TẠI SAO CHÚNG TA CẦN RÈN LUYỆN TRÍ TUỆ CẢM XÚC?
Ngày nay, mọi người thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, trong đó đa số vướng mắc đến từ mối quan hệ xã hội. Liệu trí tuệ cảm xúc sẽ giúp chúng ta tháo gỡ các vấn đề nan giải đó như thế nào?
Năm 1990 hai nhà tâm lý học John Mayer và Peter Salovey đề cập thuật ngữ trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence – EI) mô tả khả năng tự nhận thức, đánh giá và điều chỉnh cảm xúc của mỗi cá nhân. Loại hình trí tuệ này được đề cập phổ biến thông qua chỉ số cảm xúc (emotional intelligence quotient – EQ).
Nhà tâm lý học Howard Gardner định nghĩa rằng trí tuệ cảm xúc là khả năng thấu hiểu người khác về những động lực thúc đẩy họ làm việc hay hợp tác cùng bạn. Người có trí tuệ cảm xúc cao luôn hiểu rõ bản thân đồng thời có thể đọc vị cảm xúc của những người xung quanh.
Nhà tâm lý học Daniel Goleman đưa ra 5 thành tố quan trọng hình thành trí tuệ cảm xúc:
- Tự nhận thức: Chúng ta nắm vững ưu – nhược điểm cá nhân cũng như xu hướng phản ứng của bản thân trước các tình huống và con người cụ thể.
- Tự điều chỉnh: Khả năng quản lý suy nghĩ tiêu cực và thích nghi với sự thay đổi hoàn cảnh. Những người có kỹ năng tự điều chỉnh vượt trội sẽ cư xử thấu tình đạt lý, quản lý xung đột tốt và có khả năng chịu trách nhiệm cao.
- Động lực: Những người sở hữu trí tuệ cảm xúc cao sống rất lạc quan, mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực đồng thời có mục tiêu kiên định, rõ ràng.
- Sự đồng cảm: Những người nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn thường kết nối tốt hơn bởi họ có thể cảm nhận, dự đoán cũng như thấu hiểu nhu cầu và mối quan tâm của những người xung quanh.
- Kỹ năng xã hội: Chúng ta biết tôn trọng, hòa hợp, hỗ trợ, hợp tác với mọi người một cách hiệu quả.
Sức mạnh của chỉ số EQ
Những người thông minh về mặt cảm xúc thường cảm nhận sâu sắc nỗi đau khổ, sự mất mát cùng những thăng trầm trong cuộc sống của người khác. Với năng lực thấu cảm nội tại của mình, họ có thể thấu hiểu, xoa dịu và nâng đỡ những người xung quanh. Bên cạnh đó, họ cũng dễ dàng thích nghi hơn với sự biến đổi nhanh chóng của thời đại.
Việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc sẽ mang đến những lợi ích tuyệt vời trong mọi mặt đời sống của mỗi chúng ta. Khả năng đọc vị bản thân và người khác khiến bạn trở nên chủ động, độc lập và tự tin hơn trong mọi tình huống. Từ đó, cảm giác vui vẻ, hài lòng sẽ tạo ra nguồn động lực mạnh mẽ giúp bạn vươn đến sự nghiệp thành công và cuộc sống như ý.
Trong nhiều doanh nghiệp, nhân viên dưới trướng các nhà lãnh đạo thông minh về mặt cảm xúc có xu hướng hạnh phúc hơn. Họ cảm thấy hài lòng, gắn bó lâu dài và cố gắng hơn trong công việc. Giáo sư Daniel Goleman của Đại học Harvard nhận định: “90% yếu tố quyết định sự nổi trội trong sự nghiệp của các nhà quản lý là trí tuệ cảm xúc”. Một nghiên cứu trên 515 giám đốc điều hành cho biết, chỉ số EQ có thể dự báo thành công chính xác hơn hẳn kinh nghiệm hay chỉ số IQ. Hiện nay, khoảng 20% công ty, tập đoàn trên khắp thế giới đang áp dụng hình thức tuyển dụng nhân tài dựa trên đánh giá về chỉ số EQ.
Ngược lại, những người kém thông minh về mặt cảm xúc thường sống trong tâm trạng bất mãn, bực bội. Vì không thể kiểm soát tốt cảm xúc và hành động của bản thân nên họ có xu hướng lo lắng, thích đả kích người khác và hay suy nghĩ tiêu cực. Theo thời gian, mối quan hệ với những người xung quanh dần dần bất hòa, thậm chí rạn nứt, đổ vỡ.
7 bước nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc
Justin Bariso, tác giả cuốn sách EQ, Applied: A Real-World Approach to Emotional Intelligence, đã gợi ý 7 cách cải thiện trí tuệ cảm xúc, bao gồm:
1. Suy ngẫm về cảm xúc: Để phát triển trí tuệ cảm xúc, chúng ta cần chủ động theo dõi và phân tích suy nghĩ, thái độ cũng như phản ứng của bản thân trong từng tình huống cụ thể. Chỉ khi thực sự thấu hiểu cảm xúc cá nhân, bạn mới có thể kiểm soát được chúng.
2. Tham khảo góc nhìn từ người khác: Đôi khi, những điều chúng ta cảm nhận có thể khác biệt khá lớn so với thực tế. Trong cùng một tình huống, mỗi người sẽ đánh giá và tiếp nhận khác nhau. Vì vậy, để tránh cư xử nóng vội, bạn nên hỏi xin ý kiến của những người thân thương trước khi hành động.
3. Quan sát cảm xúc: Khi đã nâng cao sự tự nhận thức, chúng ta cần chú ý hơn đến những cảm xúc cá nhân.
4. Tạm dừng trong giây lát: Bạn nên dừng lại và cân nhắc thật kỹ trước mỗi quyết định của mình.
5. Đồng cảm hơn với mọi người: Hãy thử suy nghĩ từ lập trường của đối phương và cố gắng thấu hiểu họ.
6. Học hỏi từ những lời phê bình: Thay vì phản ứng gay gắt trước sự chỉ trích của người khác, chúng ta nên học cách tiếp thu đồng thời chủ động rút kinh nghiệm từ những sai lầm đã qua. Thông qua thói quen này, bạn sẽ rèn luyện được đức tính điềm tĩnh và khiêm nhường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét