Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

Nhạc sĩ Văn Cao và sự ra đời bài “Tiến quân ca”

 

NHẠC SĨ VĂN CAO VÀ SỰ RA ĐỜI BÀI “TIẾN QUÂN CA”

Những giai điệu hào hùng của bài Tiến quân ca, sau này được sử dụng làm quốc ca Việt Nam, đã được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trong những ngày mùa đông năm 1944, khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang sục sôi khí thế.

 

Đó là mùa đông rét mướt năm 1944. Nạn đói bắt đầu hoành hành. Người ta gom xác nạn nhân chết đói rải rác trên các vỉa hè và ngoài cổng chợ.

Tôi không có chăn đắp và cả ngày chỉ có một cái bánh nếp nhỏ bỏ bụng.

 

Ở quê, cả nhà tôi phải chịu cảnh đói khát. Mẹ tôi phải đưa mấy đứa cháu về Hải Phòng cho các ông anh tôi khi đó đang thất nghiệp.

Trên đường, có một em bé 3 tuổi đi lạc. Hẳn là em đã nằm xuống giữa những nạn nhân chết đói.

Tôi nhớ mãi tiếng em ríu rít và đôi mắt to tròn, trong veo như mắt một chú mèo con. Tôi đã khóc nhiều đến mức không còn giọt lệ nào để rơi trước cái chết của em. Tôi cũng tê liệt khi biết rằng mẹ tôi phải đào củ chuối và rằng cả nhà phải tràn ra đồng mò cua bắt ốc kiếm ăn.  

 

Những nỗi đau ấy khiến nước mắt tôi khô cạn và cổ họng tôi nghẹn đắng. Nỗi căm thù đối với đế quốc Nhật và Pháp, những kẻ gây ra nạn đói 1944-1945, lớn dần trong tôi. Và rồi nó bùng nổ trong những nốt nhạc của bài Tiến quân ca.

 

Anh Vũ Quý là công nhân một nhà máy và cũng là người bạn lâu năm của tôi. Mạng lưới bí mật của anh ở Hải Phòng bị cảnh sát phát hiện nên anh ra Hà Nội để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Cuối năm 1944, anh đến giao cho tôi nhiệm vụ đầu tiên và giúp tôi một khoản tiền nhỏ để xoay sở. Căn gác nhỏ của tôi trở thành lớp nhập môn chính trị và bản thân tôi cũng tham gia biên tập một tờ báo bí mật in ở một làng ngoại thành Hà Nội.

 

Một hôm, Vũ Quý bảo tôi rằng căn cứ du kích ở Việt Bắc đang củng cố. Trường cán bộ chính trị và quân sự chống Nhật sắp mở cửa. Vũ Quý đề nghị tôi sáng tác một bài cho các học viên tương lai của trường.

Tôi chưa nhận lời, nhưng các nốt nhạc đã lóe lên trong đầu. Tôi lang thang hết một buổi chiều trên những vỉa hè của Hà Nội, nhìn người qua lại và những ô cửa kính của các thư viện.

 

Khi đèn đường bắt đầu le lói, bài hát của tôi đã ra đời. Tôi viết bài hát lên một mẩu giấy, trên đường trở về căn gác nhỏ, nơi tôi nhìn qua cửa sổ và thấy bao cảnh tượng chết chóc và sự khốn khổ của kiếp người.

 

Bài Tiến quân ca được đăng trên báo “Độc Lập”.

Tôi đi công tác trước khi số báo này phát hành và một tuần sau mới về lại Hà Nội đã lắng nghe những âm thanh của bài Tiến quân ca lọt qua một ô cửa sổ không quen. Tôi thấy vài nốt không hài hòa lắm, nhưng sửa chữa thì muộn rồi vì bài hát đã được truyền tay hết người này sang người khác.

Dù quân Nhật cấm sao chép, bài hát vẫn tiếp tục lan truyền trong các nhóm quần chúng kích động vào đêm trước của cuộc nổi dậy lịch sử.

 

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, “bài hát Tiến quân ca đã vang lên giữa bầu trời Hà Nội…hàng ngàn giọng hát cất lên.

Tôi cố gắng lê cái thân ốm đau đến dự buổi mít-tinh. Lá cờ đỏ sao vàng vươn cao trên đám đông. Bài Tiến quân ca nổ ra như một trái bom.

 

Nước mắt tôi trào ra. Xung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất vang lên theo những đoạn sôi nổi. Trên tay áo, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

 

Hôm sau, tôi vẫn ốm và phải nằm nhà. Khoảng 20 đội viên Thiếu niên Tiền phong đến nhà xin tôi bản hướng dẫn biểu diễn. Tôi không có để đưa cho họ nhưng tôi giữ họ lại chốc lát để chỉ họ cách hợp xướng bài Tiến quân ca.

Liệu họ còn nhớ buổi sáng tháng 8 đầy nắng khi giọng ca của chúng tôi hòa vào nhau và cất lên thật cao để chào lá cờ Cách mạng lần đầu xuất hiện tại Hà Nội.


Ngày 19 tháng 8 năm 1945, lễ mít-tinh diễn ra tại Nhà hát lớn. Đội Thiếu niên Tiền phong hát vang bài Tiến quân ca. Hàng chục nghìn người hòa vào giọng hát. Họ lớn tiếng bày tỏ nỗi căm thù đối với thực dân đế quốc và niềm phấn khởi trước chiến thắng của Cách mạng.

 

Sau nhiều lần suýt ngã, cuối cùng tôi cũng đến được Nhà hát lớn. Tôi ngắm mình trong một tấm gương tại Phòng Gương. Mắt trũng sâu đến khó tin nhưng nụ cười rạng rỡ một lần nữa làm sáng bừng khuôn mặt hốc hác.

 

Bệnh của tôi cũng dần khỏi như có phép màu khi những khẩu hiệu cất lên từ biển người đổ về Nhà hát vào một ngày không thể nào quên khi dân tộc một lần nữa giành lại độc lập. 

 

Nguồn: https://archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/quoc-ca-viet-nam-qua-loi-ke-cua-nhac-si-van-cao.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét