Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

Giải mã tình yêu dưới góc nhìn khoa học

 

GIẢI MÃ TÌNH YÊU DƯỚI GÓC NHÌN KHOA HỌC

 

Ai cũng từng yêu ít nhất một lần trong đời. Nhưng liệu rằng, có phải tình yêu chỉ gói gọn trong những cảm xúc nồng ấm và ủy mị? Hay có chăng, chính những phản ứng hóa học của não bộ mà ta cho là khô khan lại chính là nhân tố tạo nên những cảm xúc đó?

 

Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình đã từng trăn trở: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. Hay cũng có khi chính ông lại cảm thán: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”.

Còn nữ sĩ Xuân Quỳnh lại đau đáu kiếm tìm nguồn gốc của tình yêu: “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”.

 

Tình yêu quả thật khó có thể tìm ra một định nghĩa chính xác, bởi mỗi người trong chúng ta lại có một cách lý giải riêng cho mình. Vậy còn khoa học thì nói gì?

Tiến sĩ Gabija Toleikyte – nhà thần kinh học hiện đang giảng dạy tại Đại học Sheffield Hallam, Anh – lý giải rằng tình yêu được sinh ra từ nơi sâu kín nhất trong tiềm thức của chúng ta. Bà cũng cho rằng:

 

“Tiềm thức là nơi chứa đựng thông tin nhiều gấp 10 lần so với phần não lý trí. Vì vậy, khi bắt đầu yêu, tưởng chừng như đây là một trải nghiệm nhất thời, nhưng bộ não phải làm việc cật lực để tính toán và tạo ra cảm xúc đó”.

 

Tiến sĩ, nhà nhân chủng học Helen Fisher cho rằng tình yêu đơn giản là “sự di truyền căn bản đã được tiến hóa từ hàng triệu năm nhằm cho phép chúng ta tập trung vào một đối tượng duy nhất để bắt đầu quá trình giao phối”.

Về mặt khoa học, mục đích cuối cùng của tình yêu là tìm một bạn đời lý tưởng, đảm bảo quá trình sinh sản và chăm lo cho con cái.

 

Dù rằng những văn nhân, thi sĩ đã đưa ra nhiều định nghĩa thi vị về tình yêu, nhưng với khoa học, tình yêu xuất phát từ những thay đổi hóa sinh diễn ra trong não bộ. Theo những nghiên cứu của tiến sĩ Helen Fisher đến từ đai học Rutgers, tình yêu bao gồm 3 phạm trù được vận hành bởi hormone và các chất hóa học của não. 3 phạm trù cơ bản bao gồm:

 

Sự ham muốn, sự thu hút, và sự gắn kết.

 

- Sự ham muốn chính là nguồn gốc của nhu cầu sinh sản, là dấu vết còn để lại từ quá trình tiến hóa. Nhờ vậy mà chúng ta có thể đảm bảo yếu tố di truyền về gene và duy trì nòi giống.

 

- Sự thu hút là thành phần quan trọng của tình yêu. Khi ta bị thu hút bởi một ai đó, thì những cảm xúc hồ hởi sẽ dâng trào bên trong cơ thể và tâm trí sẽ bị xâm chiếm bởi hình bóng của người mà ta thích, từ đó thôi thúc một sự kết nối về mặt tình cảm với đối tượng.

Có lẽ đây là lý do vì sao trong giai đoạn đầu của mối quan hệ, hay còn được biết đến là giai đoạn trăng mật, người ta thường cảm thấy say mê và diệu kì.

 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, vùng tưởng thưởng (reward center) trong não hoạt động tốt nhất khi ta trông thấy một hình ảnh gợi cho chúng ta nhớ về người mà mình bị thu hút. Tuy nhiên, điều này sẽ làm giảm hàm lượng serotonine, một chất hóa học làm ảnh hưởng xấu đến tâm trạng và giảm cảm giác ăn uống.

 

- Sự gắn kết là yếu tố cuối trong ba phạm trù của khoa học tình yêu. Đây là yếu tố đảm bảo cho một mối quan hệ bền vững ở con người, thể hiện qua sự gắn kết về mặt cảm xúc, cảm giác an toàn và bình yên.

Ở loài chim và động vật có vú, sự gắn kết thể hiện qua việc bảo vệ lãnh thổ, nguồn thức ăn chung, làm giảm căng thẳng trong cộng đồng và phân chia công việc chăm sóc con non.

 

Khác với sự ham muốn và sự thu hút chủ yếu xuất hiện trong mối quan hệ tình cảm, sự gắn kết còn bao gồm mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, tình bạn, quan hệ xã hội và các mối quan hệ thân thiết khác.

Não bộ của chúng ta phân chia rõ ràng giữa sự ham muốn, sự thu hút và sự gắn kết, đó là lý do vì sao chúng ta không thể có cảm xúc lãng mạn với gia đình hoặc bạn bè.

 

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, người ta có thể bị thu hút bởi một người hoàn toàn lạ mặt chỉ sau một cuộc trò chuyện sâu sắc kéo dài 30 phút. Thậm chí, một cặp đôi đã đi đến hôn nhân sau khi tham gia nghiên cứu này.

Cả ba quá trình trên tuy hoạt động đơn lẻ nhưng lại có sự liên kết, mang lại cho chúng ta trải nghiệm tuyệt vời của tình yêu.

 

Những phát hiện từ nghiên cứu của tiến sĩ Helen Fisher chỉ ra rằng:

“Sự ham muốn phát triển để dành cho mục đích giao phối với đối tượng phù hợp; sự thu hút phát triển để cho mỗi người có thể chọn được bạn tình mình yêu thích, từ đó tiết kiệm được thời gian và công sức trong quá trình giao phối; sự liên kết giữa nam và nữ tiến hóa để mỗi người hợp tác với một bạn tình sinh sản cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ làm cha làm mẹ của một giống loài”.

 

Tuy nhiên, để phát triển mối quan hệ tình cảm còn cần rất nhiều yếu tố, không phải chỉ hoàn toàn lệ thuộc vào yếu tố hóa sinh của não. Những yếu tố đó bao gồm tính cách, ngoại hình, mùi hương, kỹ năng giao tiếp, khí chất ở một người.

 

Cho dù có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện, những gì chúng ta biết được về tình yêu quả thực còn rất ít.

Thế nhưng, mỗi người trong chúng ta sẽ tự có cho mình những định nghĩa riêng về tình yêu, dựa trên những cảm xúc và trải nghiệm của bản thân mà không cần đến những định nghĩa vĩ mô của khoa học.

 

Cuối cùng, dù rằng những chất hóa học trong não đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể làm chủ mối quan hệ của mình và khiến nó ngày một tốt đẹp hơn.

 

Chúc các bạn luôn hạnh phúc và có những phút giây đầm ấm bên cạnh người mình yêu thương.

 

Tham khảo: The minds journal

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét