâm thức của con người chúng ta,

Và tình cảm thuộc về bản năng và không hẳn là chỉ gói gọn trong tình cảm yêu đương nam nữ thôi, mà nó chỉ cho tất cả bảy cảm xúc tình cảm của con người mà nhà phật gọi là “thất tình” bao gồm: Hỷ (mừng), Nộ (giận), Ai (buồn), Lạc (vui), Ái (yêu), Ố (ghét), Cụ (hoảng sợ)

- Lý trí có nghĩa là một sự nhận thức, hiểu biết rạch ròi theo một mức độ tri thức của con người về các vấn đề đạo đức, luật pháp, Phật pháp theo kinh nghiệm của con người đã được học hay trải qua trước đó.  Ví dụ tham lam là bản năng nhưng mà biết rằng tham lam là tội lỗi thì cái biết này là lý trí. Dùng lý trí để kiềm lại bản năng của mình.

Giữa lý trí và bản năng cái nào có trước?

Bản năng là yếu tố tự nhiên nên có trước, còn lý trí là những điều được giáo dục dạy dỗ, cái tập quán xã hội, cái đạo đức, kinh nghiệm mà nó tích lũy dần qua một quá trình nên có sau.

Có một quan niệm mà chúng ta cần suy luận sâu hơn về vấn đề này. Tại sao một triết gia của Á Đông ngày xưa đó là Hàn Chi Tử ông cho rằng: Nhân chi sơ tánh bản ác. Còn Mạnh Tử thì cho rằng: Nhân chi sơ tánh bản thiện. Vậy câu nào đúng?

Đối với Mạnh Tử ông cho rằng nhân chi sơ tánh bản thiện là khi ông nhìn ở góc độ lương thiện tích cực của con người để cảm thấy rằng cái gốc của con người là cái tốt, cái hay, cái đẹp như vậy.

Nhưng do hoàn cảnh xã hội có thể biến con người đó từ một con người lương thiện trở thành con người ác. Giống như Thúy Kiều từ ban đầu một người lương thiện nhưng hoàn cảnh xã hội từ một con người lương thiện đã biến Thúy Kiều trở thành con người nhớp nhơ theo cái quan niệm phong kiến.

Đối với Hàn Phi Tử ông cảm thấy rằng con người không được giáo dục thì con người đã trở thành ác. Nếu một gia đình không khéo dạy dỗ con cái thò nó rất dễ bị tập quán hư làm thâm nhiễm vào người. Cho nên nếu không có đạo đức ràng buộc, bản thân con người vốn làm nhiều điều xấu, nhiều vấn đề tội ác, nhiều lỗi lầm.

Đây là quan niệm vào thời cuộc theo cách cái nhìn nhận của mỗi triết gia mà đánh giá. Về Phật học không đề cập đến vấn đề nhân chi sơ tánh gì cả mà nhân chi sơ đối với Phật học là tánh vô trí nghĩa là không thiện không ác. Bởi vì theo quan điểm Phật giáo nếu đã thật thiện thì không thể ác, mà đã thật ác rồi thì không thiện. Nên ở đây người ta có thể nhìn nhận các góc độ bản năng và lý trí của con người để xác định.

Người xưa có nói câu là “thế nhân thùy vô quá cãi chi vị thánh hiền” tức là giữa con người này không ai không lỗi lầm, không ai không sai lầm theo những bản năng nhưng mà bản năng được khắc phục, được thay đổi để chuyển hóa, để trở nên thuần lương thánh thiện, thì thay đổi chuyển hóa đó trở thành thánh thiện. Như vậy muốn làm thánh hay phàm đều lệ thuộc vào nghị lực và sự quyết đoán của mỗi chúng ta. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng sự tiềm ẩn của bản năng là điều suốt đời chúng ta phải canh nó để giữ nó, phải kiềm nó, phải thúc liễm nó.

Theo vuonhoaphatgiao