Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2023

Đàn ông là trụ cột gia đình?

ĐÀN ÔNG LÀ TRỤ CỘT GIA ĐÌNH?

Quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đã in sâu vào vào mỗi chúng ta, đặc biệt là trong nền văn hoá Á đông và nó vẫn còn rất phổ biến trong xã hội hiện đại. Hình ảnh một người đàn ông tiêu biểu là luôn bận rộn với công việc, đi sớm về muộn, gánh vác kinh tế cho cả gia đình.

Mình không nghĩ là một người đàn ông có thể tự hào khi nghĩ rằng mình đi làm mang tiền về cho vợ con là quá tốt rồi, còn việc nuôi dạy, chăm sóc con cái thì giao phó hết cho vợ.

Nhiều khi cái những đứa con cần không phải là những món đồ chơi đắt tiền bố mua về mỗi khi đi công tác mà chỉ là bữa cơm có đủ mọi thành viên trong gia đình hay người bố dành thời gian chơi đùa với chúng.

Mình không phủ nhận tầm quan trọng của việc kiếm tiền nuôi gia đình nhưng nhiều ông bố đang quá chú trọng vào mặt này mà lơ là đi sự quan tâm về mặt tinh thần. Trớ trêu thay thời điểm những người đàn ông tập trung nhất cho sự nghiệp lại thường là thời điểm những đứa con của họ còn thơ dại.

Theo các nghiên cứu khoa học thì trẻ hình thành phần lớn tính cách và lối suy nghĩ trước năm 7 tuổi. Như vậy từ 0 tới 7 tuổi là thời gian vàng cho sự phát triển về mặt trí tuệ và đạo đức của một đứa trẻ. Và đó là thời gian chúng cần nhất những người cha ở bên cạnh hàng ngày.

Quan niệm đàn ông là trụ cột trong gia đình rất đúng với thời gian trước đây, nhưng trong thời đại bình đẳng như hiện nay, nữ giới cũng có rất nhiều cơ hội được học hành, phát triển sự nghiệp nên khả năng kiếm tiền cũng rất giỏi.

Phụ nữ có nhiều thiệt thòi hơn nam giới khi phải đảm nhiệm thiên chức sinh con, ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của họ.

Nhưng nếu có sự trợ giúp, san sẻ từ phía người chồng thì họ hoàn toàn có thể tiếp tục vươn lên trong sự nghiệp.

Chúng ta nên có một suy nghĩ thoáng hơn về vai trò của nam giới và nữ giới trong gia đình.

Người chồng hoàn toàn có thể lùi về sau làm hậu phương để vợ gánh vác kinh tế. Như trước đại dịch Covid, mình và vợ đều đi làm và cùng chia sẻ kinh tế trong gia đình. Mình làm hướng dẫn viên còn vợ mình làm ngân hàng, cuộc sống cũng khá thoải mái.

Rồi mình bị mất việc do đại dịch. Lúc đó, hai vợ chồng mình vừa có con nhỏ mà ông bà hai bên lại không phụ giúp trông cháu được nên mình đã quyết định ở nhà trông con còn vợ sẽ đi làm.

Thế là từ đó mình bắt đầu làm ông bố bỉm sữa toàn thời gian, học mọi thứ từ thay tã, cho con ăn, ru con ngủ, rồi làm sao chơi với con được lâu...Khi vợ mình đi làm về thì sẽ chơi với con, tắm rửa cho con còn mình thì nấu nướng.

Có trông con mới biết là nó đòi hỏi sự nhẫn nại thế nào. Nhất là trong tình hình dịch bệnh nhiều khi chỉ ru rú trong nhà quanh bốn bức tường.

Do đó các đấng mày râu nếu đảm đương kinh tế thì khi về nhà hãy giúp vợ chơi với con để cho vợ được giải phóng một lúc thì các cô vợ sẽ biết ơn vô cùng.

 

Qua câu truyện trên, mình muốn nói rằng sẽ tuỳ vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi gia đình mà sẽ có sự thay đổi linh hoạt trong vai trò của người vợ và người chồng chứ không nhất thiết phải đóng khung trong một khuôn mẫu cố định.

 

Các đấng mày râu nếu có thu nhập ít hơn vợ hoặc vì một lý do nào đó mất đi thu nhập tạm thời thì cũng không nên quá tự ti về bản thân. Chỉ cần mình không có tâm lý ỷ lại và luôn biết cố gắng trau dồi bản thân, chăm sóc cho gia đình thì hoàn toàn có thể hài lòng với chính mình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét