“Bạn có tham phần vào Chiến thắng?” “Mỗi khu vườn là một nhà máy đạn dược” – thúc đẩy lao động nông nghiệp lấy phụ nữ làm đối tượng tuyên truyền
TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG PHỤ NỮ
TRONG THẾ CHIẾN II
Sự thay đổi vai trò của phụ nữ trong Thế chiến II, đặc biệt thể hiện qua cách các quốc gia vận động các nữ công dân. Cụ thể, chúng ta xem xét trường hợp của Mỹ, Anh, và Nga.
Sự thay đổi vai trò giới ngày càng khác biệt
Phụ nữ Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, cả ở nhà và khi làm nhiệm vụ.
Khoảng 5 triệu công dân nữ đã phục vụ trong công nghiệp quốc phòng và các vị trí khác trong các lĩnh vực thương mại với mục đích thay thế cho những người đàn ông giờ đảm nhiệm vai trò chiến đấu ngoài chiến trường.
Khoảng 350,000 người phụ nữ Mỹ đã khoác lên mình những bộ đồng phục, cả trong nước và ở nước ngoài, tình nguyện tham gia Lực lượng Phụ trợ Quân đội của Phụ nữ mới thành lập – sau đó được đổi tên thành Quân đoàn Phụ nữ (Woman Army’s Corps – WAC)
– Lực lượng Dự bị Nữ Hải quân, Lực lượng Dự bị Nữ Thuỷ quân lục chiến, Lực lượng Dự bị Nữ Cảnh sát bờ biển, Lực lượng Dự bị Nữ Phi công, Lực lượng Nữ Quân y, và Lực lượng Nữ Quân y Hải quân.
“Hãy trở thành một y tá” “Đất nước của bạn cần bạn” – Mô típ câu tuyên truyền phổ biến
Một số phụ nữ phục vụ sát ngay tiền tuyến trong Lực lượng Nữ Quân y, nơi 16 người đã hy sinh do trúng đạn trực tiếp. Sáu mươi tám nữ quân nhân đã bị bắt làm tù binh ở Philippines, hơn 1600 y tá đã được tăng thưởng huân chương vì lòng dũng cảm và công sức đóng góp, 565 thành viên WAC đã giành được huân chương chiến đấu.
Các nữ y tá đã có mặt ở Normandy chỉ bốn ngày sau khi cuộc đổ bộ bắt đầu (cuộc đổ bộ tháng 6 năm 1944 của phe Đồng Minh vào năm điểm bờ biển khác nhau ở Normandy, Pháp).
Quả thực là như vậy, phụ nữ, đặc biệt là tại Mỹ, có một vai trò cực kỳ quan trọng trong thế chiến II, “tạo ra sự khác biệt làm nên thắng thua của các quốc gia”. Đất nước này đã vận động hiệu quả phụ nữ tham gia chiến tranh trên mọi mặt trận: từ gia đình ra chiến trường.
Họ không còn chỉ là đại diện cho bất cứ điều gì, là phần thưởng hay thứ yếu đuối cần đàn ông bảo vệ nữa – họ mạnh mẽ và họ cùng chiến đấu.
Bởi thế, thập kỷ 1940 đã chứng kiến những bước ngoặt lớn trong vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Khi phụ nữ Mỹ được kêu gọi hành động cho đất nước của họ khi bắt đầu chiến tranh, dân chúng đã có phản ứng cảm xúc lẫn lộn.
Hầu hết phụ nữ không cần thuyết phục – với việc chồng của họ phải ra trận, nhiều người trong số họ đột nhiên trở thành người duy nhất nuôi gia đình – nhưng những phụ nữ khác lại do dự vì nhiều lý do.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ biết rằng phụ nữ rất cần thiết nếu muốn thành công với nỗ lực chiến tranh và đã tung ra nhiều tuyên truyền thuyết phục về giá trị của phụ nữ trong thời chiến. Tính nữ được gắn với “Chiến thắng” (Victory).
Để giúp thuyết phục phụ nữ đóng góp vào chiến tranh, một số tuyên truyền được tạo ra nhắm mục tiêu cụ thể vào nỗ lực hàng ngày của các bà nội trợ. Tình trạng thiếu hụt hàng hoá xảy ra ở mọi quốc gia. Nam giới phục vụ ở tiền tuyến, và phụ nữ nhận trách nhiệm “kiểm soát dòng hàng hoá”.
Các chính phủ cũng khuyến khích phụ nữ trồng trọt tại nhà.
Khi cánh nam giới tình nguyện hoặc bắt buộc nhập ngũ, nước Anh cần thay thế họ trong lao động cần thiết thường nhật để duy trì hoạt động của đất nước.
Do vậy, phụ nữ bắt đầu đóng nhiều vai trò vốn của đàn ông: làm việc trên xe lửa, xe buýt, sà lan, hoặc làm cảnh sát.
Công nghiệp sản xuất vũ khí và thực phầm cần phụ nữ hơn bao giờ hết. Bộ Thông tin Anh Quốc đã tạo ra những chiến dịch tuyên truyền mới nhắm vào phụ nữ nhằm thúc đẩy sản lượng nông nghiệp và công nghiệp, cũng như gia tăng phòng thủ dân sự.
Hầu hết phụ nữ Anh tình nguyện tham gia chiến tranh đều gia nhập Quân đoàn trên bộ của phụ nữ (Women’s Land Army – WLA) hoặc đội dân phòng.
WLA đào tạo phụ nữ ở các thị trấn và thành phố về lao động nông nghiệp. Các dịch vụ phòng thủ dân sự chính là đội Phòng ngừa Không kích (Air Raid Precautions – ARP), cứu hoả, và Đội Tự nguyện Phụ nữ (Women’s Voluntary Services – WVS), bao gồm các công việc hành chính văn phòng, đội bơm, tổ chức sơ tán, trú ẩn, trao đổi quần áo, và căng tin di động.
Vào tháng 12 năm 1941, tất cả các phụ nữ Anh độc thân độ tuổi 20-30 (sau đó thậm chí mở rộng thành 19-43) bắt đầu phải tham gia các công việc chiến tranh.
Họ làm việc trong các nhà máy, ngoài đồng, hoặc trong các lực lượng vũ trang. Các chi nhánh dành cho nữ của Đội Hỗ trợ Dịch vụ Lãnh thổ (Auxiliary Territorial Service – ATS) và Đội Hỗ trợ Vận tải Hàng không (Air Transport Auxiliary – ATA) ra đời.
Phụ nữ không được phép tham gia trực tiếp vào chiến trường, nhưng vẫn làm các công việc quan trọng như đầu bếp, thủ kho, sĩ quan trật tự, lái xe, bưu tá,… và sau này là nhân viên điều hành radar và thành viên tổ súng phòng không.
Ở Mỹ, những nàng “chiến binh sản xuất” với quan điểm “sản xuất là cốt lõi của chiến thắng, và phụ nữ là nòng cốt của sản xuất”, hình ảnh mà người phụ nữ đã là và có thể là trong chiến tranh cũng được đẩy mạnh bởi những nữ công dân tham gia vào các đội hỗ trợ quân sự. Tất cả các nhánh của quân đội Hoa Kỳ đều có phụ nữ tham gia.
Phụ nữ Nga và tuyên truyền
“Vì Đất Mẹ!”
Từ thời Trung Cổ, hoá thân truyền thống của nước Nga đã là hình tượng người phụ nữ và thường là người mẹ. Hai khái niệm phổ biến là Mẹ Nga (Матушка Россия) và Tổ quốc – người Mẹ (Родина-мать) hay Đất Mẹ.
Sau Cách mạng tháng Mười Nga và trong thời kỳ nội chiến Nga, một số lực lượng chống Bolshevik đã dùng hình ảnh này để tuyên truyền về nước Nga tiền-cách mạng.
Tuy nhiên, vào thời kỳ Xô-Viết, chính những người Bolshevik lại tận dùng hình ảnh “Đất Mẹ”, đặc biệt là trong Thế chiến II.
Hình ảnh Mẹ Nga và hình ảnh người phụ nữ Nga trong tuyên truyền trông khá giống nhau. Họ đều khơi gợi cảm giác của một người mẹ và một người lao động, gắn với những lời hứa và ngợi ca đất nước Nga. Tuyên truyền Nga đưa ra những thông điệp về nghĩa vụ lao động và chiến đấu chung của từng công dân cũng như hình ảnh tích cực, hứa hẹn về tương lai tốt đẹp.
Phụ nữ Nga trong tuyên truyền đang học đọc, làm việc trong các nhà máy, bệnh viện, hoặc trường học. Họ cũng được mô tả là người mẹ, người vận động viên, và người thợ may... Họ được khuyến khích tham gia lao động trong nhiều ngành nghề, cùng góp sức vào nỗ lực xây dựng đất nước Xô-Viết.
Hương Mi Lê dịch, tổng hợp, và viết, với các nguồn tham khảo thư viện của Đại học Texas, thư viện Toledo, trang thông tin của bộ Quốc phòng Mỹ, Wikipedia, và các nguồn khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét