Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Cái tình và cái nghĩa

CÁI TÌNH VÀ CÁI NGHĨA

 

Ở Việt Nam ngày xưa người ta không nấu cơm bằng gas hay bằng điện mà nấu bằng rơm. Ngày xưa tôi cũng đã từng nấu cơm bằng rơm. Rơm cháy rất mau. Có cách để làm cho rơm cháy chậm lại: mình đặt một nắm rơm vào và lấy cái đũa bếp đè xuống thì nắm rơm sẽ cháy từ từ, được lâu hơn.

 

Ở nhà quê Việt Nam ngày xưa còn nấu bằng trấu. Trấu tức là vỏ lúa. Không có hộp quẹt vì vậy người ta phải nuôi lửa. Nuôi lửa hay nhất là nuôi bằng lửa trấu: mình đổ vào một vài bát trấu, thì trấu cháy ngún rất lâu. Lửa trấu không cháy phừng phừng như lửa rơm mà cháy chầm chậm. Chầm chậm thôi mà cháy cả đêm. Sáng dậy mình khơi ra thì còn lửa trong bếp.

 

Tình là ngọn lửa rơm mau tàn. Còn Nghĩa là lửa trấu, cháy suốt đêm. Ngày xưa Việt Nam có truyền thống đi xin lửa, vì không có hộp quẹt, cũng không có đèn dầu. Mỗi khi nấu cơm, nếu nhà mình không có trấu để giữ lửa thì mình phải qua hàng xóm xin lửa.

Các cháu có thể là chưa bao giờ thấy Con Cúi. Con Cúi không phải là một sinh vật mà mình vẫn gọi là con. Mình lấy rơm bện lại thành một con rắn bằng rơm thật chặt, đốt một đầu và nó cứ cháy ngún từ từ, được năm bảy giờ đồng hồ.

Mỗi khi cần lửa nấu cơm thì mình tới Con Cúi lấy lửa. Nếu mình không có Con Cúi và cũng không có lửa trấu thì mình phải đi xin thôi. Thế hệ của quý vị bây giờ không biết đi xin lửa là gì.

 

Đi xin lửa mình phải cầm một nắm rơm dài. Tới bếp của người ta thì mình đừng nên quấy động cái bếp, vì người ta đang nuôi lửa trong đó. Mình lấy nắm rơm của mình, dúi vào chỗ lửa trấu đang còn cháy, và mình đợi độ chừng hai, ba chục giây. Trong khi đó mình thở. Từ từ khi thấy khói lên thì mình biết nắm rơm của mình đã được lửa bén vào rồi. Khi đó mình chỉ cần thổi một hơi thở nhẹ là lửa cháy lên. Mình lấy một nắm rơm khác, nắm nó lại, đem về thì nó tiếp tục cháy. Ngày xưa đi xin lửa là chuyện mỗi ngày.

 

Lửa rơm cháy mau được ví dụ cho tình yêu. Lửa trấu ngún cháy cả ngày đêm được tượng trưng cho Nghĩa. Ân Nghĩa là cái phải tiếp nối cái Tình. Tình phải được bắt đầu cho khéo để từ từ đưa tới cái Nghĩa. Ân Nghĩa là cái nuôi dưỡng một cặp vợ chồng cho tới khi đầu bạc răng long. Và nuôi dưỡng Nghĩa là nuôi dưỡng thương yêu.

 

Mỗi ngày mình phải làm cho cái tình của mình lớn lên và biến thành nghĩa. Mình phải biết lợi dụng cái ngọn lửa đầu tiên. Ban đầu mình dúi nắm rơm vô lửa trấu là để cho ngún cháy, khói đi lên, mình thổi phù nhè nhẹ thì lửa bốc lên. Nhưng mình đem lửa đó về nhà không được, nửa đường sẽ tắt.

Và vì vậy khi lửa rơm cháy lớn rồi thì mình phải ủ nó vào trong nắm rơm khác cho lửa cháy ngún từ từ mà đem về.

 

Mỗi ngày mình phải xây dựng cái ơn và cái nghĩa. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ săn sóc đều là tạo ra ơn và nghĩa. Chính cái đó nó là keo sơn giúp cho một cặp vợ chồng sống với nhau suốt đời.

Tình bạn cũng vậy. Tình bạn thì không có sự cháy bùng, đam mê như là tình yêu, cho nên tình bạn dễ hơn nhiều. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói rất rõ là tình bạn thì lâu dài, bền chắc, và nuôi dưỡng mình nhiều hơn tình yêu.

 

Cho nên bí quyết là mình phải biến tình yêu lúc ban đầu trở thành tình bạn. Hai người ban đầu là hai người yêu, nhưng từ từ sẽ trở thành hai người bạn.

Khi trở thành hai người bạn thì đó là tình yêu đang còn. Còn nếu tình yêu không trở thành được tình bạn thì nó sẽ chết, nó không thành công. Mà sở dĩ tình yêu trở thành tình bạn được là vì mình phát khởi được cái ơn và cái nghĩa.

 

Cái ơn nghĩa đó bắt đầu từ chỗ ý thức được rằng tại sao giữa bao nhiêu người mà người đó lại chọn mình. Và mình biết ơn người đó đã chọn mình. Cái chọn của mình không phải là nhất thời. Sự chọn này phải xảy ra trong một quá trình nào đó, với trí tuệ chứ không phải chỉ với đam mê mà thôi. Nếu chỉ có đam mê thì mình sẽ hối hận. Phải có trí tuệ và phải biết lắng nghe,

 

Lắng nghe bạn bè của mình, lắng nghe cha mẹ của mình, lắng nghe các em của mình. Vì họ cũng có cái thấy, mà cái thấy của họ đôi khi khách quan hơn, chắc chắn là khách quan hơn mình, tại vì mình chủ quan quá. Mình đam mê rồi thì mình không thấy được sự thật rõ ràng bằng những người khác.

 

Trích từ pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 2.8.1998

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét