Mối duyên với Việt Nam và cái tên đặc biệt của Aline Rebeaud
ALINE REBEAUD: NỮ HOÀNG CỦA NHỮNG TRÁI TIM CƠ NHỠ
Căn phòng lớn ở Trung tâm Chắp Cánh quận Bình Tân treo đầy những tấm bằng khen danh giá do Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký tặng. Bên dưới là cái tên: Aline Rebeaud. Cô là ai mà được trao cho vinh dự này?
Đang theo học Mỹ thuật tại quê nhà Thụy Sỹ, Aline Rebeaud lại bỏ ngang để du lịch khắp thế giới. Năm 1992, ở tuổi 20, với 1.000 đô-la Mỹ trong túi, Aline đã đặt chân đến Bắc Âu, Mông Cổ, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam. Tại Sài Gòn, cô tình cờ gặp một em bé Campuchia nghèo đói, mồ côi cha mẹ sau cuộc chiến Pol Pot. Thương tình, Aline chăm sóc em rồi nhận nuôi, đặt tên là Dũng.
Cơ duyên này đã đưa cô đến ý định thành lập nhà tình thương. Sau đó không lâu, cô lập nên Nhà May Mắn (Maison Chance) tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP. HCM.
Nhà May Mắn phát triển. Đến nay, cô đã mở tổng cộng bốn cơ sở với ba mô hình chính. Đó là Nhà May Mắn (nhà ở), Trung tâm Chắp Cánh (đào tạo nghề), Làng May Mắn (trường học, nhà ở).
Công nhận đóng góp to lớn của Aline đối với Việt Nam, năm 2018, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định cho phép Aline Rebeaud nhập tịch với cái tên thứ hai: Hoàng Nữ Ngọc Tim, chứng minh thư nhân dân của cô ghi phần dân tộc là “Thụy Sĩ”.
Toàn cảnh trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May Mắn tại Đắk Nông.
Mối duyên với Việt Nam và cái tên đặc biệt của Aline Rebeaud
Ngọc Tim bắt đầu câu chuyện bằng một kỷ niệm đáng nhớ thời thơ ấu.
“Trong một buổi sáng, mẹ đưa tôi đến nhà sách gần nhà. Mẹ để tôi xem sách thiếu nhi rồi sang khu sách người lớn. Một lúc sau, mẹ hoảng hốt vì cô con gái 10 tuổi bỗng dưng biến mất. Tìm mãi một lúc, bà phát hiện tôi đang đứng bên khu sách người lớn. Tôi say sưa ngắm nhìn một cuốn sách ảnh về chiến tranh Việt Nam năm 1951. Mẹ ngạc nhiên vì không hiểu đất nước xa xôi này có gì mà lại thu hút tôi đến thế”. Ngọc Tim bắt đầu câu chuyện bằng một kỷ niệm đáng nhớ thời thơ ấu.
Chia sẻ về cái tên Việt, cô kể, ở Việt Nam, cô gặp Thành, một cậu bé mắc bệnh tim “hết thuốc chữa”. Tim cố gắng đưa em đi chạy chữa khắp nơi. Đến bệnh viện tim mạch Nguyễn Tri Phương, các bác sĩ mới nhận điều trị. Sau ba tháng rưỡi, Thành dần hồi phục.
Lúc này, người nhà của bệnh nhân đã đặt cho cô cái tên Tim, đại diện cho hình ảnh trái tim, cũng như lòng nhân hậu. Cô chia sẻ: “Tên Tim ở phương Tây là tên con trai. Nên tôi thêm chữ Nữ. Ba từ trong họ và tên có đủ a, ư, i, nên tôi thêm chữ o là Ngọc. Còn họ Hoàng nghe rất hay”.
Nhà May Mắn cung cấp nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục và đào tạo nghề cho các đối tượng khó khăn. Đó là người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người bị tai nạn lao động rồi mất khả năng làm việc. Hiện nay, Nhà May Mắn đang có hơn 400 thành viên sống và sinh hoạt.
Tuy nhiên, Aline Rebeaud quan niệm làm từ thiện không có nghĩa mình sẽ nuôi sống những người khác cả đời.
Có một câu nói quen thuộc là: “Nếu bạn cho người đói một con cá, họ sẽ ăn trong một ngày. Nếu bạn dạy cho họ cách câu cá, họ sẽ có ăn mãi mãi”. Tim muốn những người bất hạnh lấy lại được danh dự và cảm thấy được hạnh phúc bằng cách làm việc. Sự lệ thuộc sẽ khiến cuộc đời vô nghĩa.
Với Tim, những người bị liệt chân vẫn có thể làm đồ thủ công mỹ nghệ, khâu vá bằng tay. Người liệt tay vẫn có thể vẽ tranh bằng chân, thậm chí bằng miệng. Tuy họ có hoàn cảnh khó khăn đủ mặt, nhưng Tim vẫn nhận vào trung tâm và đào tạo.
Khó khăn & thử thách
Ai cũng biết, Việt Nam có một hệ thống quy định, giấy tờ và thủ tục chặt chẽ. Một người ngoại quốc hòa nhập đã khó. Nói gì đến thành lập các tổ chức, mua đất xây nhà ở thiện nguyện… Tim chia sẻ: “Nói không phải khoe, chứ tôi được công an phường mời lên làm việc không phải là ít. Lúc trước, tôi còn cảm thấy khó khăn. Chứ bây giờ tôi quen rồi”, cô kể với tôi bằng giọng Việt Nam rõ ràng, rành mạch.
Tim bảo, người ta chất vấn, nghi ngờ cô cũng đúng thôi! Bởi khó ai tin được một người nước ngoài bỗng dưng tập hợp hàng trăm trẻ em mồ côi, người tàn tật để chăm sóc, nuôi dưỡng bằng cả tấm lòng như thế. Nhưng Tim chưa bao giờ bỏ ý định tiếp tục phát triển Nhà May Mắn, hay bỏ hết tất cả và quay về Thụy Sĩ. “Không ai khuyên tôi nổi đâu”, cô cười.
Nhà May Mắn: Gia đình thứ hai của Tim
Ở Việt Nam, Tim không thành lập tổ chức. Do đó, cô bay về Thụy Sĩ, đến các nước châu Âu khác như Pháp, Đức, Mỹ, Canada… để thành lập các tổ chức thiện nguyện. Rồi Tim quay lại Việt Nam và xây dựng Nhà May Mắn với danh nghĩa chi nhánh. Cách này vừa giúp cô hợp thức hóa hoạt động của Nhà May Mắn tại Việt Nam, vừa tạo cơ hội nhận tài trợ tài chính từ các quỹ từ thiện ở nước ngoài.
Hiện tại, mỗi tháng Tim mất khoảng 2 tỷ đồng để duy trì hoạt động tại các cơ sở nhà tình thương. Cô hợp tác với các công ty du lịch trong nước để giới thiệu các sản phẩm thủ công do người khuyết tật thực hiện đến với du khách. Hiện tại, Tim đang lên kế hoạch nghiên cứu chế tạo xe lăn trọng lượng nhẹ cho người tàn tật, mở trang trại nuôi ngựa ở Đắk Nông để hỗ trợ trị liệu.
Cho đi nhiều, có bao giờ Tim nghĩ đến gia đình của riêng mình? Cô trả lời: “Bây giờ, tôi không nghĩ đến việc kết hôn hay lập gia đình”. Nhà May Mắn, nơi những người con khác màu da gọi cô là mẹ Tim, dường như đã là gia đình thứ hai của cô. Đây là nơi gắn bó với Tim suốt 28 năm tuổi xuân, và sẽ tiếp tục bên cạnh cô nhiều năm về sau.
Do Trinh Huỳnh đăng 06-05-2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét