PHẬT DẠY “ĐẠO ĐỨC TRONG KINH DOANH”
Khi đạo đức được hiểu là đồng nghĩa với hạnh phúc thì chúng ta sẽ dễ hiểu đạo Phật là đạo hạnh phúc. Vì giáo lý Phật pháp chính là con đường đạo đức giúp con người loại trừ khổ đau để đạt được hạnh phúc.
- Hòa thượng Thích Thanh Hùng: Chúng ta cũng biết là đạo Phật được Đức Thích ca mâu ni khai sáng khi ngài đi quá độ truyền đạt 2 lĩnh vực, một là lĩnh vực của hàng xuất gia và thứ 2 là thiền môn hưng thịnh, cũng như là xã hội hưng thịnh.
Đức Phật cũng hướng dẫn cho các vị vua, quan, dù là lãnh đạo cấp nào cũng không rời kinh tế. Khi nói tới đạo đức thì Đức Phật đã xác lập ra đạo đức của người cư sĩ, trong đó có 5 giới, sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, say xỉn là 5 cái đạo đức tương đương với 5 phúc.
Mỗi cái đức là 1 cái phúc. Trở ngại nhất là giới thứ 4, nói dối, mà không nói dối thì kinh doanh không được, đấy là 1 cái sai lầm. Đạo đức tức là chân thật, người có đạo đức là người có chân thật, người buôn ít bán nhiều, bất cứ cái gì cũng là đạo đức, nhưng cái chân thật đó là không có lừa dối, không gạt người ta mà gọi là thuận thời, thuận mua, thuận bán.
Trong kinh doanh, Đức Phật luôn luôn khuyến khích những nhà doanh nghiệp nên thọ giới, giữ giới mà vẫn phát triển kinh tế, vì chân thật bất hư, xây dựng niềm tin không có dễ.
Phát tâm bố thí, giúp người khác thoát nghèo, nhưng Đức Phật khuyến khích không thể thoát nghèo bằng cách cứ cho hoài. Ông bà ta nói rồi, cho cái cần câu chứ không cho con cá.
Nhất là nhà nước ngày nay khuyến khích xóa đói giảm nghèo, tức anh phải có cái lực, muốn nhận được thì phải mua, phải bán, phải làm thì mới xóa được cái đói. Còn nếu chỉ ngồi đấy nhận thì mãi mãi vẫn đói, cái đó là bố thí kiểu nhỏ.
Như Đức Phật nói bố thí kiểu Bồ tát là lập doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, sản phẩm, trong khi đó doanh nghiệp lớn tới hàng ngàn công nhân làm ăn ổn định, gia đình ổn định, phát triển xã hội ổn định, đấy là kinh doanh kiểu Bồ tát.
Đừng nói là tôi quy y, tôi về chùa tôi không dám buôn bán, kinh doanh vì kinh doanh là phạm tội, đó là thiếu hiểu biết.
Phật luôn từ bi, từ bi nghĩa là yêu thương, Cho nên lãnh đạo doanh nghiệp đối với công nhân phải biết yêu thương, phải coi công nhân như chính mình thì công nhân mới coi lãnh đạo như người thân.
Như vậy, người ta mới dốc tâm cống hiến phát triển doanh nghiệp. Còn lãnh đạo coi công nhân như người làm công trả tiền thì người ta lại coi là làm nhiệm vụ, không có nghĩa tình gì hết, không có đạo đức.
Ví dụ: những người Nhật đầu tư ở Việt Nam rất thành công vì họ luôn lắng nghe. Những doanh nghiệp khác có công nhân đi làm trễ hay có chuyện gì đó nên làm việc không tập trung thì sếp thường phê phán, trách móc đủ thứ nhưng lại không tìm hiểu tại sao. Còn người Nhật, họ tìm hiểu, rồi hỗ trợ lại, người làm công khi ấy họ biết ơn, họ nhiệt tình trong công việc thì đấy là đạo đức.
Cho nên, Đức Phật đề xuất là yêu thương, mà yêu thương tức là từ bi, từ bi cần phải có trí tuệ tất cả chúng sinh đều là bạn hữu, lòng yêu thương cần được ví như ánh mặt trời tỏa khắp, không phân biệt người hay vật, thân sơ hay giàu nghèo, đó mới là con của Phật.
Đức Phật khuyến khích phải nhận thức phàm làm việc gì phải xét đến hậu quả của nó, mà làm gì là cái nhân, kết quả là hậu quả. Mình chửi người ta nhưng mình xét lại mình chửi người ta có lợi gì, mình ỷ mạnh đánh người ta nhưng phải xét đánh người ta có lợi gì. Cho nên phải dùng trí tuệ, lấy ba cái trụ là Bi, Trí, Dũng, 3 cái đó hợp lực mới tác động được.
Đạo đức của những nhà doanh nghiệp cần có thêm hiểu biết phát triển để lợi mình, lợi người, lợi xã hội. Đừng nói gì lớn lao quá mà phải từ những hành động nhỏ bé.
Trong cuộc sống thương trường đầy biến động theo từng cơn lốc xoáy, và cũng thật là mong manh phù du, các doanh nhân hãy tịnh tâm, kiên định để luôn nhìn đến những điều thật ý nghĩa, những giá trị nhân văn giữa trần gian để hướng tới miền ánh sáng tinh thần cao đẹp của Phật pháp và hưởng niềm hạnh phúc vô biên.
Nhân bản, bình đẳng, từ bi, vô ngã là những chân lý Phật giáo rất cần thiết cho mọi người thực hành hàng ngày để tạo hạnh phúc thật sự cho bản thân.
Ảnh: Hòa thượng Thích Thanh Hùng thuyết giảng
Trích Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập mạn đàm với Hòa thượng Thích Thanh Hùng - Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử, TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam về chữ phúc và chữ đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét