Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Sự dũng cảm đến từ sự yếu đuối

 

SỰ DŨNG CẢM ĐẾN TỪ SỰ YẾU ĐUỐI

Trong cuộc sống không thiếu những lúc chúng ta cảm thấy bản thân chìm vào ti tỉ cảm xúc tiêu cực vì điều gì đó. Nhưng trái lại, từ góc nhìn của người ngoài, họ có thể sẽ thấy bạn thật thu hút, thật giỏi giang. Hiện tượng quen thuộc này đã được giới Tâm lý đã đặt một cái tên riêng: "Beautiful mess effect" (Hiệu ứng Mớ hỗn độn xinh đẹp)

 

"Beautiful mess effect" là gì?

"Beautiful mess effect" từng được nhắc đến trong nhiều bài viết về tâm lý học nước ngoài nhưng lại chưa có thuật ngữ chính xác tại Việt Nam. Theo tiếng Việt, cụm từ "beautiful mess" nghĩa là "mớ hỗn độn xinh đẹp". Có thể hiểu đây là hiện tượng mâu thuẫn giữa cái nhìn tiêu cực của người trong cuộc và tích cực của người ngoài cuộc trong cùng một vấn đề.

 

Khi hành động đúng đắn nhưng đụng chạm đến "cái tôi" hoặc chẳng may thất bại, người ta sẽ dễ rơi vào "chiếc hố" mặc cảm. Đó chính là "mớ hỗn độn" của mỗi người. Nhưng ngược lại, đối với người ngoài cuộc (không bị tác động bởi "cái tôi”), họ có thể thấy được điều tích cực, sức hấp dẫn của một nhân cách tốt. Đây chính là yếu tố "đẹp" trong “beautiful mess effect”.

 

Có bao giờ bạn buồn đến cùng cực nhưng lại không thể tìm lời lẽ để biểu đạt nỗi buồn cho người khác? Có bao giờ bạn sợ hãi việc thú nhận rằng bạn rất thích một ai đó vì sự vô định trong câu trả lời của họ? Có bao giờ bạn sợ việc thú nhận lỗi lầm của mình vì bạn cho rằng người khác sẽ nghĩ bạn không tài giỏi, không có năng lực? Tất cả những nỗi sợ này đều được quy tụ lại trong một nỗi sợ to lớn vô hình, đó là nỗi sợ yếu đuối.

 

Mọi biểu tượng của sự yếu đuối như việc khóc khi nói về cảm xúc thật của mình, việc xấu hổ khi bị quê trước đám đông, hay việc tổn thương khi tình cảm không được đáp trả đều được não bộ của chúng ta lập trình rằng phải né ngay lập tức. Vậy nhưng yếu đuối có phải là một điều gì đó đáng coi thường, đáng trách và đáng bị tẩy chay hay không? Chúng ta sẽ cùng nhau giải mã cái mạnh mẽ, cái đẹp của sự yếu đuối trong cuộc sống.

Khi đặt mình vào tình huống bản thân phải yếu đuối, chúng ta cảm thấy việc yếu đuối là một điều tiêu cực và không muốn phải làm nó. Tuy nhiên chúng ta lại không đánh giá người khác tiêu cực khi họ yếu đuối. Vậy có nghĩa là chúng ta có xu hướng ghét bản thân yếu đuối hơn là khi người khác yếu đuối. và hành động khiến chúng ta cảm thấy yếu đuối nhất đó là phải xin lỗi trước và thú nhận rằng mình đã làm sai.

Nếu bạn là một người có xu hướng high-achieving tức coi trọng thành tích hay perfectionism hay chủ nghĩa hoàn hảo, việc mắc sai lầm hoặc hành động một cách hậu đậu hoặc ngốc nghếch có thể là một việc bạn luôn cố né tránh. Đó là bởi đây là những hành động có khả năng phơi bày điểm yếu của bạn cho người khác, một điều mà bạn vô cùng vô cùng không thích. Tuy nhiên, nghiên cứu của Aronson, Willerman & Floyd (1966) cho thấy, việc phơi bày sự kém hoàn hảo của bạn sẽ khiến người khác yêu thích bạn hơn.

 

Điều này có nghĩa rằng đôi khi sự không hoàn hảo, sự có chút yếu đuối ở bạn mới là thứ khiến người khác cảm thấy bạn thật con người, thật gần gũi và relatable (hay dễ thông cảm được).

Brown (2012) trong cuốn sách Daring Greatly có đề cập về cách ta nhìn nhận lỗi sai ở bản thân một cách tàn nhẫn hơn khi ta nhìn nhận sự yếu đuối đó ở người khác. Nguyên văn bà viết có thể dịch như sau: Chúng ta thích việc nhìn thấy sự thật trần trụi và cởi mở ở người khác nhưng lại sợ hãi việc để người khác nhìn thấy điều tương tự ở ta. Tôi muốn trải nghiệm cảm giác yếu đuối nhưng tôi không muốn yếu đuối. Sự yếu đuối ở bạn là sự dũng cảm nhưng lại là sự kém cỏi ở tôi. Tôi bị thu hút bởi sự yếu đuối ở bạn nhưng lại khước từ sự yếu đuối của chính mình.

 

Thiết nghĩ trong cuộc sống, chúng ta ai cũng sợ việc phải yếu đuối, cố né tránh những khoảnh khắc yếu đuối và nghĩ rằng tỏ ra mạnh mẽ đồng nghĩa với việc kiểm soát mọi việc trong đời. Vậy nhưng sự thật là yếu đuối mới chính là định dạng cao cấp nhất của dũng cảm. Chỉ qua việc chấp nhận sự yếu đuối và chân thật ở bản thân, chúng ta mới có thể kết nối và yêu thương nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét