Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

TS. Lê Bá Khánh Trình và sự nghiệp dẫn dắt học sinh đi thi đấu quốc tế.


HUYỀN THOẠI TOÁN HỌC VIỆT NAM – TS. LÊ BÁ KHÁNH TRÌNH VÀ SỰ NGHIỆP DẪN DẮT HỌC SINH ĐI THI ĐẤU QUỐC TẾ.

 

Cách đây 43 năm ở thủ đô nước Anh, Lê Bá Khánh Trình - khi đó vẫn là một cậu học trò 17 tuổi đại diện cho đội tuyển Việt Nam đã đoạt giải Nhất trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) với số điểm tuyệt đối 40/40. Trở về với loạt thành tích ấn tượng, Lê Bá Khánh Trình được truyền thông ưu ái gọi với biệt danh là "cậu bé vàng Toán học".

 

Suốt nhiều năm qua, thầy miệt mài dìu dắt những thế hệ học sinh tài năng của Việt Nam đi thi tại đấu trường quốc tế. Có lẽ với thầy Trình, nhìn thấy học trò tiến bộ hơn từng ngày đem lại ý nghĩa chẳng kém hơn việc tự mình phát hiện những công trình nghiên cứu phức tạp.

 

Nhiều người cho rằng cách lựa chọn đội tuyển thi đấu quốc tế của nước ta còn mang tính "luyện gà", cốt yếu chỉ để có thành tích cao. Thầy nhận định sao về quan niệm này?

Theo tôi, quan niệm này tồn tại cũng lâu rồi. Bây giờ không biết ai luyện nhiều hơn ai. Tôi đánh giá nước ta "luyện gà" ở loại trung bình, không cao, không thấp. Bởi các em học chủ yếu học ở trường. Học sinh nào say mê Toán thì trường mới tập hợp thành đội tuyển thi quốc gia. Thi quốc gia sau đó mới chọn đội tuyển thi quốc tế. Tập trung xong đội tuyển thì chỉ còn chưa đầy 2 tháng cho các em ôn luyện thêm.

 

Còn nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ… trong năm học sinh của họ đã được được tập trung ở một nơi. Ban đầu họ tập trung khoảng 30 em. Sau đó học sinh được học tập và thi thường xuyên, từ đó lựa chọn đội tuyển dần dần. Còn những nước châu Á khác thì truyền thống luyện học sinh giỏi của họ thì khỏi phải nói.

 

Riêng từ "luyện gà", tôi nghĩ nên dùng từ nhẹ nhàng hơn. Bây giờ có nhiều "gà" khác cao thủ hơn "gà" mình nhiều, họ luyện ghê hơn mình. Vì họ nghĩ đi thi phải làm cho học sinh ngẩng mặt lên một chút. Đi thi quốc tế thì phải cố rèn luyện ngang sức ngang tài người ta, để không bẽ mặt với các nước khác, chứ sao lại bảo không cần thành tích được?

Quan niệm "luyện gà" có thể tồn tại cách đây 20 - 30 năm, khi những nước đó chưa chú trọng lắm vào kỳ thi thì mình đã tập trung hơn họ rồi. Còn bây giờ thì ngược lại. Trong khi "gà" của nước người ta được chăm chút hơn thì mình chỉ làm ở mức độ vừa phải.

Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, cá nhân thầy nhận thấy giữa một học sinh học Toán ở bậc phổ thông và một học sinh học Toán để thi quốc tế có gì khác nhau?

Với học trò phổ thông, thầy cô chủ yếu giảng dạy bài toán chuẩn mực, kiến thức nhẹ nhàng. Mục đích chủ yếu là giúp em hiểu công thức, áp dụng được để thi Đại học và các bài thi phổ thông khác.

Còn những bạn thi học sinh giỏi quốc tế, phương pháp giáo dục họ lại khác hẳn. Kiến thức Toán học đi sâu hơn không chỉ đòi hỏi các em nắm được vấn đề, mà còn phải tư duy. Để giáo dục các bạn học sinh giỏi thì cần tạo cho họ một sự say mê. Điều này không khó vì bản thân những bài toán hay có thể tạo cho em nhiều hứng thú, cũng như rèn luyện tư duy tốt.

 

Về đời sống tinh thần, bên học sinh học phổ thông có thể thoải mái hơn rất nhiều. Các em học "vừa phải", do đó có điều kiện để tiếp thu những thứ khác chẳng hạn như âm nhạc, thời trang, kể cả trò chơi điện tử… Còn những em thi đấu quốc tế phải rèn luyện nhiều hơn, chấp nhận từ bỏ thời gian tận hưởng cuộc sống không nhiều bằng học sinh phổ thông.

 

Học sinh ngày nay có những sai lầm nào khi học Toán, thưa thầy?

Đầu tiên là vấn đề tâm lý. Có nhiều em thấy Toán là sợ, nhưng nếu cho các em làm dạng bài bình thường trong suốt thời gian dài, các em sẽ dần tự tin. Và khi vượt qua được trở ngại tâm lý thì kết quả học Toán cũng tốt lên.

 

Thứ hai là nhiều em chưa cẩn thận. Toán học là những con số, khi làm xong thì cần kiểm tra lại vì môn này rất dễ nhầm. Nhưng có những em lại chủ quan, không thèm kiểm tra lại đáp án. Chẳng hạn nếu bài toán được 10 điểm, các em có thể chỉ được 5 điểm vì mắc lỗi sai ngớ ngẩn.

 

Thầy có lời khuyên nào giúp các em hết sợ môn Toán không, thưa thầy?

Những bạn đã học giỏi Toán rồi thì tôi không nói ở đây. Tôi nghĩ tình yêu phải bắt đầu từ hiểu vấn đề. Hiểu ở đây là học sinh hiểu công thức, kết quả tương đối đạt 7-8 điểm là được rồi, chứ đừng vội bắt các em tìm hiểu quá sâu sắc về lý thuyết, nền tảng này nọ.

 

Khi đó, vai trò của giáo viên rất quan trọng. Thầy cô phải đưa những dạng bài vừa sức với các em, dạy thế nào phải kiểm tra đúng cái đó, các em đạt được điểm cao thì mới tự tin học Toán. Đã có tự tin thì các em sẽ dần học tốt thôi.

 

Giữa học sinh chăm chỉ và học sinh thông minh, có năng khiếu, thầy thích giảng dạy ai hơn?

Em nào cũng được. Miễn em đó tích cực tham gia thảo luận trên lớp cùng tôi.

Theo Thể thao văn hoá 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét