Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

"Em sợ làm một học sinh giỏi vì quá nhiều áp lực"

 

"EM SỢ LÀM MỘT HỌC SINH GIỎI VÌ QUÁ NHIỀU ÁP LỰC"

Đó là câu nói của em Nguyễn Lê Thùy Linh (sinh năm 2005), một học sinh giỏi bị chính cái danh hiệu đó khiến em cảm thấy mệt mỏi và hối hận.

Em nói: "Em cảm thấy mệt mỏi và hối hận khi các bạn khác ngoài giờ học được đi chơi, tập luyện thể thao, đi ăn uống, thoải mái về thành tích học tập,... còn em phải cật lực ôn đội tuyển, quay mòng mòng bên các tập đề dày cộp, tất cả thời gian đều dành cho việc thi học sinh giỏi".

Đây không phải là suy nghĩ, tâm trạng của một mình Nguyễn Lê Thùy Linh, mà của nhiều em học sinh giỏi khác.

"Học phải đi đôi với hành. Học chỉ để đi thi lấy giải thì đó là hư danh, không giải quyết được vấn đề gì", đó là ý kiến của GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Và ông đề xuất nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi vì nó có hại: "Báo cáo hằng năm có bao nhiêu học sinh giỏi cấp tỉnh, bao nhiêu cấp huyện nhưng thực chất những giải thưởng đó không giải quyết được vấn đề gì. Thi học sinh giỏi chính là một tác nhân gây bệnh thành tích, đang "gặm nhấm" giáo dục".

Còn cách luyện "gà nòi" hiện nay là con đẻ của bệnh thành tích, là đưa một số học sinh vào học lệch.

Làm "gà nòi" để đem thành tích về cho nhà trường, cho cha mẹ thêm hoang tưởng con mình là "thiên tài".

Làm "gà nòi" để đeo cái mác học sinh giỏi, cùng với một đống áp lực như em Nguyễn Lê Thùy Linh chia sẻ.

Giáo dục phổ thông dựng lên các cuộc thi học sinh giỏi, chọn học sinh, tổ chức lớp, chọn giáo viên, luyện thi tốn rất nhiều thời gian và công sức có phải chỉ vì hai chữ "thành tích". Vậy thì có nên giữ nó hay cần một cách đánh giá khác?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét