Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Đô thị phát triển, thị dân cả mừng lẫn lo

 

ĐÔ THỊ PHÁT TRIỂN, THỊ DÂN CẢ MỪNG LẪN LO

Nhà kinh tế học Edward L. Gleaser tại Đại học Harvard đã khẳng định rằng đô thị là nơi con người tập hợp với nhau trong một không gian chật chội nhưng trong sự chật chội ấy tồn tại một sự gần gũi. Ở đô thị, con người có thể giao thương và giao lưu với nhau với một tốc độ nhanh chóng với một lượng thông tin và hàng hóa khổng lồ, và đi kèm với đó là tạo ra một lượng lớn các công việc mang lại thu nhập cho người dân. Đô thị thông qua hệ thống nghề nghiệp để phục vụ các nhu cầu trong đô thị và cũng từ đó mà đời sống văn hóa được nảy sinh. Một đô thị sẽ thất bại khi các cư dân rời bỏ nó, để lại một thành phố chết với hệ thống công việc nghèo nàn và môi trường sống tệ hại.

Mô hình đô thị thất bại nhất dẫn tới sự rời bỏ của cư dân chính là mô hình đô thị công nghiệp.

Edward Glaeser đưa ra những con số gây kinh hoàng từ trường hợp đô thị công nghiệp ở Âu-Mỹ: “Tám trong số mười thành phố lớn nhất Hoa Kỳ trong năm 1950 đã mất ít nhất 1/6 dân số kể từ thời điểm đó tới nay. Sáu trong số 16 thành phố lớn nhất Hoa Kỳ trong năm 1950 – Buffalo, Cleveland, Detroit, New Orleans, Pittsburge và St. Louis – đã mất hơn một nửa dân số kể từ năm đó tới giờ.

Thời đại của các thành phố công nghiệp đã qua, ít nhất là đối với phương Tây, và nó sẽ chẳng bao giờ quay trở lại. Một vài đô thị công nghiệp gần đây đã xoay sở để tiến hóa từ sản xuất sản phẩm thành sản xuất ý tưởng, nhưng phần lớn trong số chúng vẫn tiếp tục sự suy thoái chậm rãi và không thể ngăn cản.”

Các đô thị này đều phục vụ chuyên biệt cho một tập đoàn hoặc một nhóm tập đoàn công nghiệp nào đó, và đến khi ngành công nghiệp ấy trở nên lỗi thời, đô thị không thể chuyển mình thay đổi kịp với thời đại mới và hậu quả khó tránh đó là sự sụt giảm kinh tế dẫn dến sụt giảm việc làm. Bên cạnh đó, do ưu tiên phát triển công nghiệp, môi trường sống của cư dân cũng không được chú trọng khiến điều kiện sống tồi và không có cơ hội cho cư dân nâng cao tay nghề cũng như kiến thức. Tất yếu, đô thị sẽ bị tụt lùi.

Ví dụ sống động nhất là thành phố Detroit: “Trong khoảng từ năm 1950 tới 2008, Detroit đã mất đi hơn 1 triệu người – 58% tổng số dân của nó. Giờ đây, 1/3 dân số Detroit thuộc diện nghèo đói. Thu nhập bình quân theo hộ dân của Detroit là 33.000 đô la mỗi năm, bằng khoảng một nửa so với mức bình quân toàn Hoa Kỳ.

Năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp của Detroit là 25%, cao hơn 9% so với tỷ lệ thất nghiệp của bất kỳ thành phố lớn nào và cao hơn 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp trung bình cả nước.

Năm 2008, Detroit có tỷ lệ giết người cao nhất Hoa Kỳ, cao hơn 10 lần so với tỷ lệ giết người của New York.

Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy đâu đó bóng dáng tương lai của các đô thị công nghiệp đang mọc lên như nấm tại Việt Nam từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay. Các khu công nghiệp được xây dựng, lôi kéo nhân công địa phương tham gia các ngành công nghiệp và trong tương lai sẽ là các cư dân của đô thị phục vụ cho khu công nghiệp ấy. Một điều dễ nhận thấy đây sẽ là những khu đô thị tập hợp các nhân công làm việc, với lượng giao thông bụi bặm do hệ thống vận tải phục vụ mục đích vận chuyển hàng hóa, kèm với đó là lượng rác thải & chất thải công nghiệp kết hợp với sinh hoạt mà không phải lúc nào cũng được ưu tiên để xử lý.

Khi người dân từ bỏ ngành nghề cổ truyền để chuyển hướng làm việc trong các nhà máy, họ sẽ chỉ chuẩn bị cho mình những kiến thức và kỹ năng ở trình độ thấp ở mức phù hợp. Nếu như trong tương lai, những ngành công nghiệp này bị đình trệ, một tương lai khó tránh đó là toàn bộ hệ thống công nghiệp này sẽ không chuyển mình kịp để tương thích, đặc biệt là với các ngành công nghiệp nặng.

Bên cạnh đó, môi trường sống tồi tệ có thể dẫn đến sự suy yếu về thể chất và suy giảm về năng lực học hỏi, càng giảm cơ hội cho sự phát triển của người dân cũng như của đô thị.

Những nhân công giỏi với kiến thức và kỹ năng tốt, chắc chắn sẽ chuyển tới các đô thị khác có các cơ hội tốt hơn cho họ, các ông trùm rồi cũng sẽ rời bỏ, các quan chức địa phương rồi cũng sẽ hết nhiệm kỳ, chỉ những người dân thụ động phụ thuộc vào định hướng phát triển do thượng tầng vẽ ra là phải chịu đựng viễn cảnh tồi tệ.

Tính toán tối ưu để đô thị có cơ hội giao thương nhanh chóng hơn, thông tin luân chuyển chính xác hơn, mức thuế ưu đãi hơn, giữ mức chi phí đời sống rẻ hơn… luôn là công thức mang tính giải pháp nhưng dường như các đô thị ở Việt Nam từ chối ứng dụng.

Nếu những người nghèo tìm đến các đô thị tạo ra công ăn việc làm cho người nghèo, thì những nhân công có trình độ cao hơn cũng luôn tìm đến các đô thị sẵn sàng trả mức lương tốt hơn cho họ và đáp ứng các nhu cầu lạc thú xa xỉ hơn.

Nhưng mức lương cao đã đẩy giá thành tại các đô thị này cũng theo đó mà ngày càng đắt đỏ, không chỉ giá các dịch vụ, lương thực thực phẩm, chăm sóc y tế,… mà ngay cả chi phí nhà ở cũng tăng cao.

Một trường hợp nghịch lý tương tự đó là các khu ngoại ô tập hợp nhiều người giàu “bỏ phố về rừng” để tránh xa các ồn ào và bụi bặm ở vùng nội đô của người nghèo, để tận hưởng một cuộc sống trong lành gần gũi thiên nhiên nhưng lại hủy hoại môi trường và tàn phá thiên nhiên hơn cả đời sống tại đô thị. Tất cả những điều này ngăn cản sức sống của đô thị.

Những đô thị thành công trong lịch sử như New York, Nagasaki, Bangalore, Thung lũng Silicon… tạo thành một trung tâm dân cư liên văn hóa, tạo ra liên kết tri thức và hợp tác phát triển toàn cầu.

Nếu một đô thị không thể thu hút những tài năng và tạo ra các tài năng mới, để liên tục kiến tạo và đổi mới, thì đô thị ấy, cho dù có nhiều phúc lợi xã hội cho người nghèo hay xây dựng các đặc khu xa xỉ cho giới thượng lưu hay nhộn nhịp hàng hóa vào ra,  thì đô thị ấy luôn ở trong vòng lặp của các nghịch lý và không tạo được những giá trị vững bền nội tại.

Đặc biệt, trong thời đại thông tin, trao đổi giá trị với toàn cầu đòi hỏi các đô thị luôn cần tối ưu hơn, tinh gọn hơn và thông minh hơn để các cư dân có thể vươn xa hơn, lành mạnh hơn và thịnh vượng hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét