Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

Phật dạy: Điều phục tâm ý mình

PHẬT DẠY: ĐIỀU PHỤC TÂM Ý MÌNH 

Suy cho cùng, mọi khổ đau hay hạnh phúc trong đời sống cũng đều từ tâm của chúng ta mà ra. ‘Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ’, ngược lại, khi trong lòng vui thì dù ngoại cảnh thế nào mình vẫn cảm thấy hạnh phúc. Vạn pháp duy tâm tạo là vậy.

Đạo Phật không dạy chúng ta điều khác ngoài việc hiểu về chính mình, về con người thật của mình. Chỉ khi hiểu được sự vận hành của tâm mình, chúng ta mới có thể điều phục được tâm.

Khi đó, chúng ta sẽ không cần phải tìm cầu hạnh phúc từ những thứ bên ngoài bởi đã khám phá được nguồn hạnh phúc nội tại sẵn có ngay trong tâm mình.

Giờ đây, tâm của chúng ta rất hoang dã, Phật dạy nó giống như con khỉ lăng xăng nhảy nhót liên hồi không yên. Chúng ta ngày đêm sống trong vọng tưởng, suy nghĩ miên man.

Tâm chúng ta bị xoay vần bởi ‘8 ngọn gió đời’ gồm: được - mất, vinh - nhục, khen - chê, khổ - vui. Vì không kiểm soát được tâm nên cả đời chúng ta chỉ chạy theo ngũ dục là tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ.

Nhưng đó chỉ là một cái vòng luẩn quẩn khiến chúng ta luôn cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó, và cảm giác bất mãn luôn trực chờ, bởi cũng giống như người uống nước biển, càng uống sẽ càng khát. Phật gọi đó là cách sống của kẻ dại, thiếu tỉnh thức. Nếu không quay vào trong tìm hiểu về tâm mình, điều phục tâm mình thì chúng ta trở thành những con rối bị những xúc tình phiền não tham sân si giật dây kích động, và đánh mất mình.

Bởi vậy, Phật dạy rằng chiến thắng vạn quân cũng không bằng chiến thắng tâm tham lam, sân hận, si mê. Rèn luyện và làm chủ được tâm là chiến thắng tối thượng.

Người trí phải học cách sống chánh niệm, phòng hộ tâm, trưởng dưỡng định lực, không để tâm buông lung phóng dật. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể làm chủ được lời nói, hành động của mình và sống một cuộc đời thực sự hạnh phúc và ý nghĩa.

Đạo Phật là đạo trải nghiệm và thực hành chứ không chỉ lý thuyết suông. Bởi vậy, bài kệ chỉ vẻn vẹn có 4 câu nhưng là tinh tuý của giáo lý nhà Phật mà chúng ta phải nỗ lực thực hành cả đời mới có thể chứng đắc được. Bởi vậy mà một đứa bé ba tuổi có thể biết nhưng cụ già tám mươi chưa chắc đã làm được.

Đạo Phật đề cao nhân quả, nếu chúng ta cứ tiếp tục gieo nhân ác, mà lại mong hái quả an lạc thì thật là ảo tưởng. Bởi vậy, tránh ác, làm lành, giữ tâm ý trong sạch là chúng ta đang gieo những hạt giống an lành để vun trồng hạnh phúc không chỉ cho đời sống hiện tại mà trong vô số kiếp tương lai.

Pháp Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét