Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

“Yêu” và “Thương” - “In Love” and “Love”

“YÊU” VÀ “THƯƠNG” - “IN LOVE” AND “LOVE”

Cách đây không lâu, một người bạn đồng nghiệp của tôi khoe ảnh cháu ngoại, cháu nội mới nhận được và nói một cách đầy hứng thú và nhiệt tình: “I’m just in love with …!” Tôi ngạc nhiên nhìn bà hỏi: “Tại sao bà nói là “in love” thay vì “love”? Bà suy nghĩ một lúc và trả lời: “Mỗi lần tôi biết có cháu sắp đến chơi là tôi vui lắm, cả ngày tôi chỉ mong đến chiều về để tôi gặp cháu.

Khi đi shopping, tôi toàn nghĩ đến cháu và lựa áo quần đẹp cho chúng. Mỗi lần tôi nghe cháu bệnh là tôi lo lắng, gọi điện thoại thăm hỏi liên tục!” Bà ngưng một lúc rồi tiếp lời: “Lúc con tôi còn nhỏ, khi chúng còn là baby tôi cũng cảm thấy y như vậy.

Lúc nào tôi cũng nghĩ đến con và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ con tôi và cho chúng được sung sướng hạnh phúc. Bây giờ thì tôi vẫn ‘love’ con tôi nhưng tôi thật sự là ‘in love’ với cháu tôi!” Lời chia sẻ của bà bạn làm chúng tôi suy nghĩ về sự khác biệt giữa hai trạng thái “love” và “in love” – bình thường chữ “in love” chỉ dùng trong sự liên hệ tình cảm giữa nam và nữ lúc hai người mới yêu nhau.

Khi ấy tình cảm họ còn đang nồng nàn, sôi động, lúc nào cũng muốn gần nhau; trong mắt họ, không ai đẹp hơn người mình yêu; người kia làm gì, nói gì người nọ cũng thấy hay và hấp dẫn hết. Hai người đang yêu nhau cũng dễ sẵn sàng hy sinh cho nhau, kiểu Romeo và Julliette.

Chúng tôi nhớ lại lúc con mình còn bé dại và hồi tưởng lại cái cảm xúc hạnh phúc lúc bồng bế con trong tay và cái cảm tưởng là không ai đẹp hơn con mình và mình sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ con.

Ai từng làm cha làm mẹ cũng đã trải qua những cảm xúc như thế. Do đó, dùng chữ yêu con lúc con mới ra đời và còn bé bỏng thật là chính xác.

Trải qua nhiều năm tháng cái tình “yêu” con đằm thắm lại và chuyển thành “thương.” Nói như thế, chúng ta có thể cho chữ “yêu” tương đương với “in love” và “thương” là “love”.

Lứa tuổi thanh thiếu niên – teenagers – là lứa tuổi “khó yêu” nhưng “đáng yêu” hay cần được yêu nhất! Trong lứa tuổi này, con cái bắt đầu muốn có sự tự lập, tự tách riêng khỏi lệ thuộc cha mẹ để chuẩn bị làm “người lớn” – đây là một tiến trình tự nhiên trong sự phát triển của con người, bất kể chủng tộc, văn hóa và màu da.

Những câu phát biểu ý kiến trái ngược với cha mẹ, những hành vi chống đối hay tỏ ra bất cần đều nằm trong diễn tiến đi từ sự lệ thuộc đến sự tự lập mà xã hội Âu Mỹ cho là tự nhiên. Ngoài sự thay đổi về tâm lý các cô cậu còn bị dao động về các biến chuyển thể lý. Trong giai đoạn này, vai trò cha mẹ chuyển đổi từ trách nhiệm “dạy dỗ” (teaching/nurturing) đến “hướng dẫn” (guiding/facilitating).

Người cha người mẹ phải chấp nhận sự thay đổi từ “tập quyền” – cha mẹ là người nắm quyền quyết định tất cả những vấn đề quan trọng – đến “phân quyền” – cho phép con cái góp ý kiến và cùng quyết định những gì ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc đời chúng.

Đây không phải là chuyện dễ làm, nhất là khi cha mẹ tin là mình khôn ngoan hơn, từng trải hơn, nhiều kinh nghiệm đời hơn, v.v.. như câu tục ngữ “Trứng làm sao khôn hơn vịt”.

Tuy nhiên, cha mẹ có thể hướng dẫn con đi từ sự lê thuộc, nương tựa vào cha mẹ đến sự tương trợ. Lứa tuổi này với những phản kháng và chống đối là lứa tuổi “khó yêu” nhất. Tuy nhiên, đây là lúc cha mẹ cần “yêu” con nhất. Khi con cái biết chắc và tin tưởng vào tình yêu tuyệt đối của cha mẹ và gia đình, chúng sẽ từ từ vượt qua tất cả những khó khăn của lứa tuổi này để thành người. 

Nguyên tắc trên nghe thật đơn sơ nhưng không dễ áp dụng, trừ khi cha mẹ tin tưởng và yêu thương hết mực đối với con cái mình. Trên kệ tủ phòng ngủ và quanh nhà, chúng tôi chưng hình các con lúc chúng còn bé dại. Mỗi lần chúng tôi cảm thấy bực mình, khó chịu vì chúng thì chúng tôi nhìn vào những khuôn mặt bụ bẫm và ngây thơ đáng yêu của chúng và sự khó chịu, bực dọc từ từ tan biến...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét