Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Tấm lòng của ‘bà giáo dở hơi’

 

TẤM LÒNG CỦA ‘BÀ GIÁO DỞ HƠI’

Chở che những “thiên thần” đặc biệt

Chúng tôi đến thăm bà Ở ngõ Khâm Đức, nằm trong phố chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội vào một buổi chiều khi những người phụ nữ của gia đình bận rộn với công việc bếp núc.

Riêng ngôi nhà nhỏ của bà giáo Đào Ngọc Huấn, bếp vẫn chưa đỏ lửa, bà đang bận dạy một bé trai tự kỷ. Bé trai vừa viết chữ “O”, vừa nói liên hồi những từ không rõ nghĩa. Bà cũng không thể dứt việc “kèm em” để tiếp khách, vì bé gọi bà liên tục: Mẹ, mẹ…

 

Đây là một bé trai bị tự kỷ bà dành nhiều tâm huyết. Tầm 4 giờ chiều, dù đang bận vẽ tranh hay bất cứ công việc gì, bà Huấn cũng bỏ đó, tất tả đi đón cậu bé tại ngôi trường cậu đang theo học, rồi đưa về nhà mình dạy dỗ.

Có những khi vừa ra khỏi cổng trường, cậu bé đã vứt ba lô và giày ngay xuống đất, rồi chạy đi ầm ầm, khiến bà giáo xấp xỉ 70 tuổi vai đeo ba lô, tay xách giày phải đuổi theo cậu bé trên đường phố. Song chẳng khó khăn nào khiến bà bỏ cuộc.

 

Tò mò hỏi về thù lao nhận được qua công việc này, bà cười: “Tôi không mở lớp, không kinh doanh. Chỉ nhận vài cháu chăm sóc tình nguyện, phụ huynh thương bà lão già, có gửi cho tôi tiền xăng xe đưa đón các cháu, tiền đi xe ôm… Vậy thôi”.

Phụ huynh đưa 500 ngàn đồng/tháng là nhiều. Cũng có phụ huynh khó khăn hơn, không đưa đồng nào, bà cũng chẳng đòi hỏi.

 

Chúng tôi hỏi bà đã kinh qua trường lớp chuyên đào tạo giáo viên dạy trẻ em đặc biệt chưa? Bà thú nhận: Không được học trường lớp nào, chủ yếu bà thu lượm kiến thức qua sách vở và trải nghiệm tiếp xúc với những “thiên thần” đặc biệt.

 

Dang tay với trò lầm đường, lạc lối

Bà Đào Ngọc Huấn nguyên là giáo viên cấp 1: “Tôi từng dạy ở trường Phú Diễn, rồi trường Cầu Diễn, sau lại ra trường Nguyễn Khả Trạc, ở Đồng Xa, Mai Dịch, lại về Cầu Diễn, rồi nghỉ hưu luôn”.

Hơn 20 năm dạy học ở các ngôi trường ngoại thành Hà Nội, bà đã dìu dắt bao thế hệ học sinh. Có những học trò của bà lớn lên thành người lương thiện, gặt hái thành công trong cuộc sống, song cũng có những học trò đi vào ngõ tối khiến bà đau lòng. Mới có chuyện, cô giáo giúp học trò cũ cai nghiện.

 

Con giai tôi bảo, mẹ già rồi, mẹ khổ quá rồi, mẹ nghỉ ngơi một chút đi”. Nhưng nào có được nghỉ ngơi, ngay sau đó bà lại bận bịu với các em nhỏ tự kỷ.

Song không phải lúc nào sự ứng xử tử tế cũng nhận được trái ngọt. Cách đây vài năm, cũng chính tại con ngõ Khâm Đức, nơi bà đang sống, lòng tốt của bà đã bị người ta sỉ nhục: “Có một cháu trai ngoài hai mươi tuổi bị đuổi ra khỏi nhà.

Tôi thương cháu nên cho cháu ở nhờ nhà tôi. Bà của cháu, vốn chơi khá thân với tôi trước đó, đã sang mắng tôi thậm tệ, đau nhất là bà ấy chửi tôi “thèm giai” nên mới chứa chấp. Tôi chỉ biết ôm mặt khóc thầm”.

 

Mẹ của những bé thơ không nhà

Nổi tiếng với tấm lòng Bồ Tát nên bà Đào Ngọc Huấn không ít lần bị người nọ, người kia gây phiền: “Hồi đó, tôi đang sống ở Mai Dịch. Một người phụ nữ trẻ đến bảo: Nghe nói cô giáo rất yêu thương trẻ thơ. Em bận quá lại phải đi việc rất cần, em gửi cháu một lát, quần áo cháu đây. Thế là tôi đồng ý.

 

Nào ngờ họ đi một mạch, không quay lại. 3 mẹ con tôi nuôi bé. Có một lần mẹ của bé về thăm, vào lúc tôi vừa mua cho con gái ruột cái xe đạp mới, mẹ bé mượn đi, lần này bặt tăm cả người lẫn xe đạp”.

Em bé bị người mẹ vô tâm bỏ rơi ấy được bà đặt cho cái tên kiêu sa: Hoàng Yến. “Hoàng” là họ của cha bé, bà đã vô tình biết được khi chuyện trò cùng mẹ của bé.

 

Nuôi Hoàng Yến từ khi đỏ hỏn đến khi bé đã biết làm vài việc cỏn con, con ruột của bà Huấn nhắc: “Mẹ ơi, em sắp đến tuổi đi học rồi đấy. Mẹ xem làm giấy khai sinh cho em, để em được đi học”.

Nghe con nhắc, bà dắt xe đạp bắt đầu hành trình tìm kiếm cha em bé. Nghe láng máng mẹ bé kể, cha bé tên Hoàng Tùng, làm nghề lái xe, ở Ngõ Thổ Quan, (hay Quan Thổ?) trên phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội.

 

Bà đi hết ngõ Thổ Quan không tìm được người có tên “Hoàng Tùng”.  Lại sang ngõ Quan Thổ, đi khắp Quan Thổ 1, Quan Thổ 2 rồi Quan Thổ 3, bà dừng lại ở một quán nước, hỏi người bán nước: Ở đây có ai tên Hoàng Tùng, làm nghề lái xe?

Một người phụ nữ từ ngôi nhà cạnh đó nói vọng ra: “Cháu ơi, cháu quen Tùng nhà bác à?”. Bà mừng rỡ, bước ngay đến. Trò chuyện một hồi mới hay, cha mẹ Hoàng Yến khi xưa yêu nhau nhưng bị các bậc phụ huynh ngăn cản, họ chia xa.

 

Đến nhà cha của Hoàng Yến, bà giáo Huấn mới biết, bố em và bên nội lâu nay vẫn đi tìm “giọt máu” bị bỏ rơi. Bà giáo trả con cho người ta. Đến nay, cô bé Hoàng Yến ngày nào đã trưởng thành, lập gia đình và sinh con như bao người phụ nữ bình thường khác.

 

“Thương người như thể thương thân”

Bà Đào Ngọc Huấn đang sống trong một ngôi nhà nhỏ, bình dị: “Lương hưu của tôi trên 3 triệu đồng một tháng nhưng tôi được con gái “tài trợ” tiền điện, nước, internet”, bà khoe. Với mức lương hưu khiêm tốn ấy, bà vẫn làm từ thiện, giúp đỡ người neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn…

“Tôi ăn uống đơn giản lắm, có khi củ khoai, cái bánh mỳ cũng qua bữa. Có hôm hàng xóm gọi: Bà giáo ơi, có bát canh, bà có ăn không? Tôi ăn bát canh và thôi không nấu nướng gì nữa”, bà sống đạm bạc, tiết kiệm để dành tiền làm từ thiện.

 

Thế nên người ta có bảo bà “dở hơi”, bà không dám phản ứng, chỉ cười. Cách đây không lâu, để dạy trẻ tự kỷ, bà mua lại một cây đàn piano cũ, với giá 26 triệu đồng. Người bán đàn cho phép bà trả góp. Biết vẽ, biết đàn, biết thơ phú song hầu hết những món tài lẻ ấy đều do bà mày mò tự học.

Ngày trước bà chăm đọc sách, mấy năm nay, bà vào mạng tra cứu tài liệu. Bà giáo tự nhận “dở hơi” nhưng chẳng bao giờ chịu đi sau thời đại.

Nông Hồng Diệu (Báo Tiền Phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét