Thạc sĩ Tâm lý Đinh Văn Thịnh, Giảng viên kỹ năng mềm, Phó Giám đốc kỹ năng và truyền thông hệ thống trung tâm ATC cho rằng, nhiều đứa trẻ học rất nhiều lớp kỹ năng sống nhưng vẫn thiếu tự tin, như cái cây 'cớm nắng' và không biết học để làm gì...
Trong giáo dục, không nên đánh đồng học sinh với nhau, mỗi đứa trẻ đều có một quá trình lớn lên và hình thành phát triển nhân cách khác nhau, năng lực và trí tuệ khác nhau.
Vì vậy, cần hướng dẫn và giúp các em khám phá bản thân, phát triển thế mạnh, động viên khích lệ các em sáng tạo trong học tập thay vì xem các em như nhau.
Nhiều đứa trẻ bị áp lực trong học tập vì thành tích, điểm số và sự kỳ vọng từ người lớn. Đặc biệt, người lớn hay so sánh con mình với con nhà người ta. Do đó, hiệu ứng "con nhà người ta" khiến không ít đứa trẻ mặc cảm, tự ti.
Chúng ta biết, mỗi đứa trẻ sinh ra không ai giống ai. Các em là duy nhất, việc người lớn bắt trẻ phải giống các bạn của mình là không thể, điều này khiến trẻ vô cùng áp lực và dễ đánh mất mình.
Gia đình cần khuyến khích và chỉ cho con mình biết lợi ích, tầm quan trọng của việc học để con cố gắng, tập cho con tự đặt mục tiêu để phấn đấu, có lộ trình rõ ràng để con dễ thực hiện.
Đồng thời, giúp con nhận diện thế mạnh và đam mê của mình, bằng cách cho con trải nghiệm với cuộc sống, tập cho con tính tự lập, cho con cơ hội, không gian để con có thể tìm tòi, sáng tạo và học tập.
Muốn có kỹ năng sống, người học cần phải đầu tư thời gian và công sức để rèn luyện, mỗi ngày một ít thì mới có được chứ không phải ngày một ngày hai.
Ngoài giờ học kỹ năng trên lớp được thầy cô hướng dẫn, phụ huynh cần quan tâm tạo điều kiện cho con mình có cơ hội thực hành các kỹ năng.
Ví dụ, với kỹ năng giao tiếp, phụ huynh cần hướng dẫn và tạo điều kiện cho con tiếp cận với bạn bè, những người chung quanh, để con có cơ hội giao lưu và trò chuyện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét