Hiển thị các bài đăng có nhãn Gia đình. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Gia đình. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

Quy Tắc Duy Trì Mối Quan Hệ Vợ Chồng Trong Hôn Nhân

 

QUY TẮC DUY TRÌ MỐI QUAN HỆ VỢ CHỒNG TRONG HÔN NHÂN

 

Để xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và bền vững thực sự không dễ dàng. Vì vậy, cả hai nên trang bị những quy tắc để có thể duy trì mối quan hệ vợ chồng lâu dài.

 

Khác với lúc còn yêu nhau, cuộc sống hôn nhân không còn nhiều hành động lãng mạn hay những lời nói ngọt ngào, mơ mộng. Hôn nhân đòi hỏi ở cả hai nhiều hơn tình yêu. Đây cũng là lý do vì sao không phải cặp đôi nào cũng hạnh phúc khi kết hôn mặc dù đều rất yêu thương nhau.

 

Mỗi gia đình hạnh phúc sẽ tạo ra một xã hội hạnh phúc và vững mạnh. Trước thực trạng tỷ lệ ly hôn, ly thân ngày càng tăng cao, việc trang bị những bí quyết để giữ gìn cuộc sống hôn nhân là điều vô cùng cần thiết.

 

Dưới đây là 8 quy tắc để duy trì mối quan hệ vợ chồng trong hôn nhân:

 

1. Giữ sự chung thủy với bạn đời

Sự thủy chung giúp cả hai hướng đến cùng mục đích đó chính là xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm êm. Không ít người nhắm mắt bỏ qua việc vợ/ chồng phản bội để giữ mái ấm đủ đầy bố và mẹ cho con cái.

Tuy nhiên, những vết rạn nứt đã xuất hiện sẽ không bao giờ lành lại được và mối quan hệ vợ chồng chỉ còn là danh xưng trên giấy tờ.

Vì vậy, nếu đã quyết định kết hôn, hãy chắc chắn bản thân chung thủy trước sau như một.

 

2. Tôn trọng đối phương trong mọi hoàn cảnh

Không chỉ riêng trong mối quan hệ vợ chồng, tôn trọng là nguyên tắc quan trọng để xây dựng và duy trì tất cả các mối quan hệ. Tôn trọng không phải là điều gì quá lớn lao mà được thể hiện qua từng khía cạnh nhỏ trong cuộc sống. Vợ chồng tôn trọng nhau sẽ luôn hỏi ý kiến của đối phương khi đưa ra quyết định, coi trọng lời hứa, chừng mực trong lời nói, thái độ, cách ứng xử,…

Thực tế, rất nhiều phụ nữ Việt không nhận được sự tôn trọng từ bạn đời – nhất là những người làm công việc nội trợ hoặc thu nhập thấp hơn chồng. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là quan niệm trọng nam khinh nữ có từ xa xưa.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, thiếu tôn trọng lẫn nhau sớm muộn cũng sẽ dẫn đến rạn nứt và đổ vỡ.

 

3. Luôn thành thật với nhau

Không giống với những mối quan hệ khác, giữa vợ và chồng không nên có bí mật. Thành thật ngay từ đầu sẽ giúp cả hai thấu hiểu, cùng nhau chia sẻ và đồng cảm. Trong khi thói quen che giấu sẽ khiến cho mối quan hệ thường xuyên gặp phải cãi vã, xung đột và về lâu dài sẽ gây sứt mẻ tình cảm.

 

4. Học cách chia sẻ và lắng nghe

Vợ chồng không chỉ chia sẻ với nhau những vấn đề chung như chăm sóc con cái, phụng dưỡng bố mẹ, xây nhà cửa,… mà còn phải trao đổi với nhau về công việc, bạn bè và những mối quan hệ xung quanh. Hiểu rõ về đối phương sẽ giúp cả hai thấu hiểu nhau hơn và luôn có lòng tin với vợ/ chồng của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.

5. Nhường nhịn – Bí quyết để duy trì mối quan hệ vợ chồng

Khi nóng giận, cả hai rất dễ gây tổn thương nhau bằng những từ ngữ nặng nề. Những câu nói, hành vi khi nóng giận có thể đặt dấu chấm hết cho một mối quan hệ.

Tuy nhiên, nhường nhịn không phải là sự thấp kém hơn về mặt địa vị. Khi cả hai đã lấy lại bình tĩnh, nên cùng nhau trò chuyện để tìm ra giải pháp và đánh giá lại những điểm còn thiếu sót của bản thân. Ngoài ra, sự nhường nhịn là quy tắc cả hai người đều phải ghi nhớ chứ không riêng gì người vợ.

 

6. Chấp nhận sự khác biệt

Cả hai người phải học cách chấp nhận sự khác biệt của đối phương thay vì ép buộc đối phương phải thay đổi để phù hợp với bản thân. Khi chung sống, những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt, sở thích của cả hai có thể không đồng điệu. Đôi khi tình trạng này có thể gây ra một số phiền toái trong cuộc sống và vô tình là nguyên nhân của các cuộc cãi vã.

Chúng ta không thể ép buộc người khác theo ý muốn của bản thân dù đó là vợ, chồng hay là con cái. Thay vì yêu cầu người khác thay đổi, hãy chấp nhận sự khác biệt và cả hai phía nên điều chỉnh bản thân để dung hòa lẫn nhau.

Trong nhiều trường hợp, khác biệt quá lớn cũng là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân phải chấm dứt.

 

7. Tinh thần trách nhiệm

Cuộc sống hôn nhân đòi hỏi rất nhiều thứ từ tài chính cho đến sự thấu hiểu, sẻ chia và tin tưởng. Trách nhiệm giúp cả hai học cách vun vén gia đình, tích cóp để lo lắng cho tương lai, biết dành thời gian cho gia đình và cùng chia sẻ gánh nặng khi nuôi dạy con cái.

Trong gia đình, mỗi người sẽ có một vai trò riêng và trách nhiệm của cả hai là ngang bằng. Người chồng cần tránh việc phó thác mọi việc trong gia đình và nuôi dạy con cái cho vợ. Ngoài ra, vợ cũng cần hỗ trợ chồng trong việc để tạo nguồn tài chính ổn định để lo lắng cho tương lai.

 

8. Tôn trọng và yêu thương chính mình

Bên cạnh việc vun đắp và xây dựng gia đình, bạn cũng đừng quên tôn trọng và yêu thương chính mình. Thực tế, không ít người chấp nhận hy sinh nhiều thứ và nhẫn nhịn để giữ hạnh phúc. Tuy nhiên, sự nhún nhường sẽ khiến đối phương quên mất trách nhiệm của bản thân đối với gia đình.

 

Hôn nhân có ý nghĩa thiêng liêng với mỗi người nhưng điều này không phải là tất cả. Ngoài hôn nhân, bạn còn có các dự định, đam mê riêng và những mối quan hệ khác. Bên cạnh thời gian dành cho gia đình, bạn nên dành chút ít thời gian để bản thân được nghỉ ngơi, thư giãn và có cơ hội để phát triển bản thân.

 

ST

 

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

Mấy quy tắc hoá giải xung đột vợ chồng

 

MẤY QUY TẮC HOÁ GIẢI XUNG ĐỘT VỢ CHỒNG

Trong cuộc sống vợ chồng hiện đại, khi hai người bình đẳng với nhau, không ai lệ thuộc ai thì sự tranh cãi là đều không tránh khỏi.

Song nếu cứ chuyện bé xé thành to, hơi cãi cọ một chút mâm bát lại bay vèo vèo thì hạnh phúc vợ chồng là hoang tưởng.

Muốn cho có thể ngăn chặn được những cuộc xung đột để không dẫn đến đổ vỡ hôn nhân cần nắm được kỹ thuật an toàn, biến những cuộc tranh cãi thành trao đổi một cách hòa bình, không làm mối quan hệ xấu dần đi, phải tôn trọng mấy quy tắc sau đây:

Thứ nhất, khoanh vùng phạm vi tranh cãi hẹp đến mức tối thiểu. Nghĩa là cãi nhau vì cái gì thì chỉ nói về cái đó, không moi móc quá khứ của nhau để tìm ra những sai lầm, kém cỏi từ ngày xửa ngày xưa rồi tổng kết rút ra kết luận.

Hai là, khi tranh cãi không dùng những lời lẽ xúc phạm nhau. Để thuyết phục bạn đời tin rằng họ sai, thì phải dùng lý lẽ sao cho dễ hiểu với một thái độ ôn hòa chứ không dùng những lời lẽ cay độc có tính mạt sát.

Ba là, cần phải tỉnh táo nhận ra cái sai của mình. Nếu tranh cãi với một người không có khả năng nhận ra đúng sai thì có khác gì nói với đầu gối.

Bón là, điều quan trọng cuối cùng là biết làm lành và tha thứ. Người ta cũng cho rằng, tranh cãi vợ chồng không nên đi tới thắng thua, không dồn đối phương vào chân tường.

Thật có lý khi có người còn cho rằng, trong tranh cãi vợ chồng, “thắng” đồng nghĩa với “bại”. Bởi vì sau chiến thắng là bầu không khí nặng nề đầu độc cả gia đình.

Các nhà nghiên cứu đã ghi âm nhiều cuộc “nội chiến” và nhận thấy có những cuộc “chiến tranh tàn khốc” bắt đầu từ những lý do hết sức vớ vẩn, thậm chí sau khi “ngọn lửa chiến tranh” được dập tắt người ta không nhớ nổi bắt đầu cãi nhau vì cái gì.

Nên nhớ rằng, để cãi nhau phải có ít nhất hai người nhưng để ngưng cãi nhau thì chỉ một người cũng làm được. Cho nên nếu một trong hai người biết dừng lại đúng lúc thì mái ấm gia đình sẽ an toàn.

Nói như thế không có nghĩa là luôn luôn nín nhịn, thậm chí phải làm theo ý muốn của người khác dù biết điều đó là sai để tránh xung đột. Nếu bạn “giữ gìn hòa bình” theo kiểu đó, đối phương sẽ lấn tới và biến bạn thành kẻ lệ thuộc vào họ.

Các nghiên cứu mới đây của Mỹ phát hiện một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ ly hôn trên thế giới hiện nay chính là xu thế sống lệ thuộc vào người bạn đời.

 

Từ trước đến nay người ta thường chỉ quan niệm hai tiếng “lệ thuộc” trên khía cạnh kinh tế, thực ra khái niệm ấy rộng hơn nhiều và nếu chúng ta không tìm cách giải thoát mình khỏi sự lệ thuộc thì chính nó sẽ hủy hoại hôn nhân.

 

Nhà tâm lý học Edmund J.Bourne định nghĩa: “Lệ thuộc là xu hướng đặt ý muốn của người khác lên trên khát vọng của chính mình”. Nghĩa là bạn luôn sẵn sàng hy sinh những nhu cầu của mình để làm hài lòng người bạn đời.

Niềm hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào việc bạn cảm thấy người chồng hay vợ hài lòng tới mức nào. Có thể bạn nghĩ rằng cách sống như thế là vị tha, cao thượng nhưng thực ra, bạn đã sống cho họ chứ không phải cho mình.

Nếu tất cả chúng ta đều sống như vậy thì thế giới này có gì đáng để mơ ước?

Khi kết hôn với ai, ta muốn mang lại hạnh phúc cho người ấy. Nhưng cả hai đều phải có trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho nhau và tránh những điều bất hạnh. Nếu một người luôn phải nhẫn nhịn, cố gắng làm cho người kia thỏa mãn dù phải hy sinh hạnh phúc của chính mình thì sớm muộn gì cũng trở thành bất hạnh mà thôi.

 

Lối sống như thế sẽ dẫn tới lo âu, phiền muộn. Bởi vì khi vượt qua ngưỡng giới hạn, nó biến con người lành mạnh trở thành thiếu lành mạnh. Nó gây ra nhiều điều xấu hơn là sự tốt lành.

 

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Cách hóa giải vợ chồng lục đục

 

CÁCH HÓA GIẢI VỢ CHỒNG LỤC ĐỤC

 

Raymond Hull - nhà biên kịch người Anh đã nói: “Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối”. Quả thực, cuộc sống hôn nhân không chỉ có màu hồng như bạn từng mơ mộng mà còn xen lẫn cả màu xám u ám của những trận cãi vã, giận hờn. Vậy cách hóa giải vợ chồng lục đục là gì?

 

Vì sao vợ chồng lục đục, khắc khẩu?

Để hóa giải vợ chồng lục đục thì bạn cần làm rõ những lý do dẫn đến sự cãi vã của các cặp đôi. Dưới đây một số nguyên nhân phổ biến. 

 

* Do mâu thuẫn về tiền bạc

Ngày nay, các cặp vợ chồng hay xảy ra tranh chấp, cãi vã là do liên quan đến vấn đề tiền bạc. Khi cả hai có thu nhập riêng và hướng đến độc lập kinh tế, việc quyết định ai trả tiền cho những khoản chi tiêu trong gia đình thường gặp khó khăn, không có tiếng nói chung. 

Ngoài phần tiền chung dùng để chi trả phí sinh hoạt như thuê nhà, học phí của con, cưới hỏi, đám giỗ, quà cáp cho bố mẹ hai bên,... thì mỗi người đều cần có những khoản cần chi tiêu riêng.

Do đó, khi chưa có sự thống nhất rõ ràng về tiền bạc khiến nhiều cặp vợ chồng lâm vào cảnh khó xử vì tiền anh, tiền tôi và tiền chúng ta. Từ đó, vợ chồng lục đục, phát sinh xung đột, tranh cãi.

 

* Do tính cách trái ngược nhau

Chắc hẳn, ai cũng mong muốn bản thân sẽ có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, ấm êm. Tuy nhiên, chính sự đa dạng về tính cách, sở thích và quan điểm sống khiến quan hệ vợ chồng trở nên căng thẳng.

Vì mỗi người sinh ra ở môi trường khác nhau nên tính cách, tư duy, hành động dễ có sự tương phản, không ai giống ai. 

 

Cả hai người đều có cá tính riêng nên khi sống chung với nhau thì không thể tránh khỏi việc xích mích, va chạm.

Nếu vợ chồng thiếu sự tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu sẽ xảy ra mâu thuẫn, bất đồng trong cuộc sống hằng ngày.

 

Vợ chồng cãi nhau nên làm gì?

Ông cha thường có câu: “Bát đũa còn có lúc xô nhau”. Do đó, hôn nhân dù có hạnh phúc đến đâu cũng có lúc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp. Sau đây mấy quy tắc khi vợ chồng cãi nhau mà bạn nên tuân thủ để giữ lửa hôn nhân.

 

 * Nhường nhịn và bao dung

Người xưa thường bảo: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Đây là nguyên tắc quan trọng để gìn giữ cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Trong bất kỳ tình huống nào, bạn nên cố gắng nhường nhịn, khoan dung với người bạn đời của mình vì trên đời không có ai hoàn hảo. 

Hãy tôn trọng sở thích, quyền lựa chọn của nửa kia. Đừng ép buộc họ phải sống theo ý bạn, cũng đừng hơn thua, giành phần thắng về mình. Bởi thắng thua không quan trọng, quan trọng nhất là vợ chồng hòa thuận, đồng lòng, gia đình ấm êm, vui vẻ. 

 

* Không cãi nhau trước mặt người khác

Sai lầm mà các cặp vợ chồng trẻ thường mắc phải đó là cãi nhau trước mặt người khác trong lúc không kiểm soát được cơn nóng giận. Tuy nhiên, ông bà ta dạy rằng, vợ chồng thì nên “đóng cửa bảo nhau”.

Bởi sự can thiệp của người ngoài có thể khiến tình hình trở nên xấu đi, làm gia tăng mâu thuẫn. 

 

Hơn thế nữa, việc cãi nhau trước mặt bạn bè, người thân và con cái sẽ để lại ấn tượng xấu với họ. Đặc biệt, điều này còn làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sự phát triển của trẻ trong tương lai

 

Cách hóa giải vợ chồng lục đục hiệu quả

Một trong những cách hóa giải vợ chồng lục đục là sinh con. Con cái là kết tinh của tình yêu, mang lại sự gắn kết mạnh mẽ giữa hai người. Khi có con, cả hai sẽ dành tình yêu thương, tâm trí cho đứa bé.

Họ có nhiều điểm chung để quan tâm và chia sẻ hơn. Từ đó, những chuyện vụn vặt thường ngày trở nên không còn quan trọng.

Đứa con cũng đem đến niềm vui, giúp các cặp vợ chồng sống có trách nhiệm hơn. Họ sẽ ưu tiên vào việc chăm sóc và nuôi dưỡng đứa bé, xây dựng một gia đình hạnh phúc, tạo cho con một môi trường sống lành mạnh, tích cực

 

Hôn nhân không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Đừng cảm thấy những mâu thuẫn vụn vặt là rào cản mà hãy biến nó thành trải nghiệm thú vị để cuộc sống vợ chồng thêm thăng hoa.