CHUYỆN CÔ GÁI VÀ LÃO ĂN MÀY
Một ông lão bị mù ngồi dưới vĩa hè ăn xin, những người đi ngang qua ông dường như không ai quan tâm để ý. Bên cạnh ông lão là một tấm các tông, trên đó có ghi: “Tôi bị mù, xin hãy giúp đỡ!”
Nhiều người đi ngang qua ông, nhiều người trong quảng trường cười nói và chơi đùa… nhưng họa hoằn lắm mới có người đi ngang cho ông vài đồng xu lẻ. Cái hộp đựng tiền bên cạnh vẫn hầu như trống không.
Một hôm có cô gái đi qua con phố, bước đi khá vội qua chỗ ông lão ngồi, cô chợt dừng lại tiến về phía ông lão.
Cô gái nhìn dòng chữ, suy nghĩ một chút, rồi nghĩ hiện đang là giờ cao điểm, có rất nhiều người qua lại con đường này, thế nhưng lại chẳng có ai dừng lại để cho ông lão tiền, vậy nên có lẽ vấn đề nằm ở cái biển rồi.
Cô muốn làm một việc gì đó thay đổi tình hình, nhằm giúp ông lão kiếm được chút tiền cho cuộc sống mưu sinh.
Rồi mau chóng lấy trong túi mình một chiếc bút dạ, lật mặt sau của tấm biển lại và viết vài chữ in hoa thật to, rõ ràng, sau đó quay mặt này ra phía trước. Viết xong, cô gái bận rộn lại tiếp tục lên đường.
Ông lão khi sờ đôi giày đã biết là cô gái đang viết câu gì đó lên tấm biển của mình, nhưng ông cũng không hỏi cũng như làm gì khác.
Điều bất ngờ là, chỉ ngay sau khi cô gái đi mất, người ta bắt đầu ném những đồng tiền vào chiếc hộp của ông lão ăn mày. Chẳng mấy chốc, chiếc hộp đã đầy tiền.
Quá ngạc nhiên và vui sướng, ông lão không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ông ngồi đây từ sáng tới trưa nhưng chẳng có ai cho tiền ông. Vậy mà khi cô gái viết gì đó lên tấm biển của ông thì mọi chuyện đã thay đổi.
Rất tò mò không biết tấm biển viết gì, ông lão ăn mày bèn nhờ một người qua đường đọc xem tấm biển viết gì thì được người này trả lời dòng chữ trên tấm bìa ngắn gọn một câu:
“Hôm nay là một ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn được, còn tôi thì không”.
Cùng một ý nghĩa, nhưng 2 câu trên tấm biển của ông lão ăn mày được viết theo 2 cách khác nhau đã đem lại những kết quả hoàn toàn khác nhau.
Ở mặt trước của tấm biển, “Tôi bị mù – Xin hãy giúp đỡ” là một thông điệp với nội dung không có gì đặc biệt, thậm chí nhìn ông lão cũng đủ hiểu, dòng chữ đó có cũng như không, nên sẽ khó gây được thiện cảm cũng như sự chú ý với người đối diện.
Trong khi đó, ở mặt sau của tấm biển, “Hôm nay là một ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn được, còn tôi thì không”, lại là một thông điệp rất hiệu quả trong việc truyền tải cảm xúc và năng lượng tích cực.
Thông điệp “Ngày hôm nay thật đẹp, và tôi lại không nhìn thấy!” lại kết hợp trong đó rất nhiều yếu tố:
Đầu tiên là sự đồng cảm, kết nối như một câu chào “Ngày hôm nay thật đẹp” ai cũng có thể đồng ý với điều này.
Sau đó là một sự đối lập, mâu thuẫn – vốn là một yếu tố rất mạnh trong quảng cáo “… và tôi lại không nhìn thấy!” Nó ngay lập tức gợi sự thương cảm cho ông lão thiệt thòi, một nỗi đau rõ ràng hơn nhiều so với thông điệp chung chung ban đầu là “tôi bị mù”.
Hơn nữa, nó khéo léo gợi lên cho người đọc sự đồng cảm vừa phải cho sự thiệt thòi của ông lão mà không quá bi quan, không trực tiếp xin tiền người qua đường nhưng lại khiến ai cũng ngầm hiểu ra ý định không nói ra của ông lão.
Ngoài ra “Tôi bị mù, xin giúp đỡ!” rất cụt lủn. Còn “Ngày hôm nay thật đẹp, và tôi lại không nhìn thấy!” để lại một khoảng trống hụt hẫng nào đó ở phía sau, làm cho người ta phải suy nghĩ, bị thôi thúc hành động…
“Tôi vẫn viết như cũ, nhưng từ một góc nhìn khác” – cô gái trả lời khi ông lão ăn xin hỏi, và có lẽ đây cũng chính là câu nói cô đọng nhất về nghệ thuật đắc nhân tâm.
Chỉ cần thay đổi góc nhìn, ông lão đã có một cuộc sống mới. Chỉ cần thay đổi ngôn từ, chúng ta có thể thay đổi cả cuộc đời của mình! Nếu ai cũng có thể thay đổi ngôn từ, chúng ta có thể làm thay đổi cả thế giới!
Thái An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét