Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Chị ơi, cho em hỏi

CHỊ ƠI, CHO EM HỎI

“Chị ơi! Sao em thấy lúc nào chị cũng cười vui vẻ, thế chị không biết buồn hả chị?”

Chà “Em ơi! Là người mà nếu lúc nào cũng cười không biết buồn là gì thì một là dở hơi hay hâm hấp mà cũng có khi là quá vô duyên. Cuộc sống ai cũng có đủ vui buồn, vấn đề là ở chỗ vui lúc nào và buồn lúc nào.

Khi lòng mình buồn, không nhất thiết phải đi kêu rên hết chỗ này đến chỗ khác, thở than than thở hết người nọ đến người kia, mặt nhăn mày nhó ca cẩm để cho thiên hạ thấy ôi tôi buồn quá tôi khổ quá đây. Làm thế chả được cái ích lợi gì cả, chỉ tổ làm người ta chán mình thêm.

Đành rằng cũng có những lúc tâm trạng tệ quá không cầm nổi thì cũng phải nói ra với một ai đó, ít nhất cũng cảm giác là mình xả ra được một phần, và khi nhận lại những lời vỗ về hoặc động viên, mình cũng nhẹ bớt đi, nghĩ sáng hơn. Nhưng chỉ là lúc hết sức chịu đựng, còn thì hãy tự biết điều tiết tinh thần.

Bởi nếu được chọn lựa, không ai là thích cái chuyện ngồi nghe người khác than vãn u sầu phiền muộn cả.

Hơn nữa, khi đang buồn mà có dịp vui cười hể hả với ai đó, thì cũng là một tác động tích cực cho chính mình lắm. Nên hãy biết cười ngay cả lúc tưởng như mình không thể cười nổi.

Hãy tin đi, cười vẫn tốt hơn khóc cả vạn lần mà. Khi nào có chuyện gì không vui, bức ách hay buồn khổ thì hãy chọn một tâm thế như thế này: Cuộc đời vốn không có nhiều ưu đãi, vậy nên cái gì không hay không vui thả vào gió cho nó bay đi.

Và mỗi con người nên tự lập cho mình một cái bồn có sức chứa và có sức tiêu, để giải quyết mọi điều bất ái”.

Chị ơi “Ừ thì cứ cho là chị giỏi giấu cảm xúc, giỏi đeo mặt nạ tâm trạng để không ai biết chị đang buồn. Thì ít nhất cũng phải bộc lộ ra trong tác phẩm chứ? Người viết thường vận dụng ngôn ngữ là cách tốt nhất để thổ lộ mà”.

“Đồng ý viết là cách tốt nhất để tháo trút tâm tư, để trang trải cõi lòng, để gửi gắm bao nỗi niềm.

Nhưng không phải là cái gì cũng có thể vứt bừa ra trên giấy được. Cho dù văn chương thi ca là sự phản ánh chân thực của đời sống, thì cũng phải biết cách chuyển tải như thế nào cho người đọc cảm thấy dễ chịu, cho dù họ có thể khóc sướt mướt vì một nhân vật, cho dù họ có thể động lòng trắc ẩn vì một hoàn cảnh, nhưng không thể bắt họ phải tha lôi hòn đá đau khổ của tác giả cồ tình ném vào.

Cuộc sống vốn đã buồn nhiều hơn vui, khổ nhiều hơn sướng, Viết một cách có trách nhiệm thì phải biết gia giảm phong vị thế nào đủ để người đọc vẫn nắm bắt được tính đa chiều của cuộc sống mà không thấy mình bị bắt ép phải chấp nhận hay chịu đựng nối thống khổ mệt mỏi của người khác.

Đưa ra những khuôn mặt méo mó để biết trân quý những đẹp đẽ tròn đầy, đưa ra những gập ghềnh trúc trắc để biết trân trọng những bằng phẳng êm ái.

Nhưng quan trọng là cách thắt và mở của vấn đề, để người đọc khi đọc xong có chút ưu tư nhưng tiếp nhận một cách thoải mái. Có những bài viết kêu ca khóc than gào thét cay cú hay rên rẩm đều có thể xem như một vấn nạn của văn chương.

Nói nhỏ nghe nha: các đấng trượng phu thích nghe phái yếu thở than ca cẩm kêu rên lắm đó, là để họ có dịp sung sướng được làm người cứu giúp mà.

Nói tóm lại là không phải nhiều thứ, còn những gì cần thiết với bản thân thì tự biết điều chỉnh và khắc phục chứ. Cuộc sống của mình mà cứ chờ người này người nọ người kia làm cho mình lo cho mình thì chán chết đi được.

Cái gì cũng có tính hai mặt, chấp nhận mặt này thì cũng phải biết thích ứng mặt kia. Mình không khuyến khích sống độc thân, mà có khuyến khích cũng không được, vì mỗi người một nhu cầu, họ không có ý thì cũng chẳng lôi kéo được, chỉ là sống thế nào phù hợp với mình mà lại không gây ảnh hưởng gì cho người khác thì cứ việc thoải mái mà thôi”.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét